jeudi 9 juin 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 103 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (06/06/2022)

 

1. Trên hướng Kharkiv.

• Chiều nay cậu bạn Facebook gửi cho cái bản đồ vùng biên giới Kharkiv (Ukraine) và Belgorod (Nga) trong đó thể hiện bên phía Nga tập trung đến mười mấy BTG không rõ để làm gì.

Bình loạn:

. Với những tin tức kiểu như vậy thú thật rất khó nhận xét nó ra làm sao. Gửi sang hỏi anh sĩ quan Ukraine thì anh ấy bảo “trước những bản đồ NATO của xe ôm hoặc nước chè chén vỉa hè như thế nào anh ấy không biết phải nói gì.”

Mà Belgorod là trung tâm hậu cần và tập trung quân của Nga, quân chuẩn bị vào trận cũng ở đó, quân trong trận về cũng ở đó, chứ cứ gì phải chuẩn bị tấn công Kharkiv. Mà nếu có muốn tấn công tầm này thì cũng cân luôn chứ sợ gì.

• Cũng ở hướng này, hôm qua Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì viết  quân Nga “đang cố gắng di chuyển theo hướng của Dovhenke và Dolyna.”

• Hôm qua thì lại thấy bác nào dẫn Oleksii Arestovich là “Quân Nga ở Izyum có kế hoạch tiếp tục tấn công về hướng Slovyansk.”

Hai địa danh này nằm trên cùng trục đường E40 từ Vesele đi Izyum và đến Slovyansk, chỉ cách nhau 10 km đường chim bay. Hiện nay theo thông tin tui nắm được thì quân Nga sau khi rút về hướng Izyum để phòng ngự và phục hồi sau một đợt tấn công dài không hiệu quả, đã lại cố gắng tổ chức tiếp tục tấn công về Slovyansk.

Lạ nhỉ, gần hai tháng trời tấn công ở đây không tiến được bao xa, bây giờ ông thì yếu đi toàn diện, đối thủ thì mạnh lên toàn diện mà lại định cố tấn công, tấn công vào mũi à?

Liên quan đến quân số của Nga ở Izyum, hôm trước tui tính thô thiển là ở đây phải có đến 120.000 quân, cũng là hơi quá đáng – hôm đó tính là mỗi lữ đoàn có 3 BTG, mà một đống đơn vị như thế, thì 22 BTG cũng phải có đến 7 – 8 lữ đoàn và mỗi lữ đoàn có đến 12.000 hoặc 13.000 người. Thực tế hôm nay xem thông tin thì người ta viết như thế này: “Бригада может состоять и из двух полков, плюс батальоны и роты вспомогательного назначения. В среднем в бригаде от одной до 8 тысяч человек.” Nôm na là một lữ đoàn phình to có thể đạt 8.000 người.

Vậy cái con số 120.000 quân kia có thể chỉnh xuống còn cỡ 80.000 quân, để vây cũng là cả một vấn đề, mà nếu có chỉ là 50.000 thì cũng chẳng vây được mà cũng không nên vây.

Nhưng mà vẫn xin lỗi các bác vì cú sai lầm mang tính rất hú họa này.

2. Trên hướng The Battle of Donbas.

ISW bảo đâu đó ở Lyman, quân Nga tiến được một chút về phía tây.

Bình loạn: Chưa đến được sông, chứ nếu đến được sông rồi thì lại có tin xe cháy rụi trên cầu phao.

Trong thành phố Serevodonetsk, thông tin trái ngược giữa Gaidai và nhà báo Butusov về tỉ lệ % diện tích thành phố quân Ukraine chiếm lại được.

Bình loạn: Hai cái bác này buồn cười. Giới xe ôm và nước chè chén vỉa hè Hà Nội hôm trước dự đoán tình hình thành phố cầm cự được mấy ngày, chứ không phải như bây giờ được tính toán bằng phần trăm thế đâu.

Lại cứ nhớ lời Tư lệnh Phan Quang từ hồi đầu chiến tranh, cách đây 3 tháng cảm thán một câu: Quân Nga bây giờ lại còn chơi kiểu công thành! Hồi đó nghe mà phì cả cười.

Ở thời của sức mạnh kinh tế và công nghệ, ngay chiến tranh cũng đã thi hành cách chiến đấu không thấy mặt nhau, mà bây giờ quân đội thứ hai thời gian phải đi đánh thành. Thiếu mỗi trebuchet (máy bắn đá) với cung nỏ thôi.

