lundi 27 juin 2022

Việt Nam chống tham nhũng, mong thành điểm đầu tư thay Trung Quốc ?


Đăng ngày:

Từ « quả bom » Việt Á...

Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vào tháng 2/2020 đã nhận được tài trợ của Nhà nước để cùng với Học viện Quân y sản xuất ra một bộ xét nghiệm Covid « made in Vietnam ». Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi đã tài trợ, hai tháng sau loan báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận bộ kit xét nghiệm này. Báo chí Việt Nam ca ngợi Việt Á, và năm 2021 công ty này còn được chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động. Cho dù có nhiều sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh, nhất là từ Trung Quốc, Việt Á thu lợi rất lớn vì đất nước 100 triệu dân xét nghiệm ồ ạt.

Nhưng đến cuối 2021, tổng giám đốc Việt Á bị bắt vì đã nâng giá giả tạo 35 % và chi hoa hồng cho giám đốc trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) các tỉnh. Hơn nữa, WHO chưa hề công nhận các bộ xét nghiệm trên. Từ đó đến nay cuộc điều tra do cơ quan chống tham nhũng - được gọi là Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam - tiến hành, đã khiến gần 60 người mất chức. 

Trong số đó có cả các viên chức cấp cao, quân nhân, nhà nghiên cứu, doanh nhân. Đặc biệt là bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, và chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh do những vi phạm của ông này lúc còn là bộ trưởng Khoa học Công nghệ (đến 2020). Cả hai đều bị bắt sau khi bị khai trừ đảng.

Xì-căng-đan được báo chí trong nước mệnh danh là « quả bom Việt Á » là vụ mới nhất trong một loạt điều tra gây chấn động, đã đưa ra ánh sáng những cách thức tham nhũng, và nói chung là mối quan hệ độc hại giữa giới kinh doanh và Nhà nước đảng trị, hoặc các cơ quan quản lý.


…Đến những chuyến bay « giải cứu », thao túng chứng khoán

Đến giữa tháng Tư, thứ trưởng Ngoại giao bị bắt do nhận hối lộ của những người Việt bị kẹt ở nước ngoài trong đại dịch muốn được bay về nước. Tháng Năm, một thứ trưởng Y tế bị lãnh án bốn năm tù vì cấp phép cho dược phẩm giả. Trong quân đội, cựu tư lệnh và chính ủy Cảnh sát biển bị bắt hồi tháng Tư vì tham ô. Trong lãnh vực tư nhân, nhiều lãnh đạo tập đoàn bị bắt vì thao túng chứng khoán, trong đó có nhà sáng lập tập đoàn FLC, người sở hữu công ty hàng không Bamboo Airways, và chủ tịch tập đoàn địa ốc Tân Hoàng Minh.

Chiến dịch chống tham nhũng được đẩy nhanh trong bối cảnh Việt Nam tìm cách được coi là chọn lựa hàng đầu đối với những tập đoàn phương Tây hoặc châu Á muốn dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần khỏi Trung Quốc. Trong ý nghĩa đó, các nhà đầu tư ngoại quốc đánh giá cao nỗ lực này.

Cuộc chiến chống tham nhũng không thể tách rời khỏi nhân vật quyền lực nhất của chế độ là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhậm chức từ năm 2011, ông đã mở rộng quy mô chống tệ nạn tham nhũng từ 2013 và nhất là từ 2016, vào đầu nhiệm kỳ năm năm thứ hai của ông.


« Củi » vào « lò » ông Trọng ngày càng nhiều

Nhà nghiên cứu chuyên về Việt Nam, Thaveeporn Vasavakul của trung tâm Mỹ Governance Support Facility Initiatives giải thích : « Khác với thời kỳ trước, tổng bí thư chính thức nhìn nhận các quan chức đảng chính là nguồn gốc của vấn đề, hoặc họ trực tiếp tham nhũng, hoặc giúp những người khác tham nhũng. Trước năm 2013, đấu tranh chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào những vụ nho nhỏ trong chính quyền, hiếm khi đụng đến các viên chức cấp cao của đảng ».

Năm 2020, bản tổng kết của cơ quan chống tham nhũng cho thấy kể từ 2013, hàng ngàn cán bộ đã bị trừng phạt hoặc khởi tố, trong đó có 27 đương kim hay cựu ủy viên trung ương, bốn ủy viên Bộ Chính trị, 30 tướng lãnh. Năm 2021, trong số 1.011 người bị kỷ luật có cả một bí thư tỉnh ủy, một thứ trưởng và 10 tướng lãnh.

