jeudi 12 janvier 2012

Từ Ô Khảm nghĩ về Tiên Lãng

Dân làng Ô Khảm đang lắng nghe đại diện thành phố nói chuyện, ngày 21/12/2011.

(LND) Bài viết « Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc » của đặc phái viên báo Le Figaro, nhận định về tầm cỡ ảnh hưởng của cuộc nổi dậy Ô Khảm, Quảng Đông. Bị tịch thu đất đai, người dân đã đồng lòng nổi dậy chống lại các cán bộ địa phương tham nhũng.

Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc

« Cách đây vài hôm, khi các cựu quân nhân trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979 phản đối lại số tiền trợ cấp quá tệ hại, họ đã kêu gọi đến « tinh thần Ô Khảm ». Khắp nơi trên mạng internet Trung Quốc, cho dù bị kiểm duyệt, tên của ngôi làng phản kháng nhỏ bé này lại được nêu ra, mỗi khi có đấu tranh chống lại bất công, hoặc để bảo vệ quyền lợi.

Tình hình đã trở nên hòa dịu tại Ô Khảm. Nhưng từ nay, ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông đã trở thành biểu tượng đấu tranh của những người dân thấp cổ bé miệng chống lại áp bức. Dân làng nổi dậy chống đối việc chính quyền địa phương tịch thu đất đai bừa bãi và chỉ đền bù một cách chiếu lệ. Sự việc đã bùng nổ sau cái chết của một người biểu tình vào giữa tháng 12 - ông Tiết Kim Ba - lúc đang bị giam tại trụ sở công an, với lý do chính thức là « đau tim ». Dân chúng lên án công an đã đánh đập nạn nhân đến chết.

Dân làng mặc niệm ông Tiết Kim Ba, bị đánh chết ở đồn công an.
Chính quyền địa phương đã đe dọa sẽ đàn áp thẳng tay những người cầm đầu. Người dân nổi dậy kêu gọi « chính quyền trung ương » bảo vệ cho họ trước các quan chức địa phương tham nhũng. Sau khi tình hình ngày càng xấu đi, kéo dài hơn và trầm trọng hơn thường lệ, cuối cùng Bắc Kinh đã phải nhìn nhận sự phản kháng của dân làng Ô Khảm là « hợp pháp ». Khi tiến hành điều tra về các viên chức địa phương, Tân Hoa Xã công nhận rằng những người này đã tham ô.

Di ảnh ông Tiết Kim Ba, một trong những lãnh tụ của cuộc nổi dậy.
Một động thái có phần trễ tràng ! Các nguyên nhân trước mắt của cuộc nổi dậy Ô Khảm cho thấy một thông lệ đáng buồn : mỗi năm có hàng ngàn cuộc « nổi dậy tập thể » bùng lên trên tất cả các tỉnh của Trung Quốc. Nguyên do của cơn sốt này, chủ yếu là vấn đề dai dẳng – trưng thu đất đai. Các viên chức địa phương bị lên án là tham nhũng, thông đồng với các nhà kinh doanh địa ốc hay sản xuất công nghiệp. Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội vào mùa xuân năm rồi, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhìn nhận là « một số vấn đề mà nhân dân bức xúc » đã không được giải quyết, trong đó có việc « tịch thu đất đai và phá hủy nhà cửa bất hợp pháp ».

Nhưng tầm cỡ của các sự kiện ở Ô Khảm đã vượt quá một cuộc nổi dậy thông thường. Hơn nữa nó còn cho thấy kiểm duyệt không còn có thể ngăn trở việc phổ biến một sự kiện xã hội như thế, chủ yếu được truyền bá thông qua mạng Vi Bác, một loại Twitter của Trung Quốc. Và nhất là, vụ Ô Khảm chứng tỏ, rõ ràng chính quyền Trung Quốc phải thực hiện một màn đi dây ngày càng khó khăn hơn, giữa đàn áp phản kháng – để tránh lan rộng ra nơi khác – và việc thỏa mãn các yêu sách của người dân. Trong bối cảnh năm nay là thời điểm chuyển đổi chính trị, các ông chủ của đất nước trong thập kỷ tới sẽ được chỉ định, vụ Ô Khảm đặt ra câu hỏi về tương lai của cải cách, và phương pháp quản lý mà các chủ nhân mới ở Bắc Kinh sẽ hướng đến.

Canh gác lối qua cầu đã được rào chắn bằng cây cối.
Ô Khảm, trước hết là chủ đề căn bản của thực tế « dân chủ » tại Trung Quốc. Cấp làng xã được phép tổ chức bầu cử. Tuyến này thường được xem là nơi để thể nghiệm việc tự do hóa chính trị có thể có trong tương lai. Dân làng được bầu ra người đại diện, cho dù trên thực tế các ứng viên phải được đảng xét duyệt, những ứng cử viên « độc lập » bị chặn đường bằng tất cả mọi thủ thuật. Và thường thì các vị lãnh chúa địa phương ở ngôi trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Không chỉ có việc làm giàu của các cán bộ tham nhũng, mà còn liên quan đến sự vận hành kinh tế của cả một hệ thống.

