vendredi 10 juin 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 105 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (08/06/2022)

 

1. Trên hướng Kharkiv.

• Theo hướng Slavic, các nỗ lực của kẻ thù tập trung vào việc chuẩn bị cho việc tiếp tục tấn công theo hướng các khu dân cư của Slovyansk và Barvinkove. Kẻ thù đã bắn vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các khu vực Dibrivne, Komyshuvakha và Kurulka.

• Sử dụng kết quả của những trận bắn phá, những người chiếm đóng đã tiến hành các hoạt động tấn công và tấn công gần Bogorodichny và Dovhenke, và các cuộc chiến tiếp tục diễn ra.

Bình loạn: Như vậy những thông tin trên mạng xã hội đúng rồi. Nga đang bổ sung thêm lực lượng cho mũi tây nam Izyum và chắc là sẽ tổ chức tấn công nay – mai thôi.

• Đối phương không chủ động tiến công theo hướng Lyman. Chúng đã nổ súng vào Tetyanivka, Pryshyb và Serebryanka.

Bình loạn: Chỗ này rất có thể phải hiểu là quân Nga “chưa tổ chức tấn công ở hướng Lyman.” Hôm qua chúng ta đã điểm tin là quân Nga “cố gắng tiến hành trinh sát chiến đấu theo hướng định cư Raigorodok, nhưng không thành công và phải rút lui.”

Tại sao tui lại chuyển Lyman trước luôn gắn với những tin chiến sự vùng Donbas, nay sang Kharkiv – vì tuy Izyum thuộc tỉnh Kharkiv, nhưng rất gần với Slovyansk và mũi tấn công này của Nga cũng nhằm phối hợp với trận đánh Donbas.

Quay lại với cả mấy tin trên, đã có căn cứ cho rằng quân Nga sẽ tổ chức đánh vào Slovyansk theo hai mũi: từ Lyman cố gắng qua sông để tiến về thành phố từ phía đông, và từ Izyum tiến về thành phố từ hướng tây nam.

Hiện nay, quân Nga một mặt lằng nhằng với Serevodonetsk; một mặt cố gắng cắt đường tiếp tế cho Lysychansk để cô lập cụm phòng thủ này; mặt khác ở Lyman án binh bất động ngoài một số hoạt động trinh sát trong khi bên Izyum được tăng cường. Chắc là sự kiện sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày tới thôi.

2. Trên hướng Donbas

Trận đánh The Battle of Serevodonetsk-Lysychansk hôm qua vẫn được Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo:

• Trên hướng Severodonetsk, địch bắn vào các đơn vị của ta bằng súng cối, pháo và nhiều bệ phóng rốc-két.

Bình loạn: Tin này cho thấy quân Nga vẫn tiếp tục sử dụng pháo để bắn vào các vị trí của quân Ukraine ở thành phố Severodonetsk. Sáng nay có một bác viết bài với một tâm trạng khá buồn và tag tui, bác đó có nói 2 ý: (1) Pháo của Ukraine đâu? Ukraine đã thua, và thua dứt điểm về pháo binh (2) The Guardian viết, dẫn lời ông Haidai rằng hiện nay quân Ukraine đã bị đẩy ra khỏi thành phố.

Vậy chúng ta có thể hình dung ra nhiều kịch bản: quân Ukraine bị đẩy ra khỏi thành phố và vẫn bị pháo Nga bắn chí tử / quân Ukraine vẫn ở trong thành phố và bị Nga trút đạn pháo vào như trong một cái bẫy. Cả hai kịch bản đều khá đau khổ. Không có cách nào khác, lúc 10 giờ sáng nay giờ Hà Nội, tui nhắn tin hỏi một cán bộ người Ukraine thì nhận được câu trả lời: “It is under our control.” Với một câu trả lời như thế này thì không thể là “chỉ còn ở ngoài ngoại ô” được.

Nhưng mà thôi, với tui nhận thấy thì việc giữ được Severodonetsk đến hôm nay đã là 11 ngày rồi, như thế là quá giỏi. Có điều, một thành phố chẳng có giá trị gì lắm về mặt quân sự, Nga cố chiếm lấy thành tích hô khẩu hiệu thì còn dễ hiểu… Nhưng mà Ukraine cố giữ càng lâu càng tốt như thế làm gì?