3. Tin hôm qua:

• Lính Nga ở vùng quanh Melitopol đã bỏ hàng loạt khỏi các trạm gác quanh thành phố.

Bình loạn: Máu vừa thù dai vừa thù vặt nổi lên, tui lại phải nhớ ra mấy cái bác nào ngày trước bảo: không tin là lính Nga sẽ bỏ chạy. Tui nói luôn: bác không tin là việc của bác, nhưng bây giờ tui đang làm cái việc là động viên mọi người tin vào chiến thắng chắc chắn của quân và dân Ukraine.

Vì tui đang làm việc như thế, nên tui đề nghị các bác có ý kiến khác, nên tự viết trên tường nhà mình. Còn nếu gọi cách cư xử đó của tui là hiếu thắng thì không phải, nếu tui hiếu thắng, tui đã cãi nhau bằng được với các bác khi comment trên tường nhà tui – nói thẳng ra là khác quan điểm cực nhiều luôn. Nhưng vì đại cục ủng hộ Ukraine chiến thắng, và bây giờ tui không thích tranh cạnh hơn thua, nên tui không nói gì…

Thú thực là viết xong một bài, tui chủ yếu là học hỏi được mọi người rất nhiều qua những comment, nên dần dần tui không thấy có nhu cầu phải tranh cãi mà lặng im đọc để học hỏi. Công nhận có rất nhiều bạn Facebook trẻ tuổi, thua tui phải 16 – 17 đến hai chục tuổi hoặc hơn, kiến thức rất phong phú và cả sâu sắc, rất đáng học tập.

Gần đây tui có hai lần quên, đi viết trên tường nhà người khác thấy người ta bị trái ý, tui xin lỗi ngay và xóa comment, vì thế tui không phải là người hiếu thắng. Tuy nhiên với nhiệm vụ là ủng hộ chiến thắng của Ukraine, việc comment kiểu “tôi không tin thế này thế kia” một cách… đánh thẳng vào uy tín, thì thật hoàn toàn không nên trong hoàn cảnh cụ thể này.

4. Trong các diễn đàn của Nga từ cả tuần nay, tăng dần số lượng các bình luận về các loại pháo mới Ukraine vừa nhận được.

Bình loạn: Liên tục có các tin về thiệt hại của quân Nga và ly khai ở Donbas, quân Nga ở Kherson và cả cụm quân Nga ở Izyum bị quy trách nhiệm cho M777 và các loại tương tự, nôm na là dùng đạn 155mm. Hầu hết tin đưa lẫn bình luận đều ẩn ý và gọi nó bằng những tên lóng như “Портвейн” (từ tên một loại rượu “Портвейн 777” từ thời Liên Xô) và các tên lóng khác gắn liền với nó như: “Три семёрки”, “Топорики”, “Три топора”, “Очко”. Vì thế nếu các bác có thấy ở đâu đó có những khái niệm trên đây, chính là M777.

Tên nhiều nhất được dùng là “Три топора”. Người Nga đang bảo, “Три топора” ngoài tầm của các loại pháo Nga hiện nay, vì thế chúng đang làm mất tinh thần của quân ly khai Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk. Đó cũng là một trong những lý do anh bạn Roman Kutuzov phải ra tận chiến trường để chỉ đạo hò hét gì đó và (chắc hẳn phải có tay trong mật báo, hoặc tình báo Ukraine trà trộn trong lực lượng DPR) bị pháo binh của họ “phơ” cho phát chết tốt.

5. TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 4 RƯỠI

“Băn khoăn giữa pháo và xe tăng.”

Các báo cáo truyền thông gần đây đưa ra thông tin cho thấy quân đội Nga đang thiếu các chuyên gia pháo binh (sĩ quan, hạ sĩ quan) có tay nghề cao so với các chuyên ngành khác. Vào đầu những năm 2000, các báo cáo chỉ ra rằng lực lượng mặt đất của Nga thiếu đến 80% lượng sĩ quan chuyên môn pháo binh mà nước này cần. Từ đó đã có đầu tư lớn hơn và những cải cách quân sự được thực hiện kể từ năm 2008 dường như đã làm giảm bớt vấn đề này.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, hỏa lực gián tiếp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu quốc phòng của Nga. Trong những năm 1990 và 2000, các công ty sản xuất pháo binh nói chung báo cáo doanh số xuất khẩu lấn át thị trường nội địa. Có báo cáo rằng Lực lượng mặt đất Nga chỉ được nhận 15% chi tiêu theo kế hoạch trong Chương trình Vũ trang Nhà nước năm 2020, và chỉ một phần nhỏ trong số đó dành cho hỏa lực gián tiếp.

