dimanche 12 juin 2022

Lúa mì Ukraina, con tin trong cuộc xâm lăng của Nga


Đăng ngày:

Đến lượt lúa mì thành vũ khí của Putin

Sau khí đốt, đến lúa mì. Khi đồng nhiệm Sénégal Macky Sall, kiêm chủ tịch Liên hiệp Châu Phi bày tỏ nỗi lo của một châu lục đang bị khủng hoảng lương thực đe dọa, tổng thống Nga Vladimir Putin nói « không có vấn đề gì ». Le Monde ghi nhận cuộc gặp diễn ra tại Sotchi, thành phố bên bờ Hắc Hải, nơi mà hồi tháng 10/2019 hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi đã được tổ chức. Ba năm sau, ngũ cốc trở thành chiếc chìa khóa của « quyền lực mềm » Nga, một sức mạnh chưa từng có và là vũ khí ngoại giao chủ chốt, khi sản lượng toàn thế giới chỉ có 774 triệu tấn trong năm 2022.

Từ khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng, xuất khẩu của Ukraina thông qua các cảng ở Hắc Hải phải ngưng lại. Khoảng 20 triệu tấn lúa mì đang chồng chất trong các xi-lô. New York Times hôm 05/06 cho biết từ giữa tháng Năm, Washington đã báo động cho 14 nước chủ yếu ở châu Phi là các tàu Nga chở đầy ngũ cốc ăn cắp của Ukraina đang hướng về phía họ, trong đó có ba tàu hàng được chỉ đích danh. Bộ Nông Nghiệp Ukraina ước tính có nửa triệu tấn lúa mì đã bị Nga « đánh cắp » để đưa về nước hay bán sang Trung Đông. Đại sứ quán Ukraina ở Beyrouth tố cáo trên 100.000 tấn lúa mì cướp của Ukraina đã đến cảng Lattaquié ở Syria. Ít nhất một tàu Nga đã bị Ai Cập xua đuổi, theo yêu cầu của Kiev.

Phá thế phong tỏa Hắc Hải bằng quân sự ? Đó là một chiến dịch đầy rủi ro. Bên cạnh những khó khăn chiến thuật như mìn bẫy, lực lượng tham gia là một vấn đề lớn, vì phương Tây không muốn bị coi là đồng tham chiến. Một giải pháp khác là huy động những nước phương nam có nguy cơ gặp khó khăn về lương thực như Ai Cập, Ấn Độ. Tuy nhiên, cho đến nay các nước này vẫn chưa muốn tham gia. Hiện thời châu Âu cố gắng giải tỏa bằng đường bộ và đường xe lửa, nhưng chiến dịch dự kiến phải mất đến…tám tháng, và còn cần đến 10.000 xà lan, 300 tàu lớn. Putin nói rằng có thể đưa qua cảng Mariupol và Berdiansk ở biển Azov đang do Nga kiểm soát, nhưng Ukraina phải gỡ mìn. Kiev tố cáo Matxcơva làm « săng-ta », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu không bị lừa : « Không có chuyện làm yếu đi tình hình an ninh của Ukraina ».

Khủng hoảng thực phẩm khiến thế giới có thể thụt lùi nhiều thập niên

Libération cảnh báo: « Không có gì cho thấy các nước khác sẽ bù đắp được sản lượng mất đi của Ukraina ». Một trong những bất lợi hiện nay là cơ chế đa phương bị trục trặc. Cuộc khủng hoảng thực phẩm 2007-2009 tiếp theo khủng hoảng tài chánh, đã dẫn đến việc thành lập G20, còn lần này có rất ít cơ chế điều tiết thị trường. Có 10 nước sản xuất ra 90 % lượng lúa mì thế giới, nhưng đa số (Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp) năm nay gặp thời tiết không thuận lợi. Cung giảm thì giá tăng, và phân bón – mà Nga chiếm phần quan trọng – tăng giá gấp bốn lần. Sản xuất lúa mì không giống như smartphone : chỉ có một vụ trong năm, nếu mất mùa phải chờ năm tới, và sản lượng của Ukraina năm nay đã mất đi phân nửa hoặc hai phần ba. Nga đang dùng nông sản làm đòn bẩy địa chính trị, ưu tiên bán cho các « đối tác ».

