“Tôi mới sinh con gái cách đây năm tháng.
Nếu đàn ông mà biết việc tạo ra sự sống khó khăn và đẹp đẽ nhường nào, họ sẽ chẳng bao giờ gây chiến tranh.”
Đấy là Inna Shevchenko viết trên tờ Spiegel.
Inna đang sống ở Pháp giữa lúc đất nước Ukraine của cô chìm vào chiến tranh.
Thành phố Kherson quê nhà, nơi người thân của cô còn ở đấy, bị bom đạn oanh tạc nhiều ngày qua và rất nhanh sau đó đã rơi vào tay quân Nga. “Tôi phải thường xuyên gọi về nhà để xem họ có an toàn không,” cô kể.
Inna là một thành viên của Femen, phong trào nữ quyền nổi tiếng Ukraine.
Hồi trước mình từng phỏng vấn hai nhà sáng lập Femen, Anna Hutsol và Alexandra Shevchenko (không bà con gì với Inna) rồi biên bài "Ngực trần phẫn nộ".
Nàng Alexandra Shevchenko giải thích: “Chúng tôi sử dụng các biện pháp giới tính để bảo vệ nữ quyền, chống độc tài và đặc biệt là chống bóc lột tình dục. Những cô gái Femen, với ngực nóng, đầu lạnh và bàn tay sạch, quyết đấu tranh để giải phóng phụ nữ sau hàng thế kỷ chịu cảnh nô lệ. Cơ thể chúng tôi hấp dẫn bạn, và hành động của chúng tôi khích lệ bạn cùng đứng lên.”
Nhưng không chỉ nữ quyền.
Femen đấu tranh vì quyền con người.
Dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, khi mà cảnh sát với nòng cốt là lực lượng đặc nhiệm Berkut luôn sẵn sàng nghiền nát bất đồng, người ta thấy Femen trở nên giận dữ hơn bao giờ hết. Đánh dấu 100 ngày cầm quyền của Yanukovych, các nhà hoạt động Femen đã diễn cảnh cảnh sát đánh đập nhà báo giữa Quảng trường Độc Lập. Những màn tố cáo công khai này chọc giận chính quyền.
Femen vì thế bị trấn áp thẳng tay. Một dạo văn phòng ở Kyiv của họ bị phát hiện có tàng trữ súng, mà phía Femen sau đó tố ngược lại là do cảnh sát ngụy tạo để có cớ buộc tội.
Sau vụ này thì chị em Femen tứ tán, nhiều người phải chạy ra nước ngoài.
Riêng Inna lưu lạc sang tận Pháp gầy dựng chi bộ mới. Vừa rồi có mấy bà mấy chị cởi áo hô khẩu hiệu chống giặc Nga Putin xâm lược dưới chân tháp Eiffel chính là thành viên của chi bộ này.
Nguyên nhân buộc Inna phải sống lưu vong ở Pháp gợi cho ta chút ít về việc tại sao người Ukraine đã không ngừng đứng lên hết lần này đến lần khác.
Trong câu chuyện Ukraine, yếu tố thân Nga - thân châu Âu thường được truyền thông tô đậm và khi tới đại chúng thì nó trở thành một hình dung hết sức giản đơn: có hai đám - một đám theo Nga, đám còn lại thân phương Tây, đánh nhau trong lòng Ukraine; một chính phủ ăn hại không biết nghệ thuật đi dây (hãy học Việt Nam, các nhà thông thái ra lệnh).
Câu chuyện giản đơn chỉ có trắng và đen ấy lan tỏa mạnh vì nó hợp khẩu vị số đông. Và nó ngày càng được lan truyền bởi nó có lợi cho một số phía.
Nhưng cuộc đời vốn dĩ không đơn giản là đen và trắng.
Cuộc chiến tranh hiện tại do Nga phát động là một nỗ lực để đưa Ukraine, một quốc gia có chủ quyền, trở lại quỹ đạo của Moscow. Nó là câu trả lời của Putin dành cho quyết tâm độc lập, tự do của người Ukraine.
Cuối 2013 đầu 2014, làn sóng phản kháng nổ ra sau khi Yanukovych giữa chừng quay xe xa lánh châu Âu và ngả về phía Nga. Đấy là điểm bùng phát của một cơn xung đột, mà mầm mống của nó đã âm ỉ lâu nay, chỉ chờ ngày bung ra.
“Ukraine là một phần của châu Âu!”
Những người biểu tình đưa ra tuyên ngôn ngay từ ngày đầu tập hợp trên Quảng trường Độc Lập vào cuối năm 2013, trong làn sóng mà rồi đây được biết đến là Euromaidan.
Tuyên ngôn "Chúng tôi là châu Âu" thường được diễn dịch thành gia nhập EU và NATO. Sự tầm thường hóa này thoạt tiên là luận điệu có chủ đích của các guồng máy tuyên truyền. Về sau nó được truyền thông và đại chúng (với đa phần là những nhà thông kim bác cổ) khuếch đại, thành ra tạo nên một cách hiểu phổ quát nhưng sai bản chất.