Nhu cầu với các giàn Tornado-G và Tornado-S đã được khẳng định, nhưng chúng vẫn chưa được đi vào hoạt động thường xuyên cho đến giữa những năm 2010. Hầu hết các khoản đầu tư gần đây của Nga vào hỏa lực gián tiếp là cho việc hiện đại hóa các hệ thống cũ hơn, hiệu quả hơn nhiều về chi phí trên cơ sở mỗi đơn vị so với mua các hệ thống mới.

Mặc dù cả chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga đều không công bố bảng chi tiết hoặc chi phí tính theo đơn vị cho hệ thống hỏa lực gián tiếp thế hệ mới, nhưng có thể tổng hợp một số ước tính sơ bộ dựa trên thông tin công khai.

Một báo cáo được công bố trên các phương tiện truyền thông Nga vào năm 2015 cho biết chi phí cho mỗi đơn vị của Tornado-G là 32,5 triệu rúp, khoảng nửa triệu đô la theo tỉ giá hối đoái vào thời điểm đó. Khoảng 74 hệ thống trong số này đã đi vào hoạt động. cho đến nay, với tổng chi phí ước tính là 2,4 tỉ rúp (khoảng 40 triệu đô la). Không có số liệu nào được tìm thấy về chi phí trên mỗi đơn vị của Tornado-S hoặc Uragan 1-M, nhưng cả hai loại này đều đắt hơn nhiều so với Tornado-G.

Giống như T-14 Armata, Koalitsiia-SV dường như có chi phí trên mỗi đơn vị rất cao. Các phiên bản của hệ thống này từng xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng không phải là phiên bản tối tân, vì chúng dựa trên khung gầm T-80 đã được sửa đổi thay vì khung gầm Armata dự kiến sản xuất. Bất chấp biện pháp giảm giá thành này, mỗi nguyên mẫu dường như tiêu tốn vài triệu đô la để cho ra lò.

Các số liệu thu thập được từ các hợp đồng với Uraltransmash của một blogger người Nga cho thấy việc sản xuất mười Koalitsia nguyên mẫu vào năm 2014 yêu cầu mua các bộ phận có giá hơn 1,5 tỉ rúp. Do điều này không bao gồm chi phí lắp ráp và có lẽ thậm chí không phải là bản tính toán đầy đủ các đầu vào khác, nên mỗi chiếc Koalitsiia-SV có thể có giá 200 triệu rúp và có thể cao hơn đáng kể. Phiên bản cuối cùng sử dụng khung gầm Armata có thể còn đắt hơn. Giám đốc của doanh nghiệp UVZ đã tuyên bố vào tháng 4 năm 2017 rằng mỗi chiếc T-14 Armata có giá 250 triệu rúp, khoảng 3,7 triệu đô la theo tỉ giá hối đoái hiện tại, nhưng các ước tính khác cao tới 350 triệu rúp.

Vẫn còn phải xem hệ thống hỏa lực gián tiếp có phù hợp với các khái niệm mới của Nga như “chiến tranh không tiếp xúc” như thế nào. Việc chú trọng vào các loại vũ khí chính xác có thể báo hiệu xu hướng giảm dần việc sử dụng hỏa lực ào ạt theo kiểu Liên Xô, nhưng điều này không nhất thiết cho thấy việc từ bỏ các cú tấn công thọc sâu.

Hoạt động mua sắm quốc phòng của Nga dường như chỉ ra rằng việc pháo bắn chub hàng loạt tương đối không chính xác (đạn ngu) sẽ được phối hợp với các cuộc tấn công chính xác (đạn thông minh, có dẫn đường) để đạt được hiệu quả quân sự tối đa. Lựa chọn này mang tính tiến hóa hơn là mang tính cách mạng, nhưng nó có ý nghĩa kinh tế và quân sự đối với lực lượng mặt đất của Nga. Lựa chọn này sẽ tận dụng tối đa kho đạn dược “ngu” khổng lồ được kế thừa của Liên Xô đồng thời vẫn có được những lợi thế của đòn tấn công chính xác khi chúng thực sự cần thiết.

