mercredi 18 décembre 2024

Phúc Lai - Vài nét về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 18/12/2024

1. Đầu tiên, tôi muốn nói về khó khăn của Ukraine trong thời gian qua, ít nhất là trong vài tuần trở lại đây xung quanh hướng chung Pokrovsk và Kurakhove.

Sáng sớm hôm nay trên Báo Mới dẫn một bài nào đó, nói về việc ở Kurakhove có 700 quân Ukraine đang bị vây hay sắp bị vây gì đó. Điều này khó đánh giá được đúng sai, vì tất cả chúng ta đều nghe tin nguy ngập, ngay cả các tài khoản mạng xã hội nguồn Ukraine cũng viết là rất khó khăn và việc bị vây là có thể.

Trong buổi tọa đàm mới đây, chúng tôi cũng nói đến khả năng này và việc Bộ chỉ huy Ukraine thay thế chỉ huy (chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm chung Donetsk, Oleksandr Lutsenko, đã bị cách chức và thay thế bằng chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi). Anh Q từ Kyiv cũng nói về một khía cạnh bị phàn nàn nhiều trong quân đội Ukraine, là cách chỉ huy rặt lính tẩy, theo kiểu xô-viết ngày xưa.

Bản thân việc phía Ukraine có khó khăn về nhân lực, cũng là điều tôi đã viết và phân tích: Họ cũng có vấn đề nghiêm trọng về nhân khẩu học, do vậy việc hạ độ tuổi gọi phục vụ trong lực lượng vũ trang là không đơn giản. Vì hạ khoảng 3 tuổi nữa là đúng khoảng trống mênh mông, không giải quyết được vấn đề. Có một thành viên tham gia thảo luận nhắc: Chính Zelenskyy nói: Nếu không trang bị đủ vũ khí thì có hạ nữa cũng chỉ tốn tiền trả lương. Logic là ở chỗ đó.

Vấn đề là, tất cả các kênh truyền thông từ mạng xã hội đến “chính thống” nhưng chắc chắn là do Nga thao túng, đang mô tả tình trạng này trong một mạch logic riêng. Đó là:

+ Ukraine thiếu nhân lực trầm trọng.

+ Tinh thần nhân dân và binh sĩ xuống thê thảm, chỉ muốn bỏ tiền tuyến đi về.

+ Tình trạng đào ngũ nhiều vô kể, cứ như là tan rã đến nơi.

+ Tình trạng vũ khí cạn kiệt.

Tất cả các yếu tố này thậm chí, còn được thể hiện ra trên các phương tiện truyền thông xứ phía đông nước Lào còn mạnh mẽ, nhiệt thành hơn cả truyền thông Nga. Nôm na là, truyền thông chính thống Nga nói một, mạng xã hội tuyên truyền cho Nga nói thêm một nữa là hai, và BMZ thì lấy cả hai, thêm mắm muối mô tả thành ba, bốn, năm, sáu… thật đúng là BMZ, không thể khác.

Sự thật là, chẳng hạn ở hướng Pokrovsk chẳng hạn, khó khăn về nhân lực từ góc độ tổng thể của Ukraine (từ góc độ này, Nga cũng khó khăn như vậy) là có. Nhưng ở hướng Pokrovsk là hết sức đặc thù, cá biệt, như trên đây tôi đã báo cáo theo ý kiến của những người “gần như trong cuộc”.

Còn liên quan đến cách chỉ huy theo kiểu xô-viết, dẫn đến những chuyện kiểu như, không phải là không có lực lượng nhưng do cứng nhắc, các đơn vị không được luân chuyển đúng lúc dẫn đến sự quá tải – điều này đã được các chuyên gia quân sự nước ngoài báo cáo từ lâu chứ không phải đến hiện tại mới được bộc lộ ra. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Ukraine trong cuộc chiến này, là không kiên quyết giữ đất bằng mọi giá, nếu cần thì rút, sau khi tiêu hao của Nga những nguồn lực đáng kể về cả khí tài lẫn nhân lực.

Trong bản tổng kết các sự kiện trong tuần của Mick Ryan, ông này viết “chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm chung Donetsk, Oleksandr Lutsenko, đã bị cách chức” do để cho quân Nga tiến nhanh ở Pokrovsk, theo tôi là không sát với thực tế. Ông này bị cách chức vì cách chỉ huy cứng nhắc chứ không phải là do để Nga chiếm được một số diện tích đất nào đó. Hoặc nói cách khác để cho Nga tiến lên được có thể là vấn đề, nhưng nó không phải là vấn đề cơ bản, mà người chỉ huy Ukraine phải bảo toàn được lực lượng là trên hết.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng, khó khăn về nhân lực đối với phía Ukraine là khó khăn từ đầu, chứ không phải đến bây giờ nó mới là khó khăn. Chẳng hạn những ngày đầu của cuộc chiến (ví dụ này tôi cũng nhắc trong buổi thảo luận), cái bọn Nga này tràn sang Ukraine đến 190.000 quân là tối thiểu, cho đến những nguồn khác cho rằng chỉ sau ngày 24/02/2022, quân số của Nga ở Ukraine nhanh chóng vọt lên trên 225.000 người. 

