Sau cơn lũ lịch sử đầu tháng 11-1999, có hàng trăm người
dân, người đại diện tổ chức tại Sài Gòn tìm đến báo An ninh Thế giới để xin
đóng góp giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Bộ phận tiếp nhận của
báo viết biên nhận mỏi tay vẫn không kịp, vì người này chưa ra, người kia đã
bước vào…
Sáng sớm, có một cô gái khoảng 20-21 tuổi bị liệt hai chân
được anh xích lô bế vào tận phòng tiếp bạn đọc. Cô lấy ra một ít tiền lẻ và
thưa: “Chú ơi, con chỉ có 25.000 đồng, chú nhận cho con nhé!”.
Tôi chưa kịp trả lời, cô đã chảy nước mắt phân bua: “Đọc
báo, con thương bà con quá, khóc hồi hôm đến giờ. Con móc len thuê, lương hổng
có bao nhiêu. Sáng nay lục hết con cũng chỉ còn có 35.000 đồng. Chú Bảy (ông
xích lô) ở gần nhà nên lấy rẻ, chở con từ Phú Nhuận lên đây (quận I) nhưng chỉ
lấy con 10.000 đồng thôi. Số còn lại, cô chú cho con góp với bà con, đừng chê
ít tội con nghe chú”!
Không chỉ cô gái, mà tất cả những người có mặt trong phòng
lúc đó nghe cô nói cũng đều bật khóc. Tôi đưa biên nhận, bảo: “Em đừng lo.
Tấm lòng của em lớn gấp vạn lần số tiền. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều
đó”. Ngay khi đó, tôi nhác thấy anh xích lô đứng kế bên thoáng tần ngần cho
tay vào túi, rồi thở dài và rút tay ra, cùng tôi đỡ cô gái đưa ra xích lô.
Sẩm tối, đột nhiên anh xích lô ấy quay lại tòa soạn. Có lẽ
dầm mưa cả ngày nên môi anh tái ngắt. Rất hấp tấp, anh để nguyên cả áo mưa xộc
vào phòng tiếp bạn đọc, phân bua: “Tui sợ đến trễ, hết giờ các anh chị về
mất. Hồi sáng nghe con nhỏ nói, tôi chịu không nổi. Tui tự hứa là bữa nay đạp
(xích lô) được bi nhiêu, tui gửi cho bà con bấy nhiêu. Mà xui quá, sáng giờ mưa
dữ trời, ế rệ, được có bi nhiêu hà…Cho tui góp chút…”
Lộn hết túi trái, túi phải, anh lôi ra một mớ tiền lẻ, vuốt
thẳng thớm. Tất cả có 67.000 đồng. Anh ngăn chị Nguyễn Tuyết Nga viết biên lai,
bảo: “Tôi đã định không đến, vì có ít quá. Thôi mà, anh chị cho tui góp là
được rồi, biên lai chi nữa”. Tôi giải thích: “Anh không cần biên lai,
nhưng chúng tôi là người nhận thì cần, vì ít hay nhiều đều cần minh bạch. Anh
yên tâm, tấm lòng không khi nào đo bằng con số”.
Nói thật lòng mà tôi vẫn tự ngượng chín người, bởi vừa có
một chút sáo ngữ đã bật ra không hợp chỗ. Những khi xúc động, cái đầu tôi
thường trở nên ngu hẳn! Anh xích lô không để ý, tiếp luôn, trời ạ, còn văn
chương gấp 40 lần nhà báo: “Vậy ghi lá rách đùm lá rách hơn, dzậy đi!”.
Rồi phẩy tay đi mất, như thể vừa cất đi gánh nặng, hào sảng như một trang đại
hiệp!
Đó là câu chuyện của người cho.
Hơn một tháng sau, mùng 4-12-1999, đoán trước nên tôi có mặt
ở Huế ngay khi đang diễn ra trận lụt “bà thêm” 23-10 âm lịch. Suốt ngày
lội nước ngang thắt lưng, đi thuyền, đi trực thăng… đến những nơi cần đến. Hơn
8 giờ tối đám báo chí mới tạm ngưng, chờ sáng hôm sau “chiến đấu” tiếp.
