Affichage des articles dont le libellé est Phóng sự. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Phóng sự. Afficher tous les articles

vendredi 25 octobre 2019

Người Việt đến Anh : Con đường sinh tử


Hoa tưởng niệm tại nơi phát hiện thi thể 39 di dân trong xe tải ở Grays, Essex (Anh) ngày 24/10/2019.
(PLO) Hai người dân Hà Tĩnh đã nhờ tìm con là Phạm Thị Trà My (26 tuổi) và Bùi Thế Thắng (37 tuổi). Những người này có thể đã được đưa sang Trung Quốc  trước khi sang Anh.

Theo tôi đây không phải là đường dây buôn người, mà là một thứ dịch vụ đưa người vượt biên trái phép, nạn nhân ra đi vì sinh kế. Và trên con đường ấy, không biết bao người đã bỏ xác, đã vùi thân trong tuyết nơi những cánh rừng Pháp, Nga, Latvia, Ba Lan.

Ba năm trước, tôi sang Anh. Ở cửa ra máy bay, ga quốc tế Nội Bài trong chuyến bay sang Anh rạng sáng 3-10-2016 có một phụ nữ trẻ và một đứa bé. Đây là lần đầu tiên cô về thăm nhà ở Yên Thành, Nghệ An sau nhiều năm ly hương.

lundi 26 août 2019

Cesky Krumlov, thành phố Cộng hòa Sec bị « Hán hóa »

Ảnh minh họa: Đường Siroka, nơi có bảo tàng Egon Schiele của thành phố Cesky Krumlov, Cộng hòa Séc.

Thành phố Cesky Krumlov của Cộng hòa Séc, đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, và nay, người Hoa đã chiếm đến 20% dân số của thành phố mang nét đẹp Trung Cổ này.

Tất cả đều trở thành của Trung Quốc. Khách sạn, nhà hàng, tiệm buôn, và ngay cả những khu phố với những tòa nhà cao tầng cũng toàn người Hoa cư ngụ. Các sòng bài của người Hoa, hàng trăm ngàn du khách tất nhiên là từ Hoa lục, và thậm chí mafia địa phương cũng là người Hoa nốt ! Chính quyền ngại hiện diện và gần như đã nhường lại một cách không chính thức thành phố này cho Trung Quốc.

Tình trạng này cũng giống như Sihanoukville, thành phố biển xinh đẹp của Cam Bốt. Chỉ trong vòng vài năm, Sihanoukville đã thay đổi hẳn, chính quyền Cam Bốt mở rộng cửa cho Bắc Kinh đầu tư, nhưng vốn ồ ạt chảy vào với quy mô không ngờ đến. Ngày nay, những con đường chính và khu vực phía biển không còn thuộc về người Cam Bốt nữa, Trung Quốc đã mua trọn. Kể từ năm 2012, số lượng du khách Trung Quốc tăng lên 700%, và một số đến rồi ở lại hẳn. Hiện nay người Trung Quốc chiếm 20% dân số Sihanoukville.

lundi 15 juillet 2019

Maracaibo, thành phố tiêu biểu cho sự xuống dốc của Venezuela

Xếp hàng mua nhu yếu phẩm, cơn ác mộng của người dân Venezuela.


Người dân thành phố Maracaibo nay không còn gì cả : không có an toàn thực phẩm, không điện, không xăng dầu, ngay cả một tờ báo in để xem tin tức cũng không, vì tờ cuối cùng là Panorama đã đình bản từ hôm 15/05/2019. Dân Venezuela không còn tin vào chính quyền, và cảm thấy bị đặt dưới sự đe dọa thường trực của dân quân và vệ binh quốc gia dưới quyền tổng thống Nicolas Maduro.

Khi bước vào sảnh khách sạn Kristoff để trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Figaro, người giảng viên đại học vẫn phải nhìn quanh quất mọi nơi, và đòi hỏi được ẩn danh. Bà lo sợ bị FAES trông thấy. Đó là lực lượng đặc biệt chống tội phạm do Maduro thành lập, có hành tung đáng ngờ, có quyền bắn chết một nghi phạm không thông qua xét xử, nhân danh  chống mafia. Ngay trước khách sạn, FAES trang bị vũ khí hạng nặng lẫn lộn với « colectivo » tức dân quân ; và cả nguyên một tầng lầu của Kristoff đang được các thành viên của Sebin, tức an ninh, chiếm ngụ.

samedi 6 juillet 2019

Hạ nguồn Mêkông trong cơn khát vô tận của Bắc Kinh



(VnExpress 04/07/2019) Gần hai mươi triệu người Việt Nam phụ thuộc vào nước ở hạ nguồn sông Mêkông. Nhưng thượng nguồn bị kiểm soát bởi một quốc gia có cơn khát vô tận.

