jeudi 9 septembre 2021

Ngô Phương Thảo - Vĩnh biệt GS-TS. Nguyễn Vân Nam: Người trí thức đặc biệt

 

(NĐT 09/09/2021) Tin GS-TS. Nguyễn Vân Nam qua đời vì Covid-19 đã khiến nhân tâm của nhiều bạn bè, học trò, đồng nghiệp anh bàng hoàng. Vậy là từ đây đời đã vắng một người trồng hoa hồng và đau đáu về thân phận con người trong toàn cầu hóa.

Vườn nhà anh ở bờ sông Đồng Nai trồng rất nhiều hoa hồng, với đủ các loại hoa hồng khác nhau. Anh kể về từng cái hoa, từng cái cây như bà mẹ kể về đứa con mọn, say mê và tự hào. Anh khoe về những cây hồng cổ thụ phải đi lùng mua nhiều tháng liền, cũng có những cây được bạn tặng cho vì biết anh rất thích trồng hoa hồng.

Anh kể, mỗi lần qua Đức là đem theo va li trống, rồi chuyến về đựng đầy phân bón để chăm cho hoa hồng. Mỗi cây hoa được mang về vườn là một câu chuyện kể, và những lối đi trải sỏi quanh vườn hoa là thánh đường. Anh thường dắt những bạn tới chơi nhà đi thưởng lãm vườn hồng như ông mục sư dẫn con chiên ngoan đạo vào thánh đường chịu lễ.

Tự nhận là một người duy mỹ, không ngạc nhiên khi vườn hồng lại quan trọng và gắn bó với anh như vậy. Nhưng cái say sưa ấy đâu chỉ dành cho hoa hồng.

Mỗi khi nói về thân phận con người trong toàn cầu hóa, ánh mắt ấy lại đau đáu, giọng nói lại sôi nổi, lúc thì gay gắt chỉ trích, lúc thì trăn trở day dứt. Anh lo cái lo của người thấy trước biết trước, nên những gì anh nói có thể nhiều năm sau, khi đọc lại những bài nhiều năm trước, độc giả mới bàng hoàng nhận ra ý nghĩa của nó.

Ngày đầu gặp anh do một người bạn giới thiệu, anh bảo có một bản thảo khó nhằn lắm, mấy người bỏ cuộc rồi, em có muốn làm không? Tôi cũng cười hỏi anh, là bao nhiêu trang cả thảy anh nhỉ? Anh bảo: 1.000 trang đấy.

1.000 trang ấy từ khoảng 400 bài báo, tài sản tinh thần mà anh đã tích lũy trong khoảng 15 năm, từ hồi mới về Việt Nam năm 2004 đến thời điểm đó (2018). Tôi cử một bạn biên tập viên sang văn phòng anh chép từ ổ cứng về, và đọc hết chừng đó bài là gần một tháng.

Sau khi đọc hết tất cả, tôi gọi cho chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Tôi nói: “Chị ơi, có việc này em cần trao đổi với chị, nếu chị nhận lời biên tập trực tiếp và đồng hành cùng với em cuốn này, thì em mới dám nhận làm. Vì cuốn này lớn hơn em…”. Thật may mắn, chị Thủy đã nhận lời.

Hai chị em chúng tôi và biên tập viên của hai nhà xuất bản “quần” nhau khoảng 4 tháng, thì đã định hình được cuốn sách. Việc sắp xếp 1.000 trang bản thảo thành những chương, những tứ, những vấn đề, những dòng thời gian, cả những dòng cảm xúc, hoàn toàn không dễ dàng. Nhưng thách thức lớn nhất của chúng tôi không phải bản thảo, mà là “ông tác giả”.

Rất dễ dàng để kết luận là anh cực đoan, vì sửa một chữ thôi, là bị anh mắng tơi bời. Anh nói thế này: Luật là khoa học ngôn ngữ. Một chữ trong luật đặt sai chỗ, lược bớt là có thể tổn hại đến bao người, không thể tuỳ tiện mà chỉnh sửa được! Có những đoạn mà chị em chúng tôi vò đầu bứt tai, vì biết là để đó thì chắc chắn không được xuất bản, mà cắt đi là bị anh “trảm” liền. Chúng tôi như đi trên dây trong những ngày đó. Có thể nói, chưa bao giờ làm cuốn sách nào mà khó khăn, hồi hộp, phải sử dụng rất nhiều nơ-ron thần kinh như Nhìn lại, thấy xa hơn. Nhưng rồi dần dà hiểu anh hơn, chúng tôi nhận ra rằng cái cực đoan ấy cũng giản dị như lẽ sống của anh vậy: Đúng thì nói đúng, sai thì nói sai.

