Trong các bút ký chiến trường của các nhà văn miền Nam, mình thích các tác phẩm như Mùa Hè Đỏ Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam, Buồn Vui Phi Trường của nhà văn Không quân Dương Hùng Cường (đã chết trong tù cải tạo). Đã đọc đi đọc lại các cuốn sách này mấy chục lần và nhớ từng lời văn câu nói của các tác giả.
Ông Cường là người Bắc di cư có lối hành văn dí dỏm khi miêu tả sự đảm đang lễ độ và... đanh đá của một bà vợ Bắc kỳ. Ông kể đời sống buồn vui của người lính Không quân ở những phi trường heo hút vào thập niên 50 – 60.
Ngoài các tác phẩm để đời trên còn có cuốn Năm Căn Vùng Xôi Đậu của cựu Trung úy Hải quân Nguyễn Mạnh Hùng. Vốn là sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, lăn lộn trên chiến trường Đồng Tháp chớ không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nên rất ít thấy sách của ông ấy viết. Giờ ông đã bặt tăm trong chốn giang hồ.
Nhưng cuốn Năm Căn Vùng Xôi Đậu đã khiến người đọc bâng khuâng xao xuyến, mường tượng cả một thế hệ thanh niên miền Nam đã xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung để bảo vệ sơn hà nguy biến.
Kẻ hậu sinh hình dung những sông rạch chằng chịt um tùm chìm trong rừng tràm rừng đước ngụy trang những nòng súng B40 chờ đón những chiếc tiểu đĩnh lầm lũi đi trong đêm tối. Những giây phút hãi hùng của tác giả khi đi vớt xác bạn thân, cũng là một Trung úy Hải Quân Thuyền trưởng. Phải ria những loạt súng vào xác người bạn thân vì sợ Việt Cộng gài mìn. Phải ẵm xác chết sình thúi rữa nát bỏ lên băng ca, và nước sông ngập trong xác chết ấy chảy ra đổ vào người của tác giả.
Cuốn Năm Căn Vùng Xôi Đậu đã là động lực làm xạ thủ lặn lội về thăm những sông lạch ở Năm Căn vào năm 2014, để lội ngược dòng lịch sử và trân trọng tri ân thế hệ trước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng tự do.
Cuốn hồi ký Trên Vòm Trời Lửa Đạn của phi công UH-1 Vĩnh Hiếu, tuy không nổi tiếng bằng cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa, nhưng giá trị văn chương cũng tương đồng. Ông Vĩnh Hiếu có văn phong trào phúng, cộng thêm phong cách hào hoa bạt mạng của một phi công trưc thăng võ trang chuyên bắn rocket và minigun sống kề cận với cái chết. Đọc hồi ký của ông mà thương cho quê hương đã chìm ngập trong chiến tranh, nhưng cười té ghế vì cá tình liều lĩnh ba gai của một phi công tác chiến. Ai muốn biết cuộc sống đi mây về gió đùa giỡn với tử thần thì hãy đọc cuốn sách này.
Tác giả kể lại những giây phút cô độc lạnh lẽo, khi những chiếc trực thăng vì thời tiết xấu phải đáp xuống một ngôi làng cô quạnh, giữa núi rừng trùng điệp chìm trong sương mù. Những người hoa tiêu phiêu bạt phải xin tá túc nằm ngủ trên một cái bàn ọp ẹp của một quán tạp hóa. Họ nằm trằn trọc co ro trong đêm lạnh hút thuốc lá, nghe mưa rơi tí tách trên mái hiên và đợi gà gáy trời sáng để cất cánh tiếp tục phi vụ bay về Ban Mê Thuột.
Trong tác phẩm Trên Vòm Trời Lửa Đạn, tác giả có viết về núi Đá Bia ở tỉnh Phú Yên. Đó là một tảng đá khổng lồ cao 80 mét đứng sừng sững giữa những dãy núi Đại Lãnh chập chùng chạy dài ra bờ biển. Phi công Vĩnh Hiếu miêu tả núi Đá Bia hùng vĩ bí hiểm, vì đó là di tích lịch sử có từ những thế kỷ trước. Năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành, ngài đã sai binh sĩ leo lên núi Đá Bia để khắc dấu ấn xác định chủ quyền của Việt Nam. Người Pháp gọi núi này là “Ngón Tay Của Chúa” vì từ ngoài khơi họ đã thấy và biết đó là đất liền.
Theo tác giả thì trực thăng của đồng minh và Việt Nam Cộng Hòa thường lấy núi Đá Bia để làm điểm chuẩn địa hình định hướng đường bay. Xạ thủ cũng là một phi công trực thăng, hay nhìn xuống đất để nhận diện “landmark”mà không dùng bản đồ hay GPS. Nên những dòng chữ của ông đã trở thành động lực thôi thúc bao nhiêu năm qua, rất muốn được đặt chân lên núi Đá Bia để nhìn ngắm quê hương gấm vóc và mường tượng những chiếc trực thăng UH-1 hào hùng của thế hệ trước phành phạch bay ngang ngọn núi lịch sử kia.