Không khách sạn, nhà nghỉ bình dân nào không ngập để có thể
đón khách, tôi may mắn được đồng nghiệp Lâm Chí Công xin cho ở ké chỗ Nhà khách
Công đoàn. Quăng ba lô, thả uỵch tấm thân xuống nệm, tôi lập tức vọt cả người
lên suýt đụng trần nhà. Tấm nệm kêu cái oạp, nước phọt lên. Trời ạ, thì ra căn
phòng tầng trệt trước đó cũng ngập sâu trong nước nên ướt sũng hết…Đến gọi tôi
đi tìm chỗ ăn tối, Lâm Chí Công cười như nắc nẻ, bảo: “Phòng tau trên lầu,
khô, tau có biết dưới ni ướt mô!”.
Thì ra, bữa ăn tối đã được đặt sẵn, không chỉ cho tôi, Công
và mấy anh em báo chí mà còn cho khoảng…40 người của các loại ủy ban, hội,
ngành địa phương nữa. Tìm được chỗ bán thức ăn lúc đó đã khó, huống nữa là cổ
bàn la liệt như trước mắt. Ngồi vào bàn, tôi hết sức kinh ngạc, hỏi: “Ai bày
ra thế?”
Một ông ốm nhách ngồi gần, tự giới thiệu tên, quan chức con
con của một cái hội vô thưởng vô phạt như nhiều loại hội ngành khác của đất
nước này, vừa gắp cho tôi tới tấp, vừa trả lời: “Vất vả cả ngày rồi, cứ ăn
đi, tội gì. Cấy ni bọn hấn đặt khi chưa lụt tề. Phí tiếp khách khi bão lụt, nỏ ông
mô dám không duyệt. Tiền chùa, có khai 3 lần cũng duyệt, tội gì không ăn!”
Không ai bảo ai, tôi và Công đưa mắt nhìn nhau và cùng xô
ghế đứng dậy. Vài ba anh em báo chí khác có mặt trong phòng khi hiểu ra, cũng
im lặng đứng dậy, rời phòng. Tất cả quan chức, cán bộ địa phương thì ngồi yên.
Bão lụt, thiên tai… đang trở thành một dịp để người ta đãi đằng nhau và phung
phí lòng hảo tâm của những anh xích lô, cô gái tật nguyền trên cả nước.
Không có chỗ ngủ, đói bụng, cả đêm đó đám báo chí đành thức
và… làm việc tiếp. Điện thoại di động chập chờn nhưng tôi cũng gọi được nhiều
cú quan trọng. Từ Sài Gòn, anh Phạm Văn Chiến sếp tôi trả lời: “Vinamilk
đồng ý cho 6 tấn sữa đặc, nước đóng chai thì em lấy tại Huế đi. Quan trọng là
chở ra bằng cách nào đây?”
Thêm hàng chục cuộc điện thoại nữa, tôi được Thiếu tướng
Trần Việt, Phó Tham mưu trưởng Phòng không - Không quân, người trực tiếp chỉ
huy Cầu hàng không cứu trợ, đầu cầu Phú Bài đồng ý bố trí cho một chuyến AN -
26 (Không quân Việt Nam chỉ có hai dòng máy bay Antonov là AN-26 và AN -30) từ
Tân Sơn Nhất ra. Ông bảo: “Bố mày! Đến Phú Bài thôi nhé. Bốc hàng rời sân
bay, đi đâu, bằng gì là việc của mày, quân của bố không rời sân bay đâu đấy. Gọi
vô Sài Gòn, bảo chở hàng ra sân bay ngay đi. Sáu giờ sáng đưa người ra mà bốc”.
Trên chuyến bay "ké" AN 30 của quân đội từ Huế về Sài Gòn sau lụt đợt 2, tháng 12 năm 1999. Ảnh Nguyễn Hồng Lam |
Mừng quá, tôi lại điện thoại đi lung tung, rất cầu âu nhưng
đều không kết quả. Khoảng 3 giờ sáng, tôi đành gọi hú họa cho Đại tá Bạch Hiền,
Giám đốc Công an Thừa Thiên - Huế.
Không như nơi khác, chưa dứt hồi chuông, đầu dây bên kia
(lại tiện mồm văn vẻ cho sang nữa rồi, gọi di động, làm gì có dây?) đã cầm máy
ngay. Ngại quá, sau khi xưng tên, tôi hỏi thêm, một câu rất biết điều: “Làm
phiền thủ trưởng, không biết em có phá giấc ngủ của thủ trưởng không ạ?”.
