lundi 11 juillet 2016

Vụ kiện Philippines-Trung Quốc : UNCLOS qua 4 câu hỏi

Lính Trung Quốc tuần tra gần một "bia chủ quyền" ở Trường Sa, 09/02/2016.


Để giải quyết vụ Manila kiện yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh, Tòa án Trọng tài Thường trực phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
1- UNCLOS được đặt ra để làm gì ?

Với ít nhất 320 điều khoản và 9 phụ lục, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự trù tất cả các phương diện điều tiết liên quan đến biển và đại dương, từ chủ quyền quốc gia cho đến việc khai thác các nguồn lợi kinh tế đáy biển, hay vấn đề hàng hải, tranh chấp giữa các nước.


2 - Nguyên nhân ra đời của UNCLOS ?

Đã từ lâu chỉ có nguyên tắc tự do trên biển được chấp nhận. Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc có từ thế kỷ 17 quy định « các quyền quốc gia và thẩm quyền xét xử liên quan đến các đại dương được giới hạn ở vòng đai hẹp bao quanh vùng duyên hải của một Nhà nước ». Phần còn lại của biển « được cho là mở rộng cho tất cả, không là của riêng một ai ».

Nhưng đến giữa thế kỷ 20, các công nghệ mới ra đời, nhất là kỹ nghệ khai thác dầu khí, đã gây ra căng thẳng dữ dội giữa các cường quốc biển, xung quanh vấn đề đánh cá và khai thác nguồn lợi thiên nhiên.

Năm 1945, Hoa Kỳ đơn phương mở rộng lãnh hải của mình. Tiếp theo là Achentina, Ethiopia, Ả Rập Xê Út, Indonesia, Philippines.

Bị xâm lấn từ khắp nơi và được thèm muốn, đại dương nay chất chứa nhiều mối nguy : tàu ngầm nguyên tử, các tàu chở dầu gây ô nhiễm và nhiều loại vũ khí khác.

Năm 1967, đứng trước « xung đột trước mắt có thể tàn phá các đại dương », đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc, ông Arvid Pardo đã kêu gọi « một chế độ quốc tế hiệu quả về đáy biển và đáy đại dương ».

3 - UNCLOS ra đời từ bao giờ ?

Được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 4/1982, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển với 168 quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994 khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.

4 - Những xung đột nào đã diễn ra ?

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự kiến bốn định chế tùy theo chọn lựa nhằm giải quyết bất đồng. Đó là Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS - International Tribunal for the Law of the Sea), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ – International Court of Justice), trọng tài và cuối cùng là trọng tài đặc biệt.

Tòa án Quốc tế về Luật Biển, định chế tư pháp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển gồm có 21 thành viên độc lập do các Nhà nước liên quan bầu lên, đã xử lý 25 vụ kiện kể từ năm 1997 đến nay.

Trong vụ « cá ngừ vây xanh » chẳng hạn, Úc và New Zealand muốn Nhật Bản chấm dứt việc đơn phương đánh bắt thử nghiệm loại cá này, được tiến hành kể từ tháng 6/1999. Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã ấn định hạn ngạch đánh bắt hàng năm, các biện pháp tồn trữ và quản lý hàng tồn.

Ngoài vụ Philippines kiện Trung Quốc đang được thụ lý, năm 2015 Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết buộc Matxcơva phải bồi thường cho Hà Lan những thiệt hại do vụ khám xét tàu Arctic Sunrise năm 2013, bị giữ gần một năm trời ở Mourmansk (Nga). Chiếc tàu phá băng mang cờ Hà Lan do Greenpeace khai thác đã tiến hành chiến dịch bảo vệ môi trường, nhắm vào một giàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom tại Biển Barents.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160711-vu-kien-philippines-trung-quoc-unclos-qua-4-cau-hoi

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.