Đăng ngày:
Theo giới chuyên gia, các hàng không mẫu hạm Trung Quốc không được tung ra với mục đích đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942. Rất có thể Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam, để tranh giành biển đảo.
Tựa chính các tuần báo Pháp tập trung cho sự kiện tổng thống Emmanuel Macron mất đa số ở Quốc hội trong kỳ bầu cử vừa qua. « Macron bị hạ : Hậu trường của một thảm họa », tít của L’Express. Le Point đăng ảnh hai lãnh tụ đảng cực hữu và cực tả, chạy tựa « Trong gọng kềm Le Pen-Mélenchon : Thảm kịch Pháp » với hồ sơ dày đến 40 trang báo. Cũng với hai nhân vật trên nhưng bằng hình vẽ, ở giữa là tổng thống Macron, Courrier International chạy tít « Nền cộng hòa là họ », nhại theo câu nói của ông Mélenchon trước đây « Nền cộng hòa chính là tôi ». Trang bìa L’Obs là chân dung tổng thống Emmanuel Macron đầy vẻ suy tư với dòng tít lớn « Tổng thống tương đối », đặt vấn đề « Ông ấy phải phối hợp với Quốc hội mới như thế nào ».
Pháp : Cử tri muốn gì khi từ chối cho tổng thống trọn quyền hành động ?
Le Figaro Magazine lo âu, « Nhưng người dân Pháp muốn gì ? ». Khi chia Quốc hội thành ba phần tách biệt (tả-Macron-hữu) mà không bên nào có thể tự quyết định, cử tri đã làm chính quyền tê liệt. Lần đầu tiên kể từ Hiến pháp cải cách năm 2000 quy định bầu Quốc hội sau khi bầu tổng thống, đã không thể lập được đa số để thực hiện chính sách của nguyên thủ. Theo tờ báo, điều này cho thấy việc ông Emmanuel Macron tái đắc cử trước hết là nhờ nhiều công dân không ưa bà Marine Le Pen.
Những người lạc quan nói rằng đã tránh được điều tệ hại nhất. Kết quả lưng chừng của Nupes chứng tỏ cánh tả dù lập được liên minh chưa từng thấy, nhưng người dân từ chối giao phó định mệnh đất nước cho ông Jean-Luc Mélenchon. Vấn đề là họ cũng không muốn trao chiếc chìa khóa cho Emmanuel Macron để có thể tiến hành những cải cách thực sự.
Tuần báo thiên tả L’Obs cho rằng từ lâu Đệ ngũ Cộng hòa đã thu gọn dân chủ Pháp vào một cuộc bầu cử duy nhất là bầu tổng thống, nên lần này « một nền Cộng hòa mới » vừa ra đời. Đối với một tổng thống chưa bao giờ tin rằng sẽ phải rời khỏi đỉnh Olympia của mình, đây là một sự hạ cánh thô bạo. L’Express nhận định, thành phần Quốc hội mới là một thách thức của nhân dân đối với giới tinh hoa : phải thay đổi cách thức tranh luận và lãnh đạo. Ngược lại Le Point báo động Pháp giờ đây có hàng trăm dân biểu thuộc về hàng ngũ những người cho rằng châu Âu là vấn đề thay vì là giải pháp, và không muốn gởi vũ khí cho Ukraina. Thật đáng ngạc nhiên khi ở phía đông người ta hy sinh vì tự do dân chủ, thì họ lại muốn chủ trương độc đoán.
Macron yếu đi, châu Âu bị ảnh hưởng
Cựu bộ trưởng Pháp Nathalioe Loiseau trong một cuốn sách sắp phát hành tố cáo Vladimir Putin từ lâu đã có thể trông cậy vào một nhân vật nhiều ảnh hưởng : thủ lãnh đảng cực tả Jean-Luc Mélenchon, « kẻ thù hung hãn của Ukraina ». Người đứng đầu đảng cực hữu Marine Le Pen, qua thắng lợi vừa rồi có thể yên tâm với tài trợ của Nhà nước, dư sức trả món nợ 23 triệu euro vay của Nga.
Theo Le Point, « Macron yếu đi thì châu Âu càng đáng lo » : sức bật của lực lượng thân Putin khiến các láng giềng lo ngại trong khi cuộc chiến tranh ở Ukraina cần có quyết tâm của phương Tây. Emmanuel Macron đã đề nghị cử tri Pháp « không làm nước Pháp lộn xộn thêm trong khi thế giới đang hỗn loạn », nhưng nay ông phải đối đầu với cả hai tình trạng này và phải chịu một phần trách nhiệm. Từ khi Macron bị mất đa số hôm 19/06, nước Pháp trở thành một mối nguy chính trị cho châu Âu, vì ít nhất ba lý do.