"Chúng không chết nhưng cũng không lớn nổi", Hủ nói, ném lại những con tôm bé hơn ngón tay út xuống hồ. Đó là lần thả lưới thứ ba trong ngày, mới có vài con tôm vướng lưới.

Như nhiều nông dân khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trần Văn Hủ đã từng chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa một vụ tôm, rồi cuối cùng chuyển hẳn sang quảng canh tôm. Đất nhiễm mặn, cây lúa cho năng suất thấp. Nước ngọt ngày càng khan hiếm mà cây lúa lại tiêu tốn nhiều nước.

Hủ vay ngân hàng, đổ tiền vào thiết bị, con giống; mua chịu thức ăn công nghiệp. Nhưng anh chỉ có lãi hai năm đầu. Những mùa tiếp theo, sau vài tháng xuống giống, tôm chết nổi kín mặt hồ, con còn sống thì quá bé, không bán được.

Càng nuôi càng lỗ, hai vợ chồng Hủ bỏ ruộng lên Bình Dương tìm việc. Họ bỏ lại sau lưng khoản nợ hai trăm triệu và đứa con 2 tuổi.

jeudi 4 juillet 2019

Trung Quốc mua cảng Pirée, dân Hy Lạp thất nghiệp

Cảng Pirée của Hy Lạp, hiện do Trung Quốc quản lý đến năm 2052, nơi những chuyến tàu container tấp nập đưa hàng đến các nước châu Âu.

Từ sau khi mua được hải cảng đầu tiên tại châu Âu là Pirée của Hy Lạp, tập đoàn Cosco (China Ocean Shipping Company) của Trung Quốc đã ăn nên làm ra, biến nơi đây thành cửa ngõ để đi vào châu lục. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực cảng lại lên đến 80% !

Le Monde mô tả, ở phía tây cảng Pirée, những cần cẩu màu xanh lục và màu cam là chỉ dấu của cảng Drapetsona và Keratsini, những thành phố công nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở các ngõ vào bến cảng, nơi những chiếc tàu chở container chen chúc, ra vào liên tục, nhân viên được đón tiếp bằng những lá cờ đỏ của Trung Quốc.

Đầu cầu châu Âu của « Một vành đai, một con đường »

Ông Du Tăng Cảng (Yu Zenggang), người đứng đầu cơ quan quản lý cảng Pirée khoe : « Năm 2018 là một năm hoàn toàn thành công và thắng lợi. Những thành tựu kinh tế của cảng phù hợp với nền kinh tế Hy Lạp, và các khoản đầu tư trong tương lai của chúng tôi sẽ tạo ra thêm tăng trưởng và nhiều công ăn việc làm mới ».

jeudi 27 juin 2019

Bắc Kinh giở đủ trò để ngăn các nhà báo đến Tân Cương

Cổng chào đang được xây dựng của một trại cải tạo mang danh "trung tâm dạy nghề" ở Dabancheng, Tân Cương.

Dàn dựng ra tai nạn giao thông, giả dạng du khách…Tại Tân Cương, chính quyền đã huy động trí tưởng tượng tối đa để ngăn trở không cho các nhà báo quốc tế đến điều tra về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã bắt một triệu người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo, còn Bắc Kinh biện minh rằng đó là những « trung tâm huấn nghệ » nhằm phòng ngừa Hồi giáo cực đoan.

Khi đi xe trên một con đường dẫn đến một trong những trại cải tạo loại này, mà các phóng viên của hãng tin Pháp AFP đã chứng kiến một cảnh tượng « siêu thực ». Một xe vận tải nhẹ chạy với tốc độ rùa bò về phía một chiếc xe đang đậu trên lề đường, rồi dừng lại khi còn cách vài…milimét để giả làm một vụ đụng xe.

Chỉ trong vài phút, « tai nạn » này đã thu hút một đám đông hiếu kỳ khiến giao thông phải ngưng lại. Mục tiêu của công an đã đạt được : lối vào trại cải tạo đã bị tắc.

samedi 15 juin 2019

Hồng Kông : Carrie Lam thậm chí không xin lỗi vì bạo lực cảnh sát


Cảnh sát tân công người biểu tình ôn hòa Hồng Kông, 12/06/2019.