Chuyện quân sự không tiện hỏi rõ, tui chỉ hỏi tiếp như thế này: “Haidai bảo, Lysychansk có địa thế cao hơn so với Severodonetsk có phải không?” – “Đúng rồi.” “Hai thành phố cách nhau có mấy kilômét qua con sông, với địa hình như thế, phải chăng với Nga việc chiếm được Severodonetsk còn dở hơn là dừng lại ở ngoài?” – “Chính xác!” “Vậy, liệu có phải đang có một kế hoạch gì đó ở bên này sông để “tiếp đón” họ cho thích đáng?” “Đúng vậy.”

Cá nhân tui thì cho rằng chắc chắn họ có một ý gì đó. Việc Nga dồn tiền vào cửa Izyum để đánh tiếp, thăm dò ở Lyman, và cố chiếm Severodonetsk… chuyện nào cũng có trong báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cả. Không nhẽ họ ngẩn ngơ để cho Nga muốn làm gì thì làm?

Đến đây tui nhớ ra là trước khi The Battle of Donbas diễn ra, tui cùng Tư lệnh Phan Quang đã từng đoán mò: có một khả năng (khá lớn) Nga sẽ cố tiến chiếm đến sông Siverskyi Donets và dừng lại, biến đó thành ranh giới tự nhiên. Tham khảo thêm ý kiến của một bác hôm nay, thì bác đó nói về Serevodonetsk trùng hợp với phương án này.

Đó là Nga sẽ cố chiếm xong Serevodonetsk, trong khi các hướng khác sẽ tổ chức đánh to, đánh mạnh thì sẽ yêu cầu Ukraine ngồi vào đàm phán – khi đó thì đương nhiên ranh giới mới ở Donbas sẽ là con sông, Serevodonetsk mất vào tay Nga coi như Ukraine mắc bẫy. Nếu đúng như vậy, thì dù thành phố này không còn nhiều ý nghĩa về mặt chiến lược, Ukraine vẫn phải cố mà giữ nó để còn có điều kiện phản công sau này.

Nếu các bác xét duyệt thấy ý kiến này là hợp lý, thì nó sẽ dẫn đến một hệ quả là… chiến tranh sắp kết thúc.

Về vấn đề “thua về pháo binh” thì tui phải nói thế này: pháo binh Nga từ đầu đến giờ, vẫn vượt trội về mọi chỉ số, thậm chí kể cả chỉ số bắn chính xác. Tui chưa bao giờ có ý coi thường trình độ của họ cả, thậm chí có những bài mô tả họ sử dụng UAV chỉ thị bắn vào đội hình Ukraine rất chính xác, đem lại thắng lợi tuyệt đối. Đến nay mặc dù Ukraine đã cải tiến được rất nhiều nhưng phần lớn vẫn dựa trên cùng một nền tảng với Nga, lại thua xa về số lượng, thì sao mà bảo là không thua!

Bây giờ Ukraine mới được cho vài chục cỗ pháo với mấy trăm nghìn đạn, không thể so với Nga có hàng triệu viên đạn các loại được. Nga hiện nay thực sự đang có những bất lợi nhưng chưa thực sự cơ bản để đem lại một sự cân bằng mới về cán cân hỏa lực giữa hai bên.

Vì thế nên chắc chắn trong giai đoạn hiện nay, Ukraine vẫn đang phải sử dụng chiến thuật “pháo lủi” chứ không thể chơi đôi công với nó được. Số lượng còn hạn chế, tầm bắn có xa mà chưa bố trí được ngay, chiến trường cài răng lược bắn được thằng này thì bị thằng khác canh cạnh sườn nó bắn, cũng phải sử dụng thận trọng chứ không thể bừa bãi được. 

• Ở hướng làng Katerynivka, binh lính Ukraine cũng gây cho địch nhiều tổn thất. Địch rút lui.

Bình loạn: Làng này chỉ cách Popasna có 8 km về phía Lysychansk, mà quân Nga đã từng chiếm được và đến rất gần đường cái nối giữa Lysychansk với Bakhmut. Như vậy quân Nga đã phải rút khỏi làng đi về Popasna rồi.

• Kẻ thù đã không tiến hành các cuộc chiến tích cực ở các khu vực Avdiivka, Kurakhiv, Novopavliv và Zaporizhzhya. Để kiềm chế hành động của các đơn vị ta, chúng cho pháo và cối bắn dọc theo đường liên lạc.

Bình loạn: Chuyện này chút nữa tui sẽ xin bình loạn sau.