Trước hết, ngay khi chiến tranh đang dữ dội ở Ukraina, cứ tri lại trao thế mạnh cho các đảng thân Putin là Tập hợp Dân tộc (cực hữu) và Nước Pháp Bất Khuất (cực tả), gây nguy hại cho sự đoàn kết châu Âu và quyết tâm ủng hộ Kiev. Thứ hai, tổng thống Macron liệu còn có thể đại diện cho sự đổi mới châu Âu ? Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung đã mỉa mai gọi ông là « người mang hy vọng đã về hưu ». Vào lúc vấn đề mở rộng Liên hiệp Châu Âu (EU) được đặt ra, Emmanuel Macron lại mất đi cơ hội giương lên ngọn cờ lãnh đạo châu Âu, có được sau khi bà Angela Merkel ra đi cuối năm ngoái. Thứ ba, những cải cách cần thiết để giải quyết món nợ công khổng lồ, tránh suy thoái nay trở nên xa vời. Một nước Pháp bị trói tay sẽ thành gánh nặng cho châu Âu.
Phương Tây có cung cấp đủ vũ khí cho Ukraina ?
Về mặt quân sự, The Economist đặt câu hỏi : « Liệu phương Tây có cung cấp đủ vũ khí cho Ukraina hay không ? ». Khi các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý, Rumani đến Kiev hôm 16/06, họ đã mang theo những món quà. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định « làm mọi cách để Ukraina chiến thắng », cam kết sẽ gởi thêm những khẩu đại pháo Caesar. Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Kiev một ngày sau đó hứa hẹn một chương trình huấn luyện quân sự quan trọng, và hôm 21/06 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức được đưa đến.
Ukraina đang quá cần những sự giúp đỡ này. Những tuần lễ gần đây dù có được vài thắng lợi nho nhỏ ở Kherson, đánh đắm được một tàu hộ vệ gần đảo Rắn, nhưng quân Nga kiểm soát hầu hết Severodonetsk. Một trong những lý do khiến Nga chiếm thế thượng phong là nhờ tập trung lực lượng và hỏa lực tại Donbass, gấp 10 lần so với phía Ukraina. Quân kháng chiến Ukraina đang thiếu đạn rốc-kết Smerch và Uragan thời Liên Xô cũ, các loại pháo hạng nặng của phương Tây chưa đưa đến kịp.
Ngoài mặt, các nhà lãnh đạo Âu Mỹ vẫn nói cứng nhưng bên trong đã có những nghi ngại. Các nước NATO đã chuyển giao hết các loại đạn dược từ thời Liên Xô cho Kiev, nay không còn nữa, và việc huấn luyện quân đội Ukraina thích ứng với vũ khí NATO mất nhiều thời gian. Bản thân kho đạn dược của châu Âu đang ở mức thấp, và khó tìm được công nhân cũng như vật liệu cần thiết cho các loại vũ khí phức tạp như hỏa tiễn phòng không Javelin hay Stinger. Hơn nữa, những nước như Đức và Ba Lan đang tăng tốc tái vũ trang, cầu vượt quá sức cung của kỹ nghệ quốc phòng.
Cặp vợ chồng nguyên thủ Ukraina đồng thời lên báo Pháp
L’Obs tuần này thử đặt mình « Trong suy nghĩ của Zelensky », với bảy trang báo dành cho tổng thống Ukraina. Nguyên thủ trẻ tuổi không ngừng động viên người dân, liên tục có những bài nói chuyện trước các Quốc Hội các nước. Bài viết nói về quá trình thay đổi từ một diễn viên thành một thủ lãnh dũng cảm trong cuộc chiến tranh.
Không hẹn mà nên, Le Monde Magazine đăng chân dung bà Olena Zelenska « nhà soạn kịch và là đệ nhất phu nhân Ukraina » trên trang bìa với dòng tựa lớn « Trong bóng tối chiến tranh ». Tuần báo cũng dành đến bảy trang bên trong với một số hình ảnh ấn tượng trong bài viết « Từ nụ cười đến nước mắt ». Cuộc sống của Olena Zelenska bị đảo lộn vào sáng sớm 24/02, khi các hỏa tiễn của Putin ập xuống thủ đô Kiev. Bà phải cùng hai con sơ tán, nhiều tháng trời không gặp lại chồng. Cặp vợ chồng nguyên thủ đến ngày 17/05 mới cùng xuất hiện lần đầu để dự đám tang ông Leonid Kravtchouk, tổng thống đầu tiên của Ukraina độc lập, người mà trước khi qua đời đã nói rằng « sai lầm lớn nhất là đã tin tưởng vào Nga ».
