dimanche 15 décembre 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Khắc nhập khắc xuất

 

Không ngờ chuyện cổ tích “Cây Tre Trăm Đốt" kể chuyện khắc nhập khắc xuất có từ thời xa xưa, nghe cho vui, lại ám vào tình cảnh đất nước cho đến tận ngày nay.

Vua chúa thời xưa lần lượt sáp nhập Chiêm Thành rồi Chân Lạp vào Đại Việt. Rồi sau đó vào thế kỷ 17, chúa Nguyễn và chúa Trịnh lại tách nước ra làm hai: Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh lại nhập hai đàng vào thành Việt Nam. Rồi sau 1954, đất nước lại tách ra thành hai miền Nam-Bắc. Đến năm 1975 lại nhập vào thành một Việt Nam thống nhất trở lại.

Nhưng chưa hết, trong Việt Nam thống nhất, ông Lê Duẩn lại nhập các địa phương nhỏ lại thành các địa phương lớn, Từ đó các tình to dài xuất hiện như: Bình Trị Thiên, Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sông Bé …

Đến thời Đỗ Mười – Võ Văn Kiệt, những năm 90 của thế kỷ trước, lại ào ạt tách ra thành những tình nhò như cũ. Mèo lại hoàn mèo.

Vào năm 1997 hay 1998 gì đó, tui gặp ông Võ Văn Kiệt tại buổi lễ thành lập tỉnh Bình Phước (tách ra từ Sông Bé). Tui phỏng vấn ông đại ý như sau: Thời ông Lê Duẩn, cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông còn khó khăn, phương tiện truyền tin liên lạc yếu kém thì việc nhập các tỉnh nhỏ vào thành các tỉnh lớn có thể gây ra khó khăn cho việc quản lý. Tuy nhiên hiện nay, đường sá và phương tiện giao thông đã tốt hơn, phương tiện liên lạc đã hiện đại, việc quản lý một tỉnh lớn không còn khó khăn nữa, tại sao lại phải chia nhỏ ra. Xin ông cho biết lý do thực sự của việc chia tách nhò này là gì?

Tui hay theo dõi viết bài về các cuộc họp quốc hội và chính phủ nên khá quen với ông Kiệt. vì thế mà ông nhìn tui với ánh mắt tinh quái rồi trả lời: Lý do gì thì chú mày biết rồi. Không có đăng báo đấy nhé.

Năm 1976, ông Lê Duẩn đã không lường được là có một trở ngại không thể vượt qua sau khi nhập các tỉnh vào với nhau. Trở ngại về cách trở giao thông liên lạc là có nhưng không quá lớn, chính sự đoàn kết và phối hợp giữa các đảng bộ với nhau mới là trở lực lớn nhất.  Đảng bộ địa phương nào cũng là lãnh đạo nên không lãnh đạo nào chịu với lãnh đạo nào. Tình trạng không phối hợp thuận hòa với nhau ngấm ngầm diễn ra khắp mọi tình thành rồi bùng phát công khai sau khi ông Lê Duẩn qua đời.

Cái lý do tách tỉnh mà ông Kiệt không nói ra nhưng tin rằng tui đã hiểu, đó là sự chia rẽ giữa các đảng bộ cũ trong một địa phương lớn.

Ông Mười và ông Kiệt đưa ra chủ trương tách tỉnh có lẽ là biện pháp tình thế để giải quyết mâu thuẫn giữa các đảng bộ địa phương chứ chẳng vì mục đích kinh tế, chính trị, xã hội gì cả.

Thời điểm đó một tỉnh lớn từ 15 đến 20 huyện thuận lợi cho quy hoạch phát triển kinh tế hơn là một tỉnh nhỏ manh mún với lèo tèo 6,7 huyện. Chưa kể khi tách ra, bộ máy hành chính cấp tỉnh- thành tăng lên gần gấp đôi, làm phá sản tức thì chủ trương tinh giản biên chế cũng phát động vào cùng thời đó. Một sự chia tách cơ học chỉ vì lợi ích của đảng, chứ chằng vì lợi ích đất nước hay nhân dân gì cả.

Nay thì ông Tô Lâm có ý định nhập lại.

Chủ trương nhập các cơ quan đảng, cơ quan chính phủ, cơ quan truyền thông lại đề tinh giản bộ máy và nhân sự mà ông Tô Lâm đang quyết tâm làm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên việc tái nhập các địa phương nhỏ lại thành các địa phương lớn thì cần phải thận trọng và cân nhắc.

Theo ý kiến của tui thì nên thế này:

- Giữ nguyên trạng các địa phương như hiện nay cho bớt gây ra xáo trộn. Lo tập trung công sức vào việc sáp nhập các cơ quan đảng và chính phủ cùng với việc tinh giản nhân sự cho thật sự thành công. Chờ đến một thời điềm chín muồi và thật sự bền vững mới tính đến việc sáp nhập các địa phương. Rất e ngại nay nhập vào rồi năm mười năm nữa ông Tô Lâm hết nhiệm kỳ, ông khác lên lại tách ra nữa như lời nguyền của truyện cổ tích thì hơi bị mệt cho dân.

- Việc sáp nhập phải tính toán đến lợi ích phát triển kinh tế xã hội của đất nước và lợi ích của người dân, sáp nhập một lần và không thay đổi nữa.

Theo tui thì sáp nhập thật lớn. Cả nước chỉ còn lại 8 tỉnh là đủ. Miền Bắc hai tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, miền Nam hai tỉnh Tây Nam và Đông Nam. Miền Trung và Tây Nguyên có địa hình khá dài nên cắt ngang chia ra làm bốn tỉnh: Thanh Nghệ Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Đà Nẵng Quảng Nam Quảng Ngãi Kon Tum, Bình Định Phú Yên Khánh Hòa Gia Lai Đắc Lắc, Ninh Thuận Bình Thuận Lâm Đồng Đắc Nông.

- Dưới mỗi tỉnh có các đơn vị hành chánh trực thuộc là: thành phố loại 1, thành phố loại 2, thị xã và huyện.

Tên gọi các tỉnh mới tui xin nhường lại cho các bạn đặt.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 15.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.