1. Mấy hôm vừa rồi có một loạt tin tức có thể gây lo lắng, nên hôm nay tôi sẽ tập trung vào làm rõ những vấn đề liên quan.
1.1. Có đúng Ukraine bị Nga pháo kích bằng “vũ khí chính xác” tiêu diệt cả đoàn tàu hỏa hay không?
Tin thứ nhất, một đoàn tàu “chở đầy vũ khí của phương tây bị tiêu diệt ở Zaporizhizhia” (ảnh chụp màn hình thứ nhất) và tin thứ hai một đoàn tàu tương tự bị lật ở Odesa (ảnh chụp màn hình thứ hai).
Có phải là Nga tấn công tiêu diệt được tàu hỏa của Ukraine hay không? Điều đó là hoàn toàn có thể, nhưng cần phải xem xét những tin tức này nó diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào. Gần như đang có một cuộc “chiến tranh đường sắt” toàn diện, nhưng là của Ukraine nhằm vào hệ thống đường sắt Nga. Không những thế, tình cảnh thiếu vòng bi lại đóng góp thêm cho tính nghiêm trọng của tình hình, tàu hỏa Nga còn tự lật chứ không chỉ là bị pháo kích hay phá hoại nữa.
Hệ thống đường sắt là hệ thống thường bị nhằm vào tấn công đầu tiên, và khó bảo vệ. Chẳng hạn hồi đầu chiến tranh Nga đã nhằm vào các trạm điện cung cấp nguồn cho xe lửa của Ukraine, xa tận Zhitomir cũng bị tấn công bằng tên lửa và từ đó đến nay, chúng nhiều lần làm việc đó. Vì vậy mà các chuyến xe lửa chở hàng hóa, vũ khí từ phương Tây sang Ukraine thường phải dừng ở bên kia biên giới của Ukraine với Ba Lan và Romania. Từ đó hàng hóa được dỡ xuống và chuyển về Ukraine, rồi phân phối đến các đơn vị như thế nào chỉ có người Ukraine mới biết.
Nhưng theo như một số người bạn ở Ukraine cho biết – kể cả những người thường xuyên đi lại bằng tàu hỏa (hệ thống tàu hỏa của Ukraine được phục hồi rất tốt, vẫn phục vụ hành khách đi lại thường xuyên) đều nói rằng, khó có thể phát hiện được có hàng hóa quân sự được chuyển từ vùng này đến vùng khác bằng tàu hỏa. Đặc biệt là việc chất các khí tài kiểu như xe tăng, xe bọc thép kiểu Nga vẫn đang làm là không bao giờ có.
Một yếu tố nữa của vấn đề, như tôi đã phân tích, nhu cầu vận tải – hậu cần của hai bên là khác nhau. Từ hậu phương Nga đến phía tây đất nước cả chục nghìn ki-lô-mét qua những vùng khí hậu khắc nghiệt, nên nước này đặc biệt phụ thuộc vào tàu hỏa. Trong khi đó, ngay xét cục bộ trên chiến trường, phía Nga cũng đã phải đảm nhiệm hệ thống tuyến đường vòng cung có bán kính lớn gấp 2 đến 3 lần phía Ukraine.
Do vậy sức ép lên hệ thống hậu cần của Nga rất lớn, chúng buộc phải duy trì hệ thống đường tàu bắc nam với đích phía nam thường là Rostov trên sông Đông, ngoài ra hệ thống đường tàu theo các đường bán kính vào các thành phố phía trong như Luhansk và Donetsk. Từ đó, lực lượng xe tải của Nga mới tham gia vào hoạt động.
Vì vậy, câu chuyện tiêu diệt tàu hỏa của Ukraine giống y như – đúng là sao chép – những cú tấn công và lật tàu của chính chúng trong thời gian gần đây. Người Nga vẫn như vậy – không có trí tưởng tượng và cực kỳ thiếu hài hước trong những trường hợp sáng tác kiểu như thế này.
1.2. Có một tin “thú vị” không kém được báo chí phía đông nước Lào hồ hởi vồ lấy: Nga tập kích một đơn vị Ukraine vượt sông tiêu diệt phần lớn, số còn lại bị đánh bật về bên kia sông.