(Rosa Brostra, Libération 15/06/2019) Dù chính quyền Hồng Kông đã lùi bước về dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, những người biểu tình hứa hẹn ngay ngày mai, Chủ nhật 16/6 sẽ lại xuống đường, cho đến khi dự luật này bị hủy bỏ hẳn.

Và phép lạ đã xảy ra hôm nay, thứ Bảy. Một nhóm người Công giáo hát « Alléluia », hướng về phía trụ sở chính quyền, vào đúng lúc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đang thú nhận thất bại : bà hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. 

Mặc cho thông báo trên đây, giáo dân tập trung tại chiếc cầu ở khu Kim Chung (Admiralty) vẫn không tin tưởng. Dù chính quyền đã thối lui – một điều mà cách đây vài ngày khó thể tưởng tượng nổi – họ, cũng như nhiều người biểu tình khác, hứa hẹn sẽ lại xuống đường ngay từ ngày mai, Chủ nhật, cho đến khi dự luật này bị rút lại vĩnh viễn.

Hồng Kông : Giấu mình trên mạng để tránh cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh

Các thanh niên biểu tình che mặt bằng khẩu trang, tiến về phía Nghị viện Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ, ngày 13/06/2019.

Tắt chức năng định vị điện thoại di động, mua vé tàu điện ngầm bằng tiền mặt, im lặng trên các mạng xã hội : nhiều người biểu tình Hồng Kông tìm cách trở nên vô hình trên internet để tránh bị chính quyền theo dõi và khởi tố.

Trong các vụ sử dụng bạo lực trên đường phố tệ hại nhất kể từ nhiều thập niên qua tại Hồng Kông, cảnh sát hôm thứ Tư 12/06/2019 đã dùng đến đạn cao su và hơi cay để giải tán những người chống lại dự luật cho dẫn độ sang Hoa lục.

Đa số những người biểu tình đều trẻ tuổi, họ lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số và ý thức được mối nguy hiểm khi bị theo dõi trên mạng. Đối với Ben, một nhân viên văn phòng 25 tuổi đeo khẩu trang, thì luật dẫn độ sẽ hủy hoại các quyền tự do của người Hồng Kông. Anh giải thích : « Ngay cả nếu chúng tôi không làm gì quá đáng, chẳng hạn như tranh luận về Trung Quốc trên mạng, vẫn có thể bị nhận ra do sự giám sát này ».

Trong những cuộc xuống đường gần đây, nhiều người biểu tình đã mang khẩu trang, đeo kính, đội nón để bảo vệ trước hơi cay và đạn cao su, nhưng cũng để khó thể nhận diện. Những người chấp nhận trả lời AFP đều che toàn bộ khuôn mặt, cho biết cũng đã tắt định vị, tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các thiết bị của mình, và xóa hết những cuộc đối thoại, những tấm ảnh trên mạng xã hội có thể gây tai hại cho họ.

jeudi 13 juin 2019

Bác sĩ Cuba làm « nhiệm vụ quốc tế » hay nô lệ ?

Một bác sĩ Cuba đang chữa trị cho một em bé bị dịch tả ở Estère, Haïti. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/10/2010.

Đơn kiện chính quyền Cuba về « tội ác chống nhân loại vì cưỡng bách làm nô lệ » đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gởi lên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye từ ngày 14/05/2019. Theo đó, « hàng ngàn bác sĩ Cuba bị buộc phải tham gia các chương trình làm việc ở nước ngoài trong các điều kiện như nô lệ, mang lợi tức về cho chính quyền La Habana ».

Với số lượng đông đảo các bác sĩ Cuba phục vụ tại hơn 60 nước, chế độ La Habana cung cấp lực lượng nhân viên y tế cho các nước đang phát triển cao hơn cả tất cả các nước G8 cộng lại. Trong hơn nửa thế kỷ qua, các y bác sĩ Cuba được gởi đến Sierra Leone trong đợt dịch Ebola, đến Haiti sau trận động đất, hay Venezuela, Nam Phi, nơi họ chữa trị cho hàng ngàn người.

