lundi 15 juillet 2024

Hoàng Quốc Dũng - Hạnh phúc

Tôi là con người của thường dân, hay viết về những gì diễn ra xung quanh mình bằng những từ ngữ đơn giản. Hôm nay, tôi sẽ cố gắng dùng những từ đơn giản để nói về một vấn đề tưởng như phức tạp mà lại thật là đơn giản.

Gần đây có vụ ông « giáo sư » Phan Văn Trường nói về hạnh phúc về tiêu chuẩn văn minh…

Giáo sư đã trở thành người nổi tiếng rầm rầm và cũng bị ăn rất nhiều gạch đá. Nhân vụ này, tôi mạo muội bàn về hạnh phúc một tí.

Hạnh phúc không phải là vật chất cụ thể, chỉ là một trạng thái, không cân đong đếm được. Vì thế mấy kẻ lộng ngôn cũng có thể dựa vào đó để múa mép biện hộ cho một cái gì đó hoặc dẫn dắt dư luận.

Thực ra, theo tôi, hạnh phúc cũng chẳng phải một khái niệm gì trừu tượng đến mức khó hiểu và người ta muốn nói thế nào cũng được. Có rất nhiều người định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Mình tổng kết lại thì đại loại như sau :

« Hạnh phúc là một trạng thái của một đời sống viên mãn, luôn luôn có sự hài lòng, nó đươc thể hiện bởi những cảm xúc tích cực, những thành công trong cuộc sống và sự cân bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống ».

Tuy nhiên, nói như vậy vẫn rắc rối quá. Nếu cứ nói một cách dân dã nhất và ngắn gọi nhất thì hạnh phúc chẳng qua là sự sung sướng. Hết chuyện.

Tuy nhiên cái sự sung sướng ở đây nó phải được hiểu như một sự sung sướng bình thường được đa số chấp nhận, hay cho đó là sung sướng. Nói như vậy là để loại những kẻ lý luận cùn cho rằng ăn c*t hay ở tù cũng có thể là là sung sướng…

Đúng là mức độ thỏa mãn của con người rất khác nhau. Có người cần phải có nhà lầu xe hơi… thì mới sướng, có người chỉ cần có một căn nhà nhỏ và một chiếc xe đạp. OK cái đó đúng. Tuy nhiên, để đáp ứng được cái sướng thì cũng cần phải có một cái tối thiểu gì đó. Không có nó thì chắc chắn không thể sướng được mà thậm chí đau khổ. Muốn sướng bắt buộc phải có một lượng vật chất nhất định đã.

Bây giờ nói về cảm nhận sự sướng (hay hạnh phúc).

Sáng nay, tình cờ đọc được bài dưới đây của bạn Võ Thanh về Cậu bé đi tìm mẹ. Nếu hỏi cậu bé có hạnh phúc không thì chưa chắc nó đã biết trả lời cho đúng và có khi cũng không hiểu hạnh phúc là gì.

Một thí dụ khác nữa là có một bạn lý luận rằng một bộ phận dân Ấn Độ không có nhà cửa, sống vất vưởng cùng với chuột, với c*t đái…  họ không cảm thấy đau khổ và vậy họ có thể vẫn hạnh phúc.

Nhưng nếu hỏi đa số quần chúng trên thế gian này thì tất cả những người bình thường đều cho rằng hai thí dụ nêu trên là những trường hợp khổ (hay bất hạnh).

Vậy, sung sướng (hay hạnh phúc) còn phải là sự cảm nhận, đánh giá của số đông, chứ không phải chỉ là cảm nhận của một cá nhân, một tập thể (nhiều khi vô thức).

Đây là tôi mới đang nói về sự sướng liên quan đến đời sống vật chất. Người ta cũng không thể sướng được khi phải sống trong một xã hội không có tự do. Và trớ trêu thay, kể cả có rất rất nhiều vật chất mà không có tự do thì vẫn khổ là cái chắc, tức là không có hạnh phúc.

