lundi 15 juillet 2024

Nguyễn Quốc Tấn Trung - Tủ lạnh, ăn tươi và văn minh


Nếu mọi người nhớ lại cách đây chừng một năm, Vietecera từng bị chỉ trích dữ dội vì quan điểm liên quan đến phát triển, tiết kiệm, tiến bộ, và “cố gắng sẽ thành công” trong một podcast với TS Chi Nguyễn (The Present Writer).

Tựu trung, có thể nói suy nghĩ của TS Chi Nguyễn nằm ở phổ “tiến bộ”, “tự do” (liberal), và “tân tự do” (neo-liberal).

Mình nghĩ rằng video mới của Vietcetera với Giáo sư Phan Văn Trường có thể cũng sẽ gặp những phản đối tương tự, nhưng nội hàm thì khác. Nhìn tổng thể, hầu hết các đoạn đối thoại trong video cho thấy GS Trường vẫn có xu hướng giống với TS Chi, tức phần nào chú trọng vào khả năng vượt nghịch cảnh, nhấn mạnh vào cố gắng cá nhân. Tuy nhiên, khi nói về mối quan hệ với văn minh phương Tây, có thể nói GS Phan Văn Trường lại nằm ở phổ “truyền thống bản địa”, “hậu hiện đại”, và “hậu thực dân/giải thực dân” (post-colonial/de-colonial).

Cụ thể hơn, một người nằm ở phổ quan điểm chính trị liberal/neo-liberal sẽ tin vào sự tiến bộ nói chung, khả năng vượt qua nghịch cảnh, và đường thẳng tuyến tính của sự phát triển của xã hội loài người.

Còn một người nằm ở phổ quan điểm hậu thực dân/giải thực dân thách thức cách nhìn tuyến tính của sự phát triển của xã hội. Họ cho rằng xã hội không phát triển tuyến tính, và những định chế ngày nay (với công nghiệp hóa, xe hơi, máy tính, pháp luật thành văn được pháp điển hóa…) chưa chắc là con đường phát triển tốt nhất cho xã hội loài người.

Nội dung của bài viết này chỉ nói về một số luận điểm của phần gần cuối video khi GS Trường nói về vấn đề trên, còn toàn bộ nội dung chia sẻ trên Vietcetera mình thấy khá chân tình, hiền hòa, không nên bị chỉ trích ở mức độ cá nhân. Hy vọng HDC sẽ có một video đầy đủ hơn trong tương lai.

***

MỘT - THẬT SỰ ĐANG CÓ LÀN SÓNG HỌC THUẬT LỚN THÁCH THỨC “HIỆN ĐẠI TÍNH”

Trước tiên, cần phải nói rằng quan điểm của GS Trường không phải là chỉ của riêng ông, mà còn phản ánh tình hình chung ở phương Tây, nếu không muốn nói rằng nó đang là phong trào mạnh nhất trong các trường đại học ở đây.

Nhóm này nghi ngờ và thách thức hầu hết các giá trị, nghiên cứu về hiện đại tính trước đó, cho rằng “hiện đại” và “phát triển” chỉ là những khái niệm được sáng tạo bởi “người da trắng” và từ đó áp đặt lên các sắc tộc khác.

Ở Canada, trong giảng dạy và đào tạo pháp luật, nhiều hội đồng, thầy cô (và mình cũng chịu ảnh hưởng không ít) đã bắt đầu thống nhất giảng dạy rằng một hệ thống pháp luật được pháp điển hóa, quy định về quyền sở hữu, sự cần thiết của bộ máy quan liêu, quy định về công pháp quốc tế… đều là những sản phẩm của quá trình lịch sử này.

Và thật ra phân tích của họ không phải hoàn toàn vô căn cứ.

Ví dụ, hệ thống pháp luật về quyền tư hữu đất đai (hay quyền sử dụng đất đai riêng lẻ, lâu dài như tại Việt Nam), hệ thống quản lý đất đai (ký lục, sổ địa chính, sổ đỏ, sổ hồng…) được ghi nhận chung là các định chế pháp lý giúp tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên đất, giải phóng sức sản xuất và tăng cường hiệu suất kinh tế.

Tuy nhiên, tất cả những định chế nói trên cũng bắt đầu bị đánh giá là các sản phẩm thực dân tính áp đặt lên người bản địa (ở Canada, Úc, hay cả Việt Nam) nhằm áp đảo và tước đoạt sự gắn kết thiêng liêng của người bản địa với đất đai của họ. Tô vẽ bằng những thuật ngữ pháp lý và ngôn từ quan liêu vốn không tồn tại trong ý thức hệ và mô hình quản trị của họ.

Ở Canada thế kỷ 17, 18 từng có những người da trắng đòi người bản địa ký tá công ước, hiệp định chia đất chia đai; thì ở Việt Nam những năm 70s, 80s cũng từng có những người Kinh mồi chài dụ dỗ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bình Long, Phước Long… ký những bản hợp đồng chuyển giao đất tương tự.

“Hiện đại”, “Phát triển”, hay “Văn minh”, “Tiến bộ”... từ đó không được xem là những hiện tượng rõ ràng hay hiển nhiên.