Lực lượng y tế, quyền lực mềm của chế độ Cuba

Cuba dùng lực lượng y tế để phát triển "quyền lực mềm". Từ năm 1960, La Habana sử dụng lá bài này để chứng tỏ sự tương trợ theo tinh thần quốc tế vô sản, chủ tịch Fidel Castro còn gọi các bác sĩ là « đội quân áo blouse trắng » của Cuba.

Nhưng bên cạnh đó, nguồn thu từ lực lượng này cũng là thu nhập chính của nền kinh tế Cuba. Năm 2016, đoàn quân áo trắng đã mang về cho đảo quốc 8 tỉ đô la, và những năm trước đó là 10 tỉ đô la. Chính quyền cộng sản còn coi đây là công cụ tác động trên trường quốc tế. Nhiều bác sĩ Cuba cho biết, trong cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela năm 2018, những ai bỏ phiếu cho ông Nicolas Maduro được bác sĩ Cuba chăm sóc y tế miễn phí.

lundi 20 mai 2019

Thảm sát Thiên An Môn : 30 năm sau đêm đất trời đảo lộn


Ngày 19 tháng Năm năm 1989, thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng quyết định huy động quân đội để đàn áp các sinh viên biểu tình. Đây là khởi đầu cho biển máu ngày 4 tháng Sáu. Tác giả Arnaud Vaulerin trên Libération hôm nay 20/05/2019 trong bài viết «Thiên An Môn : 30 năm sau đêm đất trời đảo lộn », thuật lại chi tiết theo lời kể của một giáo sư triết Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp.

…Một tia sáng lóe lên trong ánh nhìn, như một thoáng cười từ thẳm sâu kỷ niệm, sau hai tiếng đồng hồ tâm sự trước ly cà phê đen và một chai Orangina, trong một quán cà phê ở quảng trường Denfert-Rochereau, Paris. Mùa xuân đã đến rồi. Nó gợi lại những hình ảnh luôn bền bỉ về một mùa xuân khác, vào năm 1989, tại Trung Quốc.

Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo) nhớ lại : « Bạn không thể tưởng tượng được sự sôi nổi vào thời đó, với hàng triệu người tham gia vào thời điểm đặc biệt ấy. Trong suốt nhiều tuần lễ, chúng tôi đã sống qua thời khắc tự do duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, dưới cái nhìn của toàn thế giới. Lần đầu tiên phương Tây nhận ra rằng người Trung Quốc có thể biểu tình và chỉ trích các nhà lãnh đạo ».

lundi 31 décembre 2018

Đến với những nạn nhân « gu-lắc » Trung Quốc (1)



Orinbek Koksebek, 38 tuổi, người Kazakhstan, bị tống đi cải tạo 125 ngày.

(Brice Pedroletti, LeMonde 30/12/2018) Chế độ Bắc Kinh lưu đày người Kazakhstan và người Duy Ngô Nhĩ trong những trại cải tạo. Le Monde đã thu thập được lời chứng hiếm hoi của các cựu tù nhân.

Xếp hàng đôi, 500 tù nhân được quản giáo ra lệnh lên xe buýt, đội nón trùm đầu. Đến cuối cuộc hành trình, họ phát hiện một trại cải tạo mới, gần như tương tự với trại mà họ vừa rời đi.

« Có những tòa nhà mới xây, và những tòa nhà khác còn dang dở. Phải có đến 3.000 người, trong đó nhiều tù nhân người Kazakhstan như tôi – sinh ra ở Trung Quốc và người ta bảo không nên đổi quốc tịch. Có những người bị bắt do đã sử dụng WhatsApp, người khác thì do nói ‘Assalamu alaykum’(Cầu bình an cho bạn, bằng tiếng Ả Rập) ».

dimanche 25 novembre 2018

Hứng 231 cái tát, học sinh lớp 6 nhập viện cấp cứu



Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra sự việc. Ảnh của báo Tiền Phong.
Đôi lời : Mạng xã hội dậy sóng từ hai ngày qua vì « kỷ lục thế giới 231 cái tát » mà một cô giáo ở Quảng Bình - mọi người gọi là « ác sư » - đã dành cho một em học sinh lớp 6. Ở các nước phương Tây, chắc chắn là phải ra tòa ; còn em học sinh nạn nhân cũng như các bạn học bị buộc phải đánh bạn sẽ được trị liệu tâm lý trong một thời gian dài. Tại Việt Nam, cô này chỉ mới tạm bị đình chỉ và còn lên tivi phân trần. Liệu sẽ có được công lý cho em bé bị bạo hành quá sức tưởng tượng này hay không ???
 
