mardi 3 janvier 2012

Dầu lửa đổi hỏa tiễn: Trung Quốc được mùa bán vũ khí cho Iran

Hỏa tiễn Ghader của Iran trong cuộc tập trận Valayat-90 ngày 02/01/2012.
(Le Point 03/01/2012) Để phong tỏa eo biển Ormuz, Iran có cả một kho hỏa tiễn đủ loại do Bắc Kinh cung cấp. Mối đe dọa này là nghiêm trọng.

Những vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mới đây trong khuôn khổ cuộc tập trận Valayat-90 của lực lượng vũ trang Iran xung quanh eo biển Ormuz vừa chấm dứt hôm nay, thứ Ba, được chế độ Hồi giáo Iran tuyên truyền rầm rộ với hàng loạt thông cáo và hình ảnh. Các lãnh đạo quân đội khẳng định rằng tất cả các hỏa tiễn này đều được thử nghiệm « thành công », và không ngớt tán tụng các loại vũ khí được giới thiệu như là hiện đại nhất của họ.

Đô đốc Habibollah Sayyari, người chỉ huy hải quân Iran, tuyên bố rằng « các hỏa tiễn này có thể dịch chuyển được, rất chính xác và có khả năng hủy diệt rất lớn ». Tuy vậy không có chuyên gia ngoại quốc độc lập nào được mời quan sát cụ thể hay được biết hiệu năng thực tiễn của các tên lửa trên. Cho đến nay, chỉ có Iran và có lẽ một vài cơ quan tình báo hiếm hoi, lượm lặt được một vài thông tin kỹ thuật.

Vì vậy phải chờ đợi các cơ hội khác để biết được khả năng thực sự của hỏa tiễn địa-không Ghader, có tầm bắn trên lý thuyết là 200 km, mà sự hiện diện của chúng chỉ mới được Teheran loan báo hồi tháng Tám. Iran muốn sử dụng loại hỏa tiễn trên để tấn công « các chiến hạm lớn và các hàng không mẫu hạm », khoe là đã tự sản xuất được. Điều này có vẻ khó tin, ít nhất là nếu họ muốn cạnh tranh với hệ thống phòng vệ điện tử và các phương tiện đối phó của hải quân hiện đại. Nếu chỉ căn cứ vào một số hình ảnh do Teheran phổ biến, hỏa tiễn Ghader của Iran giống hỏa tiễn C-801 của Trung Quốc như hai giọt nước (NATO gọi là CSS-N-4 Sardine), cũng nhằm tấn công các chiến hạm từ mặt đất.

Hỏa tiễn Trung Quốc

Các hỏa tiễn trên đây được giới thiệu ở Hội chợ hàng không Bourget vào năm 2003. Iran đã mua hàng trăm chiếc loại này, và tám giàn phóng vào năm 1988. Trang web globalsecurity.org nhắc lại rằng năm 1996, tức là hơn mười lăm năm trước, Trung Quốc và Iran đã cùng triển khai một loại hỏa tiễn cải tiến từ C-801 và model tiếp theo là C-802 Saccade. Nour, loại hỏa tiễn "mới" do các chiến hạm hay tàu ngầm phóng đi, được hải quân Iran thử nghiệm trong cuộc tập trận Valayat-90 có thể là kết quả muộn màng của công cuộc hợp tác này. Điểm khác biệt chủ yếu giữa C-801 và C-802 là ở chỗ thay thế lực đẩy từ thuốc nổ bằng động cơ phản lực.

Hỏa tiễn C-802 của Trung Quốc tại hội chợ hàng không 2010.
Còn về Nasr, loại hỏa tiễn « Iran » cũng vừa được thử nghiệm trong những ngày gần đây, đơn giản chỉ là hỏa tiễn TL-6 của Trung Quốc, một loại tên lửa nhỏ dùng để tấn công vào tàu biển có trọng tải dưới 1.000 tấn. Như vậy không có hỏa tiễn nào trong cả ba loại được sử dụng trong cuộc tập trận là mới mẻ, lại càng không phải là một đột phá về kỹ thuật. Nhưng cần nhớ rằng nếu được sử dụng có tính toán, vũ khí dù thô sơ cũng có thể có hiệu quả. Tháng 8/2006, lực lượng Hezbollah ở Liban đã bắn một hỏa tiễn Iran được cải biên từ loại Silkworm của Trung Quốc, vào một tàu hộ tống của Israel ở ngoài khơi Nam Liban, gây tử thương cho bốn thủy thủ và nhiều thiệt hại nặng nề cho chiếc tàu.

Như vậy việc sử dụng các loại hỏa tiễn trên đang là mối đe dọa thực sự ở vùng eo biển Ormuz, một nhánh biển vốn là nơi lưu thông 40% lượng dầu hỏa trên thế giới. Còn về trục chiến lược Bắc Kinh – Teheran, chủ yếu vẫn là : một Trung Quốc khát dầu hỏa, tiêu thụ một phần tư lượng dầu xuất khẩu của Iran, và vũ khí xưa nay vẫn là một loại tiền tệ tuyệt vời cho các trao đổi chiến lược.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.