lundi 6 septembre 2021

Nguyễn Hồng Vũ - Nên trộn vaccin Covid-19 như thế nào?

 

Đây là một câu hỏi khó!

Sau gần hơn một năm kể từ vaccin COVID-19 đầu tiên trên thế giới của hãng Pfizer/BioNTech được cấp phép sử dụng khẩn cấp bởi FDA ở Mỹ (cuối năm 2020), thì hiện nay đã có rất nhiều vaccin của các hãng, các quốc gia khác nhau cũng đã được cho phép sử dụng khẩn cấp ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngay sau đó, việc trộn vaccin giữa các hãng khác nhau cũng đã được quan tâm từ rất sớm vì các lý do như sau:

1️) Đến lượt chích liều thứ 2 nhưng do nguồn cung cấp vaccin không đủ nên không có loại vaccin giống như đã chích ở liều đầu tiên (việc này đã xảy ra ở nhiều nước Châu Âu lúc đầu năm 2021 và hiện nay là Việt Nam).

2️) Mũi vaccin đầu tiên gây phản ứng phụ quá nặng và nguy hiểm cho người chích, bắt buộc phải sử dụng mũi 2 bằng loại vaccin khác (ví dụ như trường hợp vaccin AstraZeneca gây phản ứng phụ đông máu hiếm gặp ở người trẻ).

3️) Cần phải tăng hiệu quả của các loại vaccin kém hiệu quả (như các loại vaccin của Trung Quốc hiện nay cần được hỗ trợ bằng các liều vaccin bổ sung của phương Tây).

Vaccin hoạt động dựa trên cơ sở “dạy hệ miễn dịch” của chúng ta cách nhận biết virus thật như thế nào. Hầu hết các vaccin được sử dụng hiện nay đều được thiết kế với 2 liều chích ngừa (ngoại trừ vaccin Johnson&Johnson với 1 liều duy nhất). Hai liều này thường cách nhau tối thiểu 3 tuần và dài nhất là 12 tuần, giống như việc dạy 2 lần sẽ giúp nhớ lâu hơn.

Câu hỏi hiện nay cho việc trộn vaccin giữa các hãng khác nhau, giống như việc có nên hay không để 2 giáo viên khác nhau dạy cùng 1 bài?

Nhiều người có thể nghĩ đơn giản là vaccin nào cũng hướng đến việc phòng ngừa bệnh Covid, giống như một bài giảng về địa lý các nước Đông Nam Á thì giáo viên nào cũng sẽ đi đến mục đích cuối cùng làm cho học sinh hiểu rõ về chủ đề này, do vậy chuyện trộn vaccin là chuyện hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, câu trả lời không đơn giản tí nào, đối với các nhà khoa học thì câu hỏi này cần được trả lời bằng “kết quả thực nghiệm”.

Vì dù rằng cùng hướng đến việc ngăn ngừa bệnh Covid nhưng các vaccin được bào chế bằng những công nghệ khác nhau, có thể kích thích hệ miễn dịch với những cơ chế khác nhau khiến cho hiệu quả tốt hơn hoặc yếu hơn với nhiều hoặc ít phản ứng phụ hơn.

Giống như việc 2 giáo viên cùng giảng về địa lý các nước Đông Nam Á, nếu các bài giảng này bổ trợ cho nhau thì có thể làm cho học sinh học tốt hơn, hiểu bài dễ hơn. Nhưng ngược lại, nếu giáo viên thứ 2 có hướng tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác với giáo viên thứ 1 nên những điểm mà học sinh học trước đó từ giáo viên thứ 1 không được mở rộng thêm, không được xoáy sâu thêm để hiểu rõ hơn, nhớ lâu hơn, thì sự thiếu liên kết này khiến cho học sinh không hiểu vấn đề một cách thông suốt và có thể tạo thêm stress cho học sinh… tương tự như việc kết hợp vaccin nhưng không đem lại hiệu quả mong đợi và tạo thêm phản ứng phụ.

Do vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc chích vaccin bằng những liều giống nhau vẫn được khuyến cáo “ưu tiên hàng đầu” và hầu hết các nước trên thế giới chỉ tiến hành việc trộn vaccin khi thực sự “cần phải làm việc đó” bởi các lý do kể trên và “phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể”.

Cho đến nay các kết quả về nghiên cứu trộn vaccin bắt đầu có nhiều hơn để các tổ chức y tế trên thế giới tham khảo và định hướng cho chiến lược vaccin của nước họ. Các nghiên cứu về trộn vaccin có thể kể ra như sau:

Trộn giữa vaccin Covid của AstraZeneca và mRNA vaccin:

Số liệu nghiên cứu trộn giữa vaccin Covid của AstraZenenca và mRNA vaccin của Pfizer/BioNTech có thể được xem là nhiều nhất hiện nay. Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sau liều 1 bằng vaccin của AstraZeneca với liều 2 của Pfizer/BioNTech có thể sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn (được đo bằng lượng kháng thể trong máu) so với 2 liều AstraZeneca.