Và “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga được lên kế hoạch dựa trên thông tin tình báo cho biết: Ukraine có tối đa 90.000 người trong Lực lượng vũ trang nói chung, hầu hết tập trung ở Donbas và gần như không có khả năng huy động thêm quân mới. Điều này thực chất không hề xa với sự thật cho lắm, vì thế yếu tố quân số chưa bao giờ là thế mạnh của phía Ukraine.

Tôi cũng đã phân tích hầu quý vị về vấn đề đào ngũ trong lực lượng vũ trang Ukraine hiện nay, với những thông tin công khai từ cơ quan công tố quân sự nước này, và đó là tỉ lệ cao. Đồng thời chỉ ra: Với người Ukraine thì cuộc chiến tranh này là nghĩa vụ quân sự, có tính chất bắt buộc với mọi công dân, trong khi với Nga thì là bọn ký hợp đồng chiến đấu, nghĩa là đi đánh thuê cho Putox.

Vì vậy, nếu phía Nga có 1 thằng trốn, nó nghiêm trọng hơn so với 100 người đào ngũ bên phía Ukraine nhiều. Vì nó thể hiện sự thối nát cùng cực của quân đội Nga, đến mức thằng vỡ nợ phải đi đánh nhau thuê, vẫn còn phải tuyệt vọng mà bỏ trốn. Khi đó kẻ đào tẩu nhận ra không có cơ hội nào mà nhận số tiền đó, thậm chí nếu thiệt mạng thì gia đình cũng bị quịt tiền một cách dễ dàng. BMZ thì không bao giờ phân tích những chỗ này, chúng lập lờ đánh lận con đen làm người đọc nhầm lẫn.

2. Vẫn liên quan đến BMZ, AP vừa mới đưa tin xong: “Vài trăm” quân Triều Tiên thiệt mạng khi đánh Ukraine giúp Nga.

Cụ thể, quân đội Triều Tiên được cho là đã chịu thương vong đáng kể khi chiến đấu cùng lực lượng Nga ở Kursk Oblast, Nga, theo hãng tin AP vào ngày 12/12. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng tỉ lệ thương vong cao phần lớn xuất phát từ việc quân đội Bắc Kim Chi thiếu kinh nghiệm chiến đấu, mặc dù không có con số chính xác nào được cung cấp.

Cuối tuần vừa rồi khi tọa đàm, tôi cung lưu ý cử tọa rằng đang có những thông tin về việc lính Bắc Kim Chi tham chiến ở hướng Pokrovsk, nhưng đến hôm nay lại không thấy nữa. Đúng là thời của thông tin nhiễu loạn, mong quý vị hết sức chú ý, đặc biệt là các KOL có nhiều người theo dõi, hết sức thận trọng. Chẳng hạn về thông tin này, nếu có thật sẽ dẫn đến việc chính quyền Biden cho phép Ukraine sử dụng ATACMS để bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga cả ở hướng đông, tức Donbas. Vì vậy nếu quan sát, sẽ thấy những nguồn tin “có vẻ thân Nga” thì lại rất rón rén với hướng tung tin này.

Trong một diễn biến khác, vụ ATACMS được sử dụng để tấn công vào sân bay Taganrog đã dẫn đến vụ tấn công bằng tên lửa và drone để trả thù. Vụ này cần được nhìn nhận dưới hai khía cạnh:

+ Thứ nhất. Vẫn câu chuyện cũ: Chúng rất sợ cả HIMARS lẫn ATACMS, và kết quả là đã tiêu diệt số lượng những giàn phóng bắn ra hai loại vũ khí này còn nhiều hơn số lượng được chuyển cho Ukraine vài lần.

+ Thứ hai. Nếu bị tấn công bằng những thứ này, chúng vô vọng trong chống lại… nhưng không phải thuần túy là bắn hạ nó, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy, chúng không bắn hạ được. Vô vọng ở đây là tôi muốn nói đến việc người Ukraine đã từng sử dụng HIMARS để phá tan đội hình của quân đội Nga về mặt hệ thống, đặc biệt là tổ chức hậu cần.

Vì vậy, chúng trả đũa bằng tên lửa. Về khía cạnh này, tôi sẽ xin phân tích trong mục sau, bây giờ xin quay lại với khu vực Kursk. Khá ngộ nghĩnh, lại vẫn báo chí xứ phía đông nước Lào mô tả: Ukraine đang sai lầm khi chỉ huy nước này thúc đẩy binh lính tiến lên hòng chiếm đất ở khu vực Kursk, dẫn đến việc binh lính của Ukraine ở Kursk sa sút tinh thần, chỉ muốn bỏ về nhà.