L’Obs cũng tiết lộ thêm về mối quan hệ giữa hai tổng thống Pháp và Ukraina. Hình ảnh ông Emmanuel Macron ôm lấy vai đồng nhiệm Volodymyr Zelensky một cách thân thiết trong chuyến thăm Kiev lịch sử đã được báo chí và mạng xã hội đưa lại rộng rãi. Cả hai tổng thống có cùng độ tuổi, đắc cử trong sự ngạc nhiên của hệ thống chính trị cũ, và có chủ trương tự do. Tuy đã điện đàm khoảng hai chục lần từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, nhưng quan hệ đôi bên xấu đi do ông Macron tiếp tục nói chuyện với Vladimir Putin và phát biểu « không nên làm bẽ mặt Nga ». Thật ra khởi đầu rất tốt đẹp : thông qua giới thiệu của triết gia Bernard-Henri Lévy, năm 2019 Macron đã tiếp Zelensky ngay cả trước khi nói chuyện với tổng thống Ukraina đương nhiệm Porochenko và hai tháng sau khi đắc cử, Volodymyr Zelensky đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho Paris.
Sự phục hồi sinh khí của NATO từ khi Nga xâm lăng Ukraina
Hồ sơ của Courrier International dành cho câu hỏi « NATO hồi sinh ? ». Từ khi Ukraina bị xâm lăng, Liên minh Bắc Đại Tây Dương với Hoa Kỳ trên tuyến đầu dường như đã tìm lại được sự hòa hợp. Nhưng liệu lợi ích của Mỹ có tương đồng với châu Âu hay không ? Và phải chăng NATO có khuynh hướng triển khai về phương nam và châu Á ?
Tây Âu giảm chi tiêu quân sự, Liên minh ngày càng dựa vào ngân sách quốc phòng khổng lồ của Hoa Kỳ và sự hăng hái của các thành viên mới từ Đông Âu. Đối với tổng thống Pháp Macron, nguyên tắc xưa cũ của NATO nhằm « ngăn chận Liên Xô và đặt nước Đức dưới chế độ bảo hộ » không thể tồn tại. Dù Vladimir Putin hung hăng với Ukraina năm 2014, Berlin vẫn muốn mua thêm khí đốt Nga và Macron muốn mở ra kênh ngoại giao với Matxcơva, như De Gaulle vẫn hy vọng châu Âu đóng vai trò thăng bằng giữa Nhà Trắng và Kremlin. Trong khi đó Washington tiếp tục muốn rút chân khỏi châu Âu để đối đầu với Trung Quốc.
Giờ đây, « nhờ » cuộc xâm lăng của Putin, mọi cái nhìn đều hướng về châu Âu và NATO mà Thụy Điển, Phần Lan nay muốn gia nhập. Dù hồi sinh mạnh mẽ, nhưng người ta quên rằng nếu nhiệm vụ của tổ chức này là răn đe Nga và bảo đảm hòa bình ở châu Âu, thì NATO đã thất bại. Chính sự kháng cự dũng cảm không ai ngờ đến của người Ukraina đã giúp NATO được vực dậy. Mỹ viện trợ ồ ạt chưa từng thấy cho Kiev, tuy nhiên trừ trường hợp leo thang nguyên tử, Nga không quan trọng đối với kinh tế Hoa Kỳ, cũng như quan hệ với châu Âu.
Trung Quốc lần đầu tiên bị nằm trong tầm ngắm
Phải chăng Washington sẵn sàng làm cho Nga yếu đi là để tập trung đối phó với Trung Quốc ? Một câu hỏi mang tính chiến lược rộng hơn, là lợi ích của châu Âu có giống như của Mỹ đối với Trung Quốc hay không ? Pháp không thể có vị trí quan trọng như Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn Đức tiếp tục có quan hệ thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh, như tổng giám đốc Volswagen đã bộc bạch « Có mặt ở Trung Quốc là một cơ hội ». Trừ vùng Baltic, đa số các nước EU không muốn bị lôi vào một cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Về phía Mỹ, Trung Quốc vẫn đang trong tầm ngắm. Nhật báo The New York Times cho biết sau hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2021, lần đầu tiên các nước NATO cảnh báo « Trung Quốc ngày càng trở thành vấn đề cho an ninh thế giới ». Đây là bước ngoặt ý nghĩa trong của một liên minh có mục đích bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ. Foreign Policy nhận thấy trong cuộc họp các ngoại trưởng NATO hồi tháng Tư, lần đầu tiên các đại diện của Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc đã được mời tham dự. Một cách gởi đi thông điệp đoàn kết cho Matxcơva và cả Bắc Kinh, nhưng theo tạp chí Mỹ, Trung Quốc là « mối đe dọa khó đối phó hơn ».