Lập tức, ông Đại tá mắng té tát: “Ngu thế! Ngủ mà cầm máy
được à? Lũ lụt thế này, dân chưa ngủ, ông chưa ngủ, tôi ngủ là ngủ kiểu gì?
Chuyện gì, nói lẹ!”. Rồi chốt luôn: “ Năm giờ rưỡi ông đón ở sân bay,
tôi cho hai xe, 10 lính ra. Ông bảo tụi nó chia hàng ra làm hai, một đi mấy xã
ven biển Hương Thủy, một ra Quảng Điền. Đừng ngủ quên đấy. Tôi không rảnh mà
giỡn với ông đâu”.
Chưa bao giờ bị mắng tới tấp mà tôi thấy…sướng đến thế, đủ
để quên khuấy luôn bữa ăn khốn nạn chưa kịp đụng đũa lúc đầu hôm. Kinh nghiệm
cho thấy ba giờ sáng gọi điện cho ai mà người ta vẫn bắt máy ngay thì đích thị
đó là người đáng kính! Ông Đại tá chưa từng gặp mặt ấy đích thị là người tốt.
Nói cấm cãi.
Bốn năm sau, cũng sau mùa lụt, tôi đi xin, được ông Duy Lợi
rất khùng và rất hào hiệp đồng ý tài trợ 40 triệu đồng để mổ mắt cho một huyện
phía trên núi của quê tôi, Hà Tĩnh. Tay giám đốc trung tâm Y tế huyện này đề xuất
mổ Pharco, 650.000 đồng/ca, tôi cương quyết gạt đi. Bác sĩ bệnh viện Hà Tĩnh
đồng ý hỗ trợ không tính công, mổ thường. Số tiền đó, chúng tôi lo được cho 100
bệnh nhân.
Gần trưa, chưa xong buổi mổ, tay giám đốc Trung tâm đã mời
tôi với đồng nghiệp cùng báo Nghiêm Xuân Luận vào phòng, thẻ thọt: “Anh Lam
hè, cái ni giừ gởi lại anh 20 hay 30 hè?”. Tôi ngơ ngác. Luận ở quê lâu hơn
tôi nên có vẻ hiểu “thông lệ” hơn, cau mày nói nhỏ: “Phần trăm”. Bực
quá, tôi quát luôn: “Tuyệt đối không. Anh đưa tôi đủ danh sách có chữ ký 100
bệnh nhân được mổ. Tôi sẽ đếm từng ca. Thiếu một người, tôi bảo đảm anh nên
nghĩ chuyện viết đơn từ chức”.
Trưa, Trung tâm lại đặt cơm sẵn. Cả bác sĩ và nhà báo chỉ
chục người, bữa ăn được chuẩn bị cho hơn ba chục, gọi là “cây nhà lá vườn”.
Ngoài tay giám đốc và cô văn thư, những vị khách còn lại chỉ khi vào bữa ăn tôi
mới chộ (thấy) lần đầu. Họ không liên quan gì đến chuyến mổ mắt cả. Họ mọc lên
từ chỗ nào, tôi không biết.
Vẫn chưa hết. Cuối bữa ăn, cô văn thư gì đó theo ánh mắt của
tay giám đốc đưa ra hai phong bì cho tôi và Luận, được phụ họa bằng cái xoa tay
của tay giám đốc, rằng “có chút quà”… Luận quay mặt đi. Tôi không buồn
ngó cô văn thư mà ngó hẳn vào mặt tay giám đốc, bảo: “Kiểu ni chắc anh ấy
không mần giám đốc được lâu. Em cầm luôn đi. Coi như sếp em cho em hai cái
phong bì nớ”. Như đỉa phải vôi, tay giám đốc giật ngay lấy hai cái phong bì và
lí nhí: “Dà, xin lỗi. Hai anh đừng hiểu lầm, không đáng, không đáng mô…”.
Ba tháng sau, anh ta gọi điện chửi tôi ác, ăn ở không có
hậu, làm anh ta bị kỷ luật, mất chức! Thật ra tôi không hề liên quan đến chuyện
đó, chỉ "trót" dự đoán quá chính xác khi nói mỉa mai với cô văn thư
của anh ta mà thôi.