Tuy vậy, chiến dịch được mệnh danh là « đốt lò » của ông Nguyễn Phú Trọng, từ khi ông gọi các quan tham nhũng là « củi », cũng như bên Trung Quốc, còn nhằm đánh bại các phe phái đối địch và đối thủ tiềm năng đang dòm ngó các chức vụ cao nhất. Ông Trọng, 78 tuổi, được cho là thân Trung Quốc, hồi năm 2016 đã hất cẳng ông Nguyễn Tấn Dũng, được coi là thân phương Tây, và thành công trong việc vượt qua giới hạn quy định hai nhiệm kỳ. Ông được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba trong Đại hội Đảng tháng Giêng 2021.

Trong một bài diễn văn năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra vấn đề « đạo đức » khoảng bốn chục lần, và hứa hẹn sẽ có những biện pháp « nghiêm khắc, nhanh chóng » hơn trong đấu tranh chống tham nhũng. Tháng 5/2022, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng được thành lập theo hướng này. Giờ đây là lúc tăng cường chiến dịch, một dấu hiệu mà theo bà Vasavakul là « đấu tranh quyền lực » trong đảng.


Hàn Quốc ủng hộ Bộ Tứ, nhưng liên minh này chưa kết nạp thành viên mới

Về khu vực Bắc Á, thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo đang thăm Paris, khi trả lời Le Figaro đã khẳng định « Những khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ đạt được mục đích ». Trước khả năng Bình Nhưỡng sắp thử nguyên tử lần đầu kể từ 2017, ông Han cho biết sẽ nhanh chóng tiếp xúc với đồng minh quan trọng là Hoa Kỳ trong khuôn khổ « cơ chế tham vấn mở rộng về răn đe ». Theo ông, năng lực răn đe của đồng minh đủ mạnh để ngăn cản Bắc Triều Tiên tiến hành động thái này. Đồng thời Seoul mở cửa cho đối thoại và nếu tiến triển tốt đẹp, sẵn sàng giúp đỡ Bình Nhưỡng cải thiện mức sống.

Trả lời câu hỏi, liệu Hàn Quốc sẽ gia nhập Bộ Tứ (Quad) hay không, ông Han nói rằng Seoul chia sẻ quan điểm của nhóm này. Quad là một tổ chức hữu ích, Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ nhưng có lẽ các thành viên Bộ Tứ chưa sẵn sàng tiếp nhận thêm một quốc gia mới. Về tình hình Ukraina, thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh chủ quyền đất nước và tự do của người dân phải được bảo vệ, Seoul cũng tham gia trừng phạt Nga và lãnh đạo đảng cầm quyền mới đây đã đi thăm Ukraina.


Phóng viên chiến trường coi chiến tranh Ukraina là Thế chiến thứ ba

Liên quan đến đất nước đang là nạn nhân cuộc xâm lược của Nga, phóng viên ảnh Patrick Chauvel nhận định trên Le Figaro « Cuộc chiến ở Ukraina là Chiến tranh thế giới lần thứ ba ». Năm nay 73 tuổi, nhà báo Chauvel trong suốt nửa thế kỷ qua với chiếc máy ảnh trên tay đã ngược xuôi từ Việt Nam, Cam Bốt cho đến Libya, Syria, Irak…để thể hiện thực tế chiến tranh. Bảy lần bị thương nặng, ông đã đối mặt với những gì tệ hại nhất và sau nhiều tuần lễ ở Ukraina, ông đã quay lại Pháp, tặng cho tổ chức Phóng viên Không biên giới 100 tấm ảnh dành cho bộ sưu tập « 100 bức ảnh vì tự do báo chí ».

Chauvel từng chứng kiến những cảnh vô cùng can đảm – những người đàn ông Ukraina hy sinh để bảo vệ những người không quen biết, những phụ nữ cầm súng chiến đấu… Patrick Chauvel nhận thấy lịch sử đã lặp lại, nhưng ngày nay hàng ngàn thông tin đến lập tức từ mọi nơi, độc giả nay có thể cập nhật tin tức trên điện thoại nhưng không thể biết là thật hay giả. « Chúng ta đang sống trong thời đại của bóp méo thông tin và thuyết âm mưu, quân đội trở nên cảnh giác hơn với báo chí ». Có đến trên 2.000 nhà báo đang hành nghề tại Ukraina, và không ít người thích chụp ảnh kỷ niệm, viết tweet…khiến có nguy cơ lộ vị trí quân sự cho Nga.