HOÀNG QUỐC DŨNG 15.07.2024

Bé trai 14 tuổi một mình nuôi em gái, lang thang lên thành phố tìm mẹ

Hôm nay trời mưa vừa học xong ra đi ăn phở, đang ngồi ăn thì nghe có tiếng gọi của thằng nhóc.

- Chú ơi, bán con ly trà đá.

Để ý thấy nó lấy trong túi ra 7 ngàn, 2 ngàn trả ly trà đá còn 5 ngàn bỏ túi. Trời còn mưa, nó ngồi bên vệ đường đụt mưa, dáng người ốm với ánh nhìn nhút nhát. Anh bán phở ra hỏi chuyện, mới biết nhóc quê ở An Giang, ngồi hỏi chuyện nó kể:

- Ba con mất lâu, mẹ lên đây đi làm (Long Thành) cũng hơn một năm, mà từ lúc mẹ đi đến giờ không có về, tết hay giỗ ba cũng vậy. Con có đứa em nữa, 2 anh em ở với ngoại. Ở nhà, con đi làm phụ ráp tủ cho người ta, kiếm thêm tiền phụ ngoại nuôi nhỏ em đi học.

- Thế em bao nhiêu tuổi?

- Dạ con 14 còn nhỏ em 10 tuổi đang học lớp 4.

- Nay em lên đây làm gì?

- Dạ ngoại con mất, con lên đây tìm mẹ.

- Em không có số điện thoại của mẹ hả?

- Dạ có, nhưng mà từ Tết giờ số đó không liên lạc được. Lúc trước mẹ nói làm ở Long Thành nên con vô đó tìm mà không tìm ra. Hết tiền nên con đi bộ từ Long Thành về đây, định mua ly trà đá uống nghỉ mệt rồi đi bộ ra bến xe miền Tây tìm xe xin về nhờ.

Thấy nó đói, anh chủ gọi vào làm cho nó bát phở. Nhìn dáng vẻ nó như kiệt sức do đói và phải đi khá xa... Ăn xong, anh chủ hỏi:

- Thế giờ tính sao?

- Dạ, giờ con đi bộ ra bến xe xin đi nhờ xe về.

- Không, ý anh hỏi mày: Ba mất, mẹ giờ tìm không thấy. Ngoại cũng mất giờ hai anh em tính sao?

- Con gửi em rồi lên đây tìm mẹ, giờ không thấy con phải về coi nó, còn cho nó đi học nữa.

Nó nói thêm: Con làm lương tháng 2 triệu rưỡi, giờ con cỡ nào cũng lo cho nó, không cho nó nghỉ học. Con trai không học thì được chứ con gái phải đi học mới tốt. Con thấy rồi! Trong lúc chờ nó nghỉ mệt, tôi nói với anh chủ quán để em chở nó ra bến xe mua vé cho nó về. Rồi quay sang bảo nó:

- Anh chở mày ra bến xe mua vé cho mày về. Nó vui mừng gật đầu.

Tôi đưa nó ra bến xe, khi bước ra về anh chủ quán dúi vào túi cho nó thêm 80 ngàn. Và bảo tôi, em đưa nó ra bến xe lo cho nó về giúp anh. Nó không quên cúi đầu cảm ơn anh chủ quán

- Con cảm ơn chú!

Cuộc sống thế đấy. Có những phận người từ nhỏ luôn thiếu thốn và thua thiệt so với những bạn cùng lứa, dù cha mất, mẹ bỏ đi nhưng trong suy nghĩ họ vẫn cố gắng sống, cố gắng vươn lên. Vươn lên trên hoàn cảnh lẫn cả cách suy nghĩ, bằng cách nào đó họ có thể hy sinh và làm tròn trách nhiệm để lo cho gia đình giống như nhóc này.

Cơn mưa chiều ở Sài Gòn tuy lạnh nhưng vẫn ấm lòng.

VÕ THANH (Nguồn : Vitalk.vn)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.