"Châu Âu" ở đây, trong tâm thức người Ukraine, đại diện cho những giá trị của văn minh, của một tương lai tươi sáng. Như một cô gái rất trẻ và rất đẹp nói rằng: “Chúng tôi đứng đây để chứng tỏ Ukraine là một quốc gia châu Âu, để đảo ngược chế độ chính trị hiện tại. Chúng tôi mơ ước có một tương lai tốt đẹp hơn.” (*)
Nhìn lại hiện trạng các quốc gia cựu thành viên Liên Xô ta bèn thấy hai hình ảnh đối lập. Số thoát ly sớm khỏi quỹ đạo của Nga, gồm Lithuania, Latvia và Estonia, phát triển nhanh và, xét trên nhiều phương diện, đã trở thành những “nước châu Âu” thực thụ. Các nước còn lại, bao gồm Ukraine vốn từng được coi là chỉ đứng sau Nga trong khối Liên Xô, hoặc dân chủ nửa vời, hoặc độc tài triền miên, hầu hết đều nghèo và ngày càng phụ thuộc Nga. Nói tóm lại, số này vẫn chưa thoát ra khỏi bãi lầy của quá khứ.
Từ bức tranh tương phản sắc nét ấy, “châu Âu” hiện lên trong tâm thức người trẻ Ukraine như là đại diện của những giá trị dân chủ - độc lập – tự do, mà họ đang theo đuổi và nỗ lực đạt tới.
Họ không muốn nước mình cũng có một Alexander Lukashenko, cầm quyền từ lúc họ sinh ra cho tới khi họ trưởng thành vẫn chưa có dấu hiệu thoái vị.
Họ không muốn ngay cả việc thực hành quyền tự quyết bên trong đất nước thì cũng cần hỏi ý kiến Putin.
Những người Ukraine xuống đường trong Cách mạng Cam của thập niên 2000, và của Euromaidan của thập niên vừa qua đa phần là những người trẻ tuổi, chào đời vào thời hoàng hôn của Xô Viết. Nhiều người trong số họ sinh ra từ thập niên 1990, khi Ukraine bắt đầu kỷ nguyên độc lập. Họ tiếp nối những con người đã từng vùng vẫy để thoát ra khỏi thời kỳ Liên Xô, với ý chí mạnh mẽ hơn, và với những đòi hỏi táo bạo hơn, bởi họ hầu như không bị câu thúc bởi các ràng buộc và trật tự cũ.
Đây là lý giải của Anna Kovalenko, nhà báo, nhà hoạt động, sau Euromaidan 2014 (*): “Chúng tôi sinh ra vào thập niên 90. Chúng tôi sinh ra trong một đất nước Ukraine độc lập. Chúng tôi biết biên giới của đất nước mình. Chúng tôi hiểu được ý nghĩa của từ yêu nước.”
Để bảo vệ tư cách độc lập ấy, để khẳng định danh tính châu Âu, họ đã đứng lên, bất chấp áp bức, chấp nhận đổ máu.
Một cô gái trẻ khác, đứng trong khuôn viên Tòa thánh mái vòm vàng Michel ở Kyiv, sau khi chứng kiến cảnh sát đặc nhiệm Berkut nghiền nát các cuộc biểu tình, đã đanh thép (*): “Chúng tôi sợ. Nhưng nếu không muốn ngày mai cũng sợ thì chúng tôi phải bước ra để bảo vệ vị thế của mình ngay ngày hôm nay.”
Xung đột ở Ukraine là cuộc đấu tranh giữa tự do và kìm kẹp. Nó lớn hơn nhiều câu chuyện mang tính khuôn mẫu về một chính phủ thân Nga hay thân phương Tây, nó phải trả lời cho câu hỏi lớn hơn câu hỏi nên ngả về Nga hay phương Tây (hay đu dây ở giữa?!).
Những người Việt thông thái lên giọng dạy cho người Ukraine rằng hãy đi dây, đu đưa giữa Nga và phương Tây để được êm ấm. Chân lý đơn giản vậy mà không hiểu ra!
Nhưng khuyên như vậy là đã bỏ qua phần quan trọng nhất: lý do khiến người Ukraine đứng lên.
Họ đứng lên không chỉ vì muốn “thoát Nga”. Họ đứng lên để tìm kiếm giá trị cho mình. Nếu thần phục Nga, hoặc nửa này nửa kia, họ sẽ là một Belarus, một Kazakhstan, hay một Uzbekistan gì đấy.
Quá khứ Liên Xô, với Holodomor, với Chornobyl, là nơi mà người Urkaine không thể quay lại. Làm vệ tinh của Nga không phải là trở lại Liên Xô, nhưng chuyên quyền và nô dịch đâu chỉ là một tên gọi.
So với các nước vệ tinh khác của Nga, người Ukraine ở gần châu Âu hơn, hay chính họ là châu Âu, để có thể chấp nhận một nền dân chủ nửa vời, hay một nền độc tài dưới vỏ bọc dân chủ.
Những người trẻ đã đứng lên ấy không thể vừa thần phục chuyên quyền, làm bạn với ác quỷ, vừa hài hước nghĩ rằng mình vẫn giữ được tự do và phẩm giá.
“Đây là một thế hệ tuyệt vời lớn lên trong suốt thời kỳ độc lập. Họ lớn lên là những người tự do. Không ai có thể khiến một người tự do phải quỳ gối.” (*)
Bác sĩ Valerii Valevskiy đã có một đúc kết chính xác về lý do người Ukraine đứng lên.
Bởi lý do đó, đạn bom của Putin chỉ có thể làm chậm lại đôi chút một tiến trình, chứ không bao giờ đảo ngược được.
ĐỖ HÙNG 10.03.2022
(*) Các chi tiết này lấy từ phim tài liệu Mùa đông cháy (Winter on Fire: Ukraine's Fight for Freedom). Có trên Netflix, ai quan tâm thì xem.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.