Tự nhiên đọc đến chỗ đó tôi tự hỏi, ơ thế đây đang là chiến dịch phản công của Nga chiếm lại Kursk, hay là chiến dịch phòng ngự của Nga chống lại kế hoạch chiếm đất của Ukraine? Nghe chúng nó mô tả thì giống người Ukraine vẫn đang tiếp tục thi hành chiến tranh xâm lược Nga ấy. Nhiều khi khen “shit Putox thơm” cũng phải có chút kiến thức và biết dùng cái đầu để suy nghĩ, chứ không nên coi cái đầu như củ cải.   

3. Trên đây tôi có nhắc đến vụ ATACMS nện sân bay Taganrog.

Các nguồn tin mang tính đại chúng đều mô tả cú nện vào sân bay này là nện vào lực lượng không quân Nga, dẫn đến việc suy giảm khả năng ném bom lượn của bọn này vào Ukraine. Suy đoán này không sai, nhưng bây giờ còn có những thông tin khác nữa cần xem xét. Taganrog cách chiến tuyến hiện nay khoảng 170 ki-lô-mét đường quạ bay (đo đến Pokrovsk chẳng hạn), vì vậy các máy bay Nga xuất phát từ đó đến thả bom lượn vào các vị trí của Ukraine trên đường tiếp xúc, là cực kỳ phù hợp với thực tế.

Căn cứ vào những bức ảnh chụp vụ tấn công trên mạng xã hội, cháy nổ rất to như thế có thể nói, suy đoán gần nhất là trúng vào kho… bom lượn. Nhưng còn có một điều nữa tôi cũng trao đổi với các bác trong buổi tọa đàm: Nga thường có truyền thống chất hàng hóa ở sân bay, như vụ kho đạn pháo của Nga ở sân bay Kherson bị tập kích bằng pháo binh và một số loại vũ khí khác đến… 16 lần. Vì vậy hậu quả của cú đánh này có thể không chỉ là bom, mà còn có nhiều thứ đạn dược khác.

Tại sao tôi lại suy đoán như thế? Liên quan đến cái đường tàu Rostov trên sông Đông-Mariupol đã đi vào hoạt động, và thậm chí bọn Nga này còn kéo dài nó để nối vào đường tàu cũ từ Crimea đi lên (hình minh họa). Và đây, vụ cơ quan tình báo quân sự Ukraine phối hợp với lực lượng pháo binh, sử dụng ATACMS đốt cháy đoàn tàu nhiên liệu 40 toa của bọn Nga này ở đâu đó tỉnh Zaporizhia, chính là trong bối cảnh của cái đường tàu này.

Như thế chúng ta cũng đã bắt đầu thấy được một số điểm: Thứ nhất, đường tàu đi vào hoạt động thực tế; và người Ukraine sẽ thêm nhiệm vụ phải gây khó khăn cho những hoạt động của nó; và hành động thực tế của người Ukraine chính là… đánh thẳng vào đoàn tàu. Chưa hết: Còn các đội du kích hoạt động trong khu vực này, nhiệm vụ của họ sẽ là chiếu cố các cây cầu đường sắt trên tuyến đường.

4. Về chiến lược hai bên

4.1. Chuyện đường tàu đã giúp chúng ta làm sáng tỏ một số điều. Chẳng hạn, cái cầu Kerch bây giờ Nga giữ chỉ làm biểu tượng, việc tiếp tế cho bán đảo Crimea đã phải chuyển qua cái đường tàu mới kia. Như vậy hành lang trên bộ nối Donbas với Crimea đã trở thành sống còn đối với chiến lược của chúng. Ồ, hóa ra điểm này lại làm sáng tỏ điểm khác: Tại sao chúng lại cố sống cố chết chiếm bằng được Pokrovsk: Trước đây là chiếm Vuhledar, bây giờ là đẩy xa chiến tuyến càng xa đường tàu, càng tốt.

Pokrovsk cách Mariupol 130 ki-lô-mét đường quạ bay, và đo đến tận Melitopol cũng chỉ già 200 ki-lô-mét một chút – như vậy tất cả dải đất này, tuy khá an toàn với HIMARS nhưng lại nằm trong tầm của ATACMS. Và chúng ta cũng cần nhớ rằng cả dải đất ven biển Azov này là lãnh thổ Ukraine, không bị cấm đoán gì cả. Chưa nói đến việc Taganrog là lãnh thổ Nga mà còn bị ATACMS hỏi thăm trong khi vẫn chưa có ý kiến gì từ bên kia đại dương…

Đến đây, chúng ta thấy tính rởm đời kiểu xô-viết của cái bọn chỉ huy Nga này: Vạch ra một mục tiêu nào đó, là phải cố chiếm bằng được có khi, chỉ do một lý luận rằng “Chiếm được Pokrovsk là tiền đề để đẩy xa chiến tuyến đảm bảo cho an toàn của lực lượng Nga khu vực nam Donetsk-Dnipropetrovsk-Zaporizhia.” Nhưng không ai nghĩ đến khía cạnh rằng, để đến lúc được an toàn như thế, chúng phải trả giá đến cả nghìn xe tăng và vài trăm nghìn mạng lính.