Các phóng viên chiến trường là những chứng nhân cho thực tế chiến tranh. Gia đình ông vốn có truyền thống : người ông là lính thời Đệ nhất Thế chiến, cha tham gia chiến đấu ở Normandie, người chú là tù binh ở Điện Biên Phủ và sau đó trở thành nhà quay phim. Còn giờ đây cuộc chiến ở Ukraina ngày càng đến gần hơn, mà theo ông đã là Đệ tam Thế chiến. Mối đe dọa nguyên tử hãy còn đó, và Kiev chỉ cách Paris chưa đầy ba tiếng đồng hồ. Có những bức ảnh khủng khiếp, Chauvel không bao giờ trao cho báo chí mà cung cấp cho Tòa án quốc tế, vì ký ức tập thể.


Ukraina : Thiệt hại trực tiếp từ cuộc xâm lăng trên 100 tỉ euro

Cũng về Ukraina, Les Echos đề cập đến một cuộc chiến khác : Ngân hàng Trung ương nước này đang ở tuyến đầu chống lại Nga. Lãi suất tăng cao và chính sách hỗ trợ đồng tiền quốc gia khiến Kiev cầm cự được với hậu quả cuộc xâm lăng, nhưng thị trường lo sợ một cuộc khủng hoảng tài chánh nếu viện trợ quốc tế đến quá trễ.

Đồng hryvnia của Ukraina đã mất đi một phần ba giá trị so với đồng rúp. Ngân hàng Trung ương Ukraina đã can thiệp, bơm vào 2 đến 3,5 tỉ đô la từ tháng Ba đến tháng Năm để một đô la không quá 30 hryvina. Cuộc xâm lăng của Putin làm Ukraina mất đi 9 tỉ đô la dự trữ ngoại hối, Kiev đành tăng lãi suất lên gần gấp đôi vào đầu tháng Sáu. Các ngân hàng sẽ mất 20 % số tín dụng do các vụ phá sản liên quan đến chiến tranh. Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ 23 tỉ đô la trong năm nay, nhưng số tiền này chỉ đến nhỏ giọt, khoảng 3 tỉ đô la mỗi tháng.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Le Monde, thủ tướng Ukraina Oleksandr Kubrakov ước tính thiệt hại trực tiếp từ cuộc chiến cho đến 25/05 lên đến trên 100 tỉ euro. Từ 20 đến 30 % cơ sở hạ tầng của Ukraina đã bị phá hủy : cầu, đường, cảng, đường sắt, phi trường…Ở những thành phố như Mariupol, Kharkov, Tchernihiv, Sievierodonetsk, Lyssytchansk nhà cửa bị tiêu hủy rất nhiều, riêng Mariupol đã thành bình địa.


Vladimir Putin có nguy cơ thành chư hầu của Tập Cận Bình

Về phía Nga, Le Monde nhận định dưới thời Putin, kinh tế Nga đang chống chọi với cấm vận, có nguy cơ suy thoái lâu dài. Và Nga là một trong những đất nước bất bình đẳng nhất thế giới : 1 % dân số chiếm giữ 21 % thu nhập và 48 % nguồn lợi quốc gia. Có thể phải chờ đợi đến mùa thu này mới đánh giá được hậu quả của trừng phạt : bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cấm vận phụ tùng thay thế và các linh kiện cần thiết cho dược phẩm, máy tính, viễn thông, vũ khí, hàng không, dầu khí, xe hơi. Những chiếc xe Lada trong tương lai sẽ được trang bị ít hơn và…đắt tiền hơn.

Trong 22 năm độc quyền ngự trị, Vladimir Putin đã hy sinh lợi ích người dân cho tham vọng đế quốc. Ông chủ điện Kremlin chưa bao giờ tạo ra các điều kiện kinh tế thị trường ổn định, lợi dụng việc mở cửa để thủ lợi cho bản thân và cho các nhà tài phiệt chấp nhận không lấn sân sang chính trị. Nhất là nguồn lợi từ dầu khí không được đầu tư để đa dạng hóa nền kinh tế.