3. Mặt trận Kherson không có gì mới ngoài việc quân Nga vẫn tiếp tục phòng ngự, và chỉ được bổ sung bằng những đơn vị đáng ngờ về chất lượng cùng xe tăng T-62 cũ mèm.

4. Chiến tranh sắp kết thúc chưa?

Ý kiến về Serevodonetsk ở phần 2 tỏ ra là khá hợp lý, vì gần đây có rất nhiều thông tin chứng minh rằng quân Nga đã rất đuối.

Theo thông tin có được, binh lính của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15 thuộc Tập đoàn quân hợp thành số 2 của Quân khu Trung tâm đã chịu tổn thất đáng kể trong các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine. Khoảng 800 người chết và khoảng 400 người bị thương. Tổng cộng, đã có khoảng 1.800 quân nhân của Lữ đoàn đã tham gia các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine.

Các tin nhắn của quân Nga do tình báo Ukraine chặn được cho thấy tinh thần họ xuống ghê gớm. Ngoài ra, lính Nga còn phàn nàn về việc quân lính của hai nước cộng hòa ly khai kia ngoài kỹ năng chiến đấu kém, còn không có tinh thần và trang thiết bị cũng rất tệ hại. Đó là lý do mà có một số mũi, ví dụ như Avdiivka lâu nay tấn công không có kết quả, vì chủ yếu ở đây là quân ly khai. Cũng vì thế mà đâu 1, 2 anh tướng Nga nào đó vừa chết hôm nọ đó. Chuyện này hôm qua chúng ta nói rồi. Hôm nay xem trên các diễn đàn của Nga cũng thấy người Nga chửi dân ly khai Donbas về chuyện này dữ dội lắm.

Đọc bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm qua sẽ thấy Nga đồng loạt hành động ở khắp nơi với nhiều mức độ khác nhau. Ý kiến về việc tướng lĩnh Nga cố tình bắn ào ạt cho chóng hết đạn vẫn còn và có thể vẫn đóng vai trò nhất định trong câu chuyện.

Tuy nhiên ở đây còn có một ý khác nữa: Nga có thể đang dồn lực làm cú chót. Tui vẫn luôn luôn giữ ý kiến: “Không nên coi sức mạnh của địch là vô hạn.” Cái gì cũng đến lúc ngừng, đến lúc tàn, đến lúc cạn kiệt.

Hiện nay đã có nhiều thông tin cho thấy: công nghiệp Nga “gần như” không thể sản xuất ra được đạn pháo thông minh, vì thiếu linh kiện từ nước ngoài, điều tương tự cũng xảy ra với các loại tên lửa có dẫn đường, có điều khiển… Nhưng ngay cả đạn pháo thường, các vấn đề để đưa dây chuyền sản xuất cũ hoạt động bình thường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do nhiều máy móc đã cũ, đồng thời còn là vấn đề của chuỗi cung ứng cho quá trình sản xuất.

Về nội bộ chóp bu quân sự Nga, có nhiều đồn đoán về việc S. Shoigu chắc chắn phải nghỉ và đồng loạt với tham mưu trưởng V. Gerasimov luôn, cùng một lúc; và tất cả đang chú ý đến một nhân vật chưa điều tiếng gì, một người từ giới quân sự đã qua thực chiến và thực sự có khả năng.

Tướng Yunus-bek Bamatgireyevich Yevkurov (Юнус-Бек Евкуров) cựu tổng thống nước cộng hòa Ingushetiya, đã tốt nghiệp sĩ quan đổ bộ đường không, Anh hùng Nga, tham gia nhiều chiến dịch của Nga, lập nhiều công trạng.

Tuy nhiên việc thay Bộ trưởng mới cũng không có nghĩa là thay đổi được tình trạng của nước Nga, chắc chỉ cuối tháng này và sang tháng sau rất nhiều tác động sẽ lại rõ ràng hơn nữa cho nền kinh tế, xã hội và người dân sẽ thực sự cảm nhận được. Về vấn đề này tui sẽ xin quay lại vào ngày mai.

5. TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 5

Về lực lượng lính dù Nga VDV – Воздушно-десантные войска России viết tắt là “ВДВ” hay còn được gọi chính thức là “Lực lượng đổ bộ đường không Nga” còn đường gọi là “Gió trắng” hay “Những người lính bộ binh có cánh” – Nga hay Liên Xô cũ luôn tự hào vì mình là nước “phát minh ra binh chủng lính dù hiện đại.”

