mercredi 11 décembre 2019

Mạnh Vãn Châu nhàn nhã, hai tù nhân Canada khốn khổ tại Trung Quốc

Biểu tình bên ngoài phiên tòa xử vụ Mạnh Vãn Châu ở Vancouver ngày 06/03/2019, đòi Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig.

Tác giả Peter Humphrey trong bài « Số phận tàn khốc của Michael Kovrig và Michael Spavor tại Trung Quốc » đăng trên The Diplomat ngày 10/12/2019 tố cáo các điều kiện giam giữ trong nhà tù Trung Quốc, và việc Bắc Kinh bắt giữ một số người phương Tây gần đây mang động cơ chính trị.

Mạnh Vãn Châu vẽ tranh, hai công dân Canada khốn đốn trong gu-lắc Trung Quốc 

Ngày 10/12 này là đúng một năm hai công dân Canada bị bắt giam trong những điều kiện tồi tệ, bị cô lập trước móng vuốt của an ninh Trung Quốc. Michael Kovrig, nhà cựu ngoại giao, và Michael Spavor, một nhà tư vấn chuyên tổ chức các chuyến đi làm ăn với Bắc Triều Tiên, bị bắt với cáo buộc làm gián điệp. 

Lẽ ra với tội danh này thì sau một năm đã có thể đưa ra tòa, nếu có bằng chứng. Nhưng thực chất, theo tác giả, cả hai là con tin chứ không phải tội phạm, bị bắt để trả đũa vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), phó chủ tịch Hoa Vi (Huawei). Bản thân ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã xác nhận việc này.

Bà Mạnh Vãn Châu đang được thụ hưởng tự do, chỉ phải đeo vòng điện tử. Bà có thể đi dạo trên những con đường xinh đẹp của Vancouver, sống trong tòa biệt thự sang trọng trị giá 15 triệu đô la của bà, trong một xã hội dân chủ tự do, được pháp luật bảo vệ. Bà nói với AFP : « Thời gian trôi thật chậm. Tôi có thể đọc những cuốn sách từ trang đầu cho đến trang cuối (…) và hoàn tất được một bức tranh sơn dầu ».

Một sự tương phản đớn đau, là hai ông Michael đang phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt trong « gu-lắc » Trung Quốc vô pháp luật. Tổ chức International Crisis Group (ICG) nơi ông Michael Kovrig làm việc với tư cách chuyên gia, trong lá thư ngỏ đăng trên Washington Post ngày 03/10/2019 kêu gọi trả tự do cho ông. Nhưng lời kêu gọi này rơi vào tai của những người điếc. Cả hai công dân Canada vẫn bị biệt giam.

Giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei), bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) rời nhà đi dến tòa án Vancouver, ngày 23/09/2019.
Trại tạm giam Trung Quốc, nơi đập tan sức kháng cự của con người

Tác giả Peter Humphrey là nhà nghiên cứu về Trung Quốc của King’s College ở Luân Đôn, có 17 năm là thông tín viên của Reuters. Ông Humphrey khẳng định có đủ tư cách để tố cáo nhà tù Trung Quốc, vì ông và người vợ từng bị giam giữ hai năm ở Thượng Hải từ 2013 đến 2015 vì bị cáo buộc sai lạc là « sở hữu thông tin cá nhân bất hợp pháp ».

Theo ông Humprey, việc tạm giam chờ xét xử được Trung Quốc sử dụng như một thứ vũ khí để cưỡng bức. Tù nhân bị nhổt trong những trại giam được thiết kế để đập tan sức kháng cự, đè bẹp tinh thần con người nhằm bức cung.

Để gây sốc, người tù luôn bị tống vào một xà lim đầy chật người lúc nửa đêm, sau ít nhất một ngày bị công an thẩm vấn mà không có mặt luật sư. Phòng giam không có bất kỳ đồ đạc nào, người tù suốt ngày phải ngồi hoặc nằm co trên nền nhà, mùa đông trong tù lạnh hơn bên ngoài nhưng không đủ mền đắp. Tường và trần bị mốc, sơn có chứa chì độc hại tróc lở từng lớp.

Thức ăn nguội ngắt đựng trong những chiếc chén loại cho chó ăn, được đưa qua song sắt. Đồ ăn bẩn thỉu, thiếu những chất dinh dưỡng căn bản như calcium và các loại vitamin chính, không có rau trái. Không có các hoạt động ngoài trời, gây ra chứng thiếu vitamin D, bệnh ngoài da hoành hành. Ngay cả khi tù nhân bệnh nặng, việc trả tự do có điều kiện luôn bị từ chối.

Không có gì là riêng tư, từ việc đi vệ sinh cho đến tắm rửa. Nơi tiêu tiểu chỉ đơn giản là một chiếc lỗ trong một góc xà lim. Những ai bị biệt giam thì bị giám sát suốt ngày bằng camera và các quản giáo hung dữ. Ánh sáng rất mạnh được mở 24/24 giờ mỗi ngày, khiến tù nhân mất ngủ và thị lực giảm.

Không bị kết án nhưng vẫn là « tội phạm »

Người tù không được phép giữ một cây bút nào. Họ phải van nài quản giáo để mượn được bút vài phút mỗi tuần. Không được gọi điện thoại ra ngoài, thân nhân không được vào thăm. Việc liên lạc với luật sư chỉ giới hạn ở một lá thư với đúng một dòng chữ, yêu cầu đến thăm hoặc nhờ người nhà gởi tiền bạc, quần áo vào – viết bằng cây bút hiếm hoi mượn được.