Ngày 09/06 trước các doanh nhân trẻ nhân kỷ niệm 350 năm ngày sinh của Sa hoàng thân châu Âu Pie Đại đế, Vladimir Putin khẳng định sau bốn tháng cấm vận, Nga vẫn chống chọi được. Tại Diễn đàn kinh tế Saint Pétersbourg hôm 17/06, Putin huênh hoang rằng việc tấn công vào kinh tế Nga đã thất bại, và cần phải hợp tác với những quốc gia « hữu nghị ». Nhưng có được bao nhiêu nước « hữu nghị » với Nga ? Liên minh Kinh tế Âu Á lập ra năm 2015 với Kazakhstan, Belarus, Armenia sẽ không giúp được gì. Quá thiên về chính trị và quá nhỏ, thị trường chung này thậm chí còn không dự trù bỏ thuế hải quan đánh vào năng lượng.

Ấn Độ phải tỏ ra chừng mực để quân bình mối quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu. Chỉ còn Bắc Kinh, vốn coi Matxcơva là đồng minh không thể thiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và là nguồn cung cấp dầu khí dồi dào, cho dù chuyển hướng sang Trung Quốc rất khó khăn. Hơn nữa, kinh tế Nga chỉ chiếm 10 % so với người khổng lồ châu Á, lại chậm chạp về công nghệ : Vladimir Putin có nguy cơ trở thành chư hầu của Tập Cận Bình. Có thể ông ta sẽ tiếc nuối việc buôn bán suông sẻ với châu Âu, được một trong những hình mẫu của ông là Pie Đại đế xúc tiến.


Chính phủ Macron mất đa số : Đáng lo hay đáng mừng ?

Chính trường Pháp sau cuộc bầu cử Quốc hội mà tổng thống Emmanuel Macron bị mất đi đa số tuyệt đối, kinh tế thế giới ủ ê trong khi cuộc chiến tranh ở Ukraina còn kéo dài, đó là những chủ đề chính của báo chí Paris hôm nay. Nhật báo kinh tế Les Echos quan ngại « Tăng trưởng, lạm phát : Kịch bản một cú sốc lâu dài ». Le Monde chạy tựa trang nhất « Quốc hội : Macron tìm kiếm đa số », Le Figaro nhận xét « Bị các phe đối lập bao vây, Emmanuel Macron tìm cách ra khỏi mê cung ». Libération chú ý đến phe cực hữu với dòng tít lớn « 89 dân biểu : Khám phá về đảng Tập hợp Dân tộc (RN) ».

Nhật báo thiên tả coi tỉ lệ đắc cử của đảng cực hữu là « thảm họa », cho rằng đây là lỗi của tổng thống Macron. Đáng lo hơn nữa, lớp người mới của đảng này có bề ngoài nhã nhặn, tươi cười dù bên trong họ luôn cực đoan. Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng trách cứ ông Macron đã quên đi đất nước đang chia rẽ, vết thương « Áo Vàng » vẫn chưa lành, những lời hứa không được thực hiện…Sắp tới khủng hoảng kinh tế do lạm phát sẽ bổ sung vào khủng hoảng chính trị hiện nay, nước Pháp trả giá đắt nếu không hành động. La Croix nhận thấy nếu trước đây Pháp vẫn phải chờ các đối tác châu Âu nhất là Đức lập xong chính phủ liên minh, nay thì ngược lại ; còn Le Monde ghi nhận một sự đảo ngược khác : các tân dân biểu Pháp kỳ này trẻ hơn các nước láng giềng.

Cây bút Édouard Tétreau trên Les Echos có phần lạc quan hơn, đặt câu hỏi « Nếu Quốc hội lại trở thành trung tâm quyền lực ? ». « Lá phiếu trừng phạt », « động đất », « cú nhảy vào vô định » … rất nhiều từ ngữ được dùng để mô tả kết quả gây chấn động của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp. Nhưng theo nhà bình luận, đây là tin tốt lành vì ít nhất ba lý do. Trước hết, số người không đi bầu quá cao, nhưng một trong những dự luật đầu tiên sẽ được bỏ phiếu ở Quốc hội mới là biến việc bầu cử thành bắt buộc như ở Bỉ. Thứ hai, Quốc hội lần này phản ánh công luận Pháp thuộc mọi thành phần. Cuối cùng, là tính chính danh. Quốc hội có thể lại là trung tâm quyền lực, hành pháp chỉ thực hiện ý nguyện. Với điều kiện tìm kiếm đồng thuận, ưu tiên hình thành các liên minh trên những chủ đề chính…những điều cơ bản của đời sống chính trị.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.