Hệ thống tự nó thúc đẩy người ta lạm dụng quyền lực. Để đảm bảo các dịch vụ xã hội trong phạm vi trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương phải tìm cho ra nguồn tiền. Không thể nào đánh thuế quá nhiều, họ phải cầu viện đến việc bán đất, và thường đền bù cho người chủ với giá rẻ mạt.

Đường làng giăng đầy biểu ngữ.
Đó là lý do khiến giáo sư Hồ Tinh Đẩu nổi tiếng của Bắc Kinh không mấy lạc quan trước « tấm gương Ô Khảm ». Ông nói : « Rất tiếc, tôi không nghĩ là vụ này trước mắt có thể trở thành một hình mẫu quản lý. Đó là vì nó đụng chạm đến quyền lợi công cũng như tư túi của các viên chức, có nghĩa là của cả hệ thống ». Cần phải tiến công vào vấn đề sở hữu đất đai, và vấn đề quyền hành tuyệt đối của đảng.

Nếu vụ này có tiếng vang chính trị tầm cỡ quốc gia to lớn như thế, cũng còn do vai vế của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, một tỉnh lớn vốn là thủ phủ xuất khẩu của Trung Quốc. Ông Uông Dương năm nay có thể giành được một chỗ trong số « chín vị hoàng đế », tức 9 ủy viên thường trực Bộ Chính trị, trung tâm thực sự của quyền lực Trung Quốc. Tuần qua, bài diễn văn của ông đọc tại đại hội đảng bộ tỉnh rất được chú ý. Ông Uông Dương tuyên bố, tại Ô Khảm, « không chỉ có việc giải quyết vấn đề của làng này », mà còn phải « thiết lập tiêu chuẩn nhằm cải cách việc quản lý các làng xã trên toàn tỉnh Quảng Đông ». Và rất có thể là trên toàn Trung Quốc nữa.

Uông Dương là một nhân vật chủ trương « tự do », ủng hộ quan điểm « chính phủ nhỏ, công ty lớn ». Có nghĩa là đảng lãnh đạo một cách kín đáo hơn, người công dân được lắng nghe nhiều hơn. Các phe phái khác thì chủ trương ngược lại. »


Tiếng bom Tiên Lãng

Thông cáo của dân làng chào mừng báo chí đến tại chỗ đưa tin.
Phần trên đây là nhận định của báo Le Figaro về sự kiện Ô Khảm. Điều gì tương đồng giữa Ô Khảm và Tiên Lãng ? So sánh có phần khập khiễng chăng?

Nếu có gì giống nhau, thì đó cũng là việc tịch thu đất đai, là sự tức nước vỡ bờ. Cả làng Ô Khảm đã bị công an bao vây suốt hơn một tuần lễ, còn ở Tiên Lãng, lực lượng công an, bộ đội cưỡng chế, theo như báo chí Việt Nam mô tả, khá là hùng hậu. Nhưng ở Ô Khảm, là cả một làng nổi dậy, đánh đuổi cán bộ địa phương. Ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng quả thật cô đơn – cũng theo như dư luận trên mạng, là hành động của một con người tuyệt vọng đang bị dồn vào đường cùng.

Lãnh đạo Hải Phòng có phải là một Uông Dương của Việt Nam hay không, thì bạn đọc và đồng nghiệp trong nước chắc chắn là hiểu rõ hơn người dịch bài viết trên đây, nên không dám lạm bàn. Có điều, Bắc Kinh cuối cùng đã nhìn nhận động cơ của người dân nổi dậy là chính đáng, còn ở Tiên Lãng, bốn người trong gia đình ông Vươn đã bị truy tố. Báo chí chính thức cũng bắt đầu lên tiếng, thôi thì có lẽ còn phải đợi xem sao.

Nhưng rõ ràng tiếng bom Tiên Lãng đã làm rúng động dư luận khắp nước. Tiên Lãng đã trở thành « một biểu tượng mới của phản kháng », giống như Ô Khảm của Trung Quốc.

Một trong những cuộc biểu tình tại Ô Khảm.
…Tại Trung Quốc, AFP dẫn báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết trong vòng 20 năm qua, đã có 6,7 triệu hecta đất bị trưng thu. Theo Tân Hoa Xã, một nhà nghiên cứu của cơ quan này đã tính toán, chênh lệch giữa tiền đền bù với giá thị trường của số đất đai này lên đến 1.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 120 tỉ euro. Có đến 50 triệu nông dân đã bị mất đất từ khi Trung Quốc đưa ra chính sách mở cửa vào năm 1978. Cũng theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thì việc tịch thu đất đai với danh nghĩa « sở hữu toàn dân » chính là nguyên nhân của 65% các vụ nổi dậy hàng loạt. Và các cuộc chạm trán giữa chính quyền hay lực lượng tay chân của các nhà đầu cơ địa ốc với người dân địa phương thường chuyển sang bạo động dữ dội.

Không rõ ở Việt Nam đã có một thống kê tương tự hay chưa ? Có lẽ là chưa. Các chính quyền địa phương ở Việt Nam đã biết gì về vụ Ô Khảm ? Có lẽ cũng không nhiều.

Chỉ hy vọng là, sẽ không xảy ra nhiều Tiên Lãng khác nữa !

Một số link video tham khảo :



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.