Số điểm bị sụt giảm trên TTCK Thượng Hải hôm nay trùng hợp với ngày kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn 4/6/89. |
(Le Nouvel Observateur & Le Figaro) Hai mươi ba
năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ba từ này vẫn là điều cấm kỵ không thể nào
tìm thấy được trên mạng internet Trung
Quốc. Không
chỉ có « Thiên
An Môn », mà trong số các từ khóa bị cấm, còn có hơn một chục
cái tên của những nhân vật có mặt trong sự kiện Mùa xuân Bắc Kinh, cũng như tất
cả những chữ và số liên quan.
Nếu gõ 1989 trên một công cụ tìm kiếm, sẽ thấy hiện ra
một hàng chữ thông báo là trang web này không thể hiện được. Tệ hơn nữa, công
cụ tìm kiếm sẽ bị treo trong nhiều phút, và trong những trường hợp nghiêm trọng
hơn, mạng internet của bạn sẽ bị cắt trong nhiều giờ…
Nhưng không chỉ có con số 1989. Các số 8 (thậm
chí nếu chỉ gõ mỗi một số này), 9,6,4 ( số 6 và số 4 có nghĩa là « ngày
4 tháng 6 »), số 23 (lần
kỷ niệm thứ 23) đều bị khóa. Và ngay cả số 35 (cư dân mạng
có lúc đã dùng cụm từ « 35 tháng
5 » để tránh nói đến « ngày
4 tháng 6 »).
Một loạt các từ khác cũng đều cấm kỵ. Chẳng hạn các từ sinh nhật, tưởng niệm, kỷ niệm, tang tóc…Đáng ngạc nhiên nhất là từ hôm nay
(vâng, hôm nay là ngày 4 tháng 6), buổi tối, công viên. Việc này được giải thích như
sau : mỗi năm cứ đến tối 4 tháng 6 lại diễn ra một cuộc tập họp quy mô tại
công viên Victoria ở Hồng Kông, những người biểu tình đốt lên hàng ngàn ngọn
nến…
Có thể dễ dàng hiểu được rằng, từ nến cũng bị xếp vào loại
những từ bị cấm. Bên cạnh đó là các từ lửa (như
ngọn lửa), máu,
và thậm chí nhân
dân (vì có thể nằm trong cụm từ « quân
đội nhân dân giải phóng » – đã trực tiếp tiến hành cuộc thảm sát, và
trong từ kép « dân chủ »).
Hàng loạt những từ trong ngôn ngữ Trung Hoa như vậy đã bị liệt
vào loại « hàng cấm ». Ngay cả một lãnh vực không hề mang tính chính
trị là các emoticon cũng bị rơi vào tầm ngắm điên rồ của các nhà kiểm duyệt.
Vào sáng sớm ngày 03/06/2012, mạng Vi Bác đã lặng lẽ gỡ bỏ
emoticon hình ngọn nến, thay vào đó là một…ngọn đuốc Olympic Luân Đôn ! Như
vậy, không còn ngọn nến nào để tưởng niệm cho ngày « 6.4.1989 » (theo cách viết của người Trung Quốc). Nhưng như thế các
cư dân mạng chen chúc vào trang web của anh sinh viên Trung Quốc bị sát thủ người
Canada giết hại và chặt xác cách đây vài tuần (và vừa bị bắt tại Berlin hôm nay
4/6), giờ đây không thể nào đốt lên một ngọn nến ảo để tưởng nhớ nạn nhân.
Mặc cho những cố gắng mang tính lạm dụng này, bóng ma của
Thiên An Môn vẫn ám ảnh nền kinh tế thị trường Trung Quốc. Chỉ số thị trường
chứng khoán Thượng Hải hôm nay khi mở cửa là…2346,98. Giới blogger nhanh chóng
diễn dịch : đây chính là con số kỷ niệm năm thứ 23 của vụ thảm sát (đọc
ngược các con số này thì sẽ được 89.6.4, cách viết « ngày 4 tháng 6 năm 1989 » của người Trung Quốc).
Đáng kinh ngạc hơn nữa : thị trường chứng khoán đóng
cửa với số điểm bị giảm là …64,89 điểm !
Liệu đây chỉ là sự trùng hợp đơn thuần ? Hay là có
những « bàn tay vô hình của thị trường » đã đấu tranh chống lại kiểm
duyệt ? Nhiều người Trung
Quốc vốn rất tin tưởng vào tính biểu tượng của các con số đã
tin như thế. Những người khác cho rằng một tin tặc nào đó đã hành động một cách
tinh quái.
Ngay sau đó, nếu gõ cụm từ « chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải »,
cư dân mạng Trung Quốc
chỉ đọc được hàng chữ quen thuộc : « Theo
các quy định hiện hành, thông tin này không được thể hiện » !
Tham khảo thêm:
Nhục nhã!
RépondreSupprimer