Bạn đọc thân mến,
Thụy My đi vắng vài ngày. Sẽ cố gắng cập nhật blog, còn nếu không các bạn chịu khó đọc lại một số bài cũ nha.
Thân thương
Đăng ngày:
Cuộc xâm lăng Ukraina, vấn đề Đài Loan, Trung Quốc và chính sách zero Covid tiếp tục là các chủ đề chính trong tuần này. L'Obs đăng ảnh một bé gái trên nền màu đen, chạy tựa « Ukraina : Trẻ thơ bị sát hại ». Kể từ khi Putin xua quân sang, trung bình mỗi ngày có hai trẻ em bị giết chết, 3 triệu em sống trong điều kiện không điện nước, 2,2 triệu em phải sơ tán khỏi đất nước. Một thảm họa chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến, theo Unicef. Chưa kể những em bị thương tật, bị mồ côi, bị khủng hoảng…vì bom đạn quân Nga, hoặc nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người trên đường di tản.
Mỗi ngày ít nhất hai trẻ em Ukraina bị sát hại
« Ngày 03/03. Trời nhiều mây và có giông. 1°C. Ngày thứ 7 chiến tranh. Bắn nhau. Đêm nay, chúng đã giết chết Igor của chúng tôi ». Nhật ký của Leonid là những tờ giấy rời gắn vào nhau bằng một chiếc kẹp giấy. Cháu trai 15 tuổi của ông đêm hôm đó bị lính Nga bắn chết ở lối vào căn hầm, nơi khoảng 100 người dân Bucha đến trú ẩn. Quân Nga quẳng vào ba quả lựu đạn cay, Igor ngộp thở chạy ra cửa hầm và lãnh trọn một viên đạn vào sau ót. Xác cậu bé phải nằm đó suốt ba ngày, sau đó lính Nga quăng vào một bụi rậm, ông Leonid và vài người hàng xóm ban đêm lẻn ra mang về chôn tạm.
Cách đó vài căn là nhà bà Galina, nơi ba thế hệ cùng chung sống. Gia đình tìm cách chạy trốn quân Nga, chiếc xe hơi mang cờ trắng, chở theo 7 đứa trẻ có ghi hàng chữ « trẻ em » bằng tiếng Nga, nhưng vẫn lãnh trọn những tràng đạn. Cô bé Nastia, 6 tuổi trút hơi thở cuối cùng bên cạnh những con chó, mèo : một bác sĩ thú y trên đường sơ tán những thú nuôi đã cố gắng cứu nhưng không thành công. Một gia đình khác cũng ở Bucha, người mẹ và hai đứa con trên đường di tản cũng bị bắn vào xe, cậu bé Ivan mãi mãi ở tuổi 15. Bị chất vấn tại sao giết trẻ em, một lính Nga trả lời : « Vì lớn lên bọn nó sẽ trả thù ».
Nastia, Mikolka...và nhiều em khác không có trong danh sách chính thức 242 trẻ em Ukraina bị sát hại tính đến ngày 01/06. Chưa kể những Gia đình không còn tâm trí nào để đi làm giấy khai tử, cảnh sát và nhà quàn cũng quá bận rộn. Tại Bucha có 3.500 người dân ở lại trong thời gian bị chiếm đóng và đã tìm thấy 416 xác, tức cứ 10 người thì có hơn 1 người bị giết. Con đường Yablonka (Cây Táo) nay được mệnh danh là « Con đường tử thần », trước một căn nhà vẫn còn vết máu và dòng chữ tiếng Nga « Bọn pêđê Ukraina, tại sao lại muốn vào NATO ? »
« Không nên sỉ nhục ! » - Nga hay Ukraina?
