vendredi 3 juin 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 98 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (01/0562022)

 

1. Trên hướng Kharkiv.

Hôm qua bản tin viết quân Nga bổ sung một số BTG vào Kupyansk. Hôm nay thì thông tin chính xác được biết là con số chỉ là một.

Bình loạn: ISW thì viết là Kupyansk ở quá xa giới tuyến Ukraine chiếm được nên tạm thời chưa đáng sợ. Thế nên chắc hẳn Nga cũng không cần tăng cường quá nhiều, dự phòng 1 BTG là quá đủ rồi.

Vậy thì trong vài ngày tới chúng ta sẽ được xem các diễn biến ở Lyman, dự là thế… Ukraine chắc chắn phải triệt phá hoạt động cung cấp hậu cần cho Donetsk dùng đường xe lửa Kupyansk – Lyman chứ. Cầu đường sắt sửa xong chưa nhỉ, còn chuẩn bị đạn pháo?

2. Trên hướng Donbas. Bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:

• Trên hướng Lyman, kẻ thù tập hợp lại và chuẩn bị cho cuộc tấn công. Chúng cố gắng trinh sát (chiến đấu) các tuyến đường tiến xa hơn trong các khu vực định cư của Lyman, nhưng bị tổn thất, phải rút lui. (31/05).

• Trên hướng Lyman, địch đánh theo hướng Raihorodok, bị tổn thất và rút lui. (02/06)

Bình loạn: Hôm 31/05 đọc tin này đã thấy cần chú ý, nhưng chờ xem có bác nào cùng ý tưởng không và đúng là hôm qua có một bác viết, tui không nhớ chính xác. Tui nhận thấy: Mặc dù Nga chiếm được Lyman nhưng lại… không tiến được ra khỏi thị trấn này. Cứ như là họ chiếm xong và bị bao vây ấy chứ không phải là họ bao vây quân Ukraine. Như thế mà đến khi Ukraine họ triển khai xong pháo tầm xa với đầy đủ thông tin, các nhóm quân bị cắt đứt tiếp tế thì khác gì bị bao vây đâu.

Về tin hôm nay, nếu bác nào lên Google Maps mà xem với từ khóa “Raihorodok” thì sẽ thấy cái thị trấn này nằm trên đường T0514 từ Lyman đi Slovyansk, cách Lyman khoảng hơn 20 km và lại phải qua sông Siverskyi Donets. Bản đồ kèm theo status này sẽ xem không rõ chi tiết đó. Tui thì đoán là hệ thống phòng ngự xung quanh Lyman vẫn còn, và Nga không đẩy lùi được quân Ukraine ra khỏi đó.

Nếu mà điều này đúng thì quả là rất đáng nói: quân Nga từ Lyman mà muốn đến được Slovyansk lại phải lằng nhằng giải quyết cả một hệ thống phòng ngự, rồi qua sông (lại bắc cầu phao!) rồi lại gần 20 km hệ thống phòng ngự nữa. Ôi chà, biết bao giờ mới xong đây.

Với The Battle of Donbas, có nhiều thông tin cho thấy Nga vẫn chưa chiếm được hết thành phố Severodonetsk, nhưng đã phá nhà máy Acidnitric ở thành phố này để hạ độc quân Ukraine.

Lại thêm một bằng chứng cho thấy có vẻ chiếm đóng lâu dài thành phố không phải là mục tiêu của họ, mà là đánh trả thù. Không sao, tất cả sẽ trừ vào tiền các ông đang bị giữ trong ngân hàng.

• Hướng Bakhmut, kẻ thù tấn công vào làng Komyshuvakha đạt được kết quả một phần…

Hay nhỉ, làng này chỉ cách Popasna là điểm dân cư Nga đang chiếm có non 3 km mà bây giờ vẫn lằng nhằng, đánh nhau kiểu gì thế các ông?

3. Trên hướng Kherson.

• Hôm nay đọc bác nào viết và nhiều nguồn mạng xã hội cũng cho biết Ukraine đã chiếm được đến cả chục điểm dân cư hướng Mykolaivka. Cái bọn ISW thì bảo, quân Nga đã phá cái cầu bắc qua sông Inhulets mà hôm nọ quân Ukraine đã vượt qua và chiếm được.

Các tin tức đều cho thấy quân Nga hôm qua không phản kích nữa sau những cố gắng không thành công hôm kia, mà tiến hành pháo kích. Những diễn biến của tình hình chúng ta cần theo dõi thêm vì nếu đúng như các nguồn bình luận, việc tấn công đến sát sông Dnipro của quân Ukraine đã cắt quân Nga ở đây thành 2 phần, nửa ở trên coi như bị cắt khỏi nửa dưới nối vào thành phố Kherson.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng lực lượng Nga ở phía bị cắt rời, không còn khả năng để phá vây nữa? Tuy nhiên trên bản đồ của ISW chưa thể hiện như thế, do vậy tui vẫn chưa cho rằng Ukraine đã tổ chức đánh lớn ở đây.


4. TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 4

“Thua ở chính thế mạnh của mình”

Học thuyết chiến tranh của Nga nhìn chung vẫn mang đậm những tính chất của thời xô-viết dù đã mang những dấu ấn của thời đại. Chúng ta hãy lướt qua một chút những đặc điểm của thời đại hiện nay đã được họ áp dụng:

Sự ra đời của mô hình đơn vị tác chiến cơ bản các Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn hay BTG (Battalion Tactical Group).

Sự thâm nhập sâu của điều khiển học vào lĩnh vực chỉ huy tác chiến và vũ khí, chúng ta đã điểm qua trong một status trước đây của tui: Nga đưa vào một chương trình tham vọng trong nâng cấp, phối hợp chỉ huy tác chiến với sự phát triển hệ thống Andromeda-D mà tui đã viết về nó trong status hôm 01/04. Mà kết quả của nó là hết GPV-2020 thì Andromeda-D mới được trang bị đến cấp tiểu đoàn BTG trên xe bọc thép hoặc KamaZ hai trục.

Kết quả là năm 2014, một trận đánh có thể gọi là “phản chuẩn bị” vào lực lượng quân Ukraine ở Donbas đánh thiệt hại đến 30 nhân mạng, 100 người bị thương và 50 xe cộ bị phá hủy:

Cho đến nay, cả thế giới này nếu ai đã quan tâm đến quân sự, là phải quan tâm đến Nga, một “ông kẹ” có hạng. Mà đã quan tâm đến quân sự Nga, là phải khẳng định học thuyết quân sự của họ mà dựa trên đó, họ đã xây dựng một quân đội hùng mạnh như bây giờ: 13 – 14.000 xe tăng, đến gần 7.000 cỗ pháo các loại, ngoài ra còn một lực lượng tên lửa đất đối đất (được tính là thuộc binh chủng pháo binh)… Và chúng ta cũng sẽ không nghi ngờ rằng theo học thuyết quân sự Nga, pháo binh vẫn giữ nguyên vai trò “thần chiến tranh.”

Đến khi bước vào cuộc Chiến tranh với Ukraine, Nga vẫn giữ nguyên hiện trạng và cả cái nhìn cũ, họ coi chiến thắng của mình trước quân Ukraine năm 2014 bằng pháo binh là còn nguyên giá trị và tình hình không có gì thay đổi. Tuy nhiên đánh giá như vậy cũng là oan cho họ. Trong suốt 8 năm từ 2014 đến 2022 Nga đã tiến hành chặn, gây nghẽn, gây nhiễu và trộn tín hiệu GPS giả trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Nhận thức được rằng “mình phá nó được thì nó cũng phá mình được” – Bộ chỉ huy Nga ngay trước cuộc chiến tranh với Ukraine lần này đã quyết định không sử dụng hệ thống dẫn đường GPS thậm chí cả Glonass của họ cũng không dùng nữa, mà chuyển sang một hệ thống cũ hơn tương tự một thứ là Loran-C của phương Tây.

Kết quả của những nỗ lực này như thế nào chúng ta đã biết. Ở “phase 1” của cuộc chiến tranh, quân Nga dò dẫm, lạc đường, ăn cắp sim điện thoại của Ukraine để dùng vì ngay Google Maps còn cắt dịch vụ trên lãnh thổ đang có giao tranh.

Chúng ta có thể hình dung với việc không sử dụng GPS và Glonass nữa nó cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sử dụng pháo binh trong thời đại mới là như thế nào. Tất nhiên, Nga vẫn còn chỗ dựa trên một lực lượng drone hùng hậu.

Ngay cách thời điểm tui viết những dòng này hai ngày, hôm 31/05 Nga đưa lên mạng một video quay cảnh một chiếc xe bọc thép của Ukraine bị bắn chính xác bởi đạn dẫn đường laser thông minh 2K25 Krasnopol.