VDV là lực lượng được trang bị các khí tài và phương tiện chiến đấu bộ binh được thiết kế đặc biệt để vận chuyển bằng máy bay trực thăng hạng nặng và cũng có khả năng thả bằng dù từ máy bay vận tải cánh cố định.

Các đội hình cơ động – lữ đoàn và sư đoàn của lực lượng mặt đất nói chung và VDV nói riêng của Nga có xu hướng nhỏ hơn so với các lực lượng tương đương của phương Tây, mặc dù nhiều đơn vị trong đó có bổ sung pháo binh và hỏa lực phòng không mạnh hơn đáng kể.

Trong khi các lữ đoàn bộ binh có quân số tối đa là 3.000 đến 4.500 binh lính và sĩ quan, tùy thuộc vào biến thể của nó, thì các sư đoàn của Lực lượng Nhảy dù phổ biến có khoảng 5.500 binh lính và sĩ quan. Khi xây dựng biên chế cấp Lữ đoàn của lực lượng Nhảy dù, quân số sẽ thấp hơn đáng kể so với Lữ đoàn bộ binh.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sẽ nổ ra ở Ukraine, một kế hoạch bổ sung cho lực lượng mặt đất nói chung và VDV nói riêng, trong đó có nhiệm vụ thay đổi cơ cấu tổ chức đơn vị và tăng số lượng đội hình xe tăng trong lực lượng Nhảy dù. Việc này diễn ra sau sự kiện Nga chiếm đoạt bán đảo Crimea của Ukraine và cuối cùng, VDV đã bắt đầu thành lập các đơn vị xe tăng riêng của mình.

Đến năm 2017, có một đại đội xe tăng ở mỗi sư đoàn hoặc lữ đoàn Nhảy dù độc lập; chỉ  trong năm 2018, một số trong số này được nâng lên thành các tiểu đoàn. So với sự phát triển của lực lượng mặt đất nói chung, con số này là tương đối nhỏ, cho đến nay tổng số vẫn ít hơn 100 xe tăng.

Điều này chỉ có thể minh họa nhiều hơn cho xu hướng lớn hơn của việc áp dụng các chiến thuật chiến đấu mới. Thực tế, các phương tiện chiến đấu cả trên không và mặt đất của VDV được bảo vệ yếu và rất dễ bị tổn thương trước các loại vũ khí chống tăng thường xuyên được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine.

• Sư đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 7

• Sư đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 76

• Sư đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 98

• Sư đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 106

• Lữ đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 11

• Lữ đoàn đổ bộ đường không xung kích Cận vệ số 31

• Lữ đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 83

Một trong những câu chuyện được kể lại là về lính dù của Lữ đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 31 – một Lữ đoàn dù tinh nhuệ đóng tại thành phố Ulyanovsk, miền nam nước Nga – đã được gửi đến Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến.

Rạng sáng ngày 24 tháng Hai, các lính dù của Lữ đoàn đổ bộ đường không Cận vệ số 31 lên trực thăng và được thông báo sẽ đến một thao trường ở miền Tây Belarus. Nhưng ngay trước khi có hiệu lệnh nhảy, sĩ quan chỉ huy của họ trên máy bay đã thông báo: “Chúng ta đang có chiến tranh với Ukraine.” Như vậy thay vì tới Grodno, họ bay vào không phận Ukraine, mục tiêu là sân bay Hostomel gần thủ đô Kyiv.

Nikita Ponomarev, một lính dù bị quân Ukraine bắt giữ sau đó cho biết: “Lính tráng chúng tôi rất sốc, mọi người đều tái mét, đặc biệt là khi chúng tôi bị bắn ngay ở trên không.”

Những người lính của lữ đoàn 31 là một trong số những binh sĩ Nga đầu tiên hành động ở Ukraine khi họ đổ bộ xuống đường băng ở Hostomel vào ngày 24 tháng 2 và vận động qua các đường băng, các nhà chứa máy bay và các tòa nhà khác quanh sân bay. Nhưng quân đặc nhiệm Ukraine đã bảo vệ Hostomel bất chấp chênh lệch lực lượng, cuối cùng đã ngăn cản được quân Nga chiếm sân bay.

Nếu cuộc tấn công này thành công, quân đội Nga có thể sử dụng sây bay Hostomel để đón các máy bay vận tải cỡ lớn IL-76 chuyển khí tài và của lực lượng bổ sung tới và uy hiếp trực tiếp thủ đô Kyiv của Ukraine. Hóa ra tính toán đó của Bộ chỉ huy Nga đã không đúng – thậm chí sai lầm nghiêm trọng. Tưởng rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã bị “đánh gục,” nhưng không phải.

