Ở xứ ta, có lẽ do chịu ảnh hưởng những quan điểm về đời sống tâm linh từ Trung Quốc nên cả nghìn năm nay người ta luôn cho rằng tồn tại cõi âm ngoài cõi dương.
Sinh ký tử quy, sống chỉ để tạm gửi thân xác, chết mới là về nơi vĩnh hằng. Người sống có khi chỉ sống tạm bợ, vất vưởng nhưng khi chết lại được tiễn đưa khá hoành tráng rình rang. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái mộ có khi còn chắc hơn cái nhà. Tiền học cho con không có nhưng vẫn có thể đốt vàng mã linh đình gửi xuống âm phủ cho người chết có cái mà dùng…
Chỉ có điều, tất cả những cung cách ấy được cuộc cách mạng vô sản coi là biểu hiện phong kiến, lạc hậu, cổ hủ. Người vô sản giương cao ngọn cờ vô thần, muốn tiêu diệt hết những thứ mà họ không ưa. Phá đình phá chùa, tịch thu đất nhà thờ, hạn chế cúng bái, hô hào bài trừ mê tín dị đoan… có một thời hoành hành khắp trong nam ngoài bắc. "Rồng 5 móng vua quan thành bụi đất/Mỗi câu thơ đều dội tiếng ta cười" (Chế Lan Viên). Tiếng cười sắc lạnh nghe rất ghê sợ.
Ông anh giai tôi có lần cười bảo sau năm 1954 may mà cố đô Huế ở bên kia vĩ tuyến 17 chứ lọt vào tay cộng sản lại chả bị phá sạch bách cả lăng tẩm đền đài để lấy gạch đá xây chuồng lợn hợp tác xã. Dường như xã hội chỉ cần “cuộc sống mới, con người mới” phong cách xã hội chủ nghĩa là đủ, những thứ khác chỉ là rác rưởi. Họ kêu gọi toàn dân đả thực bài phong, chấp hành những luật lệ mới do chính họ áp đặt.
Chuyện mồ mả, tang ma cũng vậy. Nhà cai trị thỉnh thoảng lại vận động phong trào thực hiện đời sống mới hoặc ra những chỉ đạo mang tính đổi mới.
Họ phân tích rằng đất đai càng ngày càng bị thu hẹp, và nhất là xu thế văn minh trong việc tang ma, vì vậy nên hỏa táng chứ đừng chôn cất, vừa hợp vệ sinh, vừa tiết kiệm, vừa hội nhập thế giới. Thậm chí có dạo họ còn định thực hiện quy chế người chết được quàn bao nhiêu ngày, quan tài phải làm sao, có được lắp ô kính để người sống nhìn thấy mặt người chết hay không... Cùng với việc hiếu thì việc hỉ (đám cưới) họ cũng quy định chỉ được bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu người.
Tất cả đều có vẻ có lý, người cộng sản nói gì mà chẳng có lý, bởi họ có lý luận. Họ luôn có trùm lý luận, mà trùm này mới là người lãnh đạo đích thực, chi phối mọi hoạt động, chứ không phải nguyên thủ quốc gia. Ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đều thế.
Lạ ở chỗ, mọi quy định đều chỉ áp đặt cho dân chúng, còn chính người đặt ra quy định thì lại ngoại lệ. Dân cứ thực hiện, còn chính họ thì không. Thời xưa, thời phong kiến, vua định ra luật lệ, cả vua quan lẫn dân cùng thực hiện. Vua quan thời nay không như thế. Họ tự coi mình như thứ đẳng cấp đứng trên luật lệ. "Ta là một, là riêng, là thứ nhất/Không có chi bè bạn nổi cùng ta". Ngay cả đám tang, chỗ chôn cất, sự rình rang cờ đèn kèn trống… đều khác. Tất cả đều ngược với những gì họ hò hét buộc dân phải làm.
Điều dễ thấy nhất là cho tới tận thời điểm này, lúc tôi gõ những dòng này, chưa có một vị quan chức lãnh đạo nào cấp trung ương, thậm chí cấp tỉnh thành, chứ đừng nói hàng bộ trưởng, trưởng ban đảng, ủy viên bộ chính trị, khi chết được hỏa táng. Đài hóa thân hoàn vũ chỉ dành cho dân. Còn cán bộ, sẵn tiền, sẵn quyền lực, sẵn sự vênh váo, chả vị nào thích bị biến thành tro. Cán bộ không cần tiết kiệm. Cán bộ không cần văn minh. Xưa xúi dân đánh đổ phong kiến, mà nay cán bộ còn phong kiến gấp nghìn vạn lần.
Chả cần ví dụ đâu xa, coi đám tang của hai ông quá cố Trần Đại Quang và Đỗ Mười, rồi sau đó là đại tướng Phùng Quang Thanh, cả ông Phan Văn Khải nữa, là rõ ngay. Ông nào cũng chiếm/sở hữu những khoảnh đất rộng mênh mông làm chỗ chôn mình. Đừng ai đó bảo rằng đó là do người còn sống chứ người chết đâu có thế. Xin nói ngay, những khu đất bờ xôi ruộng mật, đất vàng đất bạc đó đã được chính các vị ấy chọn khi còn sống nhăn.
Mà ngay cả cái bộ máy cầm quyền, nó cũng tự đặt ra quy định ông bà nào, cấp cỡ nào, lúc chết sẽ được cấp bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu để xây lăng xây mộ. Với quyền và súng trong tay, họ cứ bất chấp tất cả, dân chúng ì xèo mấy họ cũng bỏ ngoài tai, kệ. Có lẽ riêng vụ này, ta càng thêm kính nể ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Dù ông không di chúc chọn hỏa táng nhưng ngôi mộ bình thường ở nghĩa trang Đường Sơn Quán (Thủ Đức) của ông đủ làm ta có chút tin rằng trong đám lãnh đạo ấy vẫn còn người tử tế.
Từ chuyện họ không chịu hỏa táng, quyết chiếm đất làm chỗ chôn, sực nhớ đám lãnh đạo không chỉ tham lúc chết mà khi sống cũng rất tham. Họ không cần giấu diếm sự cố ý tách biệt khỏi đám đông dân chúng dù luôn mồm nói chan hòa trong dân, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân.
Cửa hàng cũng phải riêng (Tôn Đản hoặc Nhà Thờ), bệnh viện riêng (Hữu nghị Việt Xô, 108, Thống Nhất), nơi ở riêng luôn (những khu cán bộ cao cấp). Ngay cả các bãi biển, khu du lịch họ cũng ngang nhiên chiếm giữ đặc khu cho mình (ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng, họ chiếm chỗ đẹp nhất, gọi là khu 3, ngăn ngừa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” dành riêng cho trung ương, dân mà bén mảng tới bị đuổi thẳng cánh).
Họ miệng thì khen ông vua xưa đi cày ruộng, hội họp với dân thì thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những ngày nằm hầm ngủ bụi được dân che chở, nhưng khi có miếng ăn là phân biệt đẳng cấp ngay.
Nhiều lúc ngẫm lại, thấy buồn cười, cái bệnh viện ở ngã tư Bảy Hiền (Sài Gòn) khi xưa bà Mai Anh vợ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây, đặt tên là Vì Dân, chạy chữa không phân biệt bệnh nhân thuộc hạng nào, đẳng cấp nào. Thì sau 30.4.1975 chính quyền mới biến ngay thành bệnh viện “vì quan”, chỉ có cán bộ trung cao mới được vào đó.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 19.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.