Tui nhớ có lần mình đọc bài báo của Tây họ viết “Nga ngày càng phụ thuộc pháo binh hạng nặng trên chiến trường” và viết lại ý đó vào một status của mình. Bây giờ chúng ta sẽ điểm qua một số đầu vũ khí pháo binh chính Nga đang sử dụng ở chiến trường Ukraine hiện nay:

Hầu hết các pháo có nòng được triển khai trên chiến trường Ukraine đều là pháo tự hành – 122mm 2S1 Gvozdika, 152mm 2S3 Akatsiya, 2S5 Giatsint-S và 2S19 Msta-S, cũng như súng cối 120mm 2S23 Nona-SVK. Ngoài ra một số pháo xe kéo 2A18 D-30 122mm và 2A36 Giatsint-B 152mm cùng với pháo chống tăng 2A29 MT-12 Rapira. Một loạt các hệ thống pháo phản lực phóng loạt có bánh lốp và bánh xích cũng đã được sử dụng: Grad BM-21, Tornado-G 122mm, BM-27 Uragan 220mm, BM-30 Smerch 300mm và bệ phóng nhiệt áp TOS-1.

Tổng cộng trên chiến trường Ukraine, người ta quan sát và tính toán cho thấy Nga huy động khoảng 4.700 đầu pháo binh trên tổng số 6.000 trong biên chế lực lượng vũ trang của mình. Vậy những đặc điểm sử dụng pháo binh của Nga trên chiến trường là gì?

Tiếp tục sử dụng hỗ trợ của Drone hay UAV để trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị pháo.

Do hạ tầng đường sá ở Ukraine khó khăn cho việc triển khai pháo xe kéo, nên Nga dựa trên lực lượng pháo tự hành là chủ yếu. Trong giai đoạn “Phase 1” của cuộc chiến tranh, chúng ta bắt gặp đây đó những hình ảnh chia sẻ về cảnh quân Ukraine bắt được những cỗ pháo tự hành cỡ 152mm bị bỏ lại, vì lý do thiếu nhiên liệu, thiếu đạn và những vấn đề liên quan đến kỹ thuật vận hành máy móc. Đó là giai đoạn quân Nga phải di chuyển rất xa mà không đảm bảo kỹ thuật và hậu cần hỗ trợ. Đến giai đoạn “Phase 2” của cuộc chiến The Battle of Donbas pháo binh Nga có điều kiện lùi về tuyến sau hơn, tính cài răng lược hay “loang lổ da báo” giảm đi.

Hồi “Phase 1” người ta đã nhìn thấy các loại pháo xe kéo Nga 2A18 D-30 122mm và 2A36 Giatsint-B 152mm được triển khai ở vùng Kharkiv, và bây giờ chắc hẳn chúng được triển khai ở Donbas. Đặc biệt là ở gần Mariupol hồi đầu tháng Ba, trung đoàn Azov sau trận đánh ở ngoại vi thành phố đã chiếm được một khẩu pháo chống tăng 2A29 MT-12 Rapira của Nga, và sau đó có một khẩu khác bị chiếm ở đâu tui quên rồi.

Thực tiễn chiến trường hiện nay các nhà quan sát ghi nhận tỉ lệ sử dụng giàn pháo phản lực của Nga là cao nhất, trong đó tập trung dựa vào cỡ 122mm với việc sử dụng giàn phóng Tornado-G và sau đó là dùng giàn phóng Grad BM-21, dường như nó được coi như là xương sống còn thay cả vai trò của lựu pháo truyền thống.

Đầu chiến tranh, Nga đã dùng BM-30 Smerch 300mm để bắn vào thành phố Kharkiv từ vùng Belgorod, vụ pháo kích làm chết 11 người. Ngày 21/04, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ cũng dùng giàn phóng loại này bắn vào một sân bay của Ukraine ở miền trung, phá hủy một kho đạn dược.

Khoảng sau giữa tháng năm, người ta ghi nhận vụ Nga sử dụng Tornado-G bắn tan nát một ngôi làng bỏ trống ở nam Izyum. Ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn.

Trong giới quân sự nói chung vẫn tồn tại những ý kiến cho rằng cần phải coi trọng vai trò của pháo binh truyền thống, chứ không phải phát triển mạnh các loại pháo phản lực. Trong khi đó, tiếp tục thành công rực rỡ của pháo phản lực xô-viết trong chiến tranh thế giới II, Nga vẫn giữ nguyên quan điểm đối với pháo phản lực, bất chấp những chỉ trích đối với loại pháo này và thực tiễn đã chứng minh là họ đúng.

Nếu chúng ta gõ cụm từ khóa “Cachiusa, những loạt súng khiến kẻ thù run sợ” của dịch giả Lưu Hải Hà dịch từ năm 2005 đã được báo nào đó đăng lại, sẽ thấy hiệu quả và uy lực của pháo phản lực hồi đó đã như thế nào đối với đối phương trên chiến trường Xô – Đức. Thực tế đã chứng minh, kể cả trong cuộc chiến hiện nay ở Ukraine, cụ thể là The Battle of Donbas, pháo phản lực của Nga đóng vai trò như vũ khí hạt nhân chiến thuật, chẳng hạn dàn Tornado-G trong vòng 20 giây đồng hồ có thể phủ được một diện tích 32ha… hoặc TOS bắn đạn nhiệt áp tiêu diệt bộ binh đối phương.

