|
Tờ giấy cảnh báo đất có thể bị nhiễm độc, tại một công trình xây dựng khu vui chơi bị bỏ hoang ở ngoại ô Bắc Kinh. |
Kỹ thuật khiếm khuyết, hệ thống tài chính tham nhũng, xã hội mất ổn định…Đắm mình vào một giấc mộng kinh tế từ hai mươi năm qua, Trung Quốc giờ đây khám phá mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá.
Ngày 23 và 24/11, Paris trải thảm đỏ đón những người bạn tốt từ Bắc Kinh và Thượng Hải. Có khoảng 100 lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đến trụ sở Bộ Tài chính Pháp, tham gia một hội nghị do Boao Forum for Asia (Bác Ngao Á Châu Luận Đàn) – một loại diễn đàn Davos của Trung Quốc – tổ chức. Từ Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Sinopec cho đến công ty hàng không tư nhân Hainan Airlines, từ công nghiệp hạt nhân đến tài chính, đoàn đại biểu quan trọng này là khách mời đến tham dự các tranh luận về các vấn đề lớn trên thế giới, và được nghe những câu khen ngợi. Chủ tịch HĐQT Schneider Electric, Jean-Pascal Tricoire tuyên bố : « Hoàn toàn lô-gic và hợp pháp, nếu mai đây cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới mua cổ phần trong các công ty của chúng tôi, điều này là một phần của sự tăng tiến trên cấp độ toàn cầu ». Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tổ chức tiệc mừng các vị khách danh giá này ở điện Elysée.
Nếu Pháp ve vãn Trung Quốc, thì vừa để nhận được sự hỗ trợ trong việc vực dậy khu vực đồng euro – khoảng 100 tỉ euro, vừa cũng nhằm bước vào thị trường công nghiệp và dịch vụ của nước này. Dù cơ quan thống kê nhà nước của Bắc Kinh vừa loan báo nền kinh tế có chậm lại trong quý 3/2011, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn rất mạnh : 9,1%. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cảnh báo, hãy coi chừng, kết quả kinh doanh của đa số các tập đoàn lớn châu Âu lệ thuộc quá nhiều vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng thực sự chậm lại ? Các dấu hiệu tiêu cực chồng chất. Nouriel Roubini, nhà tiên tri về kinh tế, dự báo một sự hạ cánh thô bạo vào năm 2013. Một cuộc điều tra do Bloomberg thực hiện vào tháng 9 cho thấy đa số các nhà đầu tư đều dựa vào một tỉ lệ tăng trưởng chỉ còn có 5% kể từ năm 2016. Sự thực ra sao ?
Chỉ có một điều chắc chắn là, giờ đây không còn là lúc ngây ngất trước phép lạ Trung Quốc. Tai nạn đường sắt hàng loạt, tỉ lệ tử vong đáng sợ của công nhân hầm mỏ, nạn ô nhiễm mặt đất và sông ngòi, xuất khẩu sụt giảm, bong bóng địa ốc : mỗi ngày lại bộc lộ thêm mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, được Bắc Kinh theo đuổi từ khi có chủ trương Nam Tuần – mở cửa kinh tế, do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1992. Có thể kể thêm những sai trái của các công ty Trung Quốc ở châu Phi, do tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo, hay các vấn đề tham nhũng, bị tổ chức Minh bạch Quốc tế vạch mặt chỉ tên.
Charles-Edouard Bouée, chủ tịch phụ trách châu Á và là thành viên ban điều hành cơ quan phân tích chiến lược Roland Berger nói : « Theo giả thiết của tôi, đây là những thiệt hại đi kèm với tăng trưởng mà Hoa Kỳ đã gặp phải trong quá trình tiến lên cường quốc kinh tế, tuy nhiên không phải là một bộ phận của hình mẫu này ». Xã hội Trung Quốc khi tiến triển lại còn làm biến mất nhiều điểm đen làm xám đi bức tranh. Nhận xét này còn phải xem lại.
Giá thành sản xuất tăng lên
Dù sao thì trước mắt, có hai hiện tượng khác làm cho các nhà kinh tế phải lo ngại, đó là giá thành sản xuất tăng và dân số bị lão hóa. Lương công nhân trong 18 tháng gần đây đã tăng lên từ 20 đến 25%, và mỗi năm còn được tăng khoảng 15% theo như kế hoạch 5 năm lần thứ 12, và như thế công xưởng thế giới đang dần mất đi sức hấp dẫn về giá thấp. Tuy năng suất hàng năm tăng trung bình 7% nhưng không đủ bù đắp cho giá nhân công. Hiện tượng thứ nhất này đi kèm theo hiện tượng thứ hai : sự giảm sút số lượng « dân công » - từ dùng để chỉ người lao động nông thôn ra thành phố tìm việc làm. Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Natixis nhấn mạnh : « Thu nhập của người nông dân đã được cải thiện, khiến cho lương công nhân ít hấp dẫn hơn. Lượng người di cư về phía các tỉnh duyên hải từ 20 triệu người/ năm nay chỉ còn có 5 triệu người/ năm ».