(TP 24/11/2018) - Một học sinh vừa phải nhập viện cấp cứu sau khi bị “ăn” 231 cái tát. Lý do giáo viên đưa ra là để “giáo dục học sinh”.

Giáo dục bằng bạo lực

Sự việc đau lòng này xảy ra tại trường trung học cơ sở (THCS) xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Trong tiết 3 của buổi học chiều 19/11, một bạn trong lớp 6.2 mách với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn Hoàng Long Nhật chửi mẹ bạn ấy. Không điều tra thực hư thế nào, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát Nhật 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị Nhật tát lại gấp đôi.

mardi 20 novembre 2018

Xóm núi buồn đau, hoa hồng thay bằng cúc trắng



(TTO 20/11/2018) - Quả bom nước bất ngờ đổ ập xuống xóm nhỏ dưới chân núi Hòa Tây thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang trong buổi sáng chủ nhật (18-11) đã cướp đi 4 sinh mạng cả gia đình nhà giáo trẻ.

Chiều 19-11, xóm nhỏ nơi đôi vợ chồng nhà giáo này từng sống nhạt nhòa trong nước mắt. Bốn quan tài hai lớn, hai nhỏ đặt thẳng hàng ngay phòng khách gia đình bà Trần Thị Hoa Mỹ, mẹ ruột anh Trần Hoàng Phong.

“Nhà anh ấy bị xóa sổ, cả nhà không còn ai, nên đưa về nhà nội làm đám tang. Đau đớn quá” - hàng xóm anh Phong cho biết.

lundi 3 septembre 2018

Nguyễn Di Ngữ - Mất chiến hào



7g30 sáng tôi có mặt tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà. Các ngã ba, ngã tư ngoài những chồng thép gai làm rào cản, lực lượng an ninh chìm nổi đã tụ đầy ở đó. Các quán café tại những điểm nóng trong khu này không còn ghế cho người dân thường.

Tôi chạy dọc Duy Tân hướng về Hiền Vương để lên Công Lý rồi tới công viên Hoàng Văn Thụ, điểm nóng có thể xảy ra một cuộc xuống đường.

jeudi 9 août 2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh : Đại diện Việt Nam tại Slovakia giữ im lặng

Trụ sở công ty VIBA.AIR tại Slovakia (Ảnh của báo Spectator)

Theo điều tra của báo Spectator ở Slovakia hôm nay 09/08/2018, không ai biết là ông Lê Hồng Quang, nguyên là cố vấn của cựu thủ tướng Robert Fico đang ở đâu.

Các đại diện của Việt Nam tại Slovakia - những người có thể làm rõ thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - vẫn giữ im lặng từ tháng Sáu đến nay. Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Slovakia chỉ trả lời ngắn gọn cho bộ Ngoại giao Slovakia, và các đại diện của họ vẫn ẩn náu phía sau những bức tường của tòa đại sứ.

Nhà riêng ông Lê Hồng Quang, nguyên cố vấn của cựu thủ tướng Robert Fico – người được cho là có mặt trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia được dùng vào việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – được bảo trì cẩn thận. Trước lối vào, một cây đào xanh tốt, bãi cỏ được cắt xén, và hộp thư trống rỗng. Mặc dù một chiếc xe Mercedes sang trọng đang đậu gần ngôi nhà nằm tại quận Vajnory của thủ đô, nhưng không ai ra mở cửa. 

jeudi 5 juillet 2018

Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ?

Lối vào một sân bay do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở Koh Kong, Cam Bốt, từ đây có thể đi thẳng đến các bãi biển Sihanoukville.

Vài chữ Hán và những số điện thoại hiện lên trên các tòa nhà và khu đất trống ở Sihanoukville, với các lời rao mua bán. Thành phố cảng Cam Bốt bên bờ vịnh Thái Lan, theo nhận xét của Le Monde Diplomatique, từ vài tháng qua đã trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. 
Trên quảng trường Độc Lập, hai tòa nhà đang xây dựng của phức hợp Blue Bay cao đến 38 tầng, đè bẹp tất cả quang cảnh xung quanh. Tại phòng giao dịch, các brochure (tài liệu quảng cáo) để sẵn được in bằng Hoa ngữ và tiếng Anh. Cô nữ nhân viên, trước ma-két dự án, giới thiệu : « Chúng tôi đã bán hết toàn bộ các căn hộ trong tòa tháp thứ nhất, và 65% của tòa tháp thứ hai. Khách hàng chúng tôi là người Trung Quốc, Cam Bốt và Singapore ».

vendredi 15 juin 2018

Thượng đỉnh Trump-Kim và giấc mơ thịnh vượng

Các xe tải đợi kiểm tra hàng tại cầu Hữu Nghị trên sông Áp Lục, nối Sinuiju của Bắc Triều Tiên với Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/05/2018.