Le Monde cho biết hôm 18/05, trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres báo động việc Nga xâm lăng Ukraina đã làm « bóng ma thiếu thực phẩm đe dọa cả thế giới ». Les Echos trong bài xã luận đưa ra « Lời kêu gọi khẩn cấp về thực phẩm ». Lần đầu tiên kể từ 15 năm qua, một cuộc khủng hoảng lương thực đe dọa hành tinh chúng ta. Thị trường nông sản vốn đã căng thẳng vì nhu cầu tăng và thời tiết thất thường, nay cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đã làm giá lúa mì tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một năm. Theo nhật báo kinh tế, sẽ là ngây thơ nếu tin rằng nạn đói đã hoàn toàn thuộc về quá khứ.

Hiện nay gần một tỉ người bữa đói bữa no, và hai tỉ người khác thiếu ăn. Lúa gạo hiện đang nuôi sống phân nửa nhân loại giá vẫn còn khả dĩ, nhưng tình trạng vô tổ chức có nguy cơ làm tăng giá. Vẫn còn có thời gian để tuyên bố tình trạng khẩn cấp lương thực toàn cầu, và hành động trước khi những hình ảnh thê thảm đưa chúng ta đi lùi lại nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ.

Nguy cơ nổi loạn vì thiếu lương thực tại Ai Cập

Libération nói về « Bóng ma nổi dậy vì thiếu bánh mì ở Ai Cập ». Từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina, quốc gia Ả Rập đông dân nhất và là nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới không khỏi lo âu. Có đến 80 % lúa mì nhập khẩu đến từ Nga và Ukraina, và việc phong tỏa Hắc Hải khiến không thể vận chuyển về các nước phương nam.

Ai Cập hy vọng mua được nửa triệu tấn ngũ cốc quý báu này từ Ấn Độ, đồng thời gia tăng sản lượng trong nước, điều chỉnh giá mua vào. Ký ức các vụ nổi dậy vì đói năm 1977 vẫn còn đó, khi Anouar el-Sadate quyết định tăng giá bánh mì, và sự sụp đổ của tổng thống nước láng giềng Soudan, Omar el-Béchir năm 2018 vì lý do tương tự. Năm 2011, những người biểu tình ở quảng trường Tahrir đòi hỏi chế độ Hosni Moubarak « bánh mì, tự do và công lý xã hội ». Nếu người Ai Cập đã phải từ bỏ hai yêu sách sau, thì tình trạng thiếu bánh mì có thể nuôi dưỡng sự bất bình của người dân, rất đáng ngại cho chính quyền.

Cú sốc nguyên vật liệu và trật tự thế giới mới

Cuộc chiến tranh ở Ukraina đánh dấu một « đứt gãy » lịch sử trên thị trường nguyên vật liệu, theo Les Echos. Báo cáo lần thứ 36 của CyclOpe mang tên « Thế giới ngày hôm qua », theo một tác phẩm của Stefan Zweig, nhận định đại dịch Covid và cuộc xâm lăng Ukraina « đánh dấu một sự đoạn tuyệt sâu sắc, tương tự như cuộc khủng hoảng thập niên 70 hoặc 30 ». Giáo sư Philippe Chalmin, đồng tác giả báo cáo giải thích, thị trường nguyên vật liệu là bề nổi của căng thẳng kinh tế và địa chính trị thế giới. Khí đốt, nông sản tăng giá, cấm vận dầu khí Nga…là những dấu hiệu cho thấy những giờ phút cuối cùng của « ba mươi năm toàn cầu hóa vui vẻ ».

