mercredi 6 juillet 2016

Cánh tay mặt của Hồ Cẩm Đào bị Tập Cận Bình «đả hổ»

Ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) nguyên phó chủ tịch Toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc trong một hội nghị tại Bắc Kinh ngày 11/03/2013.

Bài viết « Án chung thân cho một người thân tín của Hồ Cẩm Đào » trên báo Le Monde chú ý đến sự kiện ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), cố vấn của cựu chủ tịch Trung Quốc từ 2007 đến 2012, bị kết tội tham nhũng. Theo tờ báo, điểm yếu của Lệnh Kế Hoạch là gắn liền sự nghiệp chính trị với sự thăng tiến của một người duy nhất.

Lệnh Kế Hoạch vốn là khuôn mặt quen thuộc với khán giả truyền hình Trung Quốc, vì là cánh tay mặt của chủ tịch nước nên thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Nhưng hôm 04/07/2016, đứng giữa hai công an viên để nghe tuyên án : ông đã xuất hiện trong một phiên tòa « đả hổ » đình đám mới.


Cựu chánh văn phòng Trung ương Đảng bị tòa án thành phố Thiên Tân (Tianjin) kết tội đã nhận 77 triệu nhân dân tệ (10 triệu euro) và thu thập bất hợp pháp bí mật nhà nước. Những bí mật đó là gì thì không ai biết cả. Phiên tòa mở ra từ ngày 07/06, và bản án mang tính chính trị loại này cũng tương tự như với Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công an đã bị Tập Cận Bình tống vào nhà đá.

Lệnh Kế Hoạch thậm chí còn nói lời cảm ơn tòa án vì đã tôn trọng pháp luật và đối xử nhân đạo, ca ngợi một nền tư pháp « trang trọng, chu đáo, hợp lý và văn minh ». Ông ta nói : « Tôi chấp nhận mọi cáo buộc đối với mình, không khiếu nại gì về bản án », và không kháng cáo. Theo Le Monde, những phát biểu loại này là có được là nhờ bị cáo bị đe dọa rằng thân nhân của họ sẽ gặp rắc rối.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 3/2012, khi con trai của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Cốc (Ling Gu) bị tử nạn khi cầm lái một chiếc Ferrari trên xa lộ ngoại vi Bắc Kinh, hai thiếu nữ hở hang bên cạnh một chết, một bị thương nặng. Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc là đã cố che giấu cái chết của con trai, để không ảnh hưởng đến phe mình vào thời điểm chỉ còn sáu tháng nữa là đến Đại hội Đảng (tháng 11/2012).

Nạn tham nhũng của các quan chức cao cấp vốn là chủ đề chính gây bất bình trong dân chúng, và Lệnh Kế Hoạch trở thành mồi ngon cho Tập Cận Bình. Kerry Brown, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc King’s College ở Luân Đôn nhận xét : « Ông ta đã vi phạm một trong những nguyên tắc của ông Tập đặt ra : phải cảnh giác và kiểm soát những người thân của mình ».
Cuộc điều tra chuyển hướng ra quốc tế, khi người em trai của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Hoàn Thành (Ling Wancheng) năm 2013 đã mua một biệt thự tại Loomis, gần Sacramento, California. Có những lời đồn về những thông tin nhạy cảm mà ông này đã khai báo cho tình báo Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ. Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc yêu cầu cho dẫn độ Lệnh Hoàn Thành.

Trong một nỗ lực muộn màng đầy tuyệt vọng nhằm cứu vãn địa vị, Lệnh Kế Hoạch hồi tháng 12/2014 đã cho đăng trên tạp chí lý luận Cầu Thị (Qiushi) của đảng Cộng sản Trung Quốc một bài viết, trong đó dẫn tên Tập Cận Bình đến 16 lần. Nhưng chỉ hoài công.

Mang danh thủ tướng, nhưng Lý Khắc Cường thực ra chỉ là bóng mờ bên cạnh Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình có tự hài lòng với một thập kỷ trị vì ?

Tháng 10/2015, Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã phê phán bán nguyệt san trên là dễ dàng đăng bài của bạn bè các lãnh đạo tờ báo, « sơ hở về kiểm duyệt chính trị trước khi đăng một số bài ». Phó tổng biên tập tờ Cầu Thị đã thắt cổ tự tử tại nhà giữ xe của tờ báo hôm 26/6. Theo tạp chí Tài Tân (Caixin), nguyên nhân là do bị trầm cảm trước những đấu đá trong nội bộ đảng, và những người bảo thủ nhất ngày càng nhiều quyền lực hơn.

