mercredi 16 mai 2012

Bóng ma nguyên tử ở Fukushima

Bài đăng : Thứ ba 15 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 15 Tháng Năm 2012 
 
Nhật báo Libération hôm nay 15/05/2012 đề cập đến « Fukushima, những bóng ma nguyên tử ». Trong lúc Nhật Bản vừa cho ngưng chạy lò phản ứng cuối cùng trong số 50 lò tại nước này, người dân ở khu vực xảy ra thảm họa luôn sống trong nỗi lo sợ bị nhiễm xạ. Công tác giải độc với quy mô khổng lồ đang được tiến hành.

Đặc phái viên của tờ báo tại Fukushima mô tả lại cảnh những xe ben, xe cần cẩu tấp nập làm việc tại thành phố này. Đất nhiễm độc ở khu vực cách nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn 60 km không thể bị tiêu hủy hay mang đi nơi khác. Xe ben đào đất lên, đổ vào xe tải, rồi mang chôn tại một hố sâu khổng lồ sẽ được lấp lại ngay trong ngày.

Tất cả ưu tiên cho việc tẩy độc, nhưng không dễ dàng. Một viên chức của làng Kawamata, nằm cách nhà máy 40 km, cho biết : « Diện tích bị nhiễm độc rộng bao la, và tại khu rừng phía chân núi, do nước mưa chảy từ sườn núi xuống nên mười ngày sau khi xử lý mức độ nhiễm xạ trong đất lại y như xưa. Chúng tôi thử dùng sỏi, trồng hướng dương…và cầu nguyện Thượng đế phù hộ mà thôi ! ».

Xung quanh Kawamata, dọc theo con lộ 144 chỉ còn những xóm làng, đồng ruộng bỏ hoang, dân chúng đã tản cư gần hết. Một số rất ít nông dân còn bám trụ vì không nỡ bỏ đàn súc vật bị chết đói. Còn ở thành phố duyên hải Minamisoma chỉ cách nhà máy điện 20 km, các học sinh trung học ở đây mỗi ngày đều phải thay phiên nhau đo mức độ nhiễm xạ. Cả 1.200 trường học tại toàn vùng Fukushima được trang bị máy đo phóng xạ hết sức hiện đại, và Bộ Giáo dục ở Tokyo hàng ngày đều cập nhật kịp thời. Làng Namie nằm gần nơi xảy ra thảm họa nhất thì đã trở thành một vùng đất chết.

Một viên chức phụ trách chương trình di tản cho biết, số 73.000 người sống trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy điện Fukushima đã đi sơ tán, biết rằng họ sẽ không có ngày trở lại, và nhiều người đã không chịu nổi cú sốc. Người ta ước tính tại Fukushima, khoảng 600 người còn ở lại, đa số là người già, đã tử vong vì hậu quả gián tiếp của thảm họa : kiệt lực, đau ốm hay tự tử.

Tại Iwaki, thành phố có 300.000 dân nằm cách lò phản ứng 40 km, thì thời gian đã dừng lại vào ngày 11/03/2011 khi sóng thần tràn vào, nhiều ngư dân đã mất tích. Ở cảng nhỏ Hisanohama, những ngư dân còn sống sót giết thời gian bằng cách sửa sang những con tàu mà họ biết rằng sẽ không bao giờ còn được hạ thủy, vì việc đánh cá đã bị cấm tại vùng biển bị nhiễm độc.

Ngày 10/5, chính phủ Nhật đã quốc hữu hóa tập đoàn Tepco sắp phá sản, nhờ đó có thể bồi thường cho các nạn nhân số tiền 5.000 tỉ yen, tương đương 48,3 tỉ euro. Nhưng đối với các ngư dân Hisanohama, cũng như những người đã mất hết mọi thứ sau thảm họa, đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi mà thôi.

Kim Jong Un và các công viên giải trí ở Bình Nhưỡng

Cũng về châu Á, Le Monde nói đến « Đam mê của Kim Jong Un về các công viên giải trí ». Tờ báo cho biết tại thủ đô Bình Nhưỡng, tủ kính của chế độ Bắc Triều Tiên, hiện có ba công viên giải trí với đủ loại trò chơi.

Theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, thì tân lãnh tụ đã nặng lời trách mắng những người có trách nhiệm của công viên giải trí Mangyong ở Bình Nhưỡng là để công viên này ở tình trạng tệ hại : nước sơn bị tróc, những mảng trang trí xuống cấp … Kim Jong Un cho đây là « ý thức phục vụ nhân dân ở mức dưới số không ».

Tác giả bài báo nhận xét, hiếm khi KCNA lại đưa tin về những phê phán của lãnh đạo, và cũng là lần đầu tiên lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un đưa ra các chỉ trích được báo chí nhà nước thông tin rộng rãi. Theo các chuyên gia ở Seoul, thì đó là nhằm mang lại hình ảnh một Kim Jong Un gần gũi với dân và quan tâm đến lợi ích của người dân. Sự kiện này diễn ra sau khi trong một hội nghị của đảng Lao động, Kim Jong Un đã yêu cầu phải có một « kế hoạch tổng thể » về tái bố trí nông nghiệp nhằm cải thiện điều kiện sống của dân chúng.
Le Monde cho biết, công viên Mangyong trên đây đã được xây dựng cách đây khoảng ba chục năm, còn một công viên khác là Taesongan nằm gần sở thú Bình Nhưỡng về phía ngoại ô cũng đã cũ. Ngược lại công viên thứ ba là Kaeson mới mở năm 2010 gần trung tâm thành phố, thì siêu hiện đại.

Được những người ngoại quốc sống ở Bình Nhưỡng mệnh danh là « công viên Ý » vì đa số thiết bị nhập từ Ý, Kaeson có thể sánh vai với các công viên khác trên thế giới, từ đu quay, cầu tuột cho đến nhiều trò chơi mới mẻ, phòng game… Đây là nơi chốn bất ngờ nhất của thủ đô Bắc Triều Tiên, và một công viên quy mô khác đang được xây dựng ở đảo Rungna cũng tại Bình Nhưỡng.

Le Monde nhận xét, việc quốc tế hóa các công viên giải trí tại thủ đô là một trong những định hướng gần đây của chế độ Bắc Triều Tiên, song song với một sự mở cửa tương đối với nước ngoài. Những người tị nạn Bắc Triều Tiên đến được Hàn Quốc trong năm 2010 và 2011 cũng cho biết, người dân Bắc Triều Tiên đã biết được nhiều thông tin về thế giới bên ngoài hơn so với trước đây. Đó là nhờ các dĩa DVD, các USB được lén lút lưu truyền, hay điện thoại di động của Trung Quốc cũng được lén sử dụng dù bị cấm. Riêng internet thì chỉ có giai cấp ưu đãi mới được quyền dùng.

Ngoại giao Trung Quốc : Hoàn toàn thực dụng

Nhìn sang Bắc Kinh, trên mục diễn đàn của La Croix, một giáo sư đã bàn về « Trung Quốc và những quan hệ quốc tế mới ». Tác giả nêu lên sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Bắc Kinh trong dịp đối thoại chiến lược Mỹ - Trung, đúng lúc luật sư mù Trần Quang Thành đào thoát được vào đại sứ quán Mỹ, và cho rằng, các xung đột thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

Bài viết cho rằng lịch sử quan hệ quốc tế của Trung Quốc khác hẳn so với phương Tây. Bắc Kinh không quan tâm mấy đến những gì mà các nước phương Tây coi là sứ mệnh, mà các hoạt động ngoại giao chủ yếu mang tính thực dụng : đảm bảo các nguồn cung ứng, phô trương mô hình của mình, củng cố các phương diện nhạy cảm nhất của nền chính trị ù lì.

Trung Quốc chỉ tham gia vào các vấn đề quốc tế khi thấy có lợi ích trước mắt, còn nếu không thì im lặng hay vắng mặt, chẳng hạn như cuộc xung đột Israel – Palestine, Afghanistan…Ngược lại nếu đề cập đến nhân quyền tại Trung Quốc, chế độ chính trị…thì Bắc Kinh phản ứng ngay. Tác giả đặt câu hỏi, phải chăng đây là một kiểu cách quan hệ quốc tế mới ?

