lundi 10 avril 2023

Nguyễn Mỹ Khanh - Bảo hiểm

 

Trong hình là cô chủ trang trại và một trong những con ngựa cưng của cô. Hôm qua chúng tôi quay cảnh diễn viên Thái San và các em nhỏ ngồi trên lưng ngựa di chuyển chậm.

Thấy ngựa ngoan và hợp tác tốt, chúng tôi xin phép cô chủ cho Thái San cưỡi ngựa chạy nhanh, cô đáp, được nhưng cần phải ký bảo hiểm tai nạn trước.

Tôi giật mình, dù đã được train về quản trị rủi ro nhưng tôi vẫn quên. Cô quá đúng! Cô là người Pháp, những việc như vầy với công dân Châu Âu và Mỹ rất thuần thục, người Việt mình chưa quen có sẵn ý thức về bảo hiểm, về luật pháp và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống hàng ngày. Đây là kết quả của giáo dục phổ thông, ở ta, những vấn đề thiết thực nhất cho đời sống một con người không được dạy đầy đủ và đúng.

Sáng nay coi clip Ngọc Lan khóc vì bảo hiểm, xót cho Lan quá! Mình thấy buồn, sau gần 1/4 thế kỷ bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam rồi mà vẫn còn nhiều người/công ty chưa tách bạch giữa bảo hiểm để bảo vệtiết kiệm sinh lời hay đầu tư sinh lời móc chung trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nhiều tư vấn bảo hiểm cũng không tư vấn rõ ràng, gây ra nhiều chuyện đau lòng.

Mình chia sẻ vài lưu ý sau:

1/ Phí bảo hiểm nhân thọ thuần túy cũng giống như phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe vậy, sau 1 năm không có rủi ro thì phí đóng sẽ mất, không thể thu lại được, vì vậy phí thuần không cao so với những sản phẩm có cộng thêm thường được chào mời.

(P/s: Tất cả những sản phẩm có nhận lại tiền khi kết thúc hợp đồng đều không phải sản phẩm thuần bảo hiểm- dù có note rõ ra hay không- xem thêm mục 4)

2/ Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ khi có rủi ro, tức chỉ đền bù bằng tiền mặt khi qua đời hoặc tàn tật vĩnh viễn.

1 + 2 >>> Cái nào được đền bù nhiều tiền nhất mà chi phí đóng thấp nhất chính là sản phẩm có lợi cho bạn nhất.

Giả dụ cùng mức đền bù 1 tỉ khi có rủi ro, bạn nghĩ coi 4 trường hợp đóng phí dưới đây thì ai có lợi hơn:

- Đóng 100 triệu/ năm

- Đóng 60 triệu/ năm

- Đóng 30 triệu/ năm

- Đóng 13 triệu/ năm.

Rõ ràng mức thấp nhất 13 triệu là tốt nhất cho người mua bảo hiểm, vì khi xảy ra sự cố, được đền bù ngay 1 tỉ dù bạn đã đóng 13 triệu hay 100 triệu, 500 triệu rồi, đã đóng phí 1 ngày hay 70 năm đều nhận đền bù như nhau.

3/ Sao mua tới 70 năm? Biết còn sống tới 100 tuổi không mà đóng?

Ngay khi xảy ra rủi ro thì hợp đồng kết thúc, dù đang ở tuổi nào, không phải đóng tiền nữa, mà là nhận tiền đền bù.

Các hợp đồng 99 hay 100 tuổi thường đóng phí tới 60 hay 65 tuổi, sau đó không còn đóng phí nhưng vẫn được tiếp tục bảo hiểm, nên có lợi cho khách hàng.

Càng mua dài năm bạn càng có lợi, vì phí đóng thấp, quyền lợi đền bù cao.

(Nhiều người tuổi cao muốn mua dài năm mà không được. Giả dụ lấy 100 tuổi làm cột mốc, bạn 30 tuổi thì maximum mua 70 năm, 40 tuổi thì 60 năm, mà năm càng dài thì phí càng thấp. Chưa kể, tuổi càng cao, sức khỏe càng xuống thì phí càng tăng)

4/ Vụ mua bảo hiểm có nhận lại tiền và sinh lời là sao?

Thật ra thì phần tiền này (4) được tính riêng, tách bạch với phí bảo hiểm hàng năm (mục 1- phần phí không hoàn lại).

Phần tiền (4) tựa như tiền bạn gửi tiết kiệm trong ngân hàng hoặc như trái phiếu, cổ phiếu khi đầu tư vào công ty nào vậy đó. Và đầu tư của bạn trong trường hợp này là vô công ty bảo hiểm.

Phí đóng bảo hiểm của bạn cao, thực chất là cộng của phí bảo hiểm không hoàn lại (1) và tiền đầu tư có sinh lời (4)

(P/s: Cái này công ty bảo hiểm có tách ra và nói rõ cho khách hàng biết không hay vẫn còn gộp và gọi chung là phí bảo hiểm?)

Phần tiền gửi/ đầu tư (4) đó, công ty bảo hiểm đem đầu tư vào nhiều dự án khác và chia lời lại cho bạn theo hạn mức nhất định - được tính toán kỹ - và note ra thành một bảng cho bạn biết mỗi năm là bao nhiêu, bạn mua bao nhiêu năm thì note bấy nhiêu năm, tra cứu dễ dàng, người tư vấn được yêu cầu phải trình bày bảng này cho khách hàng cẩn thận trước khi ký hợp đồng.

Tiếc thay, nhiều khách hàng bị bỏ qua phần tư vấn này, dẫn tới nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Trình độ tư vấn và cái tâm của người tư vấn rất quan trọng là vậy.

5/ Giữa cha/mẹ và con nên mua bảo hiểm nhân thọ cho ai?

Mua cho người trụ cột gia đình, vì khi trụ bị gãy, không ai nuôi con nhỏ, mẹ già, số tiền bảo hiểm sẽ giúp vượt qua khó khăn phần nào.

Túm lại nên chọn:

- Mua bảo hiểm với mức đền bù cao nhất, tức mệnh giá hợp đồng cao nhất (xét cùng một số tiền đóng phí).

- Phí đóng thấp nhất.

- Số năm được bảo hiểm dài nhất.

- Chỉ mua thuần bảo hiểm, không thêm tiết kiệm, đầu tư.

- Tổng số tiền đóng cho toàn bộ bảo hiểm trong gia đình không vượt quá 10% thu nhập.

Việt Nam là nước nghèo, trẻ em rất cần được bảo vệ, hãy để cha mẹ các em được biết những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà phí đóng chỉ từ hơn 2,5 triệu - 3,5 triệu một năm, tức chỉ 250-320 ngàn đồng/ tháng- nhưng quyền lợi là 100 triệu nếu chẳng may xảy ra rủi ro. Tôi mong các công ty bảo hiểm duy trì và phát triển loại sản phẩm này.

P/s: Mong các bạn phóng viên phỏng vấn các chuyên gia bảo hiểm hỏi xem phí đóng bảo hiểm ở các nước ra sao? Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ các nước có cộng thêm các sản phẩm phụ không? Nếu không, vì sao nước ta có? Vậy truyền thông về bảo hiểm nên quay lại cái gốc ban đầu là thuần bảo vệ hay tiếp tục con đường tiết kiệm là chính?

NGUYỄN MỸ KHANH 09.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.