dimanche 11 décembre 2022

Dạ Ngân - Thương sách

 

Thập niên tám mươi của thế kỷ trước, mỗi đầu sách ra đời, ấn bản hàng vạn. Hồi ấy các nhà văn tỉnh bơ, mừng bản thân cuốn sách ấy chứ không mừng số lượng.

Dân nghèo thê thảm, nghịch lý thay, mỗi đầu sách là số lượng trong mơ vậy đó. Nước Mỹ thiên đường có lẽ cũng in chừng ấy với những cuốn sách vừa vừa.

Vì sao? Không ai nghĩ sách rơi vào hư vô. Không. Đường đi của mỗi cuốn sách rõ ràng nhờ hệ thống thư viện. Thư viện như mao mạch, tỉnh, huyện và các cơ quan văn hóa, cùng với người đọc ở hai nơi đông người đọc nhất là môi trường của ngành giáo dục và quân đội. Hàng vạn bản sách ra, nói theo ngày nay là “trong vòng một nốt nhạc!”

Đừng nghĩ thời bao cấp đói rạc, không ngốn sách thì ngốn gì? Có thể. Nhưng ngốn sách vẫn hơn. Mọi thầy cô đều mê sách. Mọi quân nhân đều trong kỷ luật phải đọc sách. Mọi cô cậu thiếu niên đều dán mắt vào sách khi có dịp. Mọi thư viện đều săn sách, đều sáng đèn vào cả ban đêm và ngày chủ nhật. Tôi là con mọt sách của thư viện tỉnh Cần Thơ những năm hai con hai nách, tôi hiểu nhu cầu của những người cầu tiến và thư viện là nơi đáng yêu nhất, xin dám nói như thế.

Kinh tế thị trường có từ khi nào. Đừng nói là từ khi Mỹ bỏ cấm vận 1995 nha. Đến nay vẫn là thị trường định hướng đó thôi. Vậy từ 1980 đến năm 2000 thì bao nhiêu năm? Hai mươi năm hé cửa đất nước, mới he hé nhưng số phận những đầu sách sáng tác của các nhà văn Việt nói chung đã rớt giá thê thảm, nhìn vào số lượng bản in. Ai oai lắm, in được 5.000, không oai, vài ba ngàn. Vậy hệ thống thư viện thành lỗi thời, thành vô tích sự cả ư? Vâng, hình như nó bị bóp nghẹt ở chính trong trường học và rồi ở chính thư viện tỉnh mà tôi từng say mê mô hình không ngày nghỉ ấy.

Nhất định phải có thời điểm bản lề để kết tội cái “gã thời gian” ấy. Thu nhập đầu người lên, đời sống thầy cô, đời sống trí thức có cải thiện, nhưng họ không đọc sách nữa ư? Chúng tôi đến một số trường trung học nói chuyện gọi là giao lưu, hỏi các thầy cô, họ ngơ ngác, không đọc nên không biết. Thật tình muốn bắt bệnh không đọc sách, bệnh bỗng dưng không đọc sách ấy nhưng không thể chạm vào “cơ thể” của bệnh nhân mà bắt mạch. Lảng tránh, không “khai báo” nguyên do, hoặc chính người bệnh cũng không biết vì sao nên nỗi.

Nay sách bạt ngàn. Sách hóc mấy miễn là có tiếng ở nước ngoài đều được cánh bán sách thạo mùi, tổ chức dịch và xuất bản “nhanh trong vòng một nốt nhạc”. Mạc Ngôn ư, ngăn riêng của ông ấy ở Việt Nam nhìn hoa cả mắt. Diêm Liên Khoa ư, bên Trung Quốc vừa in vừa cấm kia mà, Việt Nam lách được, bán được. Sách không hóc mà có mọi cỡ giải, có mọi dư luận ở các nước giàu, đều được thu xếp bản quyền để dịch và in.

Có một nhà văn Việt đầu bảng cho loại sách mỗi năm hạ sinh đều đều, mỗi cuốn in hàng trăm ngàn bản. Thiên đường tiêu thụ với cả những nhà văn nức tiếng của các nước cực giàu.  Nguyễn Ngọc Tư có giảm hot, thì mỗi lần sách mới, in cũng 5.000 bản, Hồ Anh Thái ở vị trí thứ ba, vẫn cứ là trong mơ với hàng ngàn hội viên. Các hội viên “ngoài luồng” tự bơi, không ít người tự in và tự bán. Họ bảo cũng vui, in 1.000 hoặc 500 bản mà bảo cũng vui thì đích thị AQ.

Người Việt không đọc sách, thế giới đã có tổng kết thay cho chúng ta. Bình quân mỗi người 0,7 cuốn/năm, coi như không đọc, nói vậy không oan. Không đưa ra những con số khác của Israel, của Mỹ, của Đức, hoặc của các nước khá giả trong khối ASEAN để so sánh, so sánh chi thấy chạnh lòng, thấy tủi, thậm chí thấy nhục cho nhà văn ở quốc gia vẫn tự xưng là có truyền thống hiếu học. Nhìn và quan sát và hỏi giới thầy cô… cũng đủ biết có đọc hay không có đọc. Vậy mà sách vẫn kìn kìn ở các cửa hàng, ở khắp hệ thống bán lẻ, ở Đường Sách của Sài Gòn. Sách dịch, văn học dịch, đương nhiên.

Tôi vẫn nhận bao nhiêu là sách biếu của bạn bè thân thiết hoặc thân sơ. Nhìn số ấn bản, phải đau lòng, phải lắc đầu, công ty mạnh in cho 2.000 bản, thấy in 500 cầm chắc là tác giả bỏ tiền hoặc nhịn khoản nhuận bút. In cho có sách, dường như một thứ nghiện, để làm quà hay để làm oai? Để làm gì thì cũng thấy bèo và bọt.

Tôi suy ra tôi, sách cần phải đọc, mua bằng được về, mỗi tháng 1 cuốn, vậy mỗi năm tôi cũng chỉ đọc hơn 10 cuốn thôi. Nhưng tôi phải mua vét sách của mình, mua hoài, Gia Đình Bé Mọn in 10 năm trước chưa tái bản, nhờ em cháu quen vét kho được mươi cuốn, quý như vàng, để dành khi bạn bè xin hoặc cho các đối tượng đang nghiên cứu sáng tác của mình. Người Yêu Dấu, tôi đã mua đến cuốn thứ 100 để chỉ tặng bạn bè, (tặng mà không biết họ có đọc không), thử hỏi tiền nhuận bút có đủ mua sách hay là, nói gì chuyện sống bằng sách.

Thôi, tôi ngưng ở đây, để thở dài cái đã.

DẠ NGÂN 07.12.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.