Tôi chưa kịp tìm thông tin xác minh thì anh phi công Denys Davydov đã xác định hộ tình hình: Quân Nga bắt đầu mất kiểm soát tình hình làng Kozachi Laheri vì trước đó, quân của chúng ở Krynky cũng không thể đẩy lùi được quân Ukraine ở bàn đạp chỗ này, và nay thêm một điểm nữa ở phía tây nam của Kozachi Laheri. Rõ ràng là có một kế hoạch nào đó lớn hơn và bộ chỉ huy Nga ở khu vực không khỏi lo lắng.
Với chúng ta thì việc theo dõi các tin tức của Nga và… suy ngược lại đã thành việc quen thuộc. Trong tin này, chuyện tấn công quân vượt sông thì chắc chắn là như cơm bữa, nhưng mô tả như một thất bại lâu dài thì không giống trên thực tế đang diễn ra. Nó chỉ có thể lạc quan cho Nga khi thông báo cho công chúng biết rằng, tất cả quân Ukraine đã bị tiễn về bên kia sông, chừng nào mà quân Ukraine vẫn còn ở bên này, thì nguy cơ là vẫn còn. Link bản đồ.
1.3. Về vụ Nga dùng Iskander bắn tiêu diệt ít nhất 1 máy bay Su-27 của Ukraine.
Sự việc này đã được Forbes xác nhận, là có 2 máy bay bị tiêu diệt, trên các video công khai cho thấy có ít nhất một chiếc bị bắn tan nát. Bài báo này được viết bởi David Axe tại đây:
Khi nghe tin đó, tôi hơi sửng sốt vì hóa ra… Ukraine vẫn còn Su-27. Cũng chính cái anh David Axe này viết một bài báo khác, khẳng định Không quân Ukraine không còn nhiều loại máy bay này cho lắm, tôi nhớ đã đọc nó từ lâu lâu:
Hóa ra bài báo này từ đầu năm ngoái, nghĩa là trước thời điểm bị Iskander bắn là một năm rưỡi. Theo bài báo này, Su-27 Ukraine có được là thừa hưởng từ Liên Xô, nhưng sau 30 năm số máy bay này còn bay được không nhiều – khoảng 20 chiếc từ số 57 chiếc có thể quan sát được là có thể bay được. Khi tôi hỏi một vài chuyên gia quân sự trong diễn đàn vẫn sinh hoạt, Axe đánh giá là “Ukraine có vẻ như phục hồi được hết số 57 chiếc” là lạc quan quá.
Thực tế, chỉ khoảng 20 chiếc là bay được nhưng khá nguy hiểm, và hơn 30 chiếc còn lại chính xác là chỉ còn khung, đến phụ tùng còn không có. Có nguồn thông tin cho biết rằng, Ukraine có thể đã mua của Kazakhstan một số máy bay loại này nhưng khá cũ để lấy phụ tùng – tuy nhiên thông tin này chưa được xác minh và việc phục hồi từ nguồn phụ tùng này là không an toàn cho lắm.
Đánh giá hiện trạng này, một thành viên diễn đàn là chuyên gia không quân cho rằng, số máy bay trên của Ukraine là không nên được sử dụng, mà nên để dành chúng đến sau chiến tranh. Và nếu có phụ tùng mới từ Sukhoi, hoặc có những nguồn khác có thể chế tạo được tốt, thì mới nên tân trang chúng, với điều kiện phải kiểm tra hết sức kỹ những bộ khung đó còn có thể phục vụ được nữa hay không. Vì vậy, về nguyên tắc thì chúng sẽ được Không quân Ukraine niêm cất.
Do đó chúng ta thấy cho đến nay, Không quân Ukraine chủ yếu sử dụng 3 loại máy bay là Su-24, Su-25 và MiG-29 và càng ngày chúng sẽ càng ít đi. Như vậy, nếu Su-27 của Ukraine còn chiếc nào có thể bay được, thì đó là loại máy bay mạnh nhất của họ cho đến thời điểm này. Bất chấp những ý kiến cho rằng… bay chúng là không an toàn, nếu chỉ so sánh thuần túy cơ học giữa các chỉ số, nó phải hơn MiG-29 do Liên Xô sản xuất. Tạm thời tôi không nói đến những chiếc MiG-29 được Ba Lan nâng cấp và đã chuyển giao cho Ukraine – đến thời điểm giữa năm 2023 các nguồn tin công khai cho biết rằng có 10 đến 14 chiếc loại này đã được chuyển, chúng có hơn gì những chiếc Su-27 cũ kỹ kia của Ukraine không.