Cũng cần hình dung rõ tình thế như thế này: Trong điều kiện chưa an toàn đó, chúng vẫn cứ phải cố gắng tổ chức tấn công “cho ra cái vẻ còn mạnh”. Nghĩa là không đảm bảo rất nhiều yêu cầu: đủ pháo, đủ xe tăng, đủ hỗ trợ trên không, đủ ăn uống sưởi ấm cho lính… Cái gì cũng không đủ sẽ dẫn đến tổn thất cực kỳ nặng nề, mà vẫn cứ phải cố tấn công. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản của cái bọn quân đội thứ hai thế giới này.

Nói tiếp, và ngay cả trên khu vực nóng nhất của mặt trận ở thời điểm hiện tại, Nga đang khai thác hiệu quả điểm yếu của Ukraine là vấn đề chỉ huy kết hợp với nhân lực, và đánh đổi thiệt hại nghiêm trọng về nhân lực vì tất cả các chỉ số khác đều xuống rất thấp: xe tăng, pháo binh, không quân.

Chúng ta cũng cần hình dung rằng hiện tại khu vực nóng nhất, cũng chỉ chiếm từ 10 đến 15 % chiều dài của mặt trận, còn lại những khu vực khác tấn công của Nga mang tính quấy rối. Đến đây, chúng ta có thể đưa ra kết luận tạm về chiến lược của Nga.

+ Thứ nhất. Tiếp tục duy trì tình trạng xung đột quân sự trên tiền tuyến trong khả năng chừng nào bộ máy quân sự của chúng còn đáp ứng được, gặm nhấm được càng nhiều đất càng tốt và hiện nay là đảm bảo hành lang trên bộ nối Donbas với Crimea. Vì vậy chúng sẽ phải đẩy quân Ukraine ra càng xa bờ biển Azov càng tốt. Đây có lẽ đang được đưa lên thành mục tiêu sống còn của chúng trong thời gian này và tương lai gần.

+ Thứ hai. Suy ra từ trên, tương lai xa hơn chính là duy trì được Crimea. Cầu Kerch trong điều kiện chiến tranh sẽ không thể được phục hồi, việc này chỉ có thể được tiến hành khi người Ukraine chịu thua và “hòa bình theo điều kiện của Nga” thành hiện thực. Thậm chí có một số chuyên gia đánh giá nó cần phải được thay mới một số nhịp và trụ cầu, nên hiện nay chúng buộc phải bảo vệ nó chỉ để làm sao nó không bị phá cho sập hẳn. Vì vậy chúng sẽ bằng mọi giá bảo vệ tuyến đường sắt Rostov- Mariupol- Berdyansk- Melitopol, coi như mạch máu chính của chiến trường.

+ Thứ ba. Tiếp tục duy trì chiến tranh phá hoại bằng tập kích đường không. Mặc dù hiện tại những trận tập kích bằng tên lửa và drone của chúng vào các thành phố Ukraine không còn nhiều tác dụng (chút nữa tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này). Nhưng nó còn có một tác dụng là duy trì tình trạng chiến tranh trên các thành phố, trên đời sống dân sự của Ukraine, coi như làm cho người Ukraine ăn không ngon, ngủ không yên.

+ Thứ tư. Chiến lược cao nhất: Thi hành cuộc chiến tranh chống phá toàn diện, đặc biệt là tâm lý chiến nhằm trực tiếp vào chính quyền và cá nhân Tổng thống Zelenskyy, sao cho chính quyền này và cá nhân Zelenskyy phải bị hạ bệ càng sớm càng tốt. Từ đó gây ảnh hưởng đến kế hoạch gia nhập EU và NATO của Ukraine.

Vì vậy, hiện nay tất cả các hành động đều nằm trong 4 điểm chiến lược này và tập trung vào một nhiệm vụ trước mắt, là đánh vào tâm lý bất thường, mù mờ về chính trị, hú họa về kỹ thuật đàm phán và đặc biệt là phi dân chủ của ông Trump. Càng đánh mạnh trên chiến trường, sau đó tung các loại hỏa mù về chiến thắng chỉ còn trong gang tấc của chúng, càng dễ lung lạc ông Trump.

Bằng chứng mới nhất của câu chuyện này, và cũng xin chia buồn với các fan của ông ấy (nhưng vẫn đang ủng hộ Ukraine) là mới đây nhất ông này vừa chỉ trích quyết định cho dùng ATACMS bắn vào lãnh thổ Nga, vừa tuyên bố xanh rờn: Không bỏ rơi Ukraine. Nếu ông ấy không bỏ rơi Ukraine nhưng cưu mang một Ukraine theo ý Nga, thì cũng vô nghĩa. Nước Mỹ đã quá sai lầm khi bầu tay ba vạ này làm Tổng thống. (4998 là số bạn của tôi ngày hôm nay, nếu sau khi bài này lên mạng mà nó giảm đi thì cũng không có gì là lạ).