Trong lúc Ukraina vẫn đang chìm đắm trong khói lửa, một tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây bất bình. L'Express cho rằng « Macron im lặng thì tốt hơn », còn Le Point có phần mỉa mai « Không nên sỉ nhục Ukraina ! » Chính là Ukraina chứ không phải Nga mới cần được tránh một sự lăng nhục khi ra khỏi chiến tranh. Ukraina bị tấn công một cách phi lý, và chiến đấu không chỉ cho tự do của mình mà còn của châu Âu. Ukraina là biểu tượng của dân chủ trước độc tài, giải phóng trước nô dịch, một đất nước cầm vũ khí chống đế quốc xâm lược. Thế nên cần bảo đảm tương lai cho Kiev bằng mọi giá, nếu không sẽ là thất bại chiến lược của phương Tây.
Ngược với Vladimir Putin, Volodymyr Zelensky đã được bầu lên một cách dân chủ, được các nhà quan sát công nhận là một cuộc bầu cử « đa phương ». Zelensky chịu trách nhiệm trước nhân dân, Putin thì chỉ trước phe nhóm của mình. Một ngày nào đó, tổng thống Ukraina sẽ phải thuyết phục cử tri buông vũ khí, chấp nhận những điều kiện của hòa bình. Ông cần đến sự ủng hộ của phương Tây vì đất nước ông bị tàn phá, chịu đựng tội ác chiến tranh và có nguy cơ bị chia cắt một phần; còn Putin chẳng cần thuyết phục ai cả, nhà độc tài có thể làm những gì ông ta thích.
Thế nhưng trước một Ukraina can trường, ngoại trưởng Pháp lại nói rằng thời hạn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu có thể là « vài thập niên », và ông Macron tuyên bố « Không nên sỉ nhục Nga, để đến ngày ngưng chiến, có thể tìm được một lối thoát ngoại giao ». Macron có thể bị coi là muốn đánh đồng hung thủ với nạn nhân, quá vội vã về một giải pháp ngoại giao chưa thể có, trong khi lẽ ra phải hết lòng hỗ trợ Ukraina chiến đấu.
Chiến tranh Ukraina khiến Đông Âu, Bắc Âu đóng vai trò quan trọng
Bên cạnh đó, Le Point cho rằng việc Nga xâm lăng Ukraina đã đẩy trọng tâm châu Âu về hướng đông và hướng bắc. Trung Âu và Đông Âu đóng vai trò quyết định trong việc giúp đỡ Ukraina và kháng cự lại sự bành trướng của Nga.
Các nước này tiếp đón đa số trong 6,6 triệu người tị nạn Ukraina, tổ chức tiếp vận thiết bị dân sự và quân sự cho Kiev, chuyển giao ồ ạt vũ khí từ thời Liên Xô cho quân đội Ukraina, tiếp nhận các binh lính và khí tài từ Hoa Kỳ để tái lập năng lực răn đe của NATO trước Nga. Ba Lan trở thành đầu cầu quan trọng về quân sự cũng như hoạt động nhân đạo. Thay đổi sâu sắc nhất là Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập lâu nay. Ngược lại Tây Âu vốn là động cơ của châu lục lại bị lúng túng. Đức với chính sách trọng thương và chủ hòa, có trách nhiệm lớn trong sự đồng lõa với các chế độ chuyên chế, Pháp thất bại trong nỗ lực thương lượng với Matxcơva.
Nga có thể bị mất đất vào tay Trung Quốc
Trả lời tuần báo L'Express, nhà bình luận kinh tế người Anh Hamish McRae, tác giả cuốn « The World in 2050 » (Thế giới năm 2050), đưa ra những dự báo khá lạc quan về tương lai Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc so với một số chuyên gia khác. Nhưng ông cho rằng « Nga sẽ bị mất một phần đất từ nay đến 2050 » - bị Bắc Kinh thâu tóm.