Việc Nga lên kế hoạch cho một số hình thức xung đột khác nhau về chất lượng cũng làm phức tạp thêm việc lập kế hoạch cho các nhiệm vụ sử dụng hỏa lực gián tiếp. Các cuộc chiến ở nước ngoài gần, chẳng hạn như sự can dự của Nga ở miền đông Ukraine, có lẽ sẽ đòi hỏi sự kết hợp các hệ thống và vũ khí khác với các hoạt động triển khai vũ lực như sự can thiệp của Nga vào Syria.

Nếu Nga có xung đột với một cường quốc ngang hàng như Trung Quốc hoặc NATO có thể sẽ đòi hỏi một sự kết hợp khác của hệ thống vũ khí. Mặc dù xung đột với các nước đồng cấp có thể đòi hỏi một số lượng lớn các loại vũ khí chính xác đắt tiền hơn so với các cuộc chiến tranh với các cường quốc kém năng lực hơn (Ukraine), nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, vì người Nga có thể sử dụng các vụ bắn phá diện rộng nhằm vào các mục tiêu không thể khoanh vùng được nhờ Chiến tranh điện tử.

Việc thiếu dữ liệu về số lượng vũ khí đắt tiền mà Nga đang mua cho nhu cầu hỏa lực gián tiếp khiến rất khó ước tính các kịch bản mà nước này hiện đang ưu tiên. Sự kết hợp giữa việc tăng cường mua lại các loại vũ khí như vậy và kết hợp rõ ràng hơn chúng vào các chiến thuật và khái niệm vận hành bộ máy chiến tranh của Nga có thể báo hiệu rằng Nga có nhiều khả năng xảy ra xung đột giữa các cường quốc hơn là với một nước nhỏ và yếu hơn.

Sự băn khoăn không chỉ diễn ra giữa hỏa lực gián tiếp (pháo) và xe tăng, mà còn ngay cả trong các loại xe tăng với nhau khi Bộ Quốc phòng đặt mua hàng. Ở đây chúng ta sẽ không đủ thời gian để nghiên cứu tất cả các loại xe tăng cho cả bộ binh (MBT – xe tăng chiến đấu chủ lực) và xe tăng cho VDV (lính đổ bộ đường không) hay xe tăng cho lính thủy đánh bộ. Ngay trong các xe tăng với nhau, việc băn khoăn giữa phát triển loại T-90 mới, hay nâng cấp T-72B3 mà các quan chức quân đội Nga vẫn cho rằng nó chẳng thua kém gì mà còn rẻ hơn nhiều.

Trước đây chúng ta đã nói về mô hình BTG, về tính cơ giới hóa cao độ của nó, trong đó sự có mặt của cả xe tăng lẫn pháo binh hạng nặng, làm cho nó trở thành nắm đấm thép quá mạnh mẽ. Tuy nhiên sự ra đời và phát triển của các loại vũ khí cá nhân chống tăng và các phương tiện bọc thép hiện đại tỏ ra quá hiệu quả trong thực chiến, nên làm cho lực lượng xe tăng Nga bị thiệt hại quá nặng trên chiến trường Ukraine.

Không những thế, bộ binh Nga dù được cải tổ trong mô hình các BTG, nhưng lại vẫn phụ thuộc vào hỏa lực gián tiếp theo kiểu cũ của Xô-viết, chứ chưa sử dụng nó (hỏa lực gián tiếp) theo kiểu chiến tranh hiện đại.

Đó là lý do mà gần đây, chúng ta thấy có chuyện Nga dùng hiện vật bảo tàng T-62 ra tham chiến ở chiến trường Nam Ukraine. Hỏi một bạn Facebook về lý do của việc này, bạn ấy nói 3 ý:

Thứ nhất hết xe tăng. Thứ hai, muốn loại biên cái của hiện vật bảo tàng và thứ ba không muốn lộ xe tăng mới kém cỏi. Tui có bình luận như thế này:

a) Hết xe tăng. Quá chuẩn. Nga yếu kém ở khâu kỹ thuật hỗ trợ nên không thể sửa chữa được hiệu quả cả hai loại: tồn kho và vừa hỏng trên chiến trường.