Đọc tất cả những điều trên, có vẻ như Nga đang thắng thế.

4.2. Nhưng tôi thì vẫn có cái nhìn khác.

Khi bắt đầu buổi tọa đàm hôm Chủ nhật vừa qua, có một đoạn tôi không ghi vào băng. Tôi hỏi bác Q vừa từ Kyiv về, về tình trạng mất điện ở bên đó thì điều tôi được biết, với tôi là rất quan trọng: “Cắt điện luân phiên như bình thường.” Trước đó khi nói chuyện qua Messenger, tôi có hỏi một câu: Có ảnh hưởng gì đến nước nóng không? Bác ấy bảo: vẫn bình thường, tức là hệ thống vẫn được duy trì nhờ nguồn điện dự phòng khác. Tôi nói: thế thì không sao, lạnh như thế này mà mất nước nóng, là mất sưởi, sẽ căng lắm.

Sau khi biết được tình trạng cắt điện ở Kyiv như vậy, nghĩa là cắt luân phiên “như bình thường” và tôi có kết luận với bác Q: Như thế là mất điện không phải do đánh phá,không kích. Những suy đoán của tôi từ trước là đúng: Họ có cả gần hai năm để cải tổ hệ thống điện, vì vậy không lý gì đến mùa đông thứ ba lại để Nga dễ dàng đánh phá như vậy được. Việc cắt điện khi bị đánh phá là cần thiết, để tránh các sự cố khác ví dụ như hỏa hoạn. Tất nhiên không thể nói tất cả các trận đánh phá của chúng không có kết quả, nhưng chắc chắn là không còn tác dụng gì nhiều.

Và đây: Hãng năng lượng Ukrenergo xác nhận nguồn điện ổn định cho ngày 17 tháng 12: Việc cắt điện theo lịch trình sẽ không diễn ra vào Thứ Ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024. Tin tức tích cực này, được Ukrenergo công bố qua Telegram và được Ukrinform đưa tin lại. Cụ thể, trong bản tin của mình Ukrenergo nêu rõ: “Ngày mai, 17/12, việc áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu dùng không được dự báo. Nếu tình hình thay đổi sẽ có thông báo bổ sung.”

Như vậy, về chiến lược của hai bên trong khía cạnh này, cả hai bên đã bắt đầu lật bài. Một bên, tiếp tục duy trì đánh phá, bên kia phân tán cất giấu mục tiêu, và tăng cường năng lực phòng không, thậm chí thêm khả năng “lái UAV – drone của địch để đánh địch” trong thời gian gần đây. Ấy chưa xong, vậy chẳng nhẽ cứ thế mãi, cứ chịu cho nó đánh mãi? Làm gì có chuyện đó. Trong bản tin anh Trần Duy Long vừa share hôm qua lên tường nhà tôi về loại tên lửa hành trình mới nhất của Ukraine có tên là Peklo, hay Hell (địa ngục), có phân tích về năng lực sản xuất của Ukraine về loại tên lửa này. Xin nhớ lại, ngày 14/11 tôi đã  viết, Ukraine sản xuất được 100 quả.

Ngay sau khi anh Long lên bài, có bác nhắn tôi vì nhớ là tôi đã viết về vấn đề đó cách đây cả tháng, hỏi rằng sao tôi biết Ukraine sản xuất được 100 quả tên lửa? Tôi trả lời: Tôi có biết đâu, là ước tính khoảng khoảng thế. Thật ra nếu tôi có biết tôi cũng chẳng nói đâu, ha ha. Tôi sẽ trả lời tôi bịa ra vậy thôi, may mà trúng. 

Câu hỏi đặt ra: Tại sao họ lại công bố về loại tên lửa này vào thời điểm này? Và có thật chỉ có 100 quả hay không? Chẳng ai trả lời được, nhưng như trên đây đã nói: các quân bài đã lật, nhưng có những quân bài mà tay chơi nào đó chưa dùng. Chẳng hạn, đáp trả ATACMS, Nga buộc phải dùng Oreshnik và nó… vô tác dụng. Tuần vừa rồi nếu chúng dùng lần nữa như báo nào tung tin, thì nó lại càng được chứng minh là vô dụng thêm chút nữa. Nhưng với Peklo hay “Hell for Putox” thì câu chuyện sẽ không như vậy.

Có người bạn nói chuyện với tôi và băn khoăn kinh khủng: Tại sao đến giờ phút này Ukraine không quại vào Mátxcơva, chẳng hạn vào hệ thống điện? Thú thật là tôi cũng không biết, nhưng có thể do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu Mátxcơva tiếp tục mất điện như mùa đông năm ngoái, lại dẫn đến vỡ ống sưởi, lại đóng băng lung tung trong nhà, dân Mục-tư-khoa chết rét là cái chắc. Nhất là năm nay khác năm ngoái rất nhiều: linh kiện dự trữ mua từ phương Tây đã cạn, Nga sẽ không có khả năng phục hồi hệ thống điện được tốt như năm ngoái.

