Affichage des articles dont le libellé est Hồi ký. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Hồi ký. Afficher tous les articles

vendredi 9 décembre 2022

Tạ Duy Anh - Xuất bản Trại Súc Vật (1)


(Trích hồi ký Lách Qua Luật Ngầm) 

LTG: Trong đời làm biên tập tổng cộng chẵn 20 năm của mình, trái với vài người “khôn ngoan” cho rằng chẳng dại gì mà phải chết cho một cuốn sách, tôi luôn làm ngược lại: đặt việc xuất bản cuốn sách nào đó quan trọng hơn công việc của mình, nếu nó xứng đáng phải được xuất bản.

Nhưng phải nói ngay một sự thật: Tôi sẽ không thể làm được những gì như đã làm, nếu không có những đồng nghiệp tài năng, bản lĩnh, uy tín và lương tâm nghề nghiệp rất lớn, chấp nhận đứng mũi chịu sào.

Bắt đầu là giám đốc Nguyễn Phan Hách, tuy công khai nói mình nhát, nhưng luôn lắng nghe và bảo vệ cấp dưới. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là một tài năng và bản lĩnh lớn. Sau này, thời nhà văn Trung Trung Đỉnh làm giám đốc, tôi có cơ hội toàn quyền làm theo ý mình. Sang thời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về cơ bản ông ủng hộ mọi đề xuất của tôi, cùng hợp sức để vượt qua những giới hạn cấm kỵ và giống như Trung Trung Đỉnh, sẵn sàng nhận và chịu mọi trách nhiệm.

vendredi 2 décembre 2022

Tạ Duy Anh - Biên tập sách của Nguyễn Huy Thiệp

 

(Nhân việc Nguyễn Huy Thiệp được trao giải thưởng Nhà nước. Trích hồi ký “Lách Qua Luật Ngầm”, có lược bớt so với nguyên bản).

Tôi không nhiều kỷ niệm với Nguyễn Huy Thiệp. Có thể là do số phận.

Khi ông nổi danh như cồn, thì tôi đang nằm chết dí ở thị xã Lào Cai hoang tàn (...). Tôi biết đến ông lần đầu qua truyện ngắn "Muối của rừng", đọc ngay trên chốt canh địch. Tờ báo Văn nghệ đã bị tôi làm cho nhàu nát, chỉ vì truyện của ông. Thực sự tôi đã bị sốc, bởi lần đầu tiên được đọc một thứ văn đẹp và sâu sắc như vậy do người Việt viết.

Kỷ niệm thật sự, cực kỳ hiếm hoi giữa Nguyễn Huy Thiệp và tôi, thì lại dậy lên chút mùi cay đắng. Đó là khi tôi nhận được bản thảo tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu" của ông.

samedi 27 août 2022

« ZOV », nhật ký của một lính dù Nga tố cáo cuộc chiến ở Ukraina


Đăng ngày:

 

Cuộc xâm lăng Ukraina tưởng chừng chớp nhoáng nhưng đã kéo dài được sáu tháng, báo chí Pháp hôm nay có rất nhiều bài viết sơ kết cuộc chiến về nhiều khía cạnh.

Sau sáu tháng chiến tranh, đôi bên đều hụt hơi

samedi 22 janvier 2022

Bùi Chí Vinh - Chút giai thoại giữa tôi và Thích Nhất Hạnh


Tôi nhận được tin thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời với tâm trạng bồi hồi khó tả. Bồi hồi vì đây là nhân vật khiến tôi phải bị... thất nghiệp khi đang công tác tại Cửa Hàng Tổng Hợp Thương Nghiệp Hợp Tác Xã Thành Phố (tiền thân của hệ thống Coop Mart bây giờ).

Tôi chia tay nghề “phi thương bất phú” năm 1987 vì một lý do lãng nhách. Một hôm trong giờ hành chánh tôi bị giám đốc Cửa hàng là Bảy Định triệu tập lên văn phòng để gặp đồng chí Sáu Khôi, Trưởng Phòng Bảo Vệ An Ninh Văn Hóa (tức PA 25) của Sở Công An Thành Phố.