Không dự G8: Putin chơi xỏ Obama

Về quan hệ Nga – Mỹ, Le Figaro nhận định, sự vắng mặt của ông Vladimir Putin tại hội nghị G8 cho thấy hai cường quốc này vẫn khó xích gần lại với nhau.

Cái tin ông Putin không tham gia hội nghị G8 được loan báo vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự ủng hộ hôn nhân đồng tính, nên ít được báo chí Mỹ chú ý, và Nhà Trắng cũng làm mọi cách để giảm thiểu tầm cỡ của nó. Việc Nhà Trắng dời địa điểm hội nghị sang Trại David thay cho Chicago, vì Putin không muốn đến nơi có hội nghị thượng đỉnh NATO, cũng đã không làm điện Kremlin thay đổi ý kiến.

Chuyên gia Nadia Diuk của National Endowment for Democracy cho biết không hề ngạc nhiên trước thái độ của Tổng thống Nga. Chính sách ngoại giao của Putin chú trọng mặt nội bộ hơn, trong khi ông ta đã liên tục có những phát biểu chống Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử. Đối mặt với những tố cáo gian lận bầu cử, Matxcơva ngày càng nói nhiều đến « thế lực thù địch bên ngoài ». 

Một chuyên gia khác là Fiona Hill của Brookings Institution cũng nhận xét: "Đối với Putin thì G8 không hẳn là ưu tiên, và quan hệ với Hoa Kỳ cũng thế. Hội nghị G20 thuận lợi hơn, vì Tổng thống Nga được xem là lãnh tụ không chính thức của các quốc gia mới trỗi dậy". Theo bà thì quyết định trên đây của Putin phù hợp với phong cách của ông ta là buộc mọi người phải ở thế phòng vệ, và tỏ ra nhập nhằng để khó có ai đoán được ý định.

Theo nhiều chuyên gia, thì việc Putin từ chối tham dự G8 cho thấy những khó khăn trong việc Nga – Mỹ xích lại gần nhau. Chuyên gia Andrew Kuchin thuộc CSIS nhận định, sự vắng mặt của ông Putin chứng tỏ việc tái thiết lập quan hệ thân thiện hơn giữa hai nước là khá nhạy cảm, và đã vũ trang thêm cho phe Cộng hòa vốn đang lên án ông Obama là quá nhu nhược trước Matxcơva.

Những hồ sơ đang chờ đợi tân Tổng thống : Tựa chính báo Pháp

Hôm nay nhân dịp chính thức chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Nicolas Sarkozy cho Tổng thống mới đắc cử là François Hollande, các báo Paris đều dành tựa chính cho sự kiện này. Le Monde đưa tựa trang nhất « Hollande vào điện Elysée : Những mong đợi của người Pháp ». Nhật báo công giáo La Croix phân tích « Những gì đang chờ đợi ông Hollande, và những gì mà ông Sarkozy lưu lại ». Tờ báo cộng sản L’Humanité kể ra : chính sách xã hội, châu Âu, hưu bổng, dịch vụ công – « Hollande đối diện với bốn hồ sơ nóng bỏng ». Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « Chính phủ : Sự chọn lựa đau đầu » và đặt câu hỏi, giữa nam với nữ, lớp trẻ và kỳ cựu, những ai sẽ có mặt trong danh sách nội các ngày mai ?

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến « Nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng euro làm thị trường lo sợ ». Còn tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét « Châu Âu đang toan tính bỏ rơi Hy Lạp ».

Tình hình chính trị Hy Lạp đang đi vào ngõ cụt càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng, và khiến thị trường tài chính sút giảm. Những người có trách nhiệm của các nước châu Âu đang bất đồng trước giả thiết Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro.

tags: Châu Á - Fukushima - Nguyên tử - Nhật Bản - Phóng xạ - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120515-bong-ma-nguyen-tu-o-fukushima
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.