lundi 3 septembre 2018

Nguyễn Di Ngữ - Mất chiến hào



7g30 sáng tôi có mặt tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà. Các ngã ba, ngã tư ngoài những chồng thép gai làm rào cản, lực lượng an ninh chìm nổi đã tụ đầy ở đó. Các quán café tại những điểm nóng trong khu này không còn ghế cho người dân thường.

Tôi chạy dọc Duy Tân hướng về Hiền Vương để lên Công Lý rồi tới công viên Hoàng Văn Thụ, điểm nóng có thể xảy ra một cuộc xuống đường.

Vừa xuống dốc cầu Công Lý tôi đã nghe tiếng còi hụ vang từ một chiếc xe công an đang ào ào chạy về hướng phi trường. Tôi nghĩ có lẽ cuộc xuống đường đã bắt đầu. Nhưng không, trong công viên Hoàng Văn Thụ, xe công an các loại đậu đầy dọc đường đi, chen với đám xe gắn máy phân khối lớn của đám DQTT (dân quân trật tự), một loại trấn áp mà công cụ nhà nước tăng cường cho cuộc bày binh bố trận ngăn chận cuộc xuống đường hôm nay, theo như những thông tin có trên cộng đồng mạng.

Tôi đánh một vòng quanh khu công viên, chạy chen giữa những đội hình trấn áp, thấy lòng rộn một niềm vui. Đảng Cộng sản đã run sợ trước tiếng nói của người dân qua những mạng xã hội, họ đã chuẩn bị như một thành phố trong bối cảnh bị tuyên bố tình trạng giới nghiêm. Một cuộc chiến sắp nổ ra, một cuộc cạnh tranh sống còn giữa ý thức của dân Việt và bọn tà quyền đang thống trị.

8g15 sáng, chưa có một khởi động nào, tôi chạy về phía trung tâm. Đi ngang Dinh Độc Lập. Hôm nay là ngày 2-9 nên chỗ này nó biến thành một trung tâm du lịch cho dân từ các địa phương khác, xe cộ đậu tràn ra đường Công Lý . Ở lối rẽ vào khu nhà thờ trên đường Thống Nhất là những đoàn xe gắn máy, từng toán đang dáo dác ngó về phía nhà thờ. Tôi chạy vào đường Tự Do, dừng lại ngay góc Nguyễn Du, chưa kịp đạp chân chống ngang thì đã bị bảo vệ của một ngân hàng đến đuổi đi. Bên kia đường và dài tới trước Bưu Điện, công an đủ màu áo đứng chen chân ở đó. 

Tôi chạy xuống bến Chương Dương, định đánh vòng sang Hai Bà Trưng để ra Thống Nhất. Trước Hạ Nghị Viện, một đám con nít mặc áo màu cs đỏ choét đứng trên hành lang, hòa tấu những bài nhạc chẳng ra ôn binh chi cả, vậy mà dân vẫn tụ đầy chiêm ngưỡng. Đó là một trong những thành quả trồng người từ 43 năm qua, tại cái đất Sài Gòn này.

Vũ Trọng Khải gọi tôi từ Úc, giọng anh chen lẫn tiếng ồn ào rất đông người, anh hỏi tôi :

- Có gì không?
- Không, đại ca, mặt trận bốn bề yên tĩnh.
- Anh đang có mặt trong đoàn người biểu tình chống cộng tại Sydney, chú nghe ồn ào không?


Vậy đó, bè bạn, anh em tôi từ khắp nơi, ngoài cái xứ sở yên bình đến phát chán này, đang xuống đường, đang ào ào bơm hơi cho dân Sài Gòn để làm một cuộc xuống đường cho ra hồn như ngày 10-06 vừa qua. Vậy mà Sài Gòn của tôi im re. Tôi cũng im re, đang dừng xe, nghe những tiếng đả đảo vang lên trong cái phone rẻ tiền trang bị bên mình khi hành quân xuống đường.

Tòa lãnh sự Hoa Kỳ vắng hoe, không bóng người lai vãng, xe tuần của cảnh sát đậu khuất ở những ngã ba băng ra Thống Nhất. Xe công an chạy lui tới trên trục lộ này như biểu dương lực lượng. Một lực lượng trấn áp tự do đông hơn cả cư dân Sài Gòn.