Thật ra, trước cuộc chiến Ukraina, khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu từ mùa hè 2021, khi Trung Quốc hạn chế lượng điện trong sản xuất nhôm. Dầu lửa đã tăng giá từ tháng 12/2021, lúa mì đã trên 250 euro/tấn trước khi tăng lên 400 euro như hiện nay. Đại dịch Covid từ Vũ Hán đã làm xáo trộn mạnh mẽ chuỗi giá trị, logistic thế giới trở nên hỗn loạn với cuộc khủng hoảng hàng hải. Và giờ đây, Nga cùng với Ukraina, hai nhà xuất khẩu lớn về lúa mì, bắp, dầu hướng dương lại đang chiến tranh…

Hãy còn quá sớm để hình dung ra thế giới của ngày mai, nhưng « trật tự quốc tế mới » có thể dựa trên đường đi của nguyên vật liệu. Để tránh lệ thuộc Nga, châu Âu sẵn sàng nhập khí đốt của Mỹ và trở nên gần gũi với NATO hơn. Matxcơva thì quay sang Trung Quốc và Ấn Độ để bán dầu khí, và châu Phi để bán ngũ cốc. Thế giới chia thành hai khối lớn đối nghịch nhau : các chế độ dân chủ xã hội theo kinh tế thị trường, và các nhà nước độc tài.

Ngoài ra, cú sốc nguyên vật liệu đã bộc lộ những hạn chế của mô hình chuyển đổi năng lượng châu Âu, đặc biệt là Đức. Giáo sư Chalmin nhận xét : « Chúng ta tự đặt mình lên bục hành hình khí đốt Nga, và khi Putin cầm chiếc búa xông tới, châu Âu mới la hoảng ». Nói cách khác, năng lượng tái tạo là cần thiết, nhưng từ chối nguyên tử hay khí đá phiến Mỹ chỉ dựa vào khí đốt Nga sẽ dẫn đến ngõ cụt. Sau khi gia tăng dùng than đá để bù đắp việc thiếu khí đốt, cuộc chiến Ukraina có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi vì cần khẩn cấp tránh năng lượng hóa thạch, nhưng với điều kiện đừng lý tưởng hóa.

Điều tra các vụ cưỡng hiếp ở Ukraina : Còn lắm gian nan

Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraina, nhưng trên lãnh vực tư pháp, La Croix chạy tựa trang nhất « Hãm hiếp tại Ukraina : Một công việc điều tra tế nhị ». Các nhà điều tra về những vụ quân Nga cưỡng hiếp phụ nữ trong vùng chiếm đóng đối mặt với nhiệm vụ mênh mông và sự im lặng của các nạn nhân.

Hôm 30/05, chính quyền Ukraina loan báo chuẩn bị đưa ra tòa một người lính Nga đã hãm hiếp một phụ nữ ba lần, sau khi sát hại người chồng tại một căn nhà ở ngoại ô Kiev hồi tháng Ba. Tuy nhiên Viện Công tố Ukraina đang gặp hai khó khăn chính. Trước hết, nhiều nạn nhân vẫn đang sống trong vùng bị quân Nga chiếm đóng nên không thể điều tra. Thứ hai, các nạn nhân bị khủng hoảng, không muốn trả lời. Chiến tranh càng làm những nạn nhân bị tấn công tình dục không muốn khởi kiện, khi họ chịu đựng một loạt những cú sốc khác nhau, đặc biệt với những người bị mất đi thân nhân, họ thấy rằng nỗi đau của mình là quá nhỏ bé.

Trung Quốc : « Thành phố thông minh » nhưng quản lý Covid theo kiểu sơ khai

Nhìn sang châu Á, Le Monde nói về những « smart city » Trung Quốc dưới sự giám sát. Phải chăng là một sự tình cờ, khi vừa mới được cơ quan Junper Research chọn là « thành phố thông minh nhất thế giới » hồi tháng Hai, Thượng Hải lại trở thành nhà tù lớn nhất thế giới trong suốt hai tháng trời.