b) Loại biên. Cũng đúng. Nhưng mà vác đi sang Ukraine để loại biên xe tăng thì hơi kỳ lạ, vì chi phí rất đắt đỏ trong vận chuyển, đào tạo người lái và kíp chiến đấu vận hành... thà cái đống đó đem cho không để Tề Lỗ Việt Nam sang bê về còn rẻ hơn chứ ai làm thế. Nhu cầu loại biên là có là đúng rồi, nhưng cách làm thì không phù hợp.

c) Không muốn lộ xe tăng mới kém cỏi. Thực tế Nga đã dùng ở Ukraine những loại ngon nhất, ví dụ như T-80BVM, còn xịn hơn T-90 nhiều, và thiệt hại nặng. T-14 Armata thì chưa đủ một tiểu đoàn thì không thể đem đánh nhau được. Xe tăng Nga vốn dĩ không kém cỏi, chẳng qua là tư duy sử dụng xe tăng nó không còn phù hợp nữa trong trường hợp này (không hề nói là lỗi thời nhé).

Về ý tưởng chế tạo xe tăng của người Nga rất ổn và có nhiều điểm đi trước thời đại. Có điều là cái họ thiếu là “công nghệ lõi” nên quá nhiều thứ phụ thuộc nước ngoài. Ngay chất lượng thép của họ cũng không thể bằng của hầu hết các nước công nghiệp phương Tây.

Vì thế thừa nhận chuyện “loại biên” cũng có lý: thôi thì đằng nào cũng vứt, thì đem ra mà dùng nốt. Về nhân lực, đào tạo lính lái xe tăng kiểu Nga dễ ợt, có như Mỹ đâu. Chỉ cần anh công nhân lái máy kéo ở nông trang tập thể là lái tốt.

Ở đây điểm yếu của họ là cách đánh. Chúng ta đã phân tích về việc Nga thua ở chính điểm mạnh của mình: pháo binh. Bây giờ lại thêm một điểm nữa: bộ binh không có xe tăng thì không tấn công được.

Pháo Nga đã bắt đầu yếu dần, mà nhiệm vụ tấn công vẫn còn nguyên, thì vẫn phải có hỏa lực hỗ trợ. Các loại xe tăng với pháo 125mm có thể đã đi đến giới hạn về kỹ thuật, hậu cần đạn dược... Nhân tiện thấy trong kho T-62 còn cả xe lẫn đạn thì đem dùng nốt.

Nghe thì đúng là thiếu xe tăng, nhưng chính xác phải là họ đã bắt đầu cạn hỏa lực hỗ trợ. Ở đây có một điểm yếu nữa chúng ta sẽ nói sau: xe tăng Nga quan trọng hơn máy bay nhiều vì khả năng hỗ trợ sát sườn cho bộ binh, trong khi máy bay bị ghi nhận rất nhiều vụ bắn nhầm quân mình và cả bị quân mình bắn nhầm.

Nga của Putox “rơi vào” cuộc chiến tranh với Ukraine vừa theo kiểu bất đối xứng – đánh với một nước, một quân đội nhỏ yếu hơn nên hoàn toàn có thể sử dụng hỏa lực gián tiếp ồ ạt, bừa bãi dựa trên bom đạn “ngu,” nhưng ở đây càng ngày càng có yếu tố của “cường quốc.” Phải nói chính xác hơn, yếu tố này vừa của các nền sản xuất vũ khí lớn: Mỹ, Anh, Pháp… lẫn sự ứng dụng của công nghệ thời đại: Starlink, UAV Đài Loan, Drone Thổ Nhĩ Kỳ… thành ra Nga lại phải xoay sở với một cuộc chiến mới và thua luôn về vũ khí có độ chính xác cao.

Bước vào một cuộc chiến mà không lường trước mình sẽ đánh với ai, đánh như thế nào thì thua là chắc chắn chứ thắng làm sao được?

Trong một diễn biến khác, các cháu học sinh Kharkiv đã nhân kết thúc năm học, tổ chức dạ hội ở ngay cảnh đổ nát của thành phố (ảnh). Cuộc sống đã quay lại với thành phố hồi sinh, còn bọn “đi diệt phát-xít” có lẽ giờ này đang tìm cách trốn lính.

PHÚC LAI 07.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.