 

“Càng biết nhiều, càng đau nhiều”, câu nói này có lẽ ứng với Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam. Với dự báo “môi trường sẽ bị hủy hoại khủng khiếp đến mức không thể khôi phục trở lại nữa”, anh cũng chính là người xung phong hướng dẫn người nông dân Nguyễn Lam Sơn đi kiện Vedan khi sự cố môi trường khủng khiếp này xảy ra năm 2012.

Cũng chính anh, khi sự cố Formosa diễn ra, đã liên tục trả lời phỏng vấn rất nhiều tờ báo lớn về cách thức ứng dụng luật quốc tế để buộc doanh nghiệp này bồi thường, xử lý sự cố, khắc phục sự cố. Cũng chính anh, khi Trung Quốc dùng tàu lớn đâm trực diện, phá hỏng, nhấn chìm tàu cá cùng toàn bộ ngư dân Việt Nam trên tàu, là người có những ý kiến hướng dẫn bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá bị phá hỏng, đi kiện Trung Quốc tại Tòa án Luật Biển Quốc tế

Trong Nhìn lại, thấy xa hơn anh đau đáu về thân phận của những người yếu thế, và cả trăn trở về vận mệnh của tất cả chúng ta trong thời kỳ mới, thời đại có tên 4.0 với tương lai robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, thời đại của những kết nối có thể làm thay đổi cách tương tác giữa người với người, giữa người với vạn vật, hay giữa người với chính họ. Nhìn lại, thấy xa hơn cũng là câu chuyện con người lồng vào đất nước, chuyện quá khứ lồng vào tương lai, chuyện cá nhân lồng vào xã hội, chuyện giáo dục – kinh tế - văn hóa – xã hội lồng vào nhau, thành một bức tranh có nhiều mảng màu, trong đó, tối nhiều hơn sáng.

Thật đáng tiếc nếu ta vẽ một bức tranh cho quá khứ và tương lai mà tối nhiều hơn sáng, nhưng tôn trọng sự thật và nhìn sự vật như nó chính là, cũng là trách nhiệm của người trí thức. Trong buổi café thứ hai để nói về bản thảo, tôi có hỏi: anh có nhiều hy vọng không? Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam trả lời chúng tôi rằng: phải hy vọng! Dù bức tranh có tối nhiều hơn sáng, chúng ta vẫn phải hy vọng và làm hết sức mình trong tỉnh thức, trong hiểu biết, và tự mình vẽ nên một bức tranh nhiều nét sáng hơn, tạo ra những thế hệ ngày càng giỏi giang, trí tuệ, tỉnh thức hơn. Đó là cách duy nhất để sống và cống hiến.

Tôi xin phép không mạn đàm về anh ngoài khuôn khổ của cuốn sách, bởi tôi biết có rất nhiều người nể trọng anh, hiểu biết sâu sắc về anh và hằng kính trọng những gì anh đã tích lũy, đã đúc kết. Có thể nói, Việt Nam đã mất đi một trí thức dám đưa ra định nghĩa chuẩn mực về trí thức và bảo vệ nó mãnh liệt. Anh thường nói rằng: Trí thức còn thì đất nước còn.

Đêm qua, anh đã lặng lẽ chào thế gian này vào một cuộc viễn du mới. Hẳn còn nhiều dòng chữ dở dang, nhiều ước nguyện chưa thành, nhưng anh đã dốc lòng từng ngày, từng tháng, từng năm và miệt mài trong cả cuộc đời mình. Những tài sản trí tuệ anh để lại sẽ còn là tư liệu quý giá của nhiều thế hệ nữa.

Một nén tâm nhang gửi anh, người trí thức đặc biệt.

NGÔ PHƯƠNG THẢO

 GS-TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam sinh năm 1956 ở Cần Thơ. Ông tốt nghiệp ngành hóa Đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1981. Định cư tại Đức từ năm 1986, ông tiếp tục tốt nghiệp đại học các chuyên ngành triết học, luật học, kinh tế học của Đại học Tự Do (FU) ở Tây Berlin và luật học tại Đại học Humbold Berlin (HUB).

Ông là thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, tiến sĩ luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Ông được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Từ năm 2003, ông là giám đốc Công ty tư vấn luật Nam Hùng tại TP.HCM. Ông cũng là một thân hữu, chuyên gia có nhiều cộng tác với Người Đô Thị.

Các cuốn sách của GS-TS. Nguyễn Vân Nam đã được xuất bản tại Đức: Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa; Tác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triển; Phân lập quyền lực trong mô hình liên bang áp dụng cho Liên minh Châu Âu...  Xuất bản tại Việt Nam: Toàn cầu hóa và sự tồn vong của Nhà nước; Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng; Nhìn lại, thấy xa hơn…

Sau hơn mười ngày nhập viện vì Covid-19, GS-TS. Nguyễn Vân Nam đã qua đời hồi 22h30 ngày 7.9 tại bệnh viện ở TP.HCM.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.