jeudi 17 mars 2022

Chiến tranh Ukraina : Bị đe dọa trục xuất, Nga rời khỏi Hội Đồng Toàn Châu Âu


Đăng ngày:

Cuộc ly dị giữa Nga và châu Âu đã được tiến hành, một vụ thuận tình ly hôn lần đầu tiên trong lịch sử của Hội Đồng Toàn Châu Âu được thành lập năm 1949. Từ Strasbourg, thông tín viên Angelique Ferat gởi về bài tường trình :

« Đã diễn ra hai ngày tranh luận đầy cảm xúc, chẳng hạn khi hai trẻ em Ukraina đến để kể lại các em đã phải ra đi như thế nào. Đặc biệt là hai ngày bàn luận với sự nhất trí hiếm hoi trong hội đồng, các đại biểu đều nói cùng một tiếng nói.

Nga phải bị trục xuất khỏi Hội Đồng Toàn Châu Âu, vì đã tấn công một quốc gia thành viên. Ukraina không chỉ chiến đấu để tồn tại mà còn để bảo vệ nền dân chủ và các giá trị châu Âu – ý kiến này được lặp lại rất nhiều lần. Ngay cả Thụy Sĩ cũng cho rằng Nga không còn tính chính danh để hiện diện trong tổ chức liên chính phủ này. 

Nhiều đại biểu nhấn mạnh rằng đã từ lâu Nga không hòa điệu với châu Âu. « Cần phải trừng phạt nhiều hơn, viện trợ quân sự nhiều hơn và đoàn kết hơn nữa » - một nghị sĩ Ba Lan kết luận. Và Hội đồng Nghị viện của Hội Đồng Toàn Châu Âu đã đi theo hướng này, nhất trí đòi hỏi Nga phải rời khỏi tổ chức.

Quyết định trên sẽ được Ủy ban Bộ trưởng của Hội Đồng Toàn Châu Âu chính thức hóa vào thứ Năm tới. Sự kiện hiếm hoi là Hội đồng Nghị viện kêu gọi tất cả quốc gia thành viên hỗ trợ Ukraina tăng cường bảo vệ lãnh thổ. Nói cách khác, là kêu gọi các Nhà nước chuyển giao vũ khí cho Ukraina ».

Tòa án Công lý Quốc tế sẽ ra phán quyết về việc Nga xâm lăng Ukraina

Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) trong phiên xử vào lúc 16 giờ hôm nay 16/03/2022 ở La Haye sẽ có quyết định về đơn kiện khẩn cấp của Ukraina, được đệ trình vài ngày sau khi bị Nga đưa quân xâm lược hôm 24/02. Theo Kiev, lý do mà Matxcơva đưa ra để động binh là bất hợp pháp : vu khống cho Ukraina « diệt chủng » người nói tiếng Nga tại vùng Donetsk và Louhansk. Ukraina yêu cầu CIJ, tòa án của Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1946 để giải quyết tranh chấp giữa các Nhà nước, khẩn cấp ra lệnh cho Nga « ngưng ngay lập tức các hoạt động quân sự ».

Nga từ chối ra tòa, nhưng gởi văn bản bác bỏ thẩm quyền của CIJ trong vụ này vì : lý do Ukraina nêu ra không nằm trong phạm vi áp dụng Công ước về diệt chủng năm 1948, Matxcơva không đủ thời gian chuẩn bị, và việc xâm lăng Ukraina là « tự vệ chính đáng ».

Ukraina và Nga đều là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về nạn diệt chủng, và Kiev cáo buộc Matxcơva vi phạm Công ước này. Các phán quyết của CIJ mang tính bắt buộc và là chung thẩm, tuy nhiên Tòa án không có phương tiện để buộc thi hành.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.