Các hệ thống phòng không của Ukraine vẫn tạo ra mối đe dọa từ ngăn cản các máy bay vận tải của Nga bay vào Hostomel, các lực lượng mặt đất của Nga đã vào được sân bay phải đào công sự xung quanh sân bay và chờ đợi lực lượng tiếp viện mà họ cho rằng sẽ được đưa đến từ Belarus.

Một báo cáo của CNN vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược cho thấy lính của các đơn vị thành viên của Lữ đoàn 31 mang theo các hộp đạn và các băng đeo tay màu trắng, củng cố vành đai phòng ngự xung quanh chu vi của sân bay. Họ, những người lính dù phải phòng thủ chờ tiếp viện. Theo Ponomarev, các thiết bị bổ sung và quân tiếp viện được cho là sẽ đến trong vòng 24 giờ, nhưng không phải như thế. Sau ba ngày, vẫn chỉ có chúng tôi,” anh ta nói.

Ponomarev nhớ lại cảm giác đáng sợ tại Hostomel vào sáng hôm sau. Bất ngờ, pháo binh Ukraine nã vào các tòa nhà. Trận đánh kéo dài hai giờ, giết chết hàng chục binh sĩ Nga và phá hủy một lượng lớn thiết bị. Ponomarev nói: “Không còn gì – thậm chí không còn cả pháo. Hầu như không ai sống sót ngày hôm đó.”

Nga đã giữ kín trong việc công bố số liệu thương vong chính thức, hoặc xác nhận cái chết cho người thân từ đầu cuộc chiến, khiến không thể biết có bao nhiêu người từ Lữ đoàn 31 đã chết trong cuộc giao tranh tại sân bay Hostomel. Tuy nhiên, Ponomarev ước tính ít nhất 60 binh sĩ đã thiệt mạng.

Theo tình báo Ukraine, có tới 50 lính dù của lực lượng 31 đã thiệt mạng ở Hostomel. Các bức ảnh cho thấy thi thể của những người lính thứ 31 nằm rải rác trên vỉa hè và trong chiến hào, cũng như trên nóc những chiếc xe tăng đang bốc cháy. Tổn thất của Lữ đoàn 31 trong cuộc giao tranh ở Hostomel được cho là bao gồm các sĩ quan cấp cao, Đại tá Sergei Karasev và Thiếu tá Alexei Osokin. Có một đoạn video được cho là quay ngày 27 tháng Hai cho thấy xác lính của Lữ đoàn 31 chất đống vào xe tải để rút khỏi sân bay.

Cuối cùng, các chỉ huy Nga quyết định rút khỏi sân bay. Bất chấp những tổn thất từ đầu chiến tranh, Lữ đoàn 31 nhanh chóng được đưa vào cuộc tấn công trên bộ của Nga nhằm bao vây Kyiv vào đầu tháng Ba. Sau khi quân Ukraine ngăn chặn thành công cuộc tiến công của Nga vào Kyiv vào tháng Ba, Điện Kremlin đã chọn rút lui chiến thuật và quân đội Nga – bao gồm cả Lữ đoàn 31 – rời miền bắc Ukraine vào ngày 1 tháng Tư.

Từ đó, Nga bắt đầu “phase 2” của cuộc chiến tranh, chuyển mục tiêu trọng tâm sang miền đông Ukrainevới hai mũi tấn công chính ở vùng Donbas và tây nam thành phố Izyum thuộc tỉnh Kharkiv.

Một số BTG của Lữ đoàn 31 đã được tái bố trí xung quanh Izyum, cách Kharkiv 120 km về phía nam, theo một người bạn của một binh sĩ trong lữ đoàn tiết lộ sau khi nhận được text trong điện thoại. Phần còn lại của hai tiểu đoàn chiến thuật của Lữ đoàn 31 sau những cuộc giao tranh xung quanh Kyiv có khả năng được hợp nhất thành một BTG để tham chiến ở chiến trường miền đông.

Ở đây, Lữ đoàn này đã tiếp tục hứng chịu những tổn thất nặng nề. Khó xác định hoạt động cụ thể của Lữ đoàn 31 trong tháng thứ ba của cuộc chiến, nhưng người bạn của một người lính Lữ đoàn 31 cho biết một số đơn vị thành viên của Lữ đoàn 31 đã tham gia vào cuộc tấn công của Nga vào thành phố chiến lược Severodonetsk vào cuối tháng Năm.

