Trong số các tỉ phú Mỹ, có nhiều người rất đặc biệt. Mà nếu nói về tương đồng trong tính cách và sự táo bạo, cùng các cống hiến cho nhân loại thì có thể nói tới Howard Hughes (1905-1976) và Elon Musk.
Vắn tắt là hai cha này quá giỏi, đẹp trai lộng lẫy, đầu óc thiên tài. Luôn nghĩ ra các ý tưởng khùng điên không giống ai, thậm chí ban đầu bị cho là hoang tưởng, nhưng làm bằng được.
Hughes là con nhà danh giá, tiền xài thoải mái. Nhưng từ nhỏ ông đã thích mày mò nghiên cứu máy móc. Ông tự chế tạo đài phát thanh và thành lập một đài phát thanh khi mới 11 tuổi. Năm 12 tuổi, vì mẹ cấm ông đi xe máy, ông đã tự chế tạo một chiếc bằng cách lắp động cơ vào xe đạp của mình. Ở tuổi 12, ông đã lắp ráp được một chiếc mô tô, 14 tuổi làm ra máy bay nhỏ.
Đời ông có hai niềm đam mê khủng là hàng không vũ trụ và điện ảnh. Vì vậy ông ra đời đầu tư vào cả hai ngành này. Ông từng mua và làm chủ RKO Pictures, một trong năm hãng phim lớn nhất Hollywood và làm ra nhiều phim ăn khách.
Ông cũng thành lập Công ty Máy bay Hughes vào năm 1932, tuyển dụng nhiều kỹ sư, nhà thiết kế và nhà thầu quốc phòng. Ông là phi công giỏi nên đã dành phần còn lại của những năm 1930 và phần lớn những năm 1940 để lập nhiều kỷ lục tốc độ bay của thế giới. Ông từng sống sót sau bốn vụ tai nạn máy bay khi đang lái chúng đi.
Ông cho chế tạo Hughes H-1 Racer (1935) và chiếc H-4 Hercules khổng lồ (Spruce Goose, 1947), chiếc phi thuyền lớn nhất trong lịch sử có sải cánh dài nhất trong số các máy bay từ khi nó được chế tạo cho đến năm 2019. Ông là người đầu tiên cung cấp đường bay xuyên Đại Tây Dương. Ông làm chủ một công ty máy bay lớn cả 1 và cả một hãng hàng không là Trans World Airlines. Sau đó ông còn mua thêm hai hãng hàng không lớn khác tại Mỹ, mà một trong hai chính là tiền thân của Delta Air ngày nay. Chính vì vậy Mỹ bầu chọn ông là một trong 51 anh hùng hàng không thế giới.
Trong những năm cuối đời, Hughes đã mở rộng đế chế tài chính của mình để bao gồm một số doanh nghiệp lớn ở Las Vegas, chẳng hạn như bất động sản, khách sạn, sòng bạc và các phương tiện truyền thông.
Nghề nghiệp của ông là Kỹ sư hàng không vũ trụ, Ông trùm kinh doanh, Nhà sản xuất phim, Nhà đầu tư, Nhà từ thiện, Phi công. Tới nay ông để lại Viện Y khoa Howard Hughes và Howard Hughes Holdings Inc vẫn hoạt động ngon lành, ngoài mấy chục tỉ đô la sau khi ông chết gia tộc anh em ông đã được chia thừa kế.
Elon Musk thì khỏi nói rồi. Ổng làm tỉ phú nhưng nghĩ ra cách làm xe điện Tesla thành công. Kế đó nay ổng muốn làm robot khi nghĩ ra taxi robot chứ không dừng ở chỗ ngồi làm xe điện.
Về hàng không và vũ trụ, Musk cùng công ty Space X của ông tạo ra tên lửa Falcon 9 là một loại tên lửa đẩy hai tầng. Các phiên bản Falcon 9 FT (1.2, Block 4, Block 5) được tối ưu để có thể hạ cánh và tái sử dụng tầng 1 của tên lửa.
Công ty của ông cũng làm ra siêu tên lửa Starship và thu được về tầng đẩy thứ nhất của siêu tên lửa Starship và đưa nó trở lại bệ phóng.
Bằng cách này, lần đầu tiên trên thế giới, Musk và công ty của ổng đã tạo ra các tên lửa đẩy tàu vũ trụ có thể được tái sử dụng nhanh chóng. Nôm na là con tàu vũ trụ nay nó như cái máy bay. Giờ bay xong là hạ cánh, nạp nhiên liệu rồi bay tiếp, chứ không mất tiêu tốn tiền khủng.
Nhưng Musk chưa ngồi yên, cái ổng muốn là đưa con người lên sao Hỏa. Mà việc thực hiện chuyến tàu chở người đầu tiên hạ cánh xuống hành tinh này theo Musk muốn là vào năm 2040. Tức chỉ 15 năm nữa thôi.
Muốn làm vậy cần chi phí 280 tỉ đô la, mà tài sản cá nhân của riêng Musk cỡ 250 tỉ đô la. Nên nếu Musk bỏ hết sạch tiền của ổng vô đây thì còn thiếu 30 tỉ đô. Con số này rất nhiều, nhưng là nhiều với ai không biết, Musk chưa từng biết sợ hãi và lùi bước. Ổng thậm chí muốn chết già trên Sao Hỏa và chôn cất ở đó luôn cho khỏe.
Tham vọng chinh phục sao Hỏa là nền tảng cho phần lớn trong 6 công ty mà ông lãnh đạo hoặc sở hữu, mỗi công ty đều có khả năng đóng góp cho một thuộc địa ngoài Trái Đất. Ví dụ, Boring Company, công ty đào hầm tư nhân của Musk, được sáng lập nhằm chuẩn bị sẵn thiết bị để đào dưới bề mặt sao Hỏa. Musk đang hình dung ra viễn cảnh mỗi cư dân sao Hỏa lái một phiên bản xe Cybertruck do công ty xe điện Tesla sản xuất.
Tóm lại nếu tìm những kẻ điên rồ và có ý tưởng kinh khủng vượt mọi tầm suy nghĩ của người thường, thì có thể tới Mỹ. Bởi văn hóa chung của xứ này cho phép họ thả sức làm theo ý mình, điên khùng hết độ cho sáng tạo và phát triển, miễn không phạm pháp và các quy tắc chung là ok. Đây là lý do khiến các nhân tài đổ xô tới đây và ở đây cũng có chế độ thu hút, cho cạnh tranh và ưu đãi nhân tài tốt bậc nhất thế giới.
Mỹ là quốc gia có nhiều khung tham chiếu cho bất cứ quy trình quy phạm nào, nhưng họ cũng có khung tham chiếu cho ngoại lệ, miễn có ích cho cuộc sống nhân loại.
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU 14.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Hình : Hai tỉ phú « ngoại cỡ » H. Hughes và E. Musk.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.