Vì thế, trong chính sách đối ngoại của Nga nếu như cho rằng nước này có vũ khí chính là “sử dụng cơ bắp quân sự” hay diễu võ dương oai, thì trong lĩnh vực quân sự pháo binh của Nga chiếm tỉ trọng rất cao. Trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine năm 2022, người ta ước tính 80% thiệt hại chung của Ukraine là do pháo binh quy ước của Nga gây ra.

Xuất phát từ quan niệm khác nhau trong xây dựng học thuyết quân sự, Nga duy trì một lực lượng pháo binh lớn, ngày càng coi trọng lực lượng tên lửa tấn công trong lĩnh vực pháo binh. Để đối trọng với một hạm đội không quân hùng hậu của phương Tây, nước này ưu tiên phát triển một cách thích đáng các hệ thống phòng không tiên tiến. Tuy vậy, các tính năng được quảng cáo của những máy bay thế hệ mới của Nga cũng cho thấy họ không bỏ rơi lĩnh vực này.

Theo xác định của học thuyết quân sự Nga, pháo binh của Quân đội Nga có những nhiệm vụ:

• Đánh bại phương tiện tấn công hạt nhân, quân đội, vũ khí, quân trang và thiết bị đặc biệt của họ (của kẻ thù).

• Phá hủy các công trình phòng thủ và các mục tiêu cơ sở hạ tầng khác, làm giảm hoặc hạn chế đáng kể khả năng chiến đấu của kẻ thù.

• Gây gián đoạn hậu cần của kẻ địch.

• Làm suy yếu và cô lập các tầng phòng thủ thứ hai và các nguồn dự trữ khỏi tầng đầu của đối phương.

• Tiêu diệt xe tăng địch và các phương tiện bọc thép khác xâm nhập vào chiều sâu của khu vực phòng thủ.

• Bảo vệ phạm vi của hai bên sườn và đường cắt ngang chính diện mặt trận.

• Phối hợp tiêu diệt máy bay và lực lượng đổ bộ của địch.

• Đánh phá từ xa các khu vực sâu trong hậu phương địch.

• Hỗ trợ một phần cho các hoạt động ban đêm của quân đội.

• Rải mìn chống tăng, chống bộ binh.

• Tạo ra những màn khói ngụy trang, làm mù hệ thống quan sát mục tiêu của đối phương.

• Tung tài liệu tuyên truyền.

Hoạt động chiến tranh của quân đội Nga nói chung, của pháo binh Nga nói riêng được xây dựng trên giả định sẽ diễn ra trên phần đất châu Âu của nước này và trên lãnh thổ các nước EU của NATO. Cả hai vùng đất trên nói chung là bằng phẳng, do đó việc trinh sát bằng mắt là bị hạn chế vì khó tìm được vị trí tốt. Do vậy, cách bắn chính của pháo binh nước này được xây dựng trên các mô hình toán học chuẩn hóa, cụ thể hơn là “dự đoán thành công chiến thuật của đối phương.”

Về phía mình, việc chuẩn hóa của quân đội Nga nói chung, của pháo binh Nga nói riêng cũng được xây dựng thông qua các cuộc tập trận và dần dần tiến hành các nhiệm vụ phụ thuộc tình huống theo barem, để không bị mất thời gian. Đó chính là lý do mà thiếu tướng Vadim Marusin, phó tham mưu trưởng lực lượng lục quân Liên bang Nga nói: “Ngày nay, chu kỳ [từ trinh sát đến khai hỏa] chỉ mất 10 giây theo đúng nghĩa đen.”

Để thực hiện hình mẫu mới này, giới lãnh đạo quân đội Nga đã thực hiện “tầm nhìn của Ogarkov” về một cuộc chiến tranh quy ước được xác định bằng “thông tin, tích hợp thời gian thực của hệ thống hỏa lực và tấn công với kết quả tình báo và trinh sát.”

• ROS: Hệ thống Trinh sát hỏa lực.

• ASUNO: Điều khiển tự động hệ thống hỏa lực,

• ESU TZ (единая система управления тактического звено): Hệ thống Chỉ huy và Kiểm soát Tích hợp Chiến thuật, hệ thống của Nga tương đương với FBCB2 của Mỹ.