Nhưng rõ ràng đây là một trò khá… vô nhân đạo, vì tôi có thể khẳng định rất nhiều người dân Mục-tư-khoa sẽ bị mất mạng theo đúng nghĩa đen của từ này, nhất là những người cao tuổi. Vì vậy tôi cho rằng người Ukraine ít có khả năng làm, nhưng nếu còn xài Oreshnik lần nữa thì cũng không biết thế nào, nhất là bắn vào Kyiv. Người Ukraine cũng đáo để lắm.

Nên nhớ người Ukraine có nhiều họ hàng ở Nga, không phải lúc nào chơi sát ván cũng là hay.

Còn lý do nữa, là hệ thống phòng không. Theo tôi, về lý thuyết các hệ thống phòng không Nga thừa sức hạ loại tên lửa này của Ukraine, vì vậy cần rà soát lại vài lần nữa hệ thống phòng không Nga bằng vũ khí rẻ tiền hơn là UAV.

Cuối cùng, là số lượng. Sản xuất ra là phải dùng, nhưng dùng như thế nào, bắn vào đâu… khi số lượng chưa nhiều, họ sẽ phải cân nhắc. Nhà máy điện nơi cung ứng trực tiếp cho sản xuất quốc phòng đã bị đánh bằng UAV rồi, và còn cái nào họ sẽ còn đánh nữa, chúng ta có thể yên tâm về điều đó.

Vậy là về năng lực đánh phá lẫn nhau, hay năng lực không kích, dần dần người Ukraine cũng sẽ lập lại thế cân bằng. Trước mắt, năng lực phòng không của Ukraine là vượt trội, trong khi suốt thời gian cả hai năm qua đã và đang diễn ra quá trình bào mòn phòng không Nga. Đến khi đủ mức, sẽ xảy ra hiện tượng đánh phá ào ạt bằng đủ thứ: tên lửa hành trình, drone UAV FPV hay những gì gì đó tôi không nhớ, nhưng sẽ là tổng tấn công. Lúc đó ai là người vứt xuống bàn quân bài quyết định, quý vị kết luận hộ tôi.

VẬY TÌNH THẾ CHIẾN TRANH HIỆN NAY, AI ĐANG THẮNG THẾ?

Trong nhiều bài trước tôi đã viết: Nga có nỗ lực mấy ở Pokrovsk, thì cũng không thoát được kiếp “tốc độ rùa bò” – đó là điều thứ nhất. Liên quan đến tốc độ, tôi còn viết cái đáng sợ của quân đội Nga phải là hàng nghìn khẩu pháo trút cả triệu quả đạn xuống tiền duyên, rồi hàng trăm xe tăng đột kích với cả vạn bộ binh tràn lên. Còn với cách thi hành chiến tranh như hiện nay, cứ 10 ngày thì tốn một vạn rưỡi quân để chiếm vài làng.

Thứ hai, dù nỗ lực mấy thì khu vực Pokrovsk này cũng không thể sụp đổ, dù là cái thị trấn này có bị chiếm. Trước đây tôi viết: Pokrovsk, Nga sẽ không bao giờ chiếm được. Nhưng bây giờ thì có lẽ, với vài vạn “kiện hàng 200” nữa thì chúng có thể chiếm được, và chiếm được đống gạch vụn, nhưng là sau cả tháng, hai, ba tháng nữa không chừng.

Thứ ba, dù có chiếm được Pokrovsk thì với ATACMS chúng cũng chưa đạt được mục tiêu đẩy xa chiến tuyến khỏi đường tiếp vận, và còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Nhưng về cục bộ, chúng đang thắng thế, cứ công nhận như vậy đi đỡ phải cãi nhau với Dư Luận Viên.

Nhưng như khi kết luận buổi tọa đàm hôm trước, tôi có nói, những thành quả của người Ukraine là rất lớn, nó đảm bảo sự yên ổn lâu dài. Chẳng hạn theo nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị và kinh tế Brent Cooper, người Ukraine đã đưa các chỉ số trên đây của toàn bộ nền quân sự Nga về tiệm cận số KHÔNG, và nước này sẽ phải mất từ 6 đến 7 năm để phục hồi được sức mạnh như trước chiến tranh với điều kiện không bị cấm vận.

Với kết quả này, thì bất chấp cuộc chiến sẽ được dừng lại bằng cách nào, với điều kiện nào chăng nữa, thì cứ hễ nó dừng lại nước Nga sẽ còn rất lâu mới có thể quay lại gây chiến với Ukraine. Vì khi đó kịch bản này gần như chắc chắn sẽ xảy ra: Putox bị xử lý, biến mất hoặc ít ra bị giam ở đâu đó rồi thủ tiêu. Và thằng khác lên thay, thằng nào thì cũng phải đối mặt với một nước Nga hỗn loạn, thậm chí chia năm xẻ bảy. Tình thế này là không thể cưỡng, dù bây giờ chúng ta vẫn còn thấy một nước Nga của Putox rất hung hăng và có vẻ mạnh, nhưng nó không phải vậy đâu.