Hai mươi lăm triệu người đã bị cách ly ngặt nghèo từ 60 đến 90 ngày tùy theo khu vực. Thời kỳ phong tỏa chưa từng thấy này đã làm hàng ngàn bệnh nhân không được chăm sóc, có người không chịu nổi đã nhảy lầu, có người hóa điên, vô số người mất việc làm, hàng ngàn lao động nhập cư bị kẹt lại không biết trú ngụ nơi nào… « Thành phố thông minh nhất thế giới » vào cuối tháng Ba đã chọn cách sơ khai nhất để ngăn chận con virus : buộc người dân ở trong nhà, khóa chặt cổng các khu dân cư.

Không chỉ có Thượng Hải mà những « smart city » khác buộc phải xét nghiệm hầu như hàng ngày. Chính quyền Tứ Bình (Siping) phạt 10 ngày tù giam và 70 euro, đánh hạ điểm tín nhiệm xã hội đối với những ai không tuân lệnh ; Đại Liên thì cho « bêu » ra trước công chúng. Sáu thành phố khác cảnh báo sẽ chuyển mã dịch tễ xanh thành vàng, trong khi mã màu xanh cần thiết để di chuyển, có nghĩa là bị cô lập khỏi xã hội.

Chính sách này khiến chính quyền có thể tự tiện hạn chế quyền tự do đi lại của người dân. Dân chúng Hoa lục chấp nhận điều này cho đến bao giờ ? Hôm 01/06, hàng trăm người muốn vào Bắc Kinh vừa được dỡ bỏ tình trạng phong tỏa phân nửa, đã bị những hàng rào của công an chận lại. Sau nhiều tiếng đồng hồ căng thẳng, họ hô vang « độc tài, độc tài, độc tài », rốt cuộc giám đốc công an phải nhượng bộ. Một cái tát cho những người quản lý các « smart city ».

Các tập đoàn lớn không còn đặt trọng tâm vào Hoa lục

Trong lãnh vực kinh tế, tác giả Bertille Bayart trên trang Ý kiến của Le Figaro nói về « Thế lưỡng nan đối với Trung Quốc của các đại công ty ». Diễn đàn Davos năm nay được tổ chức vào tháng Năm, thiếu khung cảnh tuyết trắng thường lệ, và thiếu vắng luôn hàng trăm thành viên phái đoàn Trung Quốc. Các đại tập đoàn tự hỏi, có cần thiết phải bám chặt lấy Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong tương lai ?

Năm 2022 đã làm đảo lộn mọi tính toán. Cú sốc đầu tiên là việc Hoa lục lại bị phong tỏa trong lúc cả thế giới đã mở cửa trở lại. Chính sách zero Covid của Tập Cận Bình trước mắt làm rối loạn chuỗi sản xuất toàn cầu, và về lâu về dài đã làm mất lòng tin. Cú sốc thứ hai là cuộc chiến tranh ở Ukraina, khiến bỗng chốc Nga bị xóa sổ trên bản đồ kinh tế vì các lệnh trừng phạt. Mai này, đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liệu có buộc các doanh nghiệp phải chọn phe ?

Trung Quốc lâu nay là nơi chốn không thể tránh khỏi cho việc sản xuất hàng điện tử gia dụng, vi tính, dệt may…bán ra khắp thế giới, là nơi sản xuất 1/5 giá trị hàng hóa toàn cầu tính theo giá trị. Nhưng giờ đây nhiều tập đoàn bắt đầu lặng lẽ tìm cách dời đi, chẳng hạn Apple đang đa dạng hóa nguồn cung cấp tại các nước châu Á khác đối với sản phẩm iPad, hiện đang 100 % made in China. Một tập đoàn Pháp cho biết từ 2019, khi chính sách của Tập Cận Bình tỏ ra cứng rắn hơn hẳn, đã quyết định giới hạn doanh số thực hiện tại Trung Quốc, mọi đầu tư mới được tính toán hiệu quả trong ngắn hạn. Lần đầu tiên kể từ đầu thế kỷ này, việc không có cơ sở quy mô tại Trung Quốc lại trở thành điểm mạnh về truyền thông cho doanh nghiệp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.