Đến thời kỳ mới, sự phát triển của pháo binh Nga đã bắt đầu có những bước tiến cách mạng như tích hợp quan sát thời gian thực vào ROS. Để hiểu hiệu quả của cuộc cách mạng này, chúng ta lấy con số: từ khi có Orlan-10, hiệu quả xạ kích của lựu pháo tự hành 2S3 “Akatsiya” thời Ung Chính Hoàng đế tăng lên đến 40%.

Đến nay, được biết Nga đã phát triển được một lực lượng UAV hùng hậu, chẳng hạn có nguồn dẫn rằng nước này có đến 1.500 cái Orlan-10. Biên chế của chúng vào lực lượng pháo binh như sau:

Ngoài các lữ đoàn hoặc sư đoàn vũ trang tổng hợp, các trung đoàn và lữ đoàn pháo binh có một đại đội UAV cơ hữu. Trước đây, chúng (đại đội UAV) được tạo thành từ hai trung đội máy bay không người lái tầm ngắn. Một đại đội được trang bị Orlan-10 và Tachyon-4. Đại đội còn lại, với các mẫu khác nhau Granat-1/2/3/4; Zastava; Tachyon và Eleron.

Trong số các UAV Nga trên, nổi tiếng nhất là Orlan-10 với khả năng mang trọng tải đa dạng. Trong một số trường hợp, nó mang theo các máy quay video và camera ảnh nhiệt chuyên dụng. Ở những trường hợp khác nó mang theo máy ảnh và một cảm biến cho các nhiệm vụ trinh sát điện vô tuyến.

Trong thành phần các trung đoàn hoặc lữ đoàn pháo binh có các đơn vị máy bay không người lái. Chúng ta không có nhiều thông tin, nhưng dường như là các đại đội được trang bị không chỉ Orlan-10 và các máy bay không người lái trinh sát nhỏ khác, mà còn có các đội với Orlan-30 để chỉ định các mục tiêu vũ khí thông minh với đèn la-ze.

Đây là một ví dụ thú vị về sự phối hợp chặt chẽ được thực hiện bởi lực lượng đại đội UAV và các đơn vị pháo binh: những người điều khiển máy bay không người lái của Lữ đoàn bộ binh cơ giới 19 mà họ thường xuất hiện trong các bức ảnh cùng với các binh sĩ của cùng lữ đoàn ở Donbas.

*********

Đến đây chúng ta đã tạm hình dung về sự phát triển của pháo binh Nga về “chất” để theo kịp thời đại như thế nào. Vậy hiện nay chúng đang bộc lộ những đặc điểm gì?

Thứ nhất, việc phát triển các Drone trong lực lượng pháo binh Nga là đúng, nhưng hầu hết chúng là những máy bay không người lái cỡ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Thứ hai, do thua kém về công nghệ, nên việc vô hiệu hóa Drone Nga khá dễ dàng.

Thứ ba, do rẻ tiền (theo những quan sát của giới quân sự nước ngoài trong đó có Ukraine) việc phát triển về số lượng các loại này được coi là không hạn chế.

Với 3 đặc điểm trên, nhiều khi chúng dẫn tới một câu chuyện là drone Nga dễ bị coi thường, nhưng hóa ra họ có một số lượng lớn vô cùng thì chúng vẫn hỗ trợ được pháo binh của họ như bình thường.

*********

Hồi giữa tháng Ba không rõ trời xui đất khiến như thế nào mà tui tính toán và phát ngôn hú họa đến liều mạng là sắp tới có thể Nga phải vay đạn của Belarus, làm cho nhiều bác cười ồ và mấy hôm sau việc đó đến thật.

Thật ra chuyện này có được do tui đọc một báo cáo từ năm ngoái nói về tình trạng của một số tập đoàn sản xuất quân sự Nga, ví dụ tập đoàn Uraltransmash ở Yekaterinburg vốn đối mặt với tình trạng thua lỗ triền miên. Tập đoàn này hiện nay là nhà sản xuất chính cho mấy loại pháo tự hành chúng ta đã lướt qua trên đây, đặc biệt là mặt hàng chủ lực 2S19 Msta (Msta-S) 152mm.

Người ta đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Nga trong việc quá chú trọng tên lửa hành trình mà bỏ bẵng pháo truyền thống. Mãi đến năm 2016, tập đoàn này mới nhận được đơn đặt hàng cho 42 cỗ Msta, nâng cấp một số cỗ pháo cũ và không đặt hàng cho Koalitsiia-SV loại cải tiến dù nó đã được “chào sân” trong lễ duyệt binh chiến thắng năm 2015.