Tù nhân bị thẩm vấn hàng ngày, bị nhốt trong một chiếc lồng đặc biệt khi trả lời những câu hỏi của an ninh hoặc công an. Rất hiếm khi luật sư được vào gặp thân chủ, và mỗi lần gặp đều bị ngăn cách bởi chấn song. Tù nhân không được ghi chép hay mang tài liệu vào phòng giam, nên không thể chuẩn bị cho việc tự biện hộ.

Không có báo chí, trừ một tờ báo Trung Quốc được quản giáo đưa vào để 12 người tù chuyền tay xem trong nửa tiếng đồng hồ. Truyền hình thì toàn tuyên truyền nội bộ, và những chương trình giải trí tệ hại. Tù nhân bị buộc học những bài tuyên truyền nhiều giờ trong ngày, sẽ bị trừng phạt nếu không « chấp hành tốt ».

Nhiều người bị tạm giam trong một thời gian rất dài trước khi bị đưa ra xét xử. Tác giả gặp rất nhiều người bị tạm giam đến hai năm, thậm chí có người năm năm. Khi nghe từ « tội phạm không bị kết án » được dùng thường xuyên để chỉ những người bị tạm giam, ông hỏi một viên chức, tại sao một người không bị kết án lại bị coi là tội phạm, nhưng viên chức này không hiểu !

Chỉ 9 ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada, Trung Quốc liền bắt giữ ông Michael Kovrig (phải) và Michael Spavor (trái).
Tư pháp độc đoán do đảng chỉ đạo

Ông Peter Humphrey nhấn mạnh, việc tạm giam trong các điều kiện như vậy rõ ràng là vi phạm các công ước Liên Hiệp Quốc, kể cả luật pháp và Hiến pháp Trung Quốc. Nhưng tại Trung Quốc, luật lệ chỉ để làm cảnh. Một nền tư pháp độc đoán và tùy tiện, chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của đảng Cộng Sản Trung Quốc và các quan chức đảng.

Tất cả mọi bộ phận của bộ máy - công an, trại giam, viện kiểm sát - đều do đảng chỉ đạo, và đảng đứng trên tất cả. Ngay cả nghề luật sư cũng bị đảng kiếm soát : tất cả các luật sư đều phải tuyên thệ trung thành với đảng Cộng Sản mới được cấp giấy phép hành nghề.

Công an Trung Quốc chẳng cần điều tra thực thụ vì không cần đến bằng chứng xác đáng mới kết án được một nghi can. Họ trọng cung chứ không trọng chứng, và các lời khai thường do bức cung. Các nghi can lên truyền hình thú tội đều do bị cưỡng bức.

Theo ông Peter Humphrey, việc bắt giam người ngoại quốc để gây áp lực vốn là truyền thống, thường được các hoàng đế Trung Hoa thời xưa áp dụng để o ép các nước khác. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, những vụ bắt người và tự thú trên truyền hình mới xảy ra thường xuyên hơn.

Màn nhận tội trên truyền hình Trung Quốc của ông Quế Dân Hải (Gui Min Hai), công dân Thụy Điển gốc Hoa bị bắt cóc.
Những nạn nhân phương Tây : Tội phạm hay con tin ?

Đối với Canada, ngoài hai ông Michael nói trên, còn có các nạn nhân khác như cặp vợ chồng Kevin và Julia Garratt, bị bắt vào tù hai năm với cáo buộc gián điệp để trả thù vụ bắt điệp viên Su Bin của Trung Quốc. Trước đó, Kun Huang, một người Canada gốc Hoa cũng bị tạm giam hai năm.

Canada không phải là nạn nhân duy nhất. Úc có 18 nhân viên của Crown Casino, và một số nhà ly khai gốc Hoa bị bắt. Ông Quế Dân Hải (Gui Min Hai), công dân Thụy Điển gốc Hoa, chủ nhà xuất bản sách bị bắt cóc và sau đó lên truyền hình « thú tội ». Còn Anh quốc thì có tác giả Peter Humphrey góp mặt trong nhà tù Trung Quốc.

Công dân Mỹ cũng chẳng được ưu tiên : nữ doanh nhân Sandy Phan-Gillis bị bắt tại Trung Quốc tháng 3/2015 vì cáo buộc gián điệp trong khi bà đi cùng với một đoàn doanh nhân từ Texas. Một giáo viên người Mỹ, bạn tù của tác giả, ông David McMahon bị bắt năm 2013 vì cáo buộc gian dối là tấn công tình dục.

Tác giả tỏ ra bất bình khi các chính quyền phương Tây đặt lợi ích thương mại lên trên. Theo ông, trở lực lớn nhất hiện nay là Tập Cận Bình, khó thể có việc đàn áp dừng lại trước khi ông Tập rời quyền lực. Thứ hai là sự ngần ngại không muốn đối đầu với Trung Quốc của chính phủ các nước. « Bạn không thể thương lượng với một con cọp, khi đầu bạn đang nằm trong mõm của nó » - cố thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói như thế.

Một giáo sư đại học Canada nói với tác giả, là Ottawa cần phải biết gây ảnh hưởng để đưa tất cả con tin về nước. Peter Humphrey nhấn mạnh, Canada không nên tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các điệp viên Trung Quốc đang hoạt động trên lãnh thổ của mình. Tất cả các xã hội tự do dân chủ, thượng tôn pháp luật đều phải kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh này.
 
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191211-m%E1%BA%A1nh-v%C3%A3n-ch%C3%A2u-nh%C3%A0n-nh%C3%A3-hai-t%C3%B9-nh%C3%A2n-canada-kh%E1%BB%91n-kh%E1%BB%95-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.