Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011
Tuần qua, một chuyên gia Áo đã lên tiếng báo động là một hồ trữ bùn đỏ độc hại ở bên bờ sông Danube đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giáo sư Karl E.Lorber, cố vấn chính phủ Áo về môi trường, cho rằng hồ trữ bùn được xây theo kỹ thuật lạc hậu và nhất thiết phải được hiện đại hoá.
Thảm kịch sinh thái lớn nhất trong lịch sử Hungary
Cách đây một năm, vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 04/10/2010, một trong số mười bể chứa bùn đỏ của nhà máy luyện bauxite trực thuộc tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) đã bị tràn bùn tại khoảng giữa TP Ajka và làng Kolontár, tạo nên một cơn lũ bùn đỏ ào xuống 3 vùng dân cư từ độ cao 20-25m.
Theo các con số thống kê, đã có chừng 1m3 (chừng 1,876 triệu tấn) dung dịch chứa bùn đỏ với nồng độ kiềm rất đậm đặc đã tàn phá và gây nên thiệt hại khủng khiếp về người và của. 10 người thiệt mạng, 120 người phải vào viện cấp cứu vì bỏng nặng, một phần đáng kể hệ thống sinh thái những vùng mà lũ bùn đỏ đi qua cũng bị hủy hoại, thiệt hại ước tính lên tới 10 tỉ Ft.
Chỉ ít ngày sau khi thảm họa xảy ra, Tập đoàn Nhôm Hungary đã bị đặt dưới sự quản lý và giám sát của nhà nước và trạng thái này chỉ được chấm dứt vào ngày 30/6 năm nay. Có tới 30 vụ kiện dân sự đã được tiến hành đối với MAL Zrt. đòi bồi thường với tổng trị giá 6 tỉ Ft - gần đây nhất, doanh nghiệp này đã bị tuyên phạt khoản tiền kỷ lục 135 tỉ Ft với tội danh “tàn phá thiên nhiên” trong vụ bùn đỏ.
Cục Ðiều tra Quốc gia Hungary cũng đã mở cuộc điều tra hình sự để truy tìm các thủ phạm trong tai nạn và cho tới nay vụ án đã có 15 nghi can, trong đó có Tổng giám đốc MAL Zrt. Bákonyi Zoltán, người từng bị bắt tạm giam trong những ngày đầu. Một ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội cũng đã được thành lập để tìm hiểu lý do và trách nhiệm trong thảm kịch tràn bùn.
Nguyên nhân vẫn chưa được sáng tỏ
Cho dù vào cuối tháng 10, ủy ban này sẽ công bố báo cáo tổng kết, nhưng cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa trả lời được câu hỏi, tại sao vách ngăn bùn đỏ tại bể chứa số 10 của MAL Zrt. lại bị bể. Về phần MAL Zrt., doanh nghiệp nay, đến nay, vẫn khẳng định là họ đã làm tất cả để tai nạn không xảy ra, và cho rằng thảm kịch bùn đỏ là một sự cố ngoài ý muốn, không thể tính trước được.
Nhắc lại, vách chắn bùn đỏ tại TP Ajka - có độ dày 40-50m, những nơi dày nhất là 65m – từng được Tổng giám đốc MAL Zrt. Bákonyi Zoltán gọi với cái tên “là biểu tượng, là định nghĩa của sức mạnh” khi ông này nhấn mạnh rằng, việc nó bị vỡ tại bể chứa số 10 định mệnh là điều “đi ngược lại mọi định luật vật lý”.
Nhiều ý kiến cho rằng, thảm họa sinh thái xảy ra tại Hungary là kết quả của một chuỗi những rủi ro, trong đó có nguyên nhân kỹ thuật và yếu tố con người. Bùn đỏ đã không bị coi là rác thải nguy hiểm và vấn đề môi trường đã không được cả doanh nghiệp lẫn nhà chức trách để tâm đúng mức. Bể chứa bùn đỏ được xây dựng gần khu dân cư, ở vùng có cấu trúc đất không thật bền vững.
Lượng dung dịch chứa trong bể gấp nhiều lần mức cho phép và doanh nghiệp đã không xây các lớp vách bảo hộ, đề phòng bể chứa bị tràn. Nồng độ kiềm trong dung dịch bùn đỏ cũng cao hơn mức cho phép rất nhiều. Bên cạnh đó, trước khi tai nạn xảy ra, MAL Zrt. đã không nghĩ đến việc chuyển sang công nghệ thải bùn khô, an toàn và đảm bảo hơn về mặt môi sinh.
Sự nguy hiểm của công nghệ chế biến bauxite
Truyền thông Hungary đã nhiều lần bình luận, bản chất vấn đề ở đây, bên cạnh yếu tố kỹ thuật và con người, có lẽ là bởi chính quá trình sản xuất và chế biến từ bauxite ra alumin, cũng như công nghệ cất giữ bùn đỏ - với trình độ và khả năng kỹ thuật hiện tại - luôn hàm chứa những hiểm họa khôn lường cho tính mạng con người và hệ sinh thái.
Đó là còn chưa nói tới chuyện, tầm nhìn đương thời - cả trên bình diện chính sách, quản lý lẫn khoa học - vẫn chưa thể vượt quá được tầm thời gian 40-50 năm, những nguy hại khôn lường của bùn đỏ và chất thải công nghiệp còn đó, không ai dám đoan chắc được tương lai. Ðây là lý do mà sau khi tai nạn xảy ra, không ít ý kiến trong công luận Hungary đề xuất việc đình chỉ hoàn toàn chế biến bauxite.