Đi kèm với câu chuyện trên, là doanh nghiệp không rõ con đẻ hay con nuôi của Rostec: Kalashnikov chuyên sản xuất đạn pháo, cũng trong tình trạng èo uột. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các loại đạn thông minh có độ chính xác cao. Nhà sản xuất Kalashnikov hiện nay đang sản xuất các loại đạn như sau:

• 3OF39M “Krasnopol-M” Laser-guided 152mm tầm bắn 25 km

• 3OF75 “Santimeter-M” Passive laser-guided 152mm tầm bắn 20 km

• 3VOF112 “Kitolov-2M” Laser-guided Kalashnikov 120mm tầm bắn 12 km

• Ngoài ra còn có “Krasnopol-D” GPS-guided – đang phát triển.

Quay lại với các giàn phóng pháo phản lực của Nga, như trên đây chúng ta đã điểm qua một số loại chính. Ví dụ như loại Nga có nhiều nhất nhưng cũng đã lạc hậu nhất, Grad BM-21, vào thời điểm trước chiến tranh Nga có 550 giàn hoạt động tốt, và trong kho còn có 2.500 giàn trong tình trạng niêm cất. Năm 2016, trợ lý bộ trưởng quốc phòng nước này đã thông báo Bộ có kế hoạch đặt mua 700 giàn Tornado-G để thay thế. Đây là loại được mô tả một cách khiêm tốn rằng hiệu quả và độ chính xác của nó chỉ gấp 2 hoặc 3 lần Grad thôi (lúc đầu quảng cáo 15 lần).

Hiện nay không có con số chính xác về số lượng hoàn thành được theo kế hoạch này, vì năm 2017 giám đốc doanh nghiệp sản xuất Tornado-G đã thông báo doanh nghiệp này đang phải tìm cách thay thế các ống phóng của giàn trước đây nhập của Ukraine, nay do tình trạng xung đột giữa hai nước, không còn nhập khẩu được nữa.

Xếp thứ nhì về số lượng giàn phóng, là 9K512 Uragan với 200 giàn hoạt động tốt, 900 giàn trong kho chưa rõ tình trạng cụ thể. Thứ ba là Smerch với số lượng 100 giàn.

Vậy câu chuyện sẽ như thế nào đối với các loại đạn pháo của Nga? Cần phải khẳng định rằng hiện nay Nga đang lưu trữ một kho đạn pháo khổng lồ từ thời Xô-viết, tất nhiên tất cả số chúng là đạn ngu. Mặc dù tháng 5 năm 2015, Thiếu tướng Mikhail Matveevskii, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và Pháo binh của Lực lượng Mặt đất Nga đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng độ các loại đạn có độ chính xác cao mới “tương tự như của nước ngoài" sẽ được phát triển cho Koalitsiia-SV, nhưng đến nay người ta đang rất nghi ngờ khả năng đó.

Một nghi ngờ khác cũng diễn ra tương tự với dự án của Kalashnikov khi họ công bố ý định xây dựng một nhà máy đạn pháo mới vào năm 2013, nhưng đến nay không biết nó (dự án) đã ra sao.

Do vậy, người ta đã nhận xét rằng: Do có kho dự trữ đạn pháo thường và đạn phản lực khổng lồ (đạn ngu) nên Nga không có ý định sản xuất thêm chúng trong thời bình. Việc này dẫn đến nếu có xung đột, nước này không thể ngày một ngày hai mà khởi động lại dây chuyền sản xuất đạn pháo cùng toàn bộ các chuỗi cung ứng liên quan. Một lý do nữa là những thành công trong ứng dụng UAV vào hệ thống pháo binh trong thời gian qua, đặc biệt trong cuộc xung đột ở đông Ukraine từ 2014, làm cho họ nhận thấy chỉ cần sử dụng đạn pháo ngu kết hợp với UAV là đủ dẫn đến:

Thứ hai, do chính sách không rõ ràng đã dẫn đến tình trạng khó khăn của cả các doanh nghiệp sản xuất vũ khí lẫn đạn, như trên đây chúng ta đã xem xét, do đó ngay cả những loại đạn thông minh theo mong muốn của chóp bu quân sự nước này, cũng không phát triển được. Trong các cuộc tập trận của Nga những năm vừa qua, họ đã cho thấy việc sử dụng ồ ạt đạn loại ngu chứ không có đạn thông minh do giá cả đắt đỏ của nó.

*********

Vậy thì tại sao lại nói Nga trong cái cuộc chiến tranh Ukraine 2022 đáng nguyền rủa này, lại thua về mặt pháo binh? Có nhiều cách nhìn nhận, ví dụ nếu hai bên đấu pháo với nhau bên này cứ khai hỏa là bị phản pháo tiêu diệt, thì là thua. Nhưng cũng có thể xem xét ở các khía cạnh khác, ví dụ như anh sử dụng ào ạt một cách hung hăng nhưng lãng phí và không gây ra hiệu quả cần thiết, thì cũng là thua.

