Vài tờ báo đưa tin nhà thơ Hoàng Cát mất vào chiều hôm kia, 1.7, tuổi trời 82.
Với thế hệ sinh giữa thập niên 50, Hoàng Cát là một cái tên khó quên, cũng không hẳn bởi tài văn chương, mà chủ yếu là số phận. Cứ mỗi lần nhắc đến nhà thơ thương binh Hoàng Cát, trong tôi lại dậy lên những cảm xúc, ký ức về một thời.
Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ 1942 hơn thế hệ tuổi tôi đúng một giáp. Khi anh cầm súng đì đòm trên các chiến trường Trị - Thiên, Quảng - Đà thì chúng tôi vẫn suốt ngày đánh độc chiếc quần đùi lặn ngụp cánh đồng quê mò cua bắt ốc. Bị thương nặng, năm 1971 về hậu phương, anh viết văn làm thơ mau chóng nổi danh làng văn nghệ.
Đến nay sau 50 năm tôi còn nhớ như in cái tâm trạng bâng khuâng buồn buồn khi đọc truyện ngắn "Cây táo ông Lành" của anh đăng trên tuần báo Văn Nghệ năm 1974, in phía trên, trang giữa dành riêng cho thiếu nhi nhân ngày 1.6. Truyện chỉ gần nửa trang, nội dung đại loại về cây táo, mớ táo rụng và lũ học trò nhỏ tinh nghịch, đọc nhẹ nhàng xúc động, đầy tình người. Ấy, đọc xong nghĩ cái ông Hoàng Cát viết thích nhỉ, nào ai ngờ được chỉ ít ngày sau um xùm lên “Vụ án Cây táo ông Lành”.
Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã là người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở Trường Dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “Văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục. Có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”.
Người ta, chẳng biết có phải theo chỉ đạo của "ông Lành" và đám cao hơn nữa không, xúm vào đánh hội đồng. Không rõ nhà văn thương binh tuổi ngựa từng phải bỏ lại một cẳng chân trên chiến trường đất Quảng bị vùi hất lên bờ xuống ruộng thế nào. Chỉ thấy mãi gần hai chục năm sau cái tên Hoàng Cát mới xuất hiện trở lại trên báo quốc doanh. Chừng đó thì đã tàn một đời người. Cái xã hội đến lạ. Không có tài sẽ chết, mà có tài lại càng chết. Tai bay vạ gió có thể giáng xuống đầu bất cứ lúc nào, mà chả cần lý do gì. Họ, bọn xấu, thiếu gì lý do.
Rồi nghe kể, khoảng thời gian dưới đáy ấy, Hoàng Cát sống chủ yếu ở vỉa hè, bán nước, bơm xe, ai kêu gì làm nấy, lay lắt qua ngày. Cụt chân, thương binh, từng viết văn làm thơ... nhưng chả ai thèm để ý quá khứ của anh. Thậm chí chính quyền còn không thừa nhận anh là thương binh, không cấp thẻ, không một xu chế độ đãi ngộ. Chỉ sống nhờ vỉa hè, nơi ngày xưa có cây táo rủ bóng tràn ra lề, chỉ khác ở chỗ giờ mới biết nó là cây táo ông dữ chứ chẳng lành liếc chi. Nhờ vỉa hè mà sống, nên sau này anh có bài thơ "Cảm ơn vỉa hè".
Tôi có anh bạn cử nhân văn chương đàng hoàng, tên Trần Quang Thuật, cũng tập tọng thi phú. Chả biết đường công danh, gia đình lận đận thế nào đến nỗi phải dạt ra vỉa hè vá xe, che tấm bạt nhỏ dưới chân cột điện ráng kiếm ngày vài đồng nuôi vợ nuôi con. Tưởng yên thân, gặp cái nghị định 36/CP cả nhà treo niêu đứt bữa. Mấy lần gặp nhau ngoài đường nhìn dáng gầy gò liêu xiêu tha thẩn xách hòm đạn đại liên đồ nghề, nách cắp chiếc bơm đi như vô định thấy thương lắm. Mất chỗ sinh nhai, lão đành sắm chiếc xe xích lô chạy lòng vòng chở khách, kể cả làm mối đưa đón gái đứng đường. Hóa ra trong cuộc đời này có những thứ không là cái đinh gì với ta nhưng lại vô cùng can hệ đến số phận người khác. Vỉa hè là một minh chứng.
Một chiến sĩ từng bao năm xông xáo lăn lộn trên chiến trường ác liệt bậc nhất thời đánh Mỹ, thương binh thực thụ - cứ nhìn cái chân cụt thì biết, có tài văn thơ được nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu thương mến nhận làm em kết nghĩa, người luôn khao khát làm điều gì đó có ích cho đời, cho mọi người, vậy mà tai bay vạ gió kể từ “cây táo ông Lành”. Bị ném ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn kể cả vài đồng phụ cấp thương tật (mãi về sau mới được cấp), đằng đẵng gần 2 chục năm viết văn làm thơ chẳng ai đăng (vì sợ liên lụy), đời quá khốn nạn, đắng cay.
Nghĩ đến Hoàng Cát, tôi thầm hỏi sao khi anh còn tại thế không có ai (vốn thường tự xưng đầy tinh thần trách nhiệm) đứng ra, nếu không xin lỗi người thương binh ngay thẳng ấy thì cũng phải làm cái việc hợp đạo lý là phục hồi tức khắc quyền lợi máu xương của anh chứ, tuyên bố công khai cho bàn dân thiên hạ biết.
Nay lão thi sĩ vỉa hè Hoàng Cát đã về cõi vô thường, nơi chẳng còn thù ghét, tranh giành thoán đoạt, tàn ác bất nhân, coi phận người như cỏ rác, thì xin lỗi hay không xin lỗi cũng trở nên vô nghĩa.
82 năm trên cõi đời, quả là gánh nặng, thoát được là may. Bác Hoàng nhỉ.
NGUYỄN THÔNG 03.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.