Đề tập làm văn: « Anh Bằng là một nhạc sĩ tài hoa mà Khúc Thụy Du là một tuyệt tác, em hãy phân tích tình cảm của Anh Bằng trong ca khúc phổ thơ ấy. »
Sau đây là bài làm của một học sinh sáng nay.
Anh Bằng, thực ra em hay gọi ổng là ông Bằng, (vợ ổng thì gọi “lão Bằng”). Ổng là người xóm em, rất mê cá độ đá banh. Sáng nay xóm em xôn xao nghe Anh Bằng suýt nhảy cầu Thuận Phước vì trận Thụy Sĩ thua Anh hồi hôm. Bài Khúc Thụy Du của Anh Bằng là tâm trạng tuyệt vọng của ông lúc đứng trên cầu Thuận Phước.
Sắp kết thúc trận cầu, nhìn màn hình smartphone, khi cầu thủ đội Anh Alexander-Arnold, sút thành công trái luân lưu thứ năm, đồng nghĩa là tất cả hy vọng ông đặt vào Thụy Sĩ bằng cả gia tài đã tan mây, tan khói.
Ông đau đớn hát lên lời cuối: “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới. Ngoài trái bóng mà thôi. Thụy ơi và tình ơi!”
Lời hát như là lời tuyệt vọng đầy oán trách. Thụy ơi và tình ơi!...
Ngay lúc đó hình ảnh chim bói cá từ cọc nhọn năm trăm (lộn trăm năm chớ!) lao đầu xuống nước hiện về. Ông hiểu rằng hình ảnh mình trong vài phút tới có khác gì chim bói cá, chỉ khác chăng vũng nước cuộc đời với ông là dòng sông Hàn mênh mông đang cuộn mình ra biển:
“Như loài chim bói cá, trên cọc nhọn trăm năm. Tôi tìm đời đánh mất, trong vũng nước cuộc đời. Trong vũng nước cuộc đời. Thụy ơi và tình ơi!”
Ôi, trái bóng tròn, được mất thắng thua là chuyện thường của dân cá độ, tại răng ông cứ trách hoài “Thụy ơi và tình ơi!”
Ai từng yêu bóng đá, từng cá độ mới hiểu được cảm xúc khi trận cầu đang trôi dần về phút 89, rồi phút thứ 120 của hai hiệp phụ, giây phút cân não của những loạt đá luân lưu được mất.
Môi anh nóng, tay em lạnh, thân anh run, chân không vững. Hàng loạt động tính từ dồn dập theo theo ca từ trong câu hỏi "Vì sao và vì sao?" ở phút giây sắp thua độ mới thấy được cảm xúc hoang mang đến tột cùng của dân cá độ.
“Đừng bao giờ em hỏi. Vì sao không vô sâu? Vì sao môi anh nóng? Vì sao tay em lạnh? Vì sao thân anh run? Vì sao chân không vững ? Vì sao và vì sao ???”
Lúc đó vợ ổng tìm được ổng, quỳ trên cầu lạy bảo ổng đừng nhảy mà nức nở: Không anh ơi! Không vì sao, vì sao gì cả! Vì thằng Thụy đá hết mình nhưng "đời có má còn bóng đá có số" Thụy Sĩ không đi tiếp cứ xem là số trời.
Trên sân cỏ, bóng đá có thứ triết lý: Bóng đá tấn công, bóng đá phòng thủ nhưng trên cầu Thuận Phước lời ca Anh Bằng đưa bóng đá vào triết lý của đời thường, đó là nỗi đau và niềm hạnh phúc, là sự sống và cả cái chết trước lúc nhảy cầu:
“Hãy nói về cuộc đời. Tình yêu khi bóng lăn. Tình yêu khi cá độ. Đau đớn và ngọt ngào. Giết chết cuộc đời này. Thụy bây giờ về đâu?”
Khi ông hát lên lời ca cuối tức là ông chuẩn bị thốt lên lời vĩnh biệt: Thụy ơi! Ta nhảy cầu xóa nợ đây!
Ngay trong giây phút ấy, một giọng ca cải lương cất lên:
- Khoan! Anh Bằng ơi xin anh chớ buông tay và đừng vội vàng tự tử. Anh về thế giới bên kia để lại dương gian nỗi đau đớn vô... cùng. Chết vì nước là cái chết đáng vinh danh chứ chết vì cá độ đá banh là cái chết điên khùng. Thôi anh hãy về đi chớ đừng dại mà tự tử kẻo Thích Chân Quang bảo anh kiếp trước là nhà cái ác vô cùng…
Đó là lời hát của anh công an. Hoan hô anh, anh đến thật đúng lúc. Anh công an đến cầm tay Anh Bằng nói nhỏ:
- Anh chết đất nước này đau lắm anh biết không? Vợ con anh đau lắm, anh biết không? Anh chết nợ công 50 triệu của anh ai trả, anh biết không? Vợ anh, con anh và cả tui phải oằn mình trả thay anh, anh biết không?
Anh Bằng như thức tỉnh, không nhảy cầu nữa. Bắt tay công an, dìu vợ đứng dậy nói lời âu yếm: “Thôi mình về bán nhà chung độ đi em!”
Xưa Du Tử Lê viết bài thơ này nồng nặc mùi tử khí nhưng khi Anh Bằng đưa vào nhạc, đặc biệt lúc ông hát lên trên cầu Thuận Phước, ca từ không còn mùi chết chóc, không còn hình ảnh chiến tranh mà chỉ có tình yêu và nỗi đau về thân phận của người mê cá độ bóng đá.
Anh Bằng tức ông Bằng xóm em không ngờ đã nổi tiếng mà còn đi vào đề văn của cô. Ông đúng là thần tượng của em!
Lời phê của cô:
Nếu Thụy Sĩ còn đang đá vòng loại thì bài này xứng đáng được 9 điểm.
VÕ NHẬT THỦ 07.07.2024
Mùa Euro 2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.