Le Monde nhận định, điểm yếu nhất về chính trị của Lệnh Kế Hoạch là đặt cược toàn bộ sự nghiệp của mình vào sự thăng tiến của một chính khách, và khi người đỡ đầu đã kết thúc hai nhiệm kỳ tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, thì ông ta trở nên bơ vơ. Vào thời đó, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư thành ủy đầy tham vọng của Trùng Khánh và là người thân tín của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), đã bị thất sủng sau vụ vợ ông đầu độc một doanh nhân Anh, người đã giúp chuyển tiền ra nước ngoài để chi phí cho con trai ông Bạc đang du học.
Vận rủi của gia đình ông Lệnh Kế Hoạch là cơ hội bằng vàng để tấn công vào một phe nhóm rất mạnh : phe Đoàn thanh niên Cộng sản, xuất thân của cả ông Lệnh và ông Hồ Cẩm Đào. Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) cũng đi lên từ phe này, hiện đang ở thế yếu do kinh tế tăng trưởng chậm lại, và cũng do ông Tập đã nắm hết mọi quyền hành.

Từ khi quyền lực chỉ nằm trong tay một người, việc đấu tranh giữa nhiều nhóm lợi ích không còn là thời sự trên chính trường Trung Quốc. Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc đương đại của trường đại học Nottingham kết luận : « Tập Cận Bình không chống lại phe này hay phe khác, ông ta muốn thâu tóm tất cả mọi quyền hành có được ».

Mục tiêu là Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017. Đây là dịp để nhận ra những khuôn mặt thế hệ lãnh đạo thứ sáu, sẽ kế tục nhiệm kỳ 5 năm sau đó, kể từ 2020. Tất nhiên là với điều kiện Tập Cận Bình tự bằng lòng với một thập kỷ trị vì, như những người tiền nhiệm.

Những người dân mất đất đi tìm công lý.
Dân oan Trung Quốc bám đất

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài điều tra về « Sự kháng cự mãnh liệt của các gia đình không muốn di dời ở Quảng Châu ». Năm 2002, ủy ban thành phố hạn định 10 năm để xóa sổ 138 ngôi làng cũ bị lọt thỏm giữa những đô thị chung quanh đang phát triển đến chóng mặt. Nhưng gần 15 năm sau, chỉ có bốn thành phố mới mọc lên, do một ít gia đình nhất định bám trụ để « quyết chiến ».

Tại Yangji, có khoảng hai chục gia đình cứng đầu loại này, được gọi là « ding zi » tức « đinh tử hộ » - những người bám chặt vào mảnh đất và ngôi nhà đầy kỷ niệm, như những cây đinh đóng dính vào tường.

Bài báo tố cáo bọn mafia làm theo lệnh các đại gia địa ốc, vốn gắn bó với các quan chức địa phương – tệ nạn hoành hành tại Trung Quốc suốt ba chục năm qua. Chẳng hạn trường hợp phó chủ tịch Quảng Châu Cao Jianliao, bị nghi ngờ nhận hối lộ 77 triệu nhân dân tệ, đang chờ trả lời trước pháp luật cùng với 7 quan chức khác, trong đó có Lu Suigeng đã trốn ra nước ngoài. Trước khi ông ta trốn đi, có 84 dân làng bị bắt vì không chịu di dời, một người còn bị giam giữ suốt 15 tháng.

Chen Kailai, một dân làng cho biết : « Ngay từ đầu tôi đã không muốn thương lượng. Đây là vấn đề nguyên tắc : tôi không thể sử dụng tài sản do ông cha để lại để làm giàu cho đảng ». Ông vẫn còn chưa hồi phục được sau những gì đã trải qua. Một ngày tháng Sáu, sau 500 ngày cố thủ, bọn côn đồ đã tấn công vào nhà láng giềng. Ông biết sắp đến lượt mình. Ném đá, phóng hỏa, nhảy từ lầu 4 xuống, bị thương, một người hàng xóm cho ẩn trốn…Công an đến tìm, và ông đành phải hạ vũ khí, nhưng tin rằng tên mình đã bị ghi vào danh sách đen.

Bà Yanghee Lee, đặc phái viên LHQ về nhân quyền tại Miến Điện, 01/07/2016.
Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi trước bi kịch người Rohingya

Cũng tại châu Á, La Croix nói về « Bà Aung San Suu Kyi và bi kịch của người Rohingya ở Miến Điện ». Lên cầm quyền đã 100 ngày, tân chính phủ vẫn chưa cho biết làm thế nào chấm dứt tình trạng người Rohingya bị bức hiếp. Trong khi đó một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc đã nêu ra khả năng đã xảy ra tội ác chống nhân loại đối với thiểu số người Hồi giáo này.

Bà Yanghee Lee, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện vừa từ bang Arakan trở về, nhận định : « Điều kiện sống tại các trại tị nạn rất tệ hại…Nhân viên bộ Nội vụ cũng là những người trong chính phủ trước, vì vậy mà không có gì thay đổi. Thói quen cũ hết sức dai dẳng ».