Hamish McRae không thể chấp nhận câu khẩu hiệu « Make America Great Again », vì nước Mỹ chưa bao giờ mất đi sức mạnh kinh tế. Trung Quốc tuy có GDP lớn nhưng dân số đang sụt giảm, còn Hoa Kỳ trong 30 năm tới sẽ có 400 triệu dân thay vì 330 triệu như hiện nay. Còn Nga, nếu so sánh với các láng giềng châu Âu, chưa bao giờ yếu kém về kinh tế như vậy kể từ 2.000 năm qua. Cho đến 1990, kinh tế Liên Xô vẫn còn bằng 1/3 Hoa Kỳ nhưng nay chỉ còn bằng 1/15.
Một nền kinh tế đứng thứ 15 thế giới không thể kiểm soát mãi mãi một lãnh thổ rộng lớn nhất toàn cầu, hơn nữa dân số Nga đang đi xuống, từ 146 triệu sẽ còn 136 triệu năm 2050. Nga có 4.000 kilomet đường biên giới chung với Trung Quốc, một láng giềng vô cùng thèm khát đất đai và tài nguyên. Đây là nguồn gây căng thẳng ngày càng cao giữa hai nước. Trong trường hợp xấu nhất, Nga sẽ bị mất vùng đất Xibêri, và trở thành một quốc gia hoàn toàn châu Âu - 3/4 dân số Nga hiện sống bên phần lãnh thổ châu Âu. Matxcơva cũng có thể bán đi một phần đất cho Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, lãnh đạo nước Nga sẽ khó khăn hơn nhiều so với hiện nay.
Về phía Trung Quốc, lần đầu tiên sẽ bị Ấn Độ qua mặt về dân số - bắt đầu sụt giảm từ 2050 nhưng trước đó dân số hoạt động cũng đã giảm xuống, một trở ngại lớn cho tham vọng. Theo Hamish McRae, Bắc Kinh sẽ còn hung hăng thêm khoảng 10 năm nữa, trước khi tập trung cho vấn đề nội tại. Trung Quốc cần lo xử lý nạn dân số lão hóa hơn là cố gắng vượt qua Hoa Kỳ, và năm 2050 sẽ phải bắt đầu chấp nhận rằng đỉnh cao sức mạnh đã thuộc về quá khứ.
Bắc Kinh liệu sẽ xâm lăng Đài Loan trong 10 năm tới ?
Trong thời gian 10 năm đó, liệu Bắc Kinh có xâm lăng Đài Loan ? Tác giả cho rằng điều này khó thể xảy ra, khi thấy những khó khăn của Nga tại Ukraina. Thay vì tấn công quân sự, Bắc Kinh có thể sách động, gây bất ổn cho Đài Bắc, thúc đẩy công luận theo hướng hội nhập vào Hoa lục. Liên quan đến vấn đề này, Courrier International chạy tựa trang bìa « Đài Loan, một mặt trận khác ? », với hình vẽ minh họa là một con đại bàng đang chiến đấu với một con rồng lớn hung dữ để bảo vệ một con rồng nhỏ trên mặt biển.
Tờ The Spectator được Courrier International dịch lại nhận định, Đài Loan quan sát kỹ càng hơn ai hết những diễn biến ở Ukraina. Tại Đài Bắc, chiến tranh Ukraina được coi là bằng chứng cho thấy kiên quyết chống cự và sự ủng hộ của quốc tế có thể giúp đương đầu với một đối thủ mạnh hơn. NATO trang bị cho Ukraina các hỏa tiễn chống hạm tối tân, hết sức hiệu quả để đối phó với hải quân Nga ở Hắc Hải, là để Bắc Kinh thấy rằng nếu đổ bộ vào Đài Loan sẽ rất rủi ro. Nhưng Tập Cận Bình cũng có thể rút ra bài học từ sai lầm của Vladimir Putin.