Áp Tết vừa rồi, hình như tôi cũng lại vừa đắc tội với một
quan đầu ngành ở một tỉnh Nam Trung Bộ. Mang theo 100 phần quà, trị giá 50
triệu đồng phối hợp với một đơn vị địa phương đi ủy lạo bà con nghèo ăn Tết,
tôi được ông quan đầu ngành mời đi ăn tối.
Rất ngạc nhiên, khi tôi đến thì tiệc đã nửa cuộc, với khoảng
35 người, từ bốn đoàn khác nhau đều đến từ TP Hồ Chí Minh. Bàn tiệc đầy cao
lương mỹ vị, uống toàn rượu vang Ý Negroamaro Salento. Giá của nó, tôi biết rõ,
khoảng 800.000 đồng/chai ngoài thị trường, vào nhà hàng VIP chắc chắn sẽ đắt
hơn gấp rưỡi.
Dù được ông quan chức đầu ngành trịnh trọng giới thiệu và
cảm ơn vì đã thay mặt tờ báo “quan tâm và hỗ trợ địa phương, giúp bà con còn
nhiều khó khăn”, tôi vẫn tin mình ngồi nhầm chỗ. Bữa tiệc ấy dành để ông
cán bộ đầu ngành kia giao đãi bạn bè, đối tác gì đó bằng tiền của nhà nước.
Nhẩm sơ, tôi tin chắc giá bữa tiệc không thể dưới 30 triệu đồng. Rất có thể,
phiếu đề xuất thanh toán với cơ quan cơ quan chủ quản của họ sẽ ghi là để tiếp
…“đoàn nhà báo” (chỉ gồm hai người nhưng cậu lái xe đã ý tứ không vào
ngồi) đem đến trao tận tay người nghèo được có 50 triệu.
Như thường lệ, tôi lại lấy lý do có việc đột xuất, chào và
rời bàn, bất kể sự bực tức ra mặt của ông quan hàng tỉnh. Ông bảo: “Anh Lam
khách sáo quá. Chắc lần sau không dám làm việc với anh Lam nữa”. Tôi lễ
phép đáp: "Tôi cũng chắc vậy”.
Tết, gặp lại một người bạn là cán bộ cùng ngành này của tình
nhưng cấp huyện, anh bảo tôi: “Mấy ổng đang cố tỏ ra chơi có đẳng cấp. Tiền
nhà nước, xài hết vô tiếp khách riêng nên Tết này có gì mà thưởng, chia cho anh
em bên dưới đâu. Em không bao giờ tham gia nên mấy ổng chê “chậm tiến”, không
cho ngóc đầu lên nổi. Chơi theo thì chết. Cứ mỗi lần tiếp khách mất cả chục
triệu, có khai khống lý do em cũng không biết cơ quan lấy gì ra mà chi. Chỉ khổ
anh em bên dưới”…
Những câu chuyện như vậy thật ra không hề mới, không hề
hiếm. Nó đang khá phổ biến ở mọi nơi trong giới quan chức. Nó đang khiến tôi
chua cổ họng khi đặt cạnh nhau về tâm thế, lòng tự trọng của người cho và người
nhận trong cùng câu chuyện từ thiện. Tôi kể, không nhằm để lôi kéo sự chú ý của
đa số. Tôi chỉ mong một số người trong cuộc – tôi biết chắc anh/chị/em/ông bạn…
sẽ đọc được – sẽ thật sự cảm thấy khó chịu khi đọc lại chuyện có mình trong đó.
Đọc thôi, không cần bấm like. Bởi, tôi gọi đó là cách “bòn
nơi khố rách đãi nơi hồng quần”. Một vết ố thời cuộc mà tôi muốn nhưng bất
lực trong việc ngăn hay tẩy, nên thường xuyên phải sắm vai một kẻ vô danh đắc
tội. Chỉ chắc một điều, tôi sẽ không bao giờ ngồi cùng bàn lần thứ hai với
người tôi không muốn nhưng đã phải nhắc. Chuyện đồng hành lần nữa thì quên đi.
FB NGUYỄN HỒNG LAM 28.02.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.