Hôm nay ngày 2-9 ngày thành lập cái nhà nước bóc lộc, đàn áp quần chúng, khống chế tự do, bịt mồm thông tin, gông xiềng cả nước ra đời. Sau mấy mươi năm nó được trưng bày khắp đường phố Sài Gòn, như một điếu tang cho độc lập và thống nhất.

Hôm nay ngày 2-9 ngày Sài Gòn bị bao vây bằng rào kẽm gai, dùi cui và áo giáp chống biểu tình. Toàn bộ máy cầm quyền đang diễn hành tại những điểm nóng, nơi có thể bùng lên tiếng nói của người dân trước sự áp bức đến nghẹt thở.

Tôi chạy quanh nhà thờ Đức Bà, công viên trơ trụi. Một cảm giác trống rỗng đổ ập xuống giữa những khung thép gai, giữa những công an mặt búng ra sữa, đã bị nhồi nhét từ nền giáo dục đỏ, chỉ có những ánh mắt thù hằn, rình rập từng người qua đường. Trên khuôn mặt non choẹt đó, họ đang nghĩ gì, họ có thấy gì? Hình ảnh một Việt Nam đang chìm xuống Biển Đông dưới gót chân đại Hán. Ôi tuổi trẻ Việt Nam của tôi !

Tôi dừng lại ở góc đường Gia Long - Tự Do. Bên kia là tòa nhà Vincom, nơi tôi đã bỏ xe máy lội bộ xuống đường bằng đôi chân già nua đến rã rời vào ngày 10-06. Hôm nay tôi không có cơ hội để làm một lần nữa trong hào khí ngút trời ngày đó. Sài Gòn của tôi bị vây khốn như một trận công đồn đả viện. 

Guồng máy trấn áp đang ùn ùn tràn hết ra đường giành giật từng khoảng trống trên mặt lộ với bước chân tuổi trẻ, đang ngơ ngác dạo quanh các con đường mong tìm một cuộc nổi dậy. Các em chắc cũng như tôi, nghe tiếng gọi núi sông, muốn lăn mình vào một cuộc chiến dù có vô vọng, bằng một tinh thần đơn giản của người Sài Gòn “có còn hơn không”.

***
Một người bạn từng là cựu tù chính trị với cái án chung thân báo với tôi, anh đang có mặt tại khu công viên Hoàng Văn Thụ, bằng một giọng chán nản:

- Ở đây im re, giặc đông hơn người Sài Gòn.

Tôi hiểu ra rằng nơi tôi đang đứng, trung tâm nổi dậy của Sài Gòn, nơi bạn tôi canh lửa, đường vào phi trường Tân Sơn Nhất, hai tiền đồn đã oanh liệt trong ngày 10-06 đang bị vây hãm vô phương nhúc nhích.

Tôi lủi thủi quay về lòng nặng như núi đá, tim thắt lại. Làm sao đây, làm được gì đây?

Ngày xưa, thời tuổi trẻ, tôi xông xáo bao nhiêu, rực lửa bao nhiêu, bây giờ coi đó, tôi tàn tạ nhút nhát, bạc nhược không thể cử động theo tiếng gọi trái tim mình. Cái tôi sáng chói ào ào sẵn sàng làm viên gạch lót đường ngày nào đã tàn lụi, nó chết nghẹn ngào sau 10 năm tù đày, sau mấy mươi năm cơm áo gạo tiền, cái chí kiêu hùng bị bóp chết thê thảm bởi tuổi già, sức kiệt.

Đường về nhà xa quá xa, tôi thấy mình như muốn gục xuống giữa đường. Giữa cái thành phố đã nuôi tôi khôn lớn với những thôi thúc tuổi trẻ, xui tôi phải lên đường đi lấy lại quê hương sau ngày tan trận, ngay sau khi bè bạn anh em tôi gãy súng, tan hàng. Tôi hiên ngang bước vào tù, theo tiếng gào của sức trẻ.

Bây giờ tôi muốn thật sự xuôi tay buông bỏ, chút hy vọng cuối của đời mình chắc sẽ không có cơ may nhìn lại hào quang ngày trước.

NGUYỄN DI NGỮ
12g 02-09-2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.