samedi 15 juin 2019

Hồng Kông : Carrie Lam thậm chí không xin lỗi vì bạo lực cảnh sát


Cảnh sát tân công người biểu tình ôn hòa Hồng Kông, 12/06/2019.

(Rosa Brostra, Libération 15/06/2019) Dù chính quyền Hồng Kông đã lùi bước về dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, những người biểu tình hứa hẹn ngay ngày mai, Chủ nhật 16/6 sẽ lại xuống đường, cho đến khi dự luật này bị hủy bỏ hẳn.

Và phép lạ đã xảy ra hôm nay, thứ Bảy. Một nhóm người Công giáo hát « Alléluia », hướng về phía trụ sở chính quyền, vào đúng lúc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đang thú nhận thất bại : bà hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. 

Mặc cho thông báo trên đây, giáo dân tập trung tại chiếc cầu ở khu Kim Chung (Admiralty) vẫn không tin tưởng. Dù chính quyền đã thối lui – một điều mà cách đây vài ngày khó thể tưởng tượng nổi – họ, cũng như nhiều người biểu tình khác, hứa hẹn sẽ lại xuống đường ngay từ ngày mai, Chủ nhật, cho đến khi dự luật này bị rút lại vĩnh viễn.

Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga họp báo ngày 15/06/2019 cho  biết hoãn lại dự luật dẫn độ.
Trong bộ đồ màu trắng trông như chim bồ câu, Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đưa ra thông điệp hòa bình trước báo chí : trong « tinh thần cởi mở », chính quyền đã quyết định « hoãn lại » tiến trình lập pháp và « bỏ đợt thảo luận thứ hai » đối với văn bản đã « làm xã hội chia rẽ ». 

Trên chiếc cầu bắc qua xa lộ, những người biểu tình im lặng lắng nghe, trước cái nhìn của những cảnh sát đang chặn lối vào Nghị viện và trụ sở chính quyền. Nhưng nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh không hề nhận lỗi, chỉ nhìn nhận « việc thông tin và giải thích cho công chúng là chưa đầy đủ và không hiệu quả ». Tất nhiên là cũng không có một lời nào về các lý do đã thúc đẩy Bắc Kinh áp đặt sự lùi bước này. Trong cử tọa, không có một phản ứng nào.

Rừng người biểu tình ngày 12/06/2019.
Biểu tình rầm rộ

« Đó không phải là một chiến thắng. Chúng tôi vẫn luôn tìm một lối thoát cho khủng hoảng, và đó chính là việc rút lại dự luật » - một thanh niên từ chối cho biết tên, bình luận. « Tôi là người Công giáo, người Hồng Kông và là nghệ sĩ, như vậy tôi phải phản đối dự luật này gấp ba lần ». Người thanh niên mặc đồ toàn màu đen nói, trước khi cất tiếng hòa giọng « Alléluia ». Một người biểu tình khác khẳng định : « Bà Lâm chỉ cố gắng làm dịu đi áp lực, vì sang năm sẽ có cuộc bầu cử Nghị viện ».

Nhà báo, tổ chức phi chính phủ, đối lập, doanh nhân và cả một đám đông vô danh, các bà nội trợ đã xuống đường trong những tuần trước. Chưa bao giờ cựu thuộc địa Anh lại chấn động vì các cuộc biểu tình quy mô như vậy, trừ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Gần như cứ 7 người Hồng Kông lại có 1 người xuống đường hôm Chủ nhật tuần trước để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Nhiều người lo ngại nếu dự luật này được thông qua, họ sẽ không còn được bảo vệ bởi nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », và bị rơi vào móng vuốt của tư pháp Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản.

Những thông điệp cho chính quyền.
Con đường đến dân chủ hãy còn xa

Hồi tháng Hai, chính quyền đã đưa ra dự luật và sốt ruột muốn Nghị viện (LegCo) mà hầu hết là thân Bắc Kinh, thông qua. Nhưng những cú đòn đầu tiên lại được tung ra ngay trong chính quyền, những phát pháo đầu tiên được nổ trong 48 giờ qua. Quyết định của nhà tài phiệt địa ốc Goldin rút lui khỏi một dự án lớn tại địa điểm sân bay cũ Khải Đức (Kai Tak) do dự luật này, là một minh chứng cho thấy văn bản này có thể làm rung chuyển sự ổn định kinh tế và an toàn về luật pháp của Hồng Kông.

« Dự luật này mang tính chính trị. Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ tìm cớ biện bạch. Và hôm nay bà ta lại tiếp tục nói rằng đó là đúng đắn, với vụ sát hại một cô gái ở Đài Loan » và nghi can chính hiện ở Hồng Kông. « Nhưng bà ấy không nghe thấy rằng Đài Loan sẽ không dẫn độ nghi can ? » - Jenny nhận xét, trong lúc viết lên một tờ giấy dòng chữ « Nhục nhã cho chính quyền của chúng ta ». Cô sẽ dán mảnh giấy này bên cạnh hàng trăm tờ giấy khác của những người vô danh trên cầu : « Hãy ngưng bắn vào con tôi », « Hồng Kông không phải là Trung Quốc ». Một nữ sinh viên nói : « Tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi có một người lãnh đạo do Bắc Kinh áp đặt, không chịu lắng nghe người dân. Con đường dẫn đến dân chủ hãy còn xa lắm ».

Bắt bớ người biểu tình trên đường Gloucester, đêm 10/06/2019.
Không còn tin tưởng

Và hôm nay trên chiếc cầu này, lời xin lỗi hầu như bất khả. « Bà Lâm thậm chí còn không xin lỗi vì cảnh sát sử dụng bạo lực, không một lời đối với những người bị thương ». Flora, đôi chân đầy những vết thương còn mới, lấy làm tiếc. Hôm thứ Tư, những vụ đụng độ nhiều khi bạo lực đã nổ ra khi cảnh sát giải tán hàng ngàn người biểu tình đang bao vây Nghị viện để ngăn trở việc thảo luận dự luật. Trên 80 người đã bị thương. Cô sinh viên nói : « Tôi bị té khi cảnh sát tấn công mà không báo trước. Đó là một hành động tội phạm. Chúng tôi biểu tình ôn hòa, không phải là tội phạm như bà Lâm nói ».

Ở phía bên kia hòn đảo, tại khu dân cư Tương Quân Áo (Tseung Kwan O), cũng vang lên những tiếng « Alléluia ». Một dân biểu đối lập cho phát bài diễn văn của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trên màn hình lớn ở cửa ra métro, và tiếng hô của những người phản kháng được phát trên các kênh truyền hình. Một đám đông xúm lại, cảnh sát kéo đến. Một số người nói rằng họ cũng sẽ đi biểu tình ngày mai. Sau đó, căng thẳng có lẽ sẽ giảm xuống, nhưng lòng tin thì đã không còn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.