Là có lẽ, đây cũng là nguyên nhân khiến các tổ chức và chuyên gia hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của các bể chứa bùn đỏ đang hoạt động, mà họ còn lưu ý đến những hiểm họa sinh thái có thể xảy ra đối với những vùng hồ chứa đã hoàn thổ, sau khi việc chế biến quặng bauxite và alumin đã chấm dứt.
Gần đây nhất, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) và giáo sư người Áo Karl E. Lorber, một chuyên gia trên lĩnh vực xử lý rác thải đã đưa ra những ý kiến quan ngại liên quan tới bể chứa số 7 tại vùng Almásfüzitő. Theo họ, việc chuyên chở, chứa và ủ rác thải nguy hiểm cũng như không nguy hiểm trong bể chứa bùn đỏ ở Almásfüzitő là đáng lo ngại, vì công nghệ này đã lỗi thời.
Hơn thế nữa, do không được cách ly với bên ngoài nên những chất độc hại trong bể sẽ ngấm xuống nước ngầm và có thể gây ô nhiễm trầm trọng dòng sông Danube ở ngay sát cạnh. Cần biết, bể chứa này có diện tích 1km2 và vách chắn của nó chính là đê chống lũ của sông Danube.
Thông tin đáng ngại nói trên được đưa ra từ cuối tháng 9 và nhắc lại nhiều lần trong nửa tháng qua, càng gây nên sự lo lắng về mặt môi trường, nhân 1 năm sự cố tràn bùn ở Hungary!
Vấn đề hoàn thổ
Ðể hiểu rõ hơn về vấn đề đang bàn, cần nói thêm rằng với thời gian, đã có ít nhất 50 triệu tấn bùn đỏ tích tụ lại trong quá trình chế biến quặng bauxite ở Hungary, trong số đó, vùng Almásfüzitő chứa hơn 12 triệu tấn bùn đỏ trong 7 bể tại một diện tích gần 200 héc-ta, ngay cạnh con sông Danube. Trong các bể chứa này, bùn đỏ chỉ được lưu giữ chứ không xử lý, nên chúng luôn là những trái bom hẹn giờ đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân.
Tại Almásfüzitő, trong thời gian 1950-1997 từng vận hành một nhà máy alumin thuộc hàng lớn nhất nhì Hungary và cả vùng Trung Âu, vào thời hoàng kim từng là nơi làm việc của 2.300 nhân công trong khu vực. 11 năm trước khi nhà máy này đóng cửa, công việc hoàn thổ mảnh đất được coi là hết sức giá trị này đã bắt đầu được thực hiện.
Hoàn thổ được định nghĩa là việc đưa mặt đất bị biến đổi sau quá trình khai thác về trạng thái gần như nguyên thủy với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Theo nghĩa đó, sự hoàn thổ ở vùng Almásfüzitő đã được tiến hành từ 25 năm nay - hiện tại, đang ở bước cuối với sự hoàn thổ bể chứa số 7, khởi đầu từ năm 1996, và có thể còn kéo dài 5-7 năm.
Không những thế, sau khi hoàn thành việc phủ kín các bể chứa bùn đỏ, doanh nghiệp còn có bổn phận kiểm tra chúng trong vòng 30 năm: nếu nhận ra bất cứ sự bất thường gì trong chất lượng và thành phần của nước và không khí, họ phải lập tức có biện pháp. Như vậy, trên nguyên tắc, thảm sinh học trên mảnh đất đã được khai thác có thể được hoàn trả với tỉ lệ cao.
Riêng trong trường hợp bể chứa số 7 ở Almásfüzitő, doanh nghiệp phụ trách ở đây (Tatai Zrt.) được phép ủ 161 loại rác thải nguy hiểm cũng như một số loại rác thải không nguy hiểm khác, và họ đã thực hiện công nghệ ủ đó ngay trên lớp bùn đỏ đã khô trong bể - đây là điều khiến các tổ chức và chuyên gia bảo vệ môi trường tỏ ra quan ngại trong những ngày qua.
Tuy nhiên, trái với khẳng định của tổ chức Greenpeace, theo Tatai Zrt., công nghệ ủ mà họ thực hiện hoàn toàn tuân thủ mọi yêu cầu về mặt kỹ thuật, và rác thải (nguy hiểm và không nguy hiểm) sau khi được ủ tạo thành một lớp che trên mặt bùn đỏ, ngăn chặn việc bụi bùn đỏ bị gió cuốn gây hại cho môi trường và hệ hô hấp con người.
Ngoài ra, Tatai Zrt. cũng nhấn mạnh rằng, trái với trường hợp bể chứa số 10 ở TP Ajka vào năm ngoái, bể bứa số 7 tại Almásfüzitő không thể bị tràn vì bùn đỏ ở đây hoàn toàn khô, thậm chí có thể đi lại được trên bề mặt. Vách chắn của bể - đồng thời cũng là đê chống lũ của sông Danube chảy qua vùng - cũng được xây rất cao (ngay trong “cơn lũ thế kỷ” lần gần đây nhất cũng vẫn cao hơn mực nước Danube 2m), nên không sợ khả năng nước tràn.
Cả doanh nghiệp lẫn chính quyền đều cho hay, tại Almásfüzitő, mọi công nghệ và biện pháp kỹ thuật, cũng như trạng thái bể chứa đều được kiểm tra nghiêm ngặt và mọi quy trình đều được thực thi đúng với yêu cầu kỹ thuật và luật định. Tuy nhiên, đường như đây cũng là điều đã diễn ra đối với bể chứa số 10 ở TP Ajka, trước khi nó bị vỡ vách chắn, gây nên thảm họa sinh thái trong năm ngoái.
Như vậy, trong một vấn đề mà hậu quả có thể không lường trước nổi như chế biến quặng bauxite và xử lý bùn đỏ, mọi quan ngại đều phải được nghiêm túc xem xét ...