Tôi khẳng định, về chiến lược của người Ukraine chúng ta không hiểu được hết, nhưng về tổng thể sơ lược nó đang là như vậy, họ tàn phá sức mạnh tổng hợp của Nga đến tận cùng, để đảm bảo một hòa bình thực sự lâu dài. Với chiến lược này, hòa bình chỉ là một bước cần trong quá trình thực hiện nó. Nga của Putox càng tiếp tục cố, thì sẽ càng bị tàn phá và với người Ukraine, lại càng an toàn dài lâu hơn.

Vậy trên chiến trường thì sao? Tôi có nhận được hai câu hỏi từ hai người bạn.

Người thứ nhất hỏi: Ukraine đuối lắm rồi à? Câu trả lời: Lúc nào mà chẳng đuối, nhưng lúc đuối nhất là ở Kyiv, người ta đuổi cho Nga chạy re kèn. Lúc đuối nhì là ở Mariupol, Nga chiếm được thành phố sau khi bị đánh thiệt hại tơi tả… Nhưng thực sự lúc Ukraine đuối nhất, là trận chiến bảo vệ hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk, khi sức mạnh pháo binh của Nga gấp 15 lần của Ukraine. Và cũng chính trận này tiêu hao của Nga một lượng đạn pháo cực lớn mà sau đó, chúng không có cách nào bù đắp lại được. Vậy so với thời gian đó, bây giờ người Ukraine có đuối không?

Người thứ hai hỏi: Ukraine có biện pháp nào để chiến thắng bằng quân sự? Tôi chưa bao giờ vẽ ra viễn cảnh người Ukraine sẽ đánh cho quân Nga một trận “sạch không kình ngạc” theo kiểu Liên Xô ngày xưa, tràn lên với số lượng xe tăng và bộ binh lớn. Người Ukraine không bao giờ có đủ nguồn lực để làm như thế.

Vì vậy tôi thường tưởng tượng, chẳng hạn một cú đánh xuyên ra biển Azov cắt hành lang trên bộ của Nga làm đôi – dù điều này khá viển vông vì làm như vậy sẽ cần nguồn lực rất lớn để chống phản công, gần như sẽ không có ai thực hiện khi kẻ địch còn mạnh. Hoặc giả, như bác LHA bạn tôi hay cho rằng họ sẽ đổ bộ chiếm Crimea, điều này còn khó xảy ra hơn. Nhưng điều thực tế nhất tôi thường hình dung ra là làm thế nào để sau khi uy tín của Putox lung lay mạnh, giáng một đòn để nội bộ chúng lật nhau. Hình thức này, là đòn kết hợp giữa quân sự với chính trị.

Lựa chọn của Ukraine thì có rất nhiều. Có thể là tổng tấn công bằng tên lửa, UAV, phá hoại… vào các mục tiêu trên khắp nước Nga, đánh đồng loạt đủ để nện cho Putox tơi tả về mặt uy tín. Cũng không loại trừ phương án có đòn tấn công bằng lực lượng quân sự. Với tôi thì ngon xơi nhất vẫn là… thông ra biển Azov, nhưng với điều kiện là bây giờ người Ukraine đang… giả vờ kiệt quệ, không còn lực lượng và họ giấu được lực lượng chính ở đâu đó. Điều này chúng ta đã chứng kiến một lần với Chiến dịch Kursk, không có căn cứ cho rằng nó sẽ không tái diễn trong tương lai. Như thế nào, ở đâu… tất cả đều là ẩn số.

Trước mắt thì, người Ukraine đang cho thấy tất cả những người Nga có tội với đất nước Ukraine, sẽ không được yên ổn.

+ Ngày 9 tháng 12 năm 2024, giám đốc trại giam hình sự của Nga ở Olenivka, Sergei Yevsyukov, bị thiệt mạng trong vụ đặt bom chiếc xe Toyota Land Cruiser trên phố Universitskaya ở Donetsk. 

+  Ngày 10 tháng 12 năm 2024, tại Kotelniki gần Moskva, phó giám đốc của Viện thiết kế “Mars,” Mikhail Shatsky, người chịu trách nhiệm hiện đại hóa tên lửa hành trình (Kh-59/69) và máy bay không người lái của Nga, đã bị bắn chết.

+ Ngày 17 tháng 12, một quả bom đặt ở gara xe đã giết chết tên trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng thủ chống bức xạ, vũ khí hóa học và sinh học của Nga.