Tin Su-27 bị tấn công tiêu diệt trên sân bay có thể nói, 99 % là tin thật, nhưng chúng ta không có căn cứ để phỏng đoán rằng chúng thuộc diện nào, loại tốt nhất có thể chiến đấu ngon – như vậy đây sẽ là tổn thất đáng kể cho người Ukraine hoặc những chiếc thuộc diện bay là nguy hiểm cần được đưa vào xưởng để nâng cấp.
Tổn thất là tổn thất. Một căn cứ không quân từ thời Liên Xô, đương nhiên không thể không có trong cơ sở dữ liệu của Nga, mà lại bất cẩn đỗ máy bay lộ thiên thì đúng là quá đáng trách. Ngày hôm nay, thông tấn xã UNIAN của Ukraine đưa tin: “Россия во второй раз атаковала аэродром Миргород” (Nga tấn công sân bay Mirgorod lần thứ hai) và phá hủy một chiếc Mil-24, nhưng nội dung tiếp theo của nó mới là quan trọng: “Forbes оценил последствия” – Forbes đánh giá hậu quả. Vậy đánh giá đó là gì? Forbes khẳng định, đây là thảm họa phòng không của Ukraine. Bài báo viết:
Bình luận : Rõ ràng điều gì đang xảy ra. Sự thiếu hụt phòng không đã khiến các căn cứ không quân của Ukraine bị tấn công bởi máy bay không người lái và tên lửa của Nga. Các cuộc tấn công của Nga vào các căn cứ của Ukraine đã được tăng cường đều đặn kể từ mùa thu năm ngoái. 29 máy bay chiến đấu, một máy bay tấn công Su-25 và có thể cả Mi-24.
Như vậy bài báo viết đúng: Đây là những tổn thất rất nặng nề đối với Không quân Ukraine và các lữ đoàn không quân của họ nói riêng. Ukraine chỉ có vài chục chiếc MiG và không có nguồn phụ tùng thay thế rõ ràng. Theo Forbes, quân đội Ukraine có khoảng 50 chiếc Mi-24, nhưng việc mua thêm máy bay và cả phụ tùng cho chúng cũng sẽ rất khó khăn.
Chúng ta sẽ không cãi nhau với Bộ Quốc phòng Nga về con số. Theo cái bọn này thì cú bắn của Iskander đã phá hủy 5 cái máy bay (tốt) và 2 cái đang sửa chữa (giỏi vậy, biết đang sửa chữa, chắc hẳn lính thợ Ukraine để đầy cờ-lê, mỏ lết xung quanh chúng, hoặc tháo cả cánh máy bay ra thì vừa). Nhưng thêm bài báo của UNIAN này, lại còn ý kiến của NV với nghị sĩ Ukraine Roman Kostenko, chúng ta bắt đầu hình dung ra được vấn đề.
Ông này nói: “họ có hàng trăm giàn Patriot, chỉ cần chuyển chúng sang nước chúng ta để chúng chiến đấu, thì bảo vệ luôn được cả nước của họ.” UNIAN thì dẫn Forbes khẳng định rằng, Ukraine vẫn đang rất yếu kém về năng lực phòng không. Điều này không phải do chất lượng khí tài, mà do thiếu về số lượng.
Điều kỳ lạ là ở chỗ, hôm trước thì Su-27 bị tiêu diệt, hôm sau thì Mil-24 – thú vị chưa? Quý vị có thấy người Ukraine – vốn vẫn là quân đội nhà nghèo cho đến thời điểm này, mà thiếu coi trọng những vũ khí – khí tài của họ đến như vậy? Đến bắn tàu hỏa chở hàng của họ còn khó kia mà?
