vendredi 18 mai 2012

Trung Quốc, cường quốc quân sự thứ nhì thế giới hiện đại hóa bằng kỹ thuật phương Tây


Khu trục hạm Hải Khẩu 171 trang bị hỏa tiễn phòng không.
(AFP 18/05/2012) Chiếm hữu kỹ thuật phương Tây, gián điệp tin học và triển khai nhiều loại hỏa tiễn để chặn mọi xâm nhập vùng duyên hải : việc tăng cường quân sự của Trung Quốc tiếp tục với nhịp độ cao. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trước Quốc hội được công bố hôm nay 18/05/2012 đã khẳng định như trên.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong bản báo cáo trên cho biết, ngân sách quân sự của Trung Quốc – cường quốc quân sự thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ -  năm 2012 về mặt chính thức là 106 tỉ đô la, tăng 11,2%. Nhưng ngân sách này không tính đến nhiều khoản chi khác, nhất là chi phí hiện đại hóa các loại vũ khí nguyên tử, hay để mua vũ khí từ nước ngoài. Chi phí quân sự của Trung Quốc trên thực tế, theo Lầu Năm Góc, lên đến khoảng 120 đến 180 tỉ đô la.

Bản báo cáo khẳng định : « Trung Quốc theo đuổi một chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội dài hạn », nhằm giành được chiến thắng trong các cuộc xung đột khu vực hay « các hoạt động tập trung cao độ trong thời gian ngắn ». Trường hợp Đài Loan và sự ủng hộ đảo quốc « ly khai » này của Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của chiến lược quân sự Trung Quốc.

Để đạt được mục đích, Bắc Kinh tìm cách chiếm hữu nhiều kỹ thuật hiện đại của phương Tây vừa có thể sử dụng trong dân sự vừa nhằm mục đích quân sự. Lầu Năm Góc nhận định, « thủ lợi từ việc chiếm hữu được một cách hợp pháp hay bất hợp pháp, các kỹ thuật dùng cho cả dân sự và quân sự, hay có liên quan đến quân sự » là một « mục tiêu an ninh quốc gia được Bắc Kinh phô ra rất rõ».

Quân đội Mỹ lo ngại điều này « mang lại lợi ích quan trọng cho năng lực quân sự » Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng e ngại trước việc chuyển giao kỹ thuật trong kỹ nghệ hàng không dân dụng, chẳng hạn tập đoàn châu Âu Airbus có dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc. David Helvey, viên chức cao cấp phụ trách về châu Á của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với các nhà báo : « Chúng tôi lưu tâm đến các đầu tư của Trung Quốc nhằm cải thiện công nghiệp quốc phòng, và khả năng bắt chước hàng loạt các thiết bị quân sự ».

Trung Quốc cũng thường xuyên dùng đến gián điệp công nghiệp nhằm mục đích quân sự, với sự tham gia của các cơ quan tình báo lẫn các viện nghiên cứu, các công ty tư nhân. Báo cáo tố giác « Các điệp viên Trung Quốc thuộc loại năng động nhất và ngoan cố nhất trong lãnh vực tình báo kinh tế », đồng thời cũng lên án gián điệp mạng Trung Quốc. Theo ông Helvey, thì Bắc Kinh cũng có thể sử dụng internet vào các « hoạt động tấn công ».

Ngoài ra quân đội Trung Quốc còn triển khai khả năng được gọi là « chống xâm nhập » nhằm đẩy lùi tất cả các mối đe dọa từ ngoài khơi các vùng duyên hải, nhờ một hệ thống tên lửa, mà Hải quân và không quân Mỹ bị đặt trong tầm ngắm.

Quân đội Trung Quốc được thúc đẩy phải hiện đại hóa và chuẩn bị triển khai hàng không mẫu hạm đầu tiên trong năm 2012, tiếp theo loại máy bay tàng hình J-20, hỏa tiễn đạn đạo chống hạm được gọi là « sát thủ hàng không mẫu hạm » - chiếc DF-21D có tầm bắn trên 1.500 km.

Báo cáo nêu rõ : « Trung Quốc làm chủ kỹ thuật và triển khai ngày càng nhiều các hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, nhằm gia tăng tầm bắn, qua đó có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên đất liền hay trên biển, trong đó có các hàng không mẫu hạm hoạt động ngoài xa bờ biển Trung Quốc ». Bắc Kinh cũng có từ 75 đến 100 tên lửa có tầm bắn lên đến 3.000 km, và từ 1.000 đến 1.200 tên lửa tầm bắn đến 1.000 km.

Để tránh tình hình một ngày nào đó có thể xấu đi do một « sự hiểu lầm », Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ muốn tiến hành các cuộc đối thoại càng chặt chẽ càng tốt với các lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Vào đầu tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã được Lầu Năm Góc tiếp đón lần đầu tiên kể từ chín năm qua.

Sau đây là các phương tiện quân sự chủ yếu của Trung Quốc, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ :

Ø     Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình :

Bắc Kinh sở hữu từ 50 đến 75 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử (ICBM) có tầm bắn trên 5.500 km, và 5 đến 20 hỏa tiễn đạn đạn đạo tầm trung (3.000 đến 5.500 km).

Quân đội « có được một số lượng quan trọng tên lửa hành trình rất chính xác, sản xuất tại Trung Quốc ».

Trung Quốc đã triển khai từ 1.000 đến 1.200 tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến 3.000 km cho một đơn vị đóng đối diện với Đài Loan, và từ 200 đến 500 tên lửa hành trình địa – địa có tầm bắn trên 1.500 km.

Bắc Kinh còn có 75 đến 100 tên lửa đạn đạo tầm bắn đến 3.000 km, và hoàn chỉnh một hỏa tiễn chống hạm tầm xa mới, nhằm chống lại mối đe dọa của các hàng không mẫu hạm Mỹ.

Ø     Hải quân :

Hải quân Trung Quốc có hai tàu ngầm nguyên tử lớp Jin trang bị hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân chiến lược, năm tàu ngầm nguyên tử tấn công, 48 tàu ngầm diesel. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, phụ trách các hoạt động huấn luyện.

Ngoài ra còn có 79 chiến hạm, 51 tàu vận chuyển lưỡng dụng, 86 tàu tuần tiễu có thể phóng hỏa tiễn, trên 50.000 đơn vị thủy lôi.

Ø     Không quân :

Không quân Trung Quốc có 1.570 máy bay tiêm kích, 550 máy bay ném bom và chiến đấu cơ. Có 490 chiếc trong số đó có thể bay thẳng đến Đài Loan không cần tiếp nhiên liệu trên không. Trung Quốc cũng tiếp tục hoàn thiện loại máy bay tàng hình đầu tiên J-20.

Bắc Kinh còn có 300 máy bay vận chuyển, và « trên 100 » phi cơ thám thính, giám sát. Năng lực phòng không của Trung Quốc « là một trong những lực lượng phòng không mạnh nhất thế giới », đặc biệt là nhờ có được nhiều tên lửa phòng không S-300 của Nga.

Ø     Lục quân :

Là trung tâm của quân đội Trung Quốc, lực lượng bộ binh có 1.250.000 quân, trong đó có 400.000 quân đang trú đóng đối diện với Đài Loan. Lục quân cũng sở hữu 7.000 xe tăng, 8.000 đơn vị pháo binh và một loại trực thăng chiến đấu mới Z-10 do Trung Quốc sản xuất.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.