Cùng với các báo cáo khác từ tiền tuyến, sau khi Lữ đoàn 31 được tái triển khai tới miền đông Ukraine binh lính của đơn vị dường như đã xuống tinh thần nghiêm trọng. Họ không được cung cấp lương thực đầy đủ và điều tương tự cả với thiết bị, khí tài.

“Tiền lương không được nhận. Trong doanh trại không có nước uống, nhà vệ sinh hay điện. Họ (binh lính) phải tự kiếm một máy phát điện chạy bằng xăng” – Denis Tokarev, một cựu binh của Lữ đoàn 31, người vẫn giữ liên lạc với các binh sĩ ở Ukraine, kể lại. May quá, “cư dân của vùng Belgorod đã mang thức ăn, nước uống và thực phẩm khác cho họ.”

Đáng chú ý là vừa qua Liên đoàn quyền anh ở Ulyanovsk đã kêu gọi người dân địa phương quyên góp đồ dùng để gửi đến cho binh lính Lữ đoàn 31. Một trong những bài đăng trên mạng xã hội của Liên đoàn vào tháng Tư đã hứa rằng đợt viện trợ tiếp theo cho quân đội “sẽ bao gồm các vật dụng”.

Theo tin tức của tình báo quân đội Ukraine, 25 binh sĩ của Lữ đoàn 31 thậm chí còn từ chối tái triển khai quân đến miền Đông Ukraine.

Theo nhà phân tích quân sự Rob Lee, một lực lượng đổ bộ sâu vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù là đặc điểm điển hình của lực lượng đổ bộ đường không trong những ngày đầu của cuộc chiến. Lee nói: “Chúng được sử dụng để chiếm giữ các sân bay cũng như các mục tiêu và địa hình thực sự quan trọng.”

Nhưng ngay trong những ngày cuối của “phase 1” – The Battle of Kyiv dưới sự điều động của Aleksandr Chayko mà Nga đã phải sử dụng một lực lượng lính dù nhảy vào Bắc Kyiv để hỗ trợ cụm quân Nga bị kẹt ở đây, rút về Chernihiv.

Đến bây giờ thì bộ đội đổ bộ đường không Nga, lực lượng nổi danh với những chiến công thọc sâu đánh chớp nhoáng vào những mục tiêu trọng yếu để thi hành chiến thuật “Blitzkrieg Nga” lại phải chôn chân trong bùn lầy ở Donbas. Theo BBC, trong số những tổn thất của lực lượng mặt đất Nga, khoảng 19% là từ các đơn vị lính dù. Nếu thống kê cả tổn thất của lực lượng lính thủy đánh bộ Nga từ các hạm đội: Biển Bắc, Baltic, Thái Bình Dương và Hắc Hải vào nữa, thì tổn thất của các lực lượng đặc nhiệm Nga là một con số đáng nể.

Đó là tui chưa kể tổn thất của bộ đội Spetsnaz, riêng ở Mariupol hồi tháng Ba, trong 2 ngày họ đã tổn thất mất 100 đồng chí rồi.

Thông tin thêm về Lữ đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 31. Lữ đoàn này từng tham chiến trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai và xung đột Nga – Gruzia năm 2008. Đóng quân tại thành phố Ulyanovsk thuộc lưu vực sông Volga từ năm 1993, Lữ đoàn 31 là một trong số ít đơn vị có truyền thống của lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Nga.

Theo ước tính từ nhiều nguồn tin, Lữ đoàn 31 có khả năng đã cử khoảng 2.000 tay súng tham chiến ở Ukraine. Ở cuộc chiến tranh này, Lữ đoàn đã chịu thương vong nặng nề ở do gặp phải nhiều vấn đề về hậu cần và sau đó là suy sụp tinh thần. Trong bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine

Tất cả đã chứng minh cho việc chuẩn bị một chiến dịch quá kém cỏi của Nga. Bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày hôm kia viết: Quân địch mất tinh thần. Theo thông tin có được, trong các đơn vị của Sư đoàn đổ bộ đường không số 106 và 76, những quân nhân từ chối tham gia chiến đấu sẽ bị đưa từ vùng Luhansk về lãnh thổ Liên bang Nga.”

Đến Lính dù mà tinh thần còn như thế thì lính bộ binh bình thường đánh nhau làm sao?

PHÚC LAI 09.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.