Rất có khả năng là, đây là sự giục giã: thêm các hệ thống phòng không và F-16 phải khẩn trương được phép xuất trận.
Bài phỏng vấn nghị sĩ Ukraine Roman Kostenko tại đây.
1.4. Thêm một câu chuyện nữa để bồi cho vụ “Iskander bắn Su-27”
- Nga có ý đồ gì khi tăng cường tấn công các sân bay của Ukraine?
- Vì sao Nga tung đòn phủ đầu, tấn công dồn dập sân bay Ukraine?
Chỉ là hai bài báo của báo chí xứ phía đông nước Lào húng hoắng về chuyện Nga tấn công các sân bay của Ukraine. Gần như tất cả các sân bay mà bọn Nga này nắm được từ thời Liên Xô, và cả những sân bay nếu có được xây dựng mới gần đây mà chúng trinh sát được, bị tấn công hết. Chuyện này không chỉ báo chí, mà còn các kênh của bọn Dư luận viên “shit Putox thơm” cũng tung hô, rằng từ bây giờ Ukraine hết sạch sân bay, F-16 có về thì cũng chẳng có chỗ mà đậu.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao đã bị tấn công như thế, mà chỉ mới tuần trước, mà tuần này phi công và cả thợ máy Ukraine lôi 5 cái máy bay tốt, 2 cái đang được sửa ra sân bay có trong cơ sở dữ liệu của Nga để… triển lãm? Kỳ lạ chưa?
Tôi phải lấy làm tiếc mà nói với các cháu dư luận viên cũng như các cháu lều báo xứ phía Đông nước Lào rằng, từ đầu chiến tranh đến nay, không quân Ukraine không sử dụng sân bay để xuất kích đi chiến đấu và quay về căn cứ. Đây là 2 tấm ảnh được tôi ghép làm một, nó được chụp từ hai phía của một đường xa lộ, nơi các máy bay của Ukraine sử dụng để làm đường cất hạ cánh. Hệ thống giao thông của Ukraine được cho là có rất nhiều đường đạt tiêu chuẩn để làm việc này. Xin quý vị để ý, một bên có hàng rào hộ lan, và ảnh kia có các đường kẻ phân làn đường.
Kết luận. Tôi sẽ không khẳng định ở đây có chuyện gì về mặt bản chất, và cũng không tiết lộ những nhận xét của các thành viên diễn đàn tôi quen, họ đều có chung ý kiến về một kế hoạch lớn hơn của người Ukraine, nhưng vì đây không phải là những thông tin chính thức nên tôi cũng sẽ không công bố. Tuy vậy, những bạn đọc của tôi đều là những người có tri thức và quan trọng hơn cả là khả năng tư duy cởi mở, sáng suốt, nên…
… Xin nhường cho quý vị ngẫm nghĩ và chúng ta cùng rút ra kết luận.
2. Vậy trong những ngày qua có gì đáng chú ý khác nữa?
Nga vẫn tấn công mạnh ở hướng Pokrovsk. Điều này ông Roman Kostenko cũng khẳng định, và tình hình này đang diễn ra trong tương quan là mỗi ngày Nga vẫn đóng góp 1.100, 1/200 “kiện hàng 200”. Đáng kể hơn là mấy chục cỗ pháo và như ngày hôm kia, gần 70 cái xe tải.
Xe tải chạy nhiều có thể do chiến dịch tấn công đã mở màn. Nhưng cũng có thể là do hệ thống hậu cần của chúng có nhiều biến động mà theo chiều hướng xấu: các kho trong tầm ATACMS bị bắn phá nhiều, dẫn đến xe tải phải chạy xa hơn và nhiều hơn, và bị bộc lộ cũng nhiều hơn.
“Tại sao Nga lại cứ cố phải tấn công như vậy?” – đó là một câu hỏi bác NTT đặt ra cho tôi. Mời quý vị xem bản đồ tôi đính kèm, nguồn Deep State. Theo bản đồ này, nó thể hiện rất rõ lời của ông Roman Kostenko nói trong bài: Nga đang cố gắng tổ chức tấn công theo hai mũi chính để tạo nên một vòng cung, bao vây quân Ukraine vào trong – như tôi vẽ trên bản đồ. Hành động như vậy, bộ chỉ huy Nga tỏ ra là đúng theo lý thuyết của quân đội Xô-viết trước đây: tổ chức những chiến dịch hợp vây.