Nhưng trong cuộc chiến này, Nga thua về pháo binh thể hiện ở một số khía cạnh:

Không có tên lửa và đạn thông minh, ngay cả tên lửa bắn trượt mục tiêu và xịt cũng đến 60% thì còn nói làm gì.

Có đạn thông minh cũng phải dựa trên chỉ thị mục tiêu bằng laser. Còn dùng đạn ngu theo quan điểm của Nga bây giờ, dựa trên UAV để đảm bảo chính xác. Điểm yếu của UAV Nga trên chiến trường Ukraine đã bộc lộ rõ. Ngày hôm nay bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine còn đưa tin: do bị bắn nhiều UAV quá, quân đội nước này đã phải mượn UAV của Bộ các tình trạng khẩn cấp và nó cũng bị bắn rơi nốt.

Do hai yếu tố trên, Nga buộc phải bắn ào ạt theo kiểu bừa bãi, mà người ta nhận xét là theo cách của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Không những thế, do nhiều yếu tố như địa hình hạ tầng giao thông khó khăn, Nga cũng dựa trên phần lớn là hỏa lực của pháo phản lực. Điều đó dẫn đến sự quá tải của cả hai hệ thống: hậu cần vận chuyển và sản xuất. Có một con số chứng minh: do quan niệm này của Nga, nên họ có lực lượng pháo binh lớn gấp 3 lần Hoa Kỳ, và nhu cầu về đạn cho mỗi đơn vị gấp 3 lần Hoa Kỳ. Tổng cộng nếu cùng một quy mô xung đột, nhu cầu về đạn của Nga sẽ gấp 10 lần Hoa Kỳ.

Tất nhiên, sản xuất thì chắc chắn nước này vẫn sản xuất được, nhưng nó không hề dễ dàng trong điều kiện chiến tranh bị cấm vận khá triệt để. Chúng ta cần hình dung để sản xuất đạn phản lực, về thuốc nổ sẽ tốn 3 lần so với đạn cho lựu pháo và về độ tản mát của đầu đạn, gấp 6 lần. Một tiểu đoàn Grad BM-21 với 18 giàn phóng trong một lần khai hỏa xoẹt phát là bắn lên trời 720 quả hỏa tiễn với khối lượng 66kg/quả. Từ đó chúng ta có thể tính ra được nhu cầu về tàu hỏa và xe tải cho vận chuyển chúng từ nhà máy đến chiến trường.

Cuối cùng, do cách đánh hay chiến thuật của Nga vẫn là tiền pháo, hậu… xe tăng và bộ binh, nên nếu không có hỏa lực pháo binh, họ không có khả năng đánh nhau, và trên thực tế thì với cách sử dụng hỏa lực như hiện nay thì có dùng cũng chẳng mấy hiệu quả.

*********

Bước vào cuộc chiến tranh với Ukraine, thực sự cả hai bên đều dựa trên cùng một hệ thống xô-viết, quá rõ về nhau và Ukraine có phần thua kém, chậm chân về ứng dụng công nghệ cao. Điều đó đúng với khoảng năm 2017 – 2018 trở về trước. Đến năm 2021 – 2022 tất cả đã thay đổi. Những người quan sát tay mơ như chúng ta đã chứng kiến sự thâm nhập của công nghệ thời đại vào cuộc chiến tranh này: việc Ukraine sử dụng đủ các loại drone từ rẻ tiền đến vừa vừa trên chiến trường mà chúng ta cũng không nghi ngờ việc hỗ trợ của Starlink với quá trình đó hiệu quả như thế nào…

Điều đó dẫn đến sự khác biệt chóng mặt của hai bên có cùng cơ sở nền. Việc quân Ukraine sử dụng “phổ cập” Hermes-C2 đã đến mức các tổ tác chiến bộ binh. Cứ 3 người được trang bị một thiết bị cầm tay và một nhóm 10 người thì nhóm trưởng (cỡ như tiểu đội trưởng í nhở) được trang bị một máy tính bảng phần cứng theo tiêu chuẩn quân đội – mỗi tổ đều có thể được hỗ trợ quan sát đối phương với các dữ liệu thời gian thực và dùng… app để gọi hỗ trợ pháo binh.

Về tương quan, Ukraine chỉ có con số khiêm tốn khoảng dưới 2.000 pháo binh các loại cả xe kéo, giàn phóng… so với 4.700 Nga mang ra và còn bổ sung thêm.