Việc những người dân Ukraina bình thường nhanh chóng trở thành du kích quân vũ trang hỏa tiễn vác vai, làm củng cố thêm « chiến lược con nhím » của Đài Loan, một khái niệm do đô đốc Lý Hỷ Minh (Lee Hsi Ming) đưa ra. Theo ông, không thể đẩy lùi Trung Quốc bằng những phương tiện truyền thống, mà dùng những thiết bị sát thương cơ động, chẳng hạn những đội tàu nhỏ trang bị hỏa tiễn chống hạm, neo đậu tại những ngư cảng. Các tàu này khó phát hiện, và tránh được các hỏa tiễn tầm xa. Lý Hỷ Minh cho rằng không cần hủy diệt kẻ thù trên chiến địa, chỉ cần làm địch thủ không thực hiện được ý đồ, hiểu rằng không thể chiếm được Đài Loan.
Cuộc xâm lăng của Trung Quốc phải bắt đầu từ việc chiếm các đảo nhỏ của Đài Loan gần Hoa lục. Cũng như ý định ban đầu của Putin với Ukraina, phải đánh phủ đầu ồ ạt với 2 triệu quân, hàng ngàn xe tăng, đại bác, rốc-kết, xe bọc thép, tất cả được đưa qua eo biển Đài Loan trên hàng ngàn chuyến phà trưng dụng. Một quy mô như vậy không thể che giấu.
Cuộc chiến vệ quốc của Ukraina tạo nguồn hứng khởi cho Đài Loan
Địa hình là lợi thế cho Đài Loan : chỉ có 14 bãi biển là có thể đổ bộ, còn lại chủ yếu là vách đá, chưa kể sóng gió ở vùng Hắc Thủy Câu (heishuigou). Chỉ có hai thời kỳ thuận lợi cho đổ bộ : tháng Ba đến tháng Tư, hoặc tháng Chín đến tháng Mười. Kẻ xâm lăng đứng trước những thách thức còn lớn hơn Nga, cần nhiều chỉ huy quân sự có khả năng lập chiến lược phối hợp giữa hải quân, không quân và bộ binh. Để chống đổ bộ, Đài Loan đã bố trí một rừng chướng ngại vật và những « con đê lửa » - những đường ống dưới biển sẽ được bơm dầu khí khi kẻ xâm lược đến gần, và phát cháy với những phát súng.
Là một nước dân chủ và lại nắm trong tay 90 % chip điện tử loại tinh vi nhất, Đài Loan hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của thế giới như Ukraina nếu bị xâm lăng. Trả lời phỏng vấn L'Express, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết đã học được rất nhiều từ cuộc chiến tranh Ukraina. Trước hết, nhận thấy những đơn vị nhỏ phi tập trung rất hiệu quả để chống lại một quân đội đông đảo, Đài Bắc đang bàn với Washington để mua thêm những vũ khí cho những cuộc xung đột loại này. Sự dũng cảm bảo vệ tổ quốc của Ukraina là nguồn cảm hứng thật sự : mọi thăm dò đều cho thấy người Đài Loan quyết tâm chiến đấu hơn so với trước. Đài Bắc đã lập ra một cơ quan chính phủ để huy động người dân trong trường hợp khẩn cấp như lực lượng phòng vệ dân sự Ukraina, cố đào tạo kỹ càng quân dự bị.
Cách làm truyền thông rất thành công của tổng thống Volodymyr Zelensky khiến Đài Loan hiểu rằng cần đánh động cộng đồng quốc tế ngay cả trước khi cuộc xâm lăng diễn ra. Điều đáng lo là tham vọng của Bắc Kinh không chỉ với Đài Loan mà còn ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và xa hơn nữa. Phân tích những yếu kém của quân Nga ở Ukraina, Trung Quốc có thể cải thiện năng lực quân sự của mình. Những va chạm bất ngờ có thể khiến Bắc Kinh tấn công sớm hơn dự kiến, và kinh tế đi xuống do zero Covid thúc đẩy chế độ Bắc Kinh gây hấn với bên ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân.