Dưới tác động của các thay đổi này, hai hiện tượng chuyển dịch sản xuất đã làm ảnh hưởng đến kỹ nghệ Trung Quốc. Maximilien Triquigneaux, chuyên gia kiểm tra chất lượng của công ty AsiaInspection phân tích : « Đó là sự thu hẹp lại ở nội địa đối với các sản phẩm có ít giá trị tăng thêm, và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp cần đến lượng nhân công quan trọng và và ít kỹ năng ». Như thế, công nghiệp dệt may vốn có sản lượng hàng năm giảm đi với nhịp độ 15%, đang được chuyển dần sang Việt Nam, Indonesia và ngay cả sang Ai Cập. Còn các doanh nghiệp ở Quảng Đông, trái tim của công xưởng thế giới nằm ở vùng châu thổ Châu Giang, thì đang cố tự động hóa các nhà máy càng nhanh càng tốt để cứu vãn tình hình. Jeremy Fong, một nhà công nghiệp Hongkong có nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại đây cho biết « bị ảnh hưởng vì đồng nhân dân tệ tăng giá hơn là tiền lương » vì « tổng quỹ lương chỉ chiếm có 5% số chi tiêu ».
Mức lương ngang với phương Tây
Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Trong bản báo cáo công bố vào cuối tháng 8, Boston Consulting Group dự kiến trong một thời gian ngắn, giá thành sản xuất tại Trung Quốc sẽ tiến gần với giá thành sản xuất…ở Mỹ! Các tác giả công trình nghiên cứu này viết : « Lương tăng tại Trung Quốc, sự cải thiện năng suất ở Mỹ, đồng đô la sụt giá và nhiều nhân tố khác nữa, sắp tới sẽ lấp đầy khoảng cách về giá thành giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đối với nhiều mặt hàng tiêu thụ tại Bắc Mỹ ». Còn với châu Âu thì nhận định trên đây không có giá trị, và nếu có một sự « phi toàn cầu hóa », thì người Mỹ được hưởng lợi.
Ở thượng tầng xã hội Trung Quốc, các chức vụ quan trọng nhất được trả lương ở mức rất cao. Patrick Artus cho biết : « Ba ngàn euro/ tháng cho một kỹ sư ở Thượng Hải, và …100.000 euro/ tháng đối với một chuyên gia tính toán về tài chính và bảo hiểm ở Bắc Kinh ». Maurice Lévy, chủ tịch HĐQT Publicis nói thêm : « Một số vị trí trong lãnh vực sáng tạo hay kỹ thuật số ngày nay lương cũng cao như các nơi khác. Một vấn đề khác nữa là tỉ lệ luân chuyển ê-kíp có thể đạt đến 50% một năm ».
Lạm phát phi mã
Còn ở hạ tầng thì tiền lương cũng tăng, và người ta bèn mơ đến các tiện nghi vật chất cao hơn. Đó là trường hợp của Fang Li, 23 tuổi, một nữ công nhân ở Thâm Quyến. Cô hy vọng : « Lương mới đây đã tăng lên, và đây chỉ là khởi đầu, vì giá thực phẩm và nhà ở cũng tăng cao. Giới chủ sẽ phải tăng lương cho chúng tôi thôi ». Cũng giống như các lao động trẻ tuổi sinh ra vào thập niên 80 hay 90, cô gái gốc Hồ Nam này muốn định cư ở thành phố. Hiện cô chung phòng với năm đồng nghiệp khác, và liên tục tăng ca, có khi làm việc đến 60 giờ/ tuần. Nhờ làm thêm, cô bổ sung được thêm vào số lương tháng 2.000 nhân dân tệ (tương đương 230 euro) và tiết kiệm được một ít. Cô khẳng định : « Tôi sẽ không quay về với cha mẹ. Tôi muốn mua một căn hộ ở đây, tìm được một người chồng… »
Tình trạng lão hóa đáng báo động
Nhưng Fang Li sẽ có bao nhiêu đứa con ? Được đặt ra vào cuối thập niên 70, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con đã được linh hoạt đôi chút : một cặp vợ chồng mà cả vợ lẫn chồng đều là con một thì sẽ được phép sinh thêm đứa con thứ hai. « Trong vòng từ ba đến năm năm tới, cần phải cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có hai con ». Trương Nhân, một trong các phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã viết như vậy trên tờ China Daily, trước hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Bà cũng muốn thu hút sự chú ý trước tình trạng lão hóa dân số. Hiện Trung Quốc có 160 triệu người trên 60 tuổi, và 10 năm tới con số này sẽ là 250 triệu người. Nhưng thời điểm sụt giảm dân số thực sự là khoảng năm 2030. Patrick Artus nhắc nhở : « Đây là thời điểm mà thế hệ mới của các trẻ em con một thế chỗ cho dân số hoạt động lúc đó đến tuổi về hưu. Dân số Trung Quốc tiếp tục tăng khoảng 1% một năm cho đến cái mốc này, nhưng sau đó sẽ giảm đi 1% mỗi năm ».
Nếu biết rằng chỉ có 350 triệu người trên tổng số 1,3 tỉ dân Trung Quốc bước chân được vào xã hội tiêu thụ, liệu Trung Quốc có già đi trước khi kịp giàu lên hay không ? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra cho Bắc Kinh, trong lúc thế hệ lãnh đạo thứ năm - kể từ thời Mao Trạch Đông - sắp sửa lên nắm quyền. Năm tới, Tập Cận Bình sẽ trở thành Tổng bí thư Đảng thay cho Hồ Cẩm Đào, trước khi kế tục chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ông ta sẽ chuẩn bị cho đất nước bước vào năm 2023 như thế nào ? Patrick Artus dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm đi : « Trong 10 năm tới, tăng trưởng chỉ còn khoảng 6% ». Từ giờ cho đến lúc đó, dù sao cũng cần làm quen với ý tưởng là Ấn Độ có thể trở thành một cường quốc kinh tế còn năng động hơn cả Trung Quốc.
(Dịch từ tuần báo kinh tế Challenges tuần lễ 8 -15/12/2011, có chủ đề « Khi Trung Quốc hạ cánh » gồm 8 bài viết, đây là bài đầu tiên)