Tại vùng biên giới Trung-Triều, các công ty địa phương theo dõi sát sao những tin tức về cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hy vọng sẽ hái ra tiền sau sự kiện lịch sử này.
AFP ghi nhận nhiều nữ công nhân may miệt mài làm việc trong một xưởng vừa mới mở ở Đan Đông, đông bắc Trung Quốc. Những chiếc máy may của xưởng này đã phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài từ hồi tháng Giêng đến nay, các nữ công nhân phải trở về quê, còn các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên phải hồi hương do áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Đầu cơ địa ốc ở biên giới Triều Tiên : May nhờ rủi chịu

Một công trình đang được xây dựng tại Sinuiju, thành phố Bắc Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/05/2018 từ phía Đan Đông.

Từ khi tan băng giữa hai nước Triều Tiên, nơi nên đầu cơ không còn là khu phố sang trọng Gangnam ở Seoul. Tiền đầu tư địa ốc nay dịch chuyển về phía khu vực biên giới giữa hai miền, được vũ trang quy mô.
Nhu cầu mua nhà đất tại địa phương này và vùng nông thôn thưa dân xung quanh vùng phi quân sự (DMZ) đang tăng cao.

Kang Sung Wook, nha sĩ 37 tuổi sống tại Paju, thành phố biên giới của Hàn Quốc, đã mua tám lô đất tại vùng phi quân sự và phụ cận từ giữa tháng Ba. Trong đó có năm lô ông chưa hề đặt chân đến, mà chỉ mới xem qua hình ảnh và bản đồ vệ tinh trên Google Earth, vì khu vực bên trong vùng phi quân sự cấm công chúng vào.

lundi 14 mai 2018

Nỗi niềm 'cựu' cư dân Thủ Thiêm



Chị Hường nhận quyết định đền bù đất ở diện tích gần 39m2 của gia đình với mức giá đền bù hơn 7,7 triệu đồng.

(TP 10/05/2018) Chị Nguyễn Thị Hường, năm nay 64 tuổi đã có 10 năm rơi vào cảnh không nhà, sống trong khu định cư tạm với một căn phòng hơn 40m2 cùng 13 người. Chị vẫn nhớ như in vùng đất quê yêu dấu của mình với người thân chòm xóm và màu xanh của dừa nước, nay đã thành khu đô thị.

Chị bảo: “Khi chúng tôi mua đất làm nhà, chẳng ai nói với chúng tôi là nơi này rồi sẽ được quy hoạch xây dựng đô thị. Rồi chúng tôi được xét bồi thường 200.000 đồng cho một mét vuông đất, và giờ trở thành kẻ trắng tay”.

Đền bù đất ở cho một gia đình  là… 7,7 triệu đồng

dimanche 6 mai 2018

Phía sau sự xa hoa của các đại dự án tỉ đô ở Thủ Thiêm



(Zing.vn 06/05/2018) Ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn nhiều nhà cấp 4, nhà tạm với tôn, bạt xập xệ. Người dân ở đây khổ, hơn chục người chen chúc trong 30 m2 giữa những đại công trình tỉ đô.

Giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), nơi diện mạo đang khởi sắc với những đại dự án tỉ đô của các đại gia bất động sản, nhiều khu nhà tạm bợ, thiếu điều kiện sinh hoạt vẫn tồn tại. Nhường lại đất cho những đại dự án, những biệt thự, chung cư cao cấp, người dân ở đây được gom vào những khu tạm cư, nơi họ sống cô lập hơn chục năm nay từ khi Thủ Thiêm được giải tỏa trắng. Mảnh đất cũ của họ giờ hàng loạt biệt thự, chung cư cao cấp bắt đầu thi công, và đã có những công trình đưa vào sử dụng, rao bán giá trên trời, còn cuộc sống của họ vẫn khốn khó vậy.

Khu tạm cư bên "đường đá xanh"