Nếu « Ôn thần » không giấu dịch, nhân loại đã ngăn chận được con virus
Về vấn đề này, nhà văn Trung Quốc Mã Kiến (Ma Jian) đang tị nạn ở Anh, tác giả cuốn « China Dream » (Giấc mộng Trung Hoa), trên L'Obs đã so sánh ông Tập Cận Bình với ôn thần Trương Nguyên Bá (Zhang Yuan Bo) gây ra dịch bệnh mùa xuân. Vào đầu mùa xuân 2020 khi đại dịch hoành hành tại Vũ Hán, nữ luật sư Trương Triển (Zhang Zhan) xuôi ngược đại đô thị này để cung cấp cho người bên ngoài những thông tin không bị nhiễm con virus dối trá. Cô bị bắt đưa về Thượng Hải và lãnh án bốn năm tù. Đến đầu mùa xuân 2022, sau hai năm chu du khắp thế giới, Covid quay về Thượng Hải và người dân lại bị nhốt trong nhà.
Mã Kiến nhìn thấy Trương Triển, người đầu tiên bị đảng cộng sản công khai kết án vì tiết lộ đại dịch Vũ Hán, xuất hiện trên truyền hình trong chiếc xe lăn, yếu hẳn đi sau bảy tháng tuyệt thực; thấy hình ảnh những người dân Thượng Hải đói khát tranh nhau một chùm tỏi trong cửa hàng, những chú chó được chủ dùng dây thả xuống đất từ tầng thứ tư để đỡ cuồng chân rồi lại kéo lên...Nhà văn nghĩ đến năm vị ôn thần gieo rắc bệnh thời khí, và ôn thần mùa xuân giờ đây mang tên Tập Cận Bình. Phong tỏa toàn bộ các thành phố để chống Omicron cũng giống như dùng đại bác để diệt muỗi, « zero Covid » chẳng khác nào « zero chim sẻ » của Mao Trạch Đông thời Đại nhảy vọt.
Nếu ông Tập không giấu diếm sự thật vào lúc con virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, dịch Covid đã có thể chận lại được như virus Ebola. Trên 160 triệu người trên thế giới đã bị lây nhiễm, nhiều triệu người đã chết. Dù cái giá phải trả về nhân mạng quá lớn, người ta vẫn chưa biết được ngọn nguồn, vì sự thật nằm trong tay ôn thần dịch hạch Tập Cận Bình.
Hy vọng « Giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình mãi là giấc mộng
Ba mươi ba năm đã trôi qua kể từ vụ thảm sát sinh viên biểu tình năm 1989, Liên Hiệp Châu Âu thậm chí còn mở ra cả một đại lộ cho chế độ Bắc Kinh để khoe khoang « giấc mộng Trung Hoa » với thế giới. Trong khi đó, con virus từ Vũ Hán sát hại gấp nhiều ngàn lần vụ Thiên An Môn. Đã 33 năm bức tường Berlin sụp đổ, mọi người tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã tắt lịm trong thế kỷ 20.
Nhưng đảng cộng sản lớn nhất thế giới ở Trung Quốc vẫn còn đó, sau khi gởi 200.000 binh sĩ đi đàn áp sinh viên Thiên An Môn trong biển máu, đã lấp đi những vết đạn ở quảng trường, tẩy não 1,3 tỉ người Hoa lục; trở thành kẻ bảo kê cho Putin và họ Kim đời thứ ba. Đảng cộng sản Trung Quốc bỏ tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, lợi dụng Covid để chà đạp Hồng Kông...
Liệu chúng ta có thể tiếp tục ngồi yên nhìn những nhà sư Tây Tạng tự thiêu, cư dân Tân Cương bị tống vào trại cải tạo, những nhà tranh đấu, bạn văn Hồng Kông lần lượt bị bắt hoặc mất tích ? Tác giả cầu nguyện cho giấc mộng Trung Hoa của ôn thần Tập Cận Bình mãi mãi chỉ là giấc mộng. Hoặc là ông ta sẽ bị nhốt cùng với hàng ngàn con virus trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - được xây dựng với sự giúp đỡ của người Pháp !
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.