Một cái máy điều hòa có thể giúp người dân sống được ở những vùng mà thời tiết, khí hậu trước kia không ai sống được. Nó thật sự đã cứu nhiều người. Nhưng cái máy ấy cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng từ nguồn nhiên liệu thô của trái đất, thải ra các khí thải có thể có hại cho tầng Ozone, và làm trầm trọng hơn vấn đề đảo nhiệt đô thị.

Vậy cuối cùng, cái máy điều hòa có thật “tiến bộ” hay không?

Sẽ là không phù hợp khi cho rằng sở hữu một vật dụng tân thời cụ thể nào đó là biểu hiện chân chính của tiến bộ hay văn minh.

***

HAI - DÙ VẬY, GS TRƯỜNG CÓ VẺ KHÔNG NHỚ ĐÚNG LỊCH SỬ CỦA NGÀNH THỰC PHẨM THẾ GIỚI LẪN VIỆT NAM

Một luận điểm thú vị của GS Trường khi ông nói về tiêu chuẩn văn minh là câu chuyện tủ lạnh.

Ông cho rằng cái tủ lạnh là một tiêu chuẩn văn minh phương Tây bị áp đặt lên Việt Nam, và nền ẩm thực Việt Nam không cần tủ lạnh. Cụ thể, ông nói rằng Việt Nam ta có văn hóa “ăn tươi”, tức từ chợ về nhà cho đến lúc nấu ăn chỉ là một vài tiếng. Trong các video ẩm thực Việt Nam, dân ta hay gọi là “thịt nóng”, “gà nóng”, hay “nói không với hàng đông lạnh”... 

Đây thật ra lại là một nhầm tưởng thường thấy của người Việt Nam về nền ẩm thực nước ta. Và cần khẳng định rằng “ăn tươi” thật ra cũng là một sản phẩm của hiện đại tính.

Về mặt lịch sử, các cộng đồng ở nước ta không phải lúc nào cũng tự cung, tự cấp tại chỗ; và thách thức của khâu hậu cần, vận chuyển thức ăn từ nơi đánh bắt, nuôi trồng đến nơi tiêu thụ vẫn là một thách thức khổng lồ cho hầu hết các thế hệ người Việt Nam.

Đó là lý do tại sao Việt Nam có hàng trăm loại mắm cá, tôm, thịt; hàng nghìn loại cá khô, thịt khô; và hàng tá phương pháp chế biến thức ăn để bảo quản dài ngày (nấu đông, nấu riệu, ủ muối, nấu mặn, lên men…)

Chỉ đến khi ngành thực phẩm thế giới tìm ra phương pháp bảo quản đông và du nhập vào Việt Nam (bao gồm các sản phẩm máy làm nước đá, tủ lạnh và tủ đông cỡ lớn…), người Việt Nam mới thật sự có thể “ăn tươi” đối với hầu hết các loại thực phẩm - mà tươi ở đây chỉ có nghĩa là hiểu được hương vị thuần túy của cá, thịt mà không cần các phụ gia bảo quản như muối, tiêu, ớt, hay các loại hương liệu khác.

Trừ khi một cộng đồng nào đó có thể vừa nuôi gà, vịt, trâu, bò, cá, tôm… cùng một lúc và đủ dùng cho toàn bộ cộng đồng, mọi loại thực phẩm đến tay người dân trên toàn thế giới hay Việt Nam đều ít nhất đã qua một quá trình cấp đông hay giữ lạnh.

Nỗi ám ảnh với “ăn đồ tươi” của người dân Việt Nam có lẽ là một hiện tượng hiểu sai tập thể về thị trường thực phẩm của toàn thế giới, và lại càng không có “văn hóa ăn đồ tươi” trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Tìm cách lưu giữ và bảo quản thức ăn luôn là một bài toán khó của nhiều thế hệ mà chỉ “hiện đại tính” mới hóa giải giúp người Việt Nam trong thế kỷ gần đây.

***

BA - BÁNH XE VẪN PHẢI QUAY

Cân nhắc cả hai bối cảnh trên, có lẽ an toàn khi nói rằng thách thức hiện đại tính là cần thiết, và trân trọng hiện đại tính cũng quan trọng không kém.

Chúng ta hoàn toàn đúng khi lo ngại rằng các lò nhiệt điện, thủy điện… tạo ra năng lượng một cách không bền vững và có thể gây hại cho môi trường sống lâu dài của con người. Nhưng cũng không ai còn đủ tỉnh táo lại cho rằng “điện” và “điện hóa” nói chung lại là “phản văn minh”, “phản tiến bộ”, hay “áp đặt tiêu chuẩn của người khác lên mình”.

Phổ cập điện giúp con người tận dụng đầy đủ thời gian của đời sống của họ hơn. Cũng giống như phổ cập tủ lạnh giúp các gia đình nghèo có thể dự trữ, chuẩn bị, sắp xếp chế độ dinh dưỡng của họ tốt hơn. Cả hai rõ ràng đã và đang tiếp tục giúp con người cảm nhận đầy đủ được ý nghĩa và niềm vui cuộc sống. Người Việt hay người Mỹ đều cần chúng.

Điều tương tự cũng có thể nói về các định chế pháp luật, công pháp quốc tế, máy móc, cơ sở hạ tầng…

Tiến bộ và văn minh, vì vậy, là những khái niệm có tồn tại. Vấn đề là chúng ta có xem chúng như những khái niệm bất khả xâm phạm hay không thôi.

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG 13.07.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.