Tôi thì thấy có một điểm rằng: Zelenskyy rất khéo trong quan hệ với Trump, nhưng những gì ông Trump đưa ra sẽ không đủ để ép Ukraine, như nhiều người đánh giá: “đầu hàng.” Nói cách khác, Zelenskyy sẽ không hy vọng nhiều vào việc Trump ngồi vào ghế Tổng thống và những biện pháp của ông ta. Khéo léo với Trump chỉ nhằm mục đích duy nhất để sao cho khi ông này “ép hai bên ngồi vào bàn đàm phán” thì không phản thùng lên đến mức bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Nga, khi đó thì hỏng bét. Còn thì việc ngồi vào bàn đàm phán đến ngừng bắn, từ ngừng bắn đến hòa bình sẽ còn lâu nếu hai bên cứ khăng khăng với các điều kiện của mình hiện nay.

Vì vậy, với Putox thì càng ngày càng cạn thời gian. Lãi suất ngân hàng đã áp 28 %, vật giá nhu yếu phẩm đã tăng đến mức tới hạn chịu đựng của những người dân Nga không tham gia được vào guồng máy sản xuất quốc phòng của nước này. Chỉ trong vòng 6 tháng nữa là có biến, cùng lắm là một năm nếu tình trạng này tiếp diễn.

Vừa qua, có một người hỏi tôi về liên minh Nga thành lập được với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, có thể có thêm Iran và vừa qua mất con cờ Syria. Thật ra về cái “liên minh” này, phải hiểu khác với cái bọn “Dư Luận Viên là Ngu” vẫn hiểu. Chúng nó thường vẽ ra viễn cảnh bố Trung Quốc của chúng nó nhảy vào cứu bố Nga, điều này không bao giờ có.

Nga đầu tư cho Syria, chẳng hạn trang bị cho quân đội Assad một số sư đoàn, thì thằng Tổng thống kia phải trả lại bằng một số nguồn lợi nào đó. Với Bắc Kim Chi cũng vậy. Kiểu quan hệ “nhà nước – nhà nước” thời xã hội chủ nghĩa ngày xưa, chỉ tồn tại với cặp quan hệ này. Có thể có biến tướng một chút, ví dụ sự tham gia của Wagner của Prigozhin vốn là sân sau của Putox, hòng bỏ túi một số khoản tiền; hoặc các tập đoàn tư nhân về năng lượng của Nga có những hợp đồng béo bở ở Syria nếu có… Nhưng khi có người nói “chiến tranh sẽ kết thúc khi Trung Quốc rút ống thở với Nga” thì cần làm rõ.

Quan hệ của Trung Quốc với Nga, có thể nói là khôn như cáo: Hữu nghị là không giới hạn, không ngăn cấm các doanh nghiệp hai bên làm ăn với nhau nhưng không bao giờ dại gì tổ chức hỗ trợ trực tiếp, ví dụ kênh thanh toán… Làm như vậy nếu Mỹ biết, coi như các ngân hàng Trung Quốc treo niêu, chết đói luôn. Vì thế không bao giờ có hỗ trợ “nhà nước – nhà nước” trong quan hệ Nga Trung Quốc như bọn Dư Luận Viên mong muốn.

Hiện tại các thông tin tôi nắm được, thì quan hệ thương mại giữa hai nước này đã rất khó khăn trong nhiều khâu, dù vẫn còn, nhưng đã chính thức kẹt. Điều đó cũng có nghĩa là linh kiện Tàu, quân phục Tàu, suất ăn dã chiến của Tàu… đều khó khăn cả. Putox có kèo nhèo với Tập, thì cũng chẳng có cớ gì: Tao có cấm doanh nghiệp của tao làm ăn với chúng mày đâu, còn khó khăn thì do… cơ chế, mày đi mà giải bài toán với Mỹ ấy, tao không biết. Còn bằng cách nào buôn bán được, chở tiền mặt qua biên giới chẳng hạn, đó là việc của doanh nghiệp, tao cũng không quan tâm.

Trong vòng nửa năm tới, nếu có vấn đề xảy ra hàng loạt với vũ khí cá nhân của lính Nga trên chiến trường, như thông tin hết pháo, hết xe tăng hiện nay, thì tôi cũng không lấy làm lạ. Lúc đó thì bọn Putox, Gerasimov có mà đi bằng đầu gối.

Đó là lý do tại sao Putox cần đánh mạnh đến 20/01/2025, hòng có chiến thắng với sự hỗ trợ của Trump, vậy thôi. Và điều này cho chúng ta thấy, bây giờ lại là lúc chúng ta cần nhìn thấy một cuộc chiến kéo dài hơn thời điểm đó. Nhiều sự kiện bất ngờ sẽ diễn ra.

Và ước muốn lãng mạn thấy hành lang trên bộ của Putox đứt làm đôi chỗ biển Azov, vẫn còn nguyên. Và không nên quên Kursk, vẫn là đòn kết liễu Putox về chính trị. Đầy chuyện hay để xem.

PHÚC LAI 18.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.