vendredi 21 février 2025

Trương Nhân Tuấn - Châu Âu có thể đối phó với Nga hay không ?


Nếu không có Mỹ "chống lưng" liệu các quốc gia Châu Âu có thể đương đầu với Nga trong cuộc chiến Ukraine hay không ? Một bài viết trên BBC News Tiếng Việt hôm kia các chuyên gia có đặt vấn đề về khả năng này.

Theo tôi, điều đáng lo không phải là Mỹ sẽ tuyên bố "trung lập" đứng ngoài cuộc chiến. Tức là Mỹ sẽ chấm dứt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Khả năng kinh tế và quốc phòng của các quốc gia Châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại.

Điều nên lo, thứ nhứt, là tổng thống (TT) Trump sẽ "bình thường hóa ngoại giao" với Nga. Tức là những lịnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga có khả năng sẽ được gỡ bỏ.

Hệ quả, khi không còn rào cản kinh tế hay những cấm vận được giải tỏa trên những phụ tùng điện tử tinh vi. Chắc chắn kinh tế Nga sẽ sớm phục hồi. Nền kỹ nghệ quốc phòng Nga được củng cố để đẩy mạnh sản xuất vũ khí. Thời điểm hiện tại Nga mức sản xuất của Nga là 100 xe tăng một tháng. Tức là quân đội Nga có khả năng mở rộng cuộc chiến qua các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Baltic hay các quốc gia có biên giới liền kề như Ba Lan, Phần Lan v.v...

Châu Âu có thể trụ được không ?

Theo tôi các quốc gia EU vẫn sẽ "trụ" được, ngay cả trong tình huống Trump ủng hộ Putin về mặt ngoại giao. Kinh tế các nước EU vượt trội hơn Nga. Quốc phòng của các quốc gia Anh, Pháp xem ra tinh vi hơn vũ khí của Nga, ngoại trừ Nga áp đảo về số lượng vũ khí hạt nhân.

Ý kiến các chuyên gia trong bài báo trên BBC có thể là đúng, về sự khó khăn do hợp nhứt bộ chỉ huy quân đội giữa các quốc gia Châu Âu. Nhưng theo tôi, kinh nghiệm cuộc chiến Irak 1991 (Bão tố sa mạc) có thể cho ta một cách suy nghĩ khác về chiến thuật quân sự.

Khi chiến dịch "bão tố sa mạc" bắt đầu. Các sư đoàn của liên quân Mỹ, Anh, Pháp v.v ... tiến vào lãnh thổ Irak một cách "độc lập", mỗi cánh quân phụ trách một mục tiêu địa lý (chiến thuật) riêng biệt. Mỗi bên sử dụng vũ khí đặc thù của riêng của quốc gia mình, bằng nhân sự của mình. Chiến dịch "bão tố sa mạc" thành công phải nói là 99 %, nhờ vào sự "phân công" hợp lý giữa các đạo quân, kiểu ai nấy cố gắng hoàn thành phận sự của mình.

Về vấn đề "tương quan lực lượng" giữa Mỹ và đồng minh.

Cuộc chiến Ukraine là một cuộc chiến tự vệ "chống xâm lược". Bên Ukraine có chánh nghĩa nhưng suốt cuộc chiến bị (đồng minh) hạn chế vừa về không gian, vừa về phương tiện chiến đấu. Ukraine lâm vào thế "không thể thắng". Từ ban đầu Ukraine đã bị ngăn cản không được đánh sâu vào lãnh thổ của Nga.

Ta hiện thời chưa biết kế hoạch đàm phán ngưng chiến của TT Trump ra sao. Nhưng nếu ta tin những gì TT Trump và các cộng sự thân tín đã nói thì sẽ không có đàm phán mà chỉ có chuyện TT Trump nhượng bộ tất cả những yêu sách của Putin. Trump có vẻ muốn "đàm phán tay đôi", giữa TT Trump và Putin, loại các quốc gia EU thành viên NATO và Ukraine ra ngoài.

Điều này khả thi hay không ?

Ta nên nhớ một thực tế là kết quả trên bàn đàm phán luôn là sự phản ảnh trung thành "cán cân lực lượng" giữa các bên trên thực địa. Ở đây là "tương quan lực lượng" giữa các nước đồng minh ủng hộ Ukraine. TT Trump "tưởng" rằng chỉ có Mỹ là giúp Ukraine. Vì vậy Trump muốn gạt tất cả ra ngoài bàn đàm phán.

Thực tế từ một thống kê của viện Kerel của Đức cho biết là Mỹ viện trợ (kinh tế và quân sự) cho Ukraine khoảng 114 tỉ đô la trong khi các nước EU viện trợ 134 tỉ đô la.  Tức là "trọng lượng tài chánh" của EU trong cuộc chiến Ukraine là tương đồng, nếu không nói EU là "nhỉnh" hơn Mỹ một chút.

Thực tế này cho thấy Trump không thể loại trừ các quốc gia EU ra khỏi bàn đàm phán. Đặc biệt Ukraine. Mọi cuộc thương lượng về Ukraine mà không có sự đồng thuận của Ukraine là không có giá trị. Vấn đề là TT Trump có nhìn nhận sự thật về số viện trợ của EU cho Ukraine, thay đổi lập trường và nhìn nhận sự hiện diện của EU là chính đáng trong cuộc đàm phán với Nga hay không ?

Theo tôi, phía EU đã rất cương quyết và đoàn kết, vì cuộc chiến này đe dọa trực tiếp sự sinh tồn của các quốc gia EU. Tức là, cho dầu TT Trump có quay xe ủng hộ Putin cách nào thì cuộc chiến ở Ukraine cũng là cuộc chiến của các nước Châu Âu. Ukraine và EU sẽ không bao giờ chấp nhận một cuộc ngưng chiến, mà mục đích là "câu giờ", giúp Putin củng cố nội lực, mưu đồ một cuộc xâm lược khác qua các quốc gia EU.

Điều tệ hại cho EU là nếu TT Trump quay 180 độ, từ kẻ đối thủ của Nga trở thành đồng minh của Nga. Khả năng TT Trump sẽ ủng hộ Putin trên mặt ngoại giao để chống lại đồng minh cũ là Châu Âu là điều cần cân nhắc. Ta đã thấy hiện thời TT Trump cáo buộc TT Zelensky của Ukraine là phe gây chiến.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 20.02.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.