Anh Sáu Khôi thì tôi chẳng xa lạ gì, cũng từ gốc Thành Đoàn như tôi, thuộc thế hệ đàn anh và chuyển qua ngành công an từ rất sớm. Anh làm việc với tôi bằng khuôn mặt khá trầm trọng. Đại khái anh cho tôi biết thơ tôi được đăng trên báo chí hải ngoại hơi bị nhiều, và “công an văn hóa” phát hiện tôi vừa lãnh một thùng quà thuốc Tây của nước ngoài nhằm mục đích “trả công” cho những bài thơ đã đăng.

dimanche 10 octobre 2021

Tạ Duy Anh - Lời xin lỗi muộn mằn gửi tới một con chó

 

Chuyện này tôi vẫn giấu kín suốt nhiều năm nay, liên quan đến một con chó. Tôi luôn nhủ lòng mình sẽ có lúc phải kể lại.

Khi đó tôi đang tại ngũ tại thị xã Lào Cai bị bỏ trống, làm ở bộ phận tham mưu tiểu đoàn. Vì thế mà chúng tôi có thời gian để tăng gia cải thiện thêm. Chả biết có phải thấy chúng tôi rảnh rỗi mà một hôm anh Nguyễn Ngọc Mùi - thượng úy, phụ trách công tác đoàn và ở cùng với chúng tôi - đi chơi Sa Pa về, đem theo một con chó đen nhánh, vẫn chưa mở mắt.

Chẳng rõ anh nhặt được nó trong hoàn cảnh nào. Qua lời anh thì tôi đoán có lẽ anh ngẫu hứng lấy của ai đó, phần nhiều là của một phụ nữ mà anh tán tỉnh, chắc do đùa cợt rồi không nỡ ném đi nên mang về và đẩy “cái của tội nợ” đó cho tôi.

vendredi 2 juillet 2021

Bùi Chí Vinh - Từ quân lao H39 đến trại giam công an


Dư luận đang xôn xao về cái chết mờ ám của Trần Đức Đô, một quân nhân trẻ mới 19 tuổi quê ở Bắc Ninh xung phong nhập ngũ từ đầu năm 2021 thuộc tiểu đoàn 4, đại đội 14, trường Quân sự Quân Khu 1 với mơ ước thành sĩ quan đặc công.

Trần Đức Đô chết tức tưởi với vết lõm ở đầu, vết bầm ở ngực, mặt và các vết siết bằng dây trên cơ thể. Trong khi đơn vị báo tin Đô tự tử thì dư luận xã hội và gia đình cho rằng Đô bị đánh cho đến chết.

Tôi đã nín thở khoảng chục giây khi đọc tin này. Vì tôi đã từng trải qua những cảnh ngộ tương tự như thế năm 24 tuổi, và nhờ có phép lạ đã vượt qua.

dimanche 13 juin 2021

Tạ Duy Anh - Giải hạn cho Trư Cuồng


(Thay cho nén hương kính tiễn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh)

Khi về làm biên tập, tôi luôn nghe chị Lê Minh Khuê và vài người nữa nhắc đến cuốn tiểu thuyết có tên “Trư cuồng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Chị Khuê khen hết lời, vài người nữa cũng rất khen, trong khi một bạn cùng thời khá thân của Nguyễn Xuân Khánh thì bảo cuốn sách ở mức đường được thôi. Tuy thế, sự tò mò về cuốn sách là có thật và nó cứ tăng dần lên trong tôi, khi Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn bằng mấy tiểu thuyết lịch sử dày cộp, gây tiếng vang trong dư luận.

Thú thực, với tác giả này, cho đến khi đó, tôi mới chỉ đọc “Miền hoang tưởng” (Cuốn tiểu thuyết tác giả dùng bút danh, bị cấm lưu hành và phải hơn hai mươi năm sau mới xuất hiện trở lại với cái tên chính thức “Hoang tưởng trắng” và tên tác giả là Nguyễn Xuân Khánh, do tôi biên tập). Nhưng cũng chỉ cần một cuốn ấy thôi, đủ để tôi xếp ông vào dạng nhà văn loại nào trong thang bảng của riêng mình.

lundi 7 juin 2021

Vũ Thư Hiên - « Đường Về », một kỷ niệm với Văn Cao


Đêm Việt Bắc vào mùa đông rất lạnh. Cái lạnh của rừng nguyên sinh không giống bất cứ cái lạnh nào khác. Trời hanh, mái nứa nổ tí tách.

Đã vận vào người tất tần tật quần áo có trong hành trang rồi, đắp lên mình cả chăn trấn thủ lẫn chăn sui rồi, thế mà tôi vẫn run cầm cập.

