Cảnh sát canh gác tại Nice, 17/07/2016. |
Tại Nice, lúc các gia đình nạn nhân bắt đầu việc
tang chế, tranh luận do cánh hữu khơi dậy nhanh chóng bùng lên, chủ yếu
về lực lượng an ninh. Theo chủ tịch hội đồng vùng Provence-Alpes-Côte
d’Azur đồng thời là phó thị trưởng Nice, ông Christian Estrosi (thuộc
đảng cánh hữu Les Républicains), số cảnh sát quốc gia được điều đến quá
ít, thậm chí ông còn nghi ngờ hiện diện thật sự chỉ khoảng phân nửa.
Tuy
nhiên theo nhật báo Libération, trước đó vào ngày 28/6 và 7/7có hai
cuộc hội nghị về vấn đề an ninh cho lễ Quốc khánh 14 tháng Bảy đã được
tổ chức với sự tham gia của tòa thị chính và cảnh sát. Hàng ngày, cảnh
sát đều có thông tin cụ thể cho phía chính quyền.
Lực lượng an ninh có đủ sức ?
Ba
lực lượng đã được huy động. Đó là 64 nhân viên cảnh sát quốc gia, 42
nhân viên cảnh sát địa phương và 10 quân nhân của lực lượng Sentinelle.
Cảnh sát dựa trên nguyên tắc phải có lực lượng kiểm tra đột xuất bên
ngoài, và một sự hiện diện công khai cũng như thầm lặng giữa đám đông.
Theo phía cảnh sát, như vậy là tương đối tốt, nhưng phó thị trưởng Christian Estrosi) không đồng ý. Ông nói : « Vì nước Pháp đang trong tình trạng khẩn cấp, cần bảo đảm các điều kiện như dịp lễ hội hóa trang và giải Euro ».
Trong
lễ hội hóa trang hồi tháng Hai, Nice đã đón tiếp gần nửa triệu khách,
lớn hơn rất nhiều so với số 30.000 khán giả đi xem bắn pháo bông Quốc
khánh. Lực lượng tăng cường đã được điều đến để hỗ trợ cho 400 cảnh sát
địa phương và 1.400 cảnh sát quốc gia.
Có thể so sánh khu vực bắn pháo bông với fan-zone của bóng đá ?
Ông Fabrice Devesa, thư ký nghiệp đoàn cảnh sát Unsa vùng Alpes-Maritimes nhận xét : «
Tình hình rất khác với khu vực dành cho người hâm mộ bóng đá – địa điểm
ngoài trời có đặt các màn hình khổng lồ để theo dõi các trận đấu. Người
đến xem bị dồn vào trong đó, trong khi cũng bằng ấy người đi dọc theo
đại lộ khoảng bốn, năm cây số để coi pháo bông ».
Các lối vào
fan-zone đều bị các nhân viên an ninh tư nhân kiểm soát : khám người và
buộc qua thiết bị dò kim loại. Ngược lại, con đường La Promenade des
Anglais không hoàn toàn bị phong tỏa tối 14/7. Giao thông chỉ bị chặn
lại ở một đoạn dài khoảng một kilomet. Trên lộ trình của chiếc xe tải tử
thần, có khoảng 15 con đường đâm ra, và như vậy có bằng ấy rào cản phải
được dựng lên với cảnh sát canh gác.
Các rào cản có thích hợp không ?
Thủ
phạm đã tránh né bằng cách khởi đầu cuộc thảm sát từ phía bệnh viện
Lenval, phía tây hàng rào an ninh. Hắn ta né rào cản ở góc đại lộ
Gambetta bằng cách cho xe leo lên lề đường. Nhiều người dân cho biết tại
đây chỉ có các thiết bị ngăn đường sơn hai màu đỏ, trắng và các xe cảnh
sát.
Luc Poignant, thuộc SGP-Police khẳng định : « Không gì có thể chận được một chiếc xe tải 19 tấn lao đi với tốc độ 60 km/h, trừ một bức tường bê-tông cốt thép ». Cách tấn công mới này đã vô hiệu hóa rào cản.
« Mục tiêu đặt ba-ri-e là chận các đối tượng xâm nhập, chứ không phải
một xe tải nặng. Không ai có thể tưởng tượng việc chiếc xe 19 tấn lao
vào đám đông ». Fabrice Devesa xác nhận lời của đồng nghiệp : « Ngay cả các thiết bị có đinh dùng cho các rào cản trên xa lộ cũng không ngăn nổi chiếc xe này ».
Các phát súng của cảnh sát được bắn đi quá trễ ?
Chiếc
xe hung thần của Mohamed Lahouaiej Bouhlel cuối cùng đã bị cảnh sát nổ
súng chận lại sau khi chạy được gần hai cây số. Quá trễ, nếu tính đến số
nạn nhân bị thương vong, tuy nhiên theo ông Poignant : « Dù vậy,
thời gian chỉ khoảng hai phút và khoảng cách rất gần. Bắn vào sau xe
không có tác dụng gì, phải bắn ngay trước mặt. Chỉ trong phim ảnh mới có
chuyện bánh xe bị đạn bắn thủng ».
Cần phải huy động lực lượng nhiều hơn ?
Đối
với Frédéric Lagache, thuộc nghiệp đoàn cảnh sát Alliance, vụ khủng bố ở
Nice đặt ra những vấn đề vượt quá tầm vóc địa phương. « Cần phải sử
dụng lực lượng tư nhân, được cảnh sát quốc gia chỉ huy, để bảo đảm hoàn
toàn an ninh, hoặc là cấm hẳn các cuộc tụ tập vui chơi lễ hội ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.