Ngoài ra, nếu 2 liều này cách nhau khoảng 4 tuần thì việc kết hợp của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech có thể làm tăng triệu chứng phụ, nhưng nếu khoảng cách 2 liều là trên 8 tuần (trong nghiên cứu của nhóm Belda-Iniesta ở Tây Ban Nha) hoặc từ 10-12 tuần (trong nghiên cứu của nhóm Leif Erik Sander ở Đức) thì triệu chứng phụ không đáng kể và thậm chí còn tăng hiệu quả của vaccin. Những kết quả nghiên cứu này đã giúp nhiều nước như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Canada, Đức, Pháp, Na Uy và Đan Mạch, v.v… hiện nay định hướng cho việc chích trộn vaccin của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, việc kết hợp giữa vaccin của AstraZeneca và Moderna tuy không nhiều như Pfizer/Biotech nhưng cũng cho kết quả tương tự. Một nghiên cứu trên nhóm nhỏ (88 người) các tình nguyện viên là nhân viên y tế ở Thụy Điển. Trong nghiên cứu này, tất cả người tham gia điều đã được chích mũi 1 là vaccin của AstraZeneca và được nhận liều 2 là vaccin cùng loại hoặc là vaccin mRNA của Moderna với thời gian giữa 2 liều là 9-12 tuần. Kết quả cho thấy những người được chích mũi Moderna liều 2 có nhiều kháng thể hơn rõ rệt so với những người chích vaccin cùng loại, dù rằng họ cũng cho thấy có vẻ có phản ứng phụ nhiều hơn (tuy không đáng kể nếu nhìn nhận dưới góc độ xác suất thống kê).

Trộn giữa vaccin Covid của Trung Quốc (Sinopharm, Sinovac) và vaccin phương Tây:

Lý do chính mà các quốc gia hiện nay đang sử dụng vaccin Covid của Sinopharm hoặc Sinovac phải tìm đến liều bổ sung của một loại vaccin phương Tây là do những vaccin này cho thấy kém hiệu quả trong việc tạo kháng thể bảo vệ, lượng kháng thể giảm nhanh, nhận biết kém với các chủng mới và đặc biệt yếu ở người lớn tuổi (nhóm người cần được bảo vệ nhất đối với bệnh Covid).

Dù rằng việc trộn liều này đã được thực hiện ở nhiều nước vì sự nguy cấp của tình hình dịch bệnh như: các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Chile, Thái Lan, Campuchia,… Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về việc trộn liều với vaccin Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế cho đến hiện nay, chứ không nhiều và đa dạng như các nghiên cứu trộn liều của vaccin AstraZeneca và mRNA vaccin như đã nói ở phần trên.

Mình đã tìm kiếm bằng rất nhiều cách, nhưng chỉ tìm được một nghiên cứu hiếm hoi của nhóm các nhà khoa học ở Thái Lan mới đăng trên trang MedRxiv cách đây 2 ngày cho thấy những người được chích 2 liều vaccin Covid của AstraZeneca có mức kháng thể cao hơn so với những người được chích 2 liều vaccin CoronaVac (của Sinovac). Và việc kết hợp vaccin của AstraZeneca như liều thứ 2 với CoronaVac là liều đầu tiên cho thấy có thể giúp đẩy mức kháng thể lên tương đương với hai liều AstraZeneca. Kết quả này có thể làm giúp cho các nhà quản lý y tế ở Thái và các nước khác làm cơ sở để thay đổi chiến lược sử dụng vaccin Trung Quốc.

Trộn giữa 2 loại vaccin Pifzer/BioNTech và Moderna

Tuy nhu cầu của việc trộn liều này không nhiều nhưng cũng xảy ra ở một số trường hợp mà nguồn cung cấp các vaccin không đồng đều, thiếu hụt. Đáng tiếc là vì nhu cầu không cao nên hiện nay chưa có nghiên cứu nào về độ an toàn và hiệu quả khi chích trộn hai loại vaccin này. Theo thông tin của CDC (Mỹ) thì họ nhấn mạnh là "dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của việc trộn liều này chưa được đánh giá. Cả hai liều cần phải được hoàn thành với cùng một loại vaccin".

Tuy nhiên, CDC cũng đưa một hướng giải quyết, đó là: "Trong các tình huống ngoại lệ mà sản phẩm vaccin mRNA tiêm cho liều đầu tiên không thể xác định được hoặc không có, thì bất kỳ vaccin mRNA COVID-19 hiện có nào, có thể được sử dụng làm mũi 2 với thời gian cách mũi đầu tối thiểu 28 ngày để hoàn thành việc tiêm chủng".

Nói tóm lại, vì lý do “an toàn” và “hiệu quả” của các loại vaccin Covid hiện nay, việc trộn liều vaccin nên được hạn chế tối đa, chỉ nên làm khi “không có sự lựa chọn khác” và nên dựa trên “các bằng chứng khoa học thực nghiệm cụ thể” để đưa ra chiến lược trộn liều.

TS NGUYỄN HỒNG VŨ 06.09.2021

Tài liệu tham khảo:

Mixing COVID-19 vaccinesappears to boost immune responses

Safety and ImmunogenicityReport from the Com-COV Study – a Single-Blind

Reactogenicity andImmunogenicity of BNT162b2 in Subjects Having Received a First Dose ofChAdOx1s: Initial Results of a Randomised, Adaptive, Phase 2 Trial (CombiVacS)

Heterologous ChAdOx1 nCoV-19and mRNA-1273 Vaccination

Immune response elicited fromheterologous SARS-CoV-2 vaccination: Sinovac (CoronaVac) followed byAstraZeneca (Vaxzevria)

Interim ClinicalConsiderations for Use of COVID-19 Vaccines Currently Approved or Authorized inthe United States

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.