Tại Hoa lục, một nhà nghiên cứu trên trang Bành Phái (Pengpai) của Thượng Hải đặt câu hỏi, liệu NATO muốn chuyển hướng sang châu Á ? Trang web Liêu Vọng (Liaowang) nhấn mạnh, « do sự xúi giục của Hoa Kỳ, NATO ngày càng có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc ». Liên minh muốn tránh tình trạng lệ thuộc vào Bắc Kinh, đấu tranh để nắm giữ tài nguyên công nghệ. Theo một chuyên gia Trung Quốc, để đối phó, Bắc Kinh có thể trông cậy vào những mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu cũng như trong nội bộ của EU.
Tiến bộ công nghệ của tàu sân bay Phúc Kiến
Về Trung Quốc, The Economist lưu ý đến sự kiện Bắc Kinh cho xuất xưởng thêm hàng không mẫu hạm mới, cho rằng đây là một minh chứng lớn lao và đắt giá cho tham vọng của nước này. Hàng không mẫu hạm xưa nay vẫn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, và việc ra mắt chiếc Phúc Kiến (Fujian), chiếc tàu sân bay thứ ba hôm 17/06 cho thấy ý đồ soán ngôi bá chủ của Mỹ. Dài 318 mét, trọng tải 80.000 tấn, chiếc Phúc Kiến vượt qua HMS Queen Elizabeth của Anh, chỉ đứng sau các « siêu tàu sân bay » Mỹ. Tuy nhiên chi tiết ý nghĩa nhất lại được che giấu trong buổi lễ hạ thủy, đó là hệ thống phóng máy bay.
Khác với hai tàu sân bay trước đó của Trung Quốc trang bị hệ thống phóng « ski-jet », tàu Phúc Kiến có hệ thống phóng điện từ, một tiến bộ công nghệ quan trọng. Nếu hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông chở theo các J-15, loại chiến đấu cơ ăn cắp kiểu Su-33 của Nga, và trực thăng để giám sát xung quanh, khó thể hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trên biển ; thì chiếc Phúc Kiến sẽ hoạt động với những chiến đấu cơ J-15 được cải biến có thể mang theo các vũ khí hạng nặng như bom và hỏa tiễn thông minh. Về lâu về dài, còn có thể mang theo những chiếc tiêm kích tàng hình loại mới J-35.
Theo chuyên gia Henry Boyd của Viện nghiên cứu Chiến lược
Quốc tế ở Luân Đôn, J-35 có thể được sử dụng vào nửa cuối của thập niên
này cũng như KJ-600 (Không Cảnh), giúp chiếc Phúc Kiến có được uy lực
như các hàng không mẫu hạm Mỹ vốn thường phối hợp các chiến đấu cơ phản
lực đa nhiệm siêu thanh F/A-18, chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay
cảnh báo sớm trên không Hawkeye…
Với hàng không mẫu hạm mới, Trung Quốc muốn tấn công Việt Nam ?
Tuy vậy, Trung Quốc còn xa mới có thể ngang hàng với Mỹ. Tàu sân bay Phúc Kiến dùng năng lượng quy ước, trong khi các hàng không mẫu hạm Mỹ sử dụng năng lượng nguyên tử có tốc độ nhanh hơn và bền bỉ hơn. Chưa kể Hoa Kỳ đã có nhiều thập niên kinh nghiệm. Chiếc Phúc Kiến phải ít nhất hai năm nữa mới hoàn chỉnh, và dù Bắc Kinh có ý định sở hữu bốn tàu sân bay nguyên tử từ nay đến 2035, vẫn phải lẽo đẽo theo sau đuôi Mỹ.
Nhưng so sánh đơn thuần như vậy có thể dẫn đến suy luận sai lầm. Theo các chuyên gia về hải quân, các hàng không mẫu hạm Trung Quốc không được đóng để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh với Đài Loan hoặc vùng biển xung quanh Trung Quốc, các hỏa tiễn đạn đạo bay thấp có thể nhanh chóng tiêu diệt bất kỳ chiến hạm lớn nào. Rất có khả năng Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam để tranh giành biển đảo, hoặc bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở châu Phi.
Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942 với sự tham gia của ba hàng không mẫu hạm Mỹ và bốn của Nhật. Chuyên gia Sam Roggeveen của Viện Lowy (Úc) nói : « Tôi không cho rằng tham vọng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc là một thách thức trực diện với sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ». Theo ông, Bắc Kinh chỉ cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân « sẽ hữu dụng một khi Mỹ trở nên yếu hơn nhiều, để lại những khoảng trống nhờ đó Trung Quốc cưỡng bức và trừng phạt những nước nhỏ hơn ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.