Không ngủ được thì đốt lửa mà sưởi. Chỉ cần ra khỏi nhà nhặt cành gãy ở chung quanh là có cả đống. Củi khô nỏ, nhóm dễ. Chẳng mấy chốc lửa đã phừng phừng. Chúng tôi quây vòng chung quanh đống lửa trại. Mặt chúng tôi bỏng rát, nhưng lưng lạnh như băng. Từ tán lá rừng già những giọt sương tí tách rơi xuống. Sương rơi xuống lửa than kêu xèo xèo. Xác sương bay lên cuồn cuộn, ấm và ấm.

dimanche 11 avril 2021

Vũ Thư Hiên - Thưởng thơ trong tù

 

... Một Chủ nhật, trại được nghỉ, chúng tôi đang chuyện vãn, thì có người gọi tôi. Từ tầng trên của cái giường dài chạy suốt chiều dọc của nhà giam, tôi thấy một người đàn ông dài ngoẵng, gày quắt và đen nhẻm đứng dưới ngó lên.

- Nị có thư.

Nghe giọng anh ta thì biết là người Hoa.

mardi 2 février 2021

Định Nam - Vài kỷ niệm về ông Phó Thủ tướng xuống Trưởng phòng


Đọc lại cuốn Hồi ký Làm người là khó của ông Đoàn Duy Thành,  Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ khóa VII, nên nhớ ba lần gặp ông.

Vì cuốn hồi ký này mà ông  bị hành khốn khổ, vợ ông phẫn uất gần phát điên đem đốt hết huân huy chương, bằng khen của ông. Chi bộ ông  sinh hoạt bị gây sức ép  kỷ luật khai trừ Đảng  nhưng các đảng viên vững vàng bỏ phiếu ông trắng án (11/13 không kỷ luật, 1/13 cảnh cáo, 1/13 phê bình).

Năm nay ông sang tuổi 93 nhưng mạnh khỏe minh mẫn vẫn viết đều. Ông nổi tiếng với quyết định khoán chui ở Hải Phòng, san núi lập biển ở Đình Vũ, xé rào về kinh tế,  buôn vàng cứu nguy đất nước năm 1987...

samedi 19 décembre 2020

Lê Học Lãnh Vân - Anh Bảy Trường và vị đại tá công an


Đầu thập niên 1980, phái đoàn trường đại học Paris-Sud (Pháp), còn gọi đại học Orsay, qua thăm và ký kết hợp tác với trường đại học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Đây là chương trình hợp tác rất có ích, sau sáu bảy năm kể từ ngày thống nhất không tiếp xúc tài liệu nước ngoài, không có cơ hội nói tiếng Anh, tiếng Pháp với chuyên gia Phương Tây, tới lúc đó trường mới được tặng những tài liệu khoa học rất mới, những sách giáo khoa của các giáo sư danh tiếng, các nhà khoa học lãnh giải Nobel.

Những lớp học cấp tốc dài đôi ba tháng về kiến thức mới nhất trong sinh học được các đồng nghiệp Pháp tổ chức. Cuối khóa có buổi kiểm tra và cấp chứng nhận. Cùng lúc, các học bổng được phía Pháp để nghị. Học bổng có hai loại, một loại đi thực tập một năm và một loại làm luận án bốn năm.

dimanche 29 novembre 2020

Lê Học Lãnh Vân - Ngày thứ hai tại Paris


Đêm đầu tiên tại Paris, một đêm tháng Chín, thiệt lạnh. Dù mặc ba chiếc áo, một áo thun trong, một áo len dầy và một áo gió cũng dầy cui, Vương vẫn nghe lạnh từ trong xương lạnh ra và thấy như sắp phát lãnh. Anh chui vào giữa chiếc mền len với tấm nệm, run cầm cập, một lúc sau mới lấy lại chút hơi ấm.

Sáng hôm sau giật mình thức dậy, mò sang phòng khách, kéo rèm cửa. Vương thấy hàng cây bên kia đường đã nhuộm đầy nắng sáng. Hé cửa sổ, khí mát tràn vào…

Trên bàn ăn có mảnh giấy viết mực đỏ đậm.

Lê Học Lãnh Vân - Ngày đầu tiên tại Paris


Phi cơ đáp xuống lúc khoảng sáu giờ sáng. Theo con mắt của lần đầu xuất ngoại, phi trường Charles De Gaule thật mênh mông. Ánh sáng tràn ngập không gian rộng lớn với rất nhiều máy bay sắp xếp thứ tự, mỗi chiếc một đường ống áp sát.