Vừa rồi, người ta bình luận, đồn đoán về việc pháo M777 của ai đó chuyển cho Ukraine có các bộ phận quan trọng nào đó bị tháo ra – khổ quá, bây giờ thiết bị nó được “mô-đun hóa” tháo ra được thì phải lắp vào được. Điều quan trọng là nó để mở khả năng tích hợp tự động hóa với gì gì đó bắn cho chính xác, với mấy ông Ukraine này chắc trong nửa nốt nhạc.

Vậy tại sao khi Hoa Kỳ quyết định chuyển cho Ukraine một số loại giàn pháo phản lực phóng loạt (MLRS) thì Nga lại tỏ ý e ngại, thậm chí có thể bình luận là lo sợ? Thực tế họ cũng có BM-30 Smerch với tầm bắn 90 km, thậm chí có loại đạn cho nó bắn mấy trăm kilômét kia mà?

Bản thân Ukraine cũng có loại vũ khí tương tự: đạn hỏa tiễn Vlha sử dụng hệ thống dẫn đường và hiệu chỉnh quán tính dựa trên GPS, do Văn phòng thiết kế Luch có trụ sở tại Kiev chế tạo năm 2016.

Đối với một số nhà phân tích quân sự Nga, tên lửa mới của Ukraine thực ra không hơn gì một bản nâng cấp của tên lửa tiêu chuẩn được sử dụng bởi BM-30 Smerch. Nhưng tên lửa này có độ chính xác cao hơn nhờ sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh trong khi các tên lửa cũ của Liên Xô dựa trên được gọi là hệ thống hiệu chỉnh quán tính.

Cán cân giữa hai bên đang lệch sang phía Nga, sẽ trở nên cân bằng hơn vì một số lý do:

• Thứ nhất, Nga có thể không đủ đạn cho BM-30 Smerch.

• Thứ hai, Nga có thể cũng không có đạn thông minh với độ chính xác cao cho giàn phóng này.

• Thứ ba, là sự thua kém về tầm bắn của nó so với vũ khí mà Hoa Kỳ định trang bị cho Ukraine.

• Thứ tư, ngoài sức mạnh hủy diệt nói chung của dàn phóng phản lực mà nhiều người ví von như vũ khí hạt nhân chiến thuật, thì giàn phóng của phương Tây vượt trội về độ chính xác và các tính năng tiên tiến khác, điều giúp Ukraine và cả nhà cung cấp giảm tải được cho hệ thống cung cấp đạn dược, hậu cần.

Kết luận: Như vậy, mặc dù đang vượt trội nhiều lần so với Ukraine về pháo binh, nhưng hóa ra Nga lại đang thua. Con số 80% thiệt hại của Ukraine là do pháo binh Nga mang lại, còn được tính gộp cả những công trình hạ tầng dân sự, thiệt hại nhân mạng của dân chúng. Đó cũng là điều đáng sợ của Nga, mà đến nay cả thế giới đã nhận rõ thấy “kinh”: thi hành kiểu chiến tranh phi nhân đạo, phi đạo nghĩa, không thèm thương tiếc sinh mạng bất cứ ai. Đó cũng là lý do người ta nhận thấy nhân cuộc chiến tranh không mong muốn này đằng nào cũng đã nổ ra rồi, cũng nên quại cho Putox ít nhất ốm liệt giường thập tử nhất sinh luôn đi.

Điều thú vị nhất tui để đến cuối: trong một loạt các báo cáo tham mưu của Ukraine khoảng hai tuần trở lại đây, đặc biệt nhiều trong một tuần gần đây “lực lượng Nga bắt đầu dùng pháo nòng trơn để bắn vào các vị trí của quân ta ở Donbas.” Hầu hết chúng ta sẽ không để ý thông tin này, nhưng tui thì thế nào lại chú ý theo dõi, đặc biệt là sau khoảng 2 – 3 ngày bắt đầu đi hóng, thấy các chuyên gia quân sự nước ngoài họ cũng theo dõi. Cuối cùng thì khi hỏi một vị đại tá Ukraine, cũng được biết là cơ quan tham mưu của họ theo dõi vụ này thật. Nó cũng tương tự Starlink cung cấp dữ liệu thời gian thực của số lần pháo kích và số đạn Nga đã sử dụng và tính toán xem dự trữ của Nga còn nhiều không…

Câu chuyện pháo nòng trơn là ở chỗ, trên chiến trường có pháo chống tăng MT12 – 100mm là nòng trơn cùng với pháo xe tăng. Việc sử dụng pháo nòng trơn để thay cho lựu pháo cầu vồng cho thấy đó là một chỉ dấu báo hiệu sự… hết đạn của Nga ở chiến trường. Đó cũng là một dữ liệu để xem xét tính toán xem bao giờ thì họ xìu hẳn.

PHÚC LAI 02.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.