mercredi 30 mai 2012

Úc : Cá nhập khẩu từ châu Á có chất kháng sinh bị cấm sử dụng


Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Năm 2012 
 
Hôm nay 30/05/2012, một tờ báo Úc cho biết giới chức nước này ghi nhận ngày càng có nhiều cá nhập khẩu từ châu Á có chứa các chất kháng sinh bị cấm sử dụng. Năm lô hàng cá từ Việt Nam đã bị chận lại trong năm nay vì có chứa enrofloxacin, một loại kháng sinh bị cấm tại Úc. Trước đó cũng đã có ba chuyến hàng từ Việt Nam bị cấm nhập vì cùng một lý do.

Tờ Melbourne Age cho biết, các chuyên gia lo ngại trước số lượng ngày càng lớn các loại thủy sản có chứa các chất hóa học, được sử dụng trong thức ăn cho cá nuôi hay để kích thích tăng trưởng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Narelle Clegg, thuộc bộ phận an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp nói rằng : « Khuynh hướng mà chúng tôi ghi nhận được đối với sản phẩm cá và nói chung về chất kháng sinh, là dư lượng rất thấp, nhưng dù sao cũng có hiện diện ». 

Trong khi cá nhập khẩu từ Việt Nam bị ngưng nhập do có chất kháng sinh, kể phi-lê cá ba sa và nạc cá đông lạnh, thì đây không phải là quốc gia duy nhất cung cấp các sản phẩm bị nhiễm các chất cấm. Trung Quốc, Pháp và Ý cũng nằm trong danh sách các nước xuất khẩu thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn của Úc.

Theo phân tích từ các báo cáo, thì từ năm 2010 có khoảng 1.050 loại thực phẩm không đạt chuẩn, với khoảng 400 loại bị chận lại tại biên giới vì sự hiện diện của các vi khuẩn như E.coli. Một số khác chứa các chất phụ gia hay ô nhiễm bị cấm, hoặc là không vượt qua được các xét nghiệm hóa học.

Thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là kém nhất, ít vượt được các xét nghiệm theo tiêu chuẩn Úc, tiếp đó là các sản phẩm từ Ấn Độ, Ý, Nhật, Hàn Quốc và Pháp.

Các chuyên gia cho rằng chất kháng sinh dù dư lượng rất thấp cũng có thể dẫn đến việc vi khuẩn tăng dần sức đề kháng, kể cả đối với cá và với người. Ông Peter Collignon, trường đại học quốc gia Úc nói với tờ Melbourne Age : « Nếu vào đến ruột, kháng sinh có thể tác động đến các vi khuẩn có sẵn trong ruột bạn, khiến các vi khuẩn này trở nên nhạy cảm trong việc đề kháng với kháng sinh ».

tags: Châu Á - Thực phẩm - Úc - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120530-uc-ca-nhap-khau-tu-chau-a-co-chat-khang-sinh-bi-cam-su-dung
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.