Sáu, nhà tuốt Bình Chánh giáp Long An, hàng ngày chạy chiếc xe máy cà tàng xuống tận chợ cóc gần nhà mình bán hàng.
Hàng của Sáu thì hầm bà lằng: Con vịt xiêm buộc chéo cánh vẫn ngỏng cổ kêu cạc cạc inh ỏi. Chú gà trống mào đỏ chót lụng bụng lườm con vịt to mồm. Cái bắp chuối đỏ tươi. Mấy bó rau đủ loại ngót, cải, muống, bí. Vài trái ớt. Bó hành ngò và nhất là trái cây, mùa nào thức ấy tươi rói, xanh mướt, đỏ rực, nhựa cây ứa trên cuống trắng sữa đục trong.
Hồi đầu tiên mình đi chợ buổi sáng, Sáu ngoắc mình lại hất hàm: "Ê bồ! Vợ sai đi chợ hả? Bả nói mua gì, để Sáu coi chỉ cho?".
Khi đã thành "khách quen", Sáu thú thật: "Tui ngày xưa có thằng chồng suốt ngày cờ bạc, nhậu nhẹt say sưa uýnh vợ, hổng giúp việc gì gia đình, nên tui bỏ và giờ cứ thấy đàn ông đi chợ là tui ham". Và cười lúc lắc: "Xuống đây bán hàng để vừa có tiền mua vé máy bay sang thăm con bé làm bên bển, mình có chân có tay, sao phải để nó bao, vừa được vui. Chợ đây đông đúc nhộn nhịp họp cả ngày, không như chợ quê, xíu cái vắng hoác vắng hơ"...Đồ của Sáu toàn ở dưới quê, Sáu lại nhanh mồm nhanh miệng, nên hàng hết sớm. Tầm này, chôm chôm vào mùa, dù hết hàng sớm, thế nào Sáu cũng dành lại cho mình một chùm đẫy tay, dặn: "Cây nhà tui thiệt chôm chôm nhãn. Xấu xí méo mó và màu không đẹp, nhưng ngon ngọt và tróc vỏ. Đừng nhìn mấy thứ màu sắc sặc sỡ mà tưởng ngon", khiến mình, nghiện chôm nhãn mấy hồi.
Năm trước cữ này, Sài Gòn bắt đầu phong thành theo chỉ thị 15. Chợ bị chăng dây, cả người bán lẫn người mua bị đuổi như đuổi tà. Thế nhưng Sáu vẫn luồn lách xuống chợ, lấp ló sau cây cột điện, gọi thì thào: "Rau và trứng, Sáu đã bỏ vô từng túi. Chôm nhãn thì nhiều, về chia bớt hàng xóm", rồi ngẩn ngơ: "Đọc số điện thoại, mai mốt mua gì thì gọi, tui mang xuống cho. Phố xá cứ như ấp chiến lược hồi trước 75 vầy, biết mua ở đâu và và người ta sống ra sao đây?"
Mấy lần sau, Sáu vẫn len lỏi qua các trạm kiểm soát, mang rau đến cho mình. Hỏi "Sao đi hay vầy?". Sáu cười: "Xưa Sáu làm giao liên cho các bác các chú, mang đồ vào thành suốt. Hải đừng có lo!"...
Sài Gòn dần bịnh nặng, khắp nơi chăng dây xét giấy chọc mũi, Sáu không xuống được, cứ mấy ngày lại nhắn tin hỏi "khỏe không, bịnh không". Mãi đến một hôm, Sáu gọi điện ngập ngừng: "Coi zalo thấy Hải đi tặng đồ ăn miết. Nếu dư, cho Sáu mua ít gạo, mắm muối dầu ăn cho làng xóm. Dưới này chăng kẽm gai khắp nơi, hổng được đi".
Hôm tụi mình chở ít túi hàng thiết yếu xuống tặng, Sáu cười lí lắc bên kia rào dây kẽm gai: "Thế là sống được thêm ít ngày rồi. Mùa chôm nhãn tới, Sáu sẽ lựa trái ngon nhứt mang xuống cảm ơn" và lại dặn: "Hải đi nhiều. Gắng giữ. Đừng để dính, nghe!"
Thế rồi bặt tăm. Mấy lần gọi điện hỏi, toàn nghe "thuê bao". Đi qua chợ, thấy chỗ ngồi trước cây cột điện, trống hoác, lặng câm...
Hôm qua, có số điện thoại lạ gọi. Giọng con gái bên kia nhỏ nhẹ: "Con là con má Sáu. Má mất hồi bùng dịch. Trước khi mất, mà có nói gọi chú Hải. Nay con mới về, chuẩn bị làm giỗ đầu cho má, xin gặp chú".
Ngồi nói chuyện, con bé kể: "Má không được đi chợ, nhưng vẫn luôn chân tay giúp bà con chòm xóm. Thấy má đi nhiều, người ta bắt test liên tục, bảo là F1,F2 và đưa vào khu cách ly. Má dính bệnh dịch, nằm điều trị gần chục ngày thì mất, mãi mới được thiêu"...
Lúc ra về, con bé nói tài xế mở cửa xe, bê xuống một thùng bự chảng, bảo: "Chôm nhãn của nhà. Má dặn mang tận tay cho chú Hải, nói cảm ơn đã tặng gạo mì mắm muối cho má và bà con lúc thiếu đói"...
Cái thùng xốp trên tay nặng trĩu. Mở ra, những trái chôm chôm đỏ bầm, như màu máu. Con bé bảo: "Qua dịch, chôm ở quê cứ chuyển màu đỏ, không xanh vàng giống ngày xưa. Đâu cũng vậy, lạ kỳ".
Sáng nay, lẩn mẩn xem lại thống kê của Bộ Y tế, thấy Sài Gòn có 19.984 người tử vong. Gần 20.000 sinh mạng ra đi. Nhiều quá, nên trong lễ tưởng niệm hôm nào, người ta không thắp đủ chừng ấy ngọn nến, chỉ tượng trưng ít nến đế màu đỏ, chấp chới cháy, trước lễ nghi - complê và ống kính máy quay.
Những đế nến hôm ấy, giống như những trái chôm chôm nhà Sáu, nhỏ thôi nhưng đỏ bầm màu máu, uất ức, tức tưởi...
Sáng nay Sài Gòn, từ mặt báo đến vỉa hè, đâu cũng thấy chôm chôm, máu.
MAI THANH HẢI 08.06.2022
* Hình: Thu nhận thi thể người dân bị chết vì dịch Covid-19 trong hẻm cách ly, phong tỏa dài ngày; Sài Gòn, tháng 6.2021.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.