Báo cáo Liên Hiệp Quốc kể ra những gì mà người Rohingya đang phải chịu đựng : « hành quyết, bắt bớ tùy tiện, cưỡng bức lao động, tra tấn », cho rằng đây có thể là tội ác chống nhân loại và đòi phải tiến hành điều tra độc lập.

Từ năm 2012, trên 100.000 người Rohingya phải sống trong các trại tị nạn trên dải đất chạy dọc ven biển gần Sittwe, thủ phủ bang Arakan. Họ không có quyền ra khỏi trại, trừ phi xin được giấy phép đặc biệt. Vì vậy một số người bệnh đã không đến được bệnh viện, « nhiều trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai đã chết ».

Tân chính phủ bắt đầu cấp giấy tờ tạm cho người Rohingya, nhưng không có gì bảo đảm sau này sẽ cấp quốc tịch cho họ. Chỉ có áp lực quốc tế mới buộc được bà Aung San Suu Kyi hành động trên hồ sơ gai góc này. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế sử dụng tên gọi « Rohingya », thì giải Nobel hòa bình lại gọi là « cộng đồng Hồi giáo ở Arakan », một cụm từ không làm cả người thiểu số Rohingya lẫn dân địa phương Arakan hài lòng.

Hoàng hôn ở Matxcơva, 14/06/2016.
Luật chống khủng bố của Nga siết chặt tự do công dân

Nhìn sang châu Âu, thông tín viên Libération tại Matxcơva báo động « Các quyền tự do lại bị vi phạm tại Nga ». Trừng phạt người không tố cáo, buộc các mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu trong sáu tháng…một loạt các luật chống khủng bố vừa được Hạ viện Nga thông qua sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân thường.

Các dự luật được thông qua vào cuối tháng Sáu và sẽ có hiệu lực từ ngày 20/7 nếu tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn, sửa đổi hơn một chục đạo luật hiện có và như vậy không chỉ nhắm vào bọn khủng bố mà là mọi công dân.

Tố cáo người khác, một trong những vết thương thời xô-viết cũ, lại sống dậy. Từ nay, những ai có được thông tin liên quan đến một dự định khủng bố, đảo chính hay khoảng 15 khinh tội khác mà không báo cho chính quyền kịp thời, có nguy cơ lãnh đến một năm tù giam.

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải lưu giữ các cuộc gọi và tin nhắn của người sử dụng trong sáu tháng. Tất cả những dịch vụ tin nhắn, thư điện tử, mạng xã hội dùng đến công nghệ mã hóa, phải cung cấp cho cơ quan tình báo FSB chìa khóa giải mã, không cần có lệnh của tòa án. Nếu từ chối, sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1 triệu rúp (11 đến 14.000 euro).

Thủ tướng Pháp Manuel Valls giải trình trước Quốc hội, 06/07/2016.
Chống khủng bố, luật lao động, hậu Brexit : Tựa chính báo Pháp

Le Monde hôm nay 06/07/2016 quan tâm đến việc « Thượng viện đòi hỏi cải tổ lại công tác chống khủng bố ». Ủy ban điều tra của Thượng viện về hành động của chính phủ trong các vụ khủng bố tháng Giêng và tháng 11 năm 2015 đã công bố bản báo cáo hôm 05/07/2016. Chỉ rõ « những thiếu sót của cơ quan tình báo » và sự thiếu phối hợp, ủy ban đưa ra 39 đề nghị cải cách. Chủ yếu là thành lập cơ quan tình báo Pháp gộp từ các đơn vị của cảnh sát và hiến binh hiện nay, một cơ quan chống khủng bố, một cơ sở dữ liệu chung.

Libération nêu ra kết quả một cuộc thăm dò ý kiến sau vụ Brexit, cho thấy 62% người Pháp không đồng tình với các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu (EU), 54% cho rằng EU quá hào hiệp với người nhập cư. Tuy nhiên đa số lại không muốn nước Pháp ra khỏi EU.

Le Figaro chạy tựa « Luật lao động, năm tháng trời để rồi không đi đến đâu ». Sau nhiều tuần lễ biểu tình và bạo động, thủ tướng Pháp Manuel Valls phải dùng đến điều 49-3 trong Hiến pháp để ban hành một đạo luật mà không thông qua bỏ phiếu tại Quốc hội.

Trên lãnh vực văn hóa, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho « Festival kịch nghệ Avignon » lần thứ 70. Về kinh tế, Les Echos nói về « Kinh tế thế giới trong chiếc bẫy lãi suất bằng 0 ». Brexit đã kéo lãi suất chung xuống, và bất định chính trị đang đe dọa quá trình phục hồi ; nên các ngân hàng trung ương chuẩn bị linh hoạt hóa chính sách tiền tệ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160706-canh-tay-mat-cua-ho-cam-dao-bi-tap-can-binh-%C2%AB-da-ho-%C2%BB 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.