Cuối cùng giấc mơ được đặt chân lên núi Đá Bia đã trở thành hiện thực. Từ Quy Nhơn thuê xe đi theo Quốc Lộ 1 khoảng 3 tiếng. Tới gần địa phận Phú Yên thì xe rẽ vào một đường khác chạy quanh co giữa những dãy núi. Cảnh vật gần khu vực núi Đá Bia hùng vĩ hoang sơ mây mù thu hút thôi thúc một cách kỳ lạ. Có lẽ tâm tư khi đó bị cuốn hút vào dòng lịch sử chăng.
Người tài xế hướng dẫn cho biết rất ít du khách đến đây để leo lên núi này, vì nó xa xôi hẻo lánh và giới trẻ ngày hôm nay không mấy quan tâm về di tích lịch sử cho lắm.
Xạ thủ leo một mình lên ngọn núi. Nói leo cho oai, chớ thiệt ra có đường mòn dài trên 2 cây số và hàng trăm hay ngàn bậc tam cấp xây bằng các tảng đá. Các bậc tam cấp thì đủ kích thước. Có khi rất cao, có khi thấp, khi thì nghiêng ngã giữa tảng đá cheo leo nên rất tốn sức lao động để leo lên. Tuy nhiên đúng 1 giờ 55 phút thì xạ thủ lên tới đỉnh, tức là tới ngay chân cục Đá Bia khổng lồ cao 80 thước kia. Tới nơi nhìn quanh thấy trời nước bao la, đúng y lời tác giả Vĩnh Hiếu đã miêu tả khi ông ngồi trong phòng lái chiếc UH-1 nhìn ra cách đây nửa thế kỷ.
Đường đi xuống thì nhanh hơn, khoảng hơn 1 tiếng thì tới đồng bằng. Leo núi một mình cũng là một kỷ niệm zui buồn khó quên. Thú thiệt cũng cảm thấy rờn rợn trong lòng vì nếu có chúa sơn lâm đói bụng xuất hiện thì thôi rồi. Nhưng máu liều mạnh hơn máu sợ nên cứ đi đại, như những chuyến bay đêm đơn độc qua những đồi núi chập chùng mây mù giông tố ở Bắc Mỹ.
Ngoài ra còn sợ bị tai nạn một mình giữa núi rừng trùng điệp. Khi đi qua một vài địa thế hiểm trở phải thận trọng chống gậy hỗ trợ, vì nếu trợt té xuống đập vào các tảng đá gãy giò nằm đó thì đâu ai biết mà đến cứu. Tránh xa các bụi rậm vì nếu có em hổ mang nó mổ cho một phát thì 15 phút sau sẽ dìa nước trời. Đâu phải ở Mỹ chỉ gọi 911 là có trực thăng bay đến, thả mấy ông hộ pháp xuống có đầy đủ dụng cụ cứu cấp và miễn phí.
Buổi sáng khởi hành lên xe lúc 8 giờ sáng. Leo núi xong đi thăm Vũng Rô rồi dìa lại Quy Nhơn lúc 7 giờ tối. Suốt ngày chỉ ăn 2 trái bom và một trái cam. Tu vài chai nước lọc. Cái bụng bầu con so mấy tháng nó xẹp xuống mau lẹ như cái bong bóng bị kim chích xì hơi. Nịt siết liên tục mà cái quần vẫn lỏng le muốn tuột xuống. Nhịn đói leo núi Đá Bia cũng là một phương pháp giữ zòng số 2 đúng tiêu chuẩn.
Dìa phòng tắm rửa sạch sẽ rồi đi bộ qua bên kia đường vào một quán ăn ngồi ở bang công lầu 2 gọi cơm chiên hải sản và món bạch tuộc hấp dai như cao su nhai sái cả quai hàm. Thành phố Quy Nhơn ban đêm mát lạnh yên tĩnh hỏng xô bồ. Mấy cô phục zụ xinh đẹp ốm tong cẳng dài như ống điếu trắng bóc mang giày cao gót đi lốp cốp, đến đốt lò ngay trên bàn nấu con bạch tuột và hướng dẫn cách ăn. Họ là sinh ziên địa phương đi làm thêm, và bập bẹ tập nói tiếng Anh vì tưởng gã xạ thủ ngồi lù khù một cục là người nước ngoài.
Mấy bàn bên cạnh có dân nhậu ngồi cụng ly nhưng hỏng có la lối om xòm thô thiển như ở Sài Gòn. Nói chung dân tình Quy Nhơn hiền lành chất phác rất đáng mến. Cám ơn núi Đá Bia và những giây phút phiêu bồng lãng tử với núi rừng Việt Nam. Cám ơn tiền nhân từ ngàn xưa đã xây dựng nên đất nước này.
BÔNG LAU 02.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.