Vừa bước ra khỏi Việt Nam đang rất nghèo kém, Vương như đứa bé gặp cảnh tượng gì cũng mở to mắt ngạc nhiên học hỏi. Bây giờ là mùa thu, trời không nắng gắt như mùa hè, cũng không tối quá như mùa đông, chị bạn người Pháp chỉ sân bay giải thích.

Dù đã khoác chiếc áo khoác dầy cui Vương vẫn lạnh tê, thầm thán phục và mong ước ngó anh chị bạn Pháp vẫn người chiếc áo sơ-mi dài tay, người mặc pull với áo len chạy đi chạy lại. Hai bạn Pháp chịu khó chỉ Vương mọi việc, từ lúc ra khỏi ống dẫn đi tới nơi đợi hành lý mà nhiều khi Vương phải lúp xúp chạy theo họ, và họ dừng lại chờ biểu cẩn thận, không gấp.

lundi 26 octobre 2020

Bùi Chí Vinh - Ký ức về tổng thống Ngô Đình Diệm


Ngày 26-10 là ngày Quốc Khánh của Đệ Nhất Cộng Hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cứ đến ngày này tôi lại nhớ mấy câu thơ học thuộc lòng trong sách Quốc Văn ngày xưa:

Ngày hai mươi sáu tháng Mười

Là ngày Quốc Khánh dưới trời tự do

Say sưa tiếng hát câu hò

Reo vang hạnh phúc ấm no hòa bình...

Thời ấy chúng tôi đi học trong túi chỉ có 5 cắc mà xài hoài không hết, là bởi vì vô trường đã được cho ăn bánh mì phô mai, uống sữa nóng miễn phí nên tiền lúc nào cũng dư. Càng nghĩ về ngày Quốc Khánh càng tiếc thương Tổng thống Ngô Đình Diệm biết bao. Nay tôi trích lại một chút kỷ niệm về ông trong hồi ký Giai Thoại Của Thi Sĩ, để hiểu cách ông đối xử với kẻ thù chính trị và con cái họ như thế nào...

dimanche 27 septembre 2020

Michael Bui - Bố tôi

 


Mẹ tôi người làng Hành Thiện, Nam Định. Ông nội của mẹ tôi chống Pháp bị chém đầu chung với Hoàng Hoa Thám, tức cụ Đề Thám vào năm 1913. Mẹ tôi có người anh cả là bác Quỳnh đi theo Việt Minh cũng chống Pháp.

Việt Minh trong giai đoạn này là liên minh chính trị cánh tả mang danh nghĩa trung lập, với mục đích công khai là "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái để chống thực dân Pháp". Về sau bác Quỳnh bị Việt Minh thủ tiêu vì không phải là người Cộng Sản mà bác đi theo Đảng Tân Dân Chủ.

Lớn lên khi dọn về Hà Nội, gia đình Mẹ rất khá giả vì ông ngoại tôi là nhà thầu cho mỏ than Hòn Gai tại Quảng Ninh. Sau khi Việt Minh chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp Định Đình Chiến Geneve 1954 được ký kết, ông ngoại tôi tức tốc bán tống bán tháo tài sản để di cư vào Nam, tránh bị đấu tố khi đã biết quá rõ bản chất của người Cộng Sản là gì.

lundi 10 août 2020

Lưu Trọng Văn - Lịch sử dầu khí Việt Nam không thể bỏ qua những ký ức này



Nếu tìm được dầu từ năm 1973 thay vì 1975, phải chăng vận mệnh Việt Nam sẽ khác ? Ảnh: Mỏ dầu Bạch Hổ
Gã vừa nhận được mail của anh rể gã ở San Diego, Mỹ:

"Xin chuyển đến Văn bài viết mới về dầu hỏa Việt-Nam. Tác giả Trần Văn Khởi, anh ruột của anh, lúc trước là Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Dầu Hỏa và Khoáng Sản Việt Nam là người chịu trách nhiệm về việc đấu thầu khai thác dầu hỏa cho Việt Nam tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975."

