Nửa triệu (500.000) dân hay hơn? Tôi nghĩ hơn, có thể lên đến 600.000 dân, hay cả triệu dân? Trong số họ những ai sẽ trở lại, là câu hỏi thiệt khó. Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam “mất” chừng ấy dân, thì sẽ như thế nào?
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có hai đợt biến động dân cư cực lớn. Đợt 1 (đầu dịch), người dân bỏ về quê, chủ yếu là dân các tỉnh Tây Nguyên, Nam - Bắc Trung bộ, một số tỉnh phía Bắc, có cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ước tỉnh mỗi tỉnh đón hơn 20.000 dân, tính tổng cộng có khoảng 300.000 dân về quê.
Đợt biến động dân cư lần thứ 2 khiến chính quyền nhiều địa phương bất ngờ nhất, vì đa số các tỉnh thành phố như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam đã bắt đầu, hoặc đang chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại. Đợt di-biến-động dân cư lần này chủ yếu là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung và đặc biệt các tỉnh phía Bắc.
Chỉ tính riêng An Giang, đến hết ngay 6-10 đã đón hơn 39.000 dân trở về quê. Nếu mỗi tỉnh đón khoảng 2 vạn dân về quê, đợt biến động dân cư lần này có khoảng hơn 300.000 dân “bỏ phố” về quê.
Lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi nhận hai đợt biến động dân cư lớn nhất trong lịch sử, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế “hậu đại dịch” và nhiều hệ quả khác.
Các nhà hoạch định chánh sách, lãnh đạo các cấp cần có phân tích cụ thể nguyên nhân sự biến động lần này, ngoài yếu tố dịch Covid-19.
Nhưng điều dễ thấy nhất qua đợt dịch lần này cho thấy đời sống của đa số công nhân vẫn còn thấp, thậm chí rất thấp. Họ không có tích lũy, nhiều khu trọ, chỗ ở cho công nhân còn rất tạm bợ, dễ phát sinh dịch bệnh và nhiều phúc lợi khác cần được cải thiện, kể cả nhiều vấn đề cần phải đưa vào luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Xin mời các quan chức tham quan các dãy nhà trọ công nhân trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A thôi thì rõ. Với những khu nhà có diện tích rất chật hẹp, không đảm bảo an sinh, công nhân làm sao sống nổi, họ di-biến-động là tất yếu.
GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XV nhận định, nhìn dòng người từ thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp phải hồi hương về miền Tây, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung ai cũng thấy đau xót. “Đây là sự lựa chọn bất đắc dĩ của người lao động, vì dịch bệnh đã quá sức chịu đựng của họ. Họ rơi vào tình huống bất khả kháng”.
GS Hoàng Văn Cường cho rằng người dân cố cầm cự, ở lại TPHCM cũng khổ, bước vào hành trình về quê cũng khổ, và họ quyết định “quy cố hương. "Hiện tượng di dân do dịch cho thấy mặt trái của mô hình phát triển kinh tế mà chúng ta đang duy trì là phụ thuộc FDI và thâm dụng lao động giá rẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội… Vấn đề người di cư từ TPHCM do dịch cho thấy quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam rất thiếu đồng bộ”.
Nhận xét này rất đáng suy nghĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có nhận xét rất đúng thực tế là sau đại dịch này, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là cải tạo những khu dân cư nghèo nàn. Lo nhà ở cho công nhân thuê, lo đời sống cho công nhân.
Đây là vấn đề chăm lo cho con người, chăm lo cho nguồn nhân lực lâu dài, để phát triển bền vững, cả vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Cứ chạy theo những con số tăng trưởng hào nhoáng, để quên quyền lợi của dân.
LƯUNHI DŨ 07.10.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.