Như vậy là những người hâm mộ quân đội Xô-viết và Nga đã bắt đầu có le lói hy vọng, rằng cái quân đội “thứ hai thế giới” này đã không lao vào những trận đánh “công thành” nữa, mà đã tỏ ra có chiến lược hơn. Trước đây quân đội Xô-viết không cố đánh chiếm thành phố, mà nếu cần đi vòng qua nó và nếu nhận thấy đối phương bố phòng một lực lượng lớn nào đó trong một “chỗ lồi” thì có thể tổ chức chiến dịch tấn công hợp vây.
Trong trường hợp một vòng cung có đường kính 40 ki-lô-mét như hiện nay, lực lượng Ukraine ở trong vòng cung đó có thể lên tới nhiều đơn vị, nhiều nghìn quân – nếu như tôi không nhầm đã có tờ báo xứ phía Đông nước Lào tung tin có 100.000 quân của Ukraine sẽ bị nhốt ở đâu đó. Nếu bao vây và tiêu diệt được nhóm quân lớn cỡ như thế này thì kết cục của chiến tranh có thể sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, làm thế nào để hai mũi của gọng kìm đi đến được với nhau khi chúng cách nhau 40 ki-lô-mét thì chưa ai biết. Đến 400 mét quân Nga tiến được còn khó nữa là 4 ki-lô-mét, đây là 40 ki-lô-mét. Không xe tăng, không pháo binh, không có cả xe tải. Những chiếc BTR-70 APC cuối cùng (bọn mạng phản động bảo Nga còn có 300 chiếc) đã được đem ra dùng nốt – cái thứ được mệnh danh là “những cái bẫy chết người.”
Lúc này là thời gian có thể nói rằng, nguồn lực của Nga không đủ để tổ chức những đợt tấn công lớn và mạnh, nhưng như chúng ta đã nói với nhau, cái bọn này khổ ở chỗ cứ phải tấn công, để sĩ quan có chất liệu báo cáo lên trên, bộ trưởng báo cáo Tổng thống… và tất cả cùng bơm chất liệu cho báo chí truyền thông để… thắng bằng mồm.
Tất nhiên, với cách tiếp cận này, Nga vẫn tiến được, nên báo chí xứ phía đông nước Lào thỉnh thoảng vẫn giật lên đùng đùng: Bộ Quốc phòng Nga công bố chiếm được thêm một làng, hai làng (he he, quân đội thứ nhì thế giới!). Tôi nói với bác NTT: là do cách tiếp cận chiến tranh của hai bên là khác nhau, một bọn thì chỉ mong chiếm được đất, để còn báo cáo.
Bên kia, chỉ chống đỡ đồng thời đánh tiêu hao, nhưng tàn phá sức mạnh của bộ máy chiến tranh của đối phương một cách bài bản và hệ thống. Họ đạt được một kết quả là đến nay, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng bọn chiếm đất bị tiêu hao đến mức có tổ chức chiến dịch (“chiến dịch chết chóc mùa hè”) đi chăng nữa, thì cũng chẳng đi đến đâu được cả.
Cảng Novorossiysk, hạm đội Biển Đen mèo ướt của Nga lại bị tấn công. Cầu Kerch lại đóng. Các sự kiện lớn vẫn còn ở phía trước. Và xu thế chung của chiến tranh thì vẫn đi về phía không thể phục hồi được, Nga ngày càng yếu đi.
Bắt đầu có nhiều bài báo nói ra nói vào về phát biểu của ông Zelenskyy: chiến tranh cần kết thúc sớm, rồi đàm phán hòa bình… Tất nhiên nếu Ukraine không đầu hàng như Nga mong muốn, có nghĩa là đàm phán hòa bình sẽ trên cơ sở những kết quả người Ukraine đạt được. Còn chiến tranh sẽ kết thúc với đàm phán hòa bình thì chúng ta đã nói với nhau rồi.
PHÚC LAI 03.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.