Kèm theo thư này là thư của ông Trần Văn Khởi gửi cho em trai mình ngày 5.8.2020:

"Có bài mới viết về ông Phạm Kim Ngọc nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế, người có công đầu cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ở miền Nam Việt Nam, gởi để em đọc trong lúc cách ly vì Covid.

dimanche 21 juin 2020

Ngô Thị Kim Cúc - Qua sông Bến Hải, ra Hà Nội làm báo



Phụ Nữ Việt Nam là tuần báo, "Tiếng nói của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam", tờ báo tôi làm việc từ giữa năm 1976, khi hai chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và "hợp nhất". "Hợp nhất" là từ dùng của thời điểm đó, tới nay thì ý nghĩa của từ này đã được hiểu theo cách mở rộng hơn nhiều rồi.

Lúc chuẩn bị giải thể cấp khu, thủ trưởng Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung Trung bộ, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã gợi ý cho tôi: Nếu muốn viết cho sâu sát, sâu sắc về đất nước lúc này thì hãy vào thanh niên xung phong, lên tây nguyên, thâm nhập thực tế cuộc sống…

Các nhà văn trẻ hơn trong cơ quan không nghĩ như anh. Anh Hoàng Hỡi (nhà thơ người dân tộc Tày, bí thư chi đoàn), và anh Nguyễn Khắc Phục bảo tôi: -Cúc đừng có nghe lời anh Trung. 

mardi 21 avril 2020

Huy Đức - Những người chống Trung Quốc bằng máu của chính mình



Điều gì các viện sử quốc doanh không làm, người lính sẽ tự làm lấy. Đó là ý nghĩ bất chợt của tôi khi đọc đến trang cuối cùng tập bản thảo của một người lính có mặt tại Cao Bằng tháng 2-1979. Hơn 180 trang viết ngồn ngộn tư liệu, đang rất thô mộc. Vì thô mộc như những người lính nên nó quá sống động và vô cùng chân thực. 

Cuốn sách là những trang hồi ức về Trung đoàn 567, một trung đoàn trong những năm 1977, 1978, chỉ được giao khoét núi mở đường; cho tới tháng 12-1978. Tức là chỉ còn mấy chục ngày trước Chiến tranh, vẫn không được huấn luyện sẵn sàng, không được trang bị đầy đủ vũ khí, không được bổ sung quân số… Một trung đoàn địa phương mà đã phải đối đầu với hai sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo dàn… suốt 12 ngày đêm ở Tà Lùng, Khau Chỉa…

Có những trang viết như những thước phim:

samedi 29 février 2020

Vũ Thư Hiên - Quê hương thương nhớ, lời nói đầu cho « Miền Thơ Ấu »


Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay, tôi không dám tin rằng sẽ có ngày nó được thấy ánh sáng mặt trời.

Nó ra đời như một may mắn không ngờ, như nhờ một phép mầu.

Đối với tôi, nó có ý nghĩa đặc biệt. Một thời, nó đã là người bạn tâm tình, là cái nạng cho tôi vịn vào mà đi trên con đường vô định.

Mùa đông năm 1967 là một một mùa đông giá buốt, ít nhất là cho tôi, trong cái xà lim không có sưởi và không có quần áo ấm. Trong mùa đông ấy, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy nhớ quê hương nhiều hơn bất cứ lúc nào. Cái đầu tiên gợi nhớ đến quê hương là mùi khói cay nồng từ những đống lá mà phu quét đường đốt lên để sưởi, ở bên kia bức tường đá của nhà tù. Ở quê tôi người ta thường đốt những đống rấm như thế để khói ngăn sương muối sà xuống những vườn rau. Mùi khói thoang thoảng lọt vào xà lim gây nên một nỗi nhớ cồn cào, da diết.

jeudi 30 janvier 2020

Mỹ: Nhà Trắng muốn cấm sách của Bolton, Cộng Hòa hy vọng Trump trắng án

Ảnh tư liệu: Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 07/02/2019.
Đăng ngày:


Tuy khả năng ông Trump bị truất phế là vô cùng thấp vì Cộng Hòa chiếm đa số tại Thượng viện, nhưng việc để nhân chứng điều trần sẽ gây ảnh hưởng xấu cho ông chủ Nhà Trắng, đang mong muốn tái đắc cử vào tháng 11. Đặc biệt cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có thể là nhân chứng quan trọng, đã có một số tiết lộ bất lợi cho ông Trump trong cuốn sách sắp ra mắt. Nhà Trắng hôm qua đã gởi thư cho luật sư của John Bolton, phản đối việc xuất bản cuốn hồi ký, hoặc ít nhất là phải gỡ bỏ một số đoạn.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :