Đăng ngày:
Trên đoạn sông này, Trung Quốc muốn phá đi các ghềnh thác, nạo vét
lòng sông cho sâu hơn để cho các tàu chở hàng khổng lồ có thể đi qua,
thậm chí cả các chiến hạm. Mục tiêu là nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với vùng Biển Đông đang bị tranh chấp quyết liệt, bằng cách tăng cường kiểm soát « Mẹ của các dòng sông » - vốn từ cao nguyên Himalaya đổ xuống Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
Với khẩu hiệu « Chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai »,
Bắc Kinh biện minh không có ý định bành trướng, khẳng định các công
trình lớn của mình chỉ nhằm phát triển bền vững cho dòng sông dài 5.000
kilomet. Nhưng dân địa phương và các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo về
các dự án nạo vét của Trung Quốc.
Họ tố cáo Bắc Kinh đã làm thay
đổi hẳn sông Mêkông với việc xây vô số đập thủy điện, nhắm vào nhu cầu
của một Đông Nam Á đang phát triển cả về kinh tế lẫn dân số. Theo họ,
các con đập nhiều khi có kích thước rất lớn này có tác động trực tiếp
lên dòng chảy của Mêkông, nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của gần 60 triệu
dân Đông Nam Á.
Chỉ
đứng sau Amazon, sông Mêkông là nơi có đa dạng sinh học thứ nhì thế
giới, với 1.300 loài cá nước ngọt. Lòng sông hiện nay có mực nước thấp
một cách bất thường, có những nơi lộ ra những khối đá màu đỏ quạch, vô
số bãi cát với thảo mộc bắt đầu mọc lên.
Đất phù sa màu mỡ ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì ngày càng nghèo đi, và trữ lượng cá giảm hẳn.
Những
người muốn xây đập thủy điện lý luận rằng như vậy Bắc Kinh sẽ giảm lệ
thuộc vào năng lượng hóa thạch vốn gây hiệu ứng hâm nóng khí hậu.
Cây số 1 : Tam giác vàng
Tại làng Sop Ruak, đông bắc Thái Lan, khách du lịch chụp ảnh trước một tấm pa-nô đánh dấu lối vào « Tam giác vàng »,
vùng đất của dân buôn ma túy nằm vắt ngang Miến Điện, Lào và Thái Lan.
Phía dưới là những tảng đá và bãi cát làm nên lòng sông Mêkông.
Chính
tại đây Trung Quốc muốn khởi sự nạo vét trước tiên, để những chiếc tàu
chở trên 500 tấn hàng có thể đi qua. Dọc theo hai bên bờ, có những nơi
sẽ được biến thành « đặc khu kinh tế » với các cảng, các tuyến đường sắt
và đường bộ giao nhau.
Zhang Jingjin, một người chuyên bán thang máy ở Bắc Kinh đi cùng với một nhóm khách du lịch phấn khởi nói : « Nếu nhiều tàu có thể đi ngang đây hơn, thì sẽ có thêm nhiều du khách, nhiều cửa hàng và cơ hội làm ăn ». Pianporn Deetes, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers đáp trả : « Họ muốn biến sông Mêkông thành xa lộ hàng hóa ».
Trước
mắt, các dự án của Bắc Kinh đang khựng lại. Sau gần 20 năm chiến đấu,
các nhà đấu tranh sinh thái ở Thái Lan hồi tháng Ba đã khiến việc nạo
vét 97 kilomet lòng sông bị tạm ngưng. Niwat Roikaew, một nhà hoạt động
luôn trên tuyến đầu khẳng định với AFP, việc này sẽ gây thiệt hại khủng
khiếp cho môi trường, an ninh thực phẩm và phương tiện mưu sinh của
người dân. « Nạo vét quy mô như vậy sẽ tiêu diệt nơi cư trú và sinh sản của cá, chúng cũng khó tìm được thức ăn ».
Nhưng
ông lo ngại chiến thắng này chỉ tạm thời, nhấn mạnh rằng những người
dân địa phương phản kháng hiếm khi thắng được trước tham vọng của Trung
Quốc, vốn coi Đông Nam Á như sân sau của mình. Bắc Kinh cũng đã ngự trị
trên một số đoạn của dòng sông chảy qua Cam Bốt và Lào, hai nước đồng
minh mà Trung Quốc đã đổ vào hàng tỉ đô la đầu tư.
Cây số 10 : Nghề đánh cá sa sút
« Tôi đã giăng lưới hai lần trong hôm nay, nhưng chẳng thu hoạch được gì cả »
- ngư dân Kome Wilai than thở. Dự án nạo vét ở đây cũng đã bị dừng lại.
Người dân hai bên bờ thở phào nhẹ nhõm, họ nhận ra mực nước sông Mêkông
thường hạ xuống 1,5 đến 3 mét một cách bất ngờ.
Theo họ, đó là
do đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc ở thượng nguồn –
một trong số 11 con đập được xây dựng trên phần sông Mêkông chảy qua
Trung Quốc. Quận trưởng Prasong La On cho biết : « Mỗi khi Trung Quốc đóng cửa đập thì lại ảnh hưởng đến tất cả mọi người sinh sống dọc theo con sông ». Khi kiểm soát lưu lượng, Bắc Kinh sở hữu phương tiện gây áp lực đáng kể lên các nước láng giềng.
Đại sứ Trung Quốc tại Bangkok khi được hỏi đã trả lời rằng Trung Quốc không giữ lại nước trên thượng nguồn và « hết sức quan tâm »
đến nhu cầu của các quốc gia hạ nguồn. Về phía China Water Risk, một tổ
chức phi chính phủ Hồng Kông thì quy trách nhiệm cho Thái Lan, cũng đã
xây dựng nhiều con đập trên sông Mêkông, chủ yếu tại Lào : « Trung Quốc chỉ kiểm soát 12% lượng nước sông Mêkông ».
Nước
Lào nhỏ nghèo có tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng cho Đông
Nam Á, và đã cho phép những nước khác tài trợ vài chục đập thủy điện
trên sông Mêkông và các nhánh sông.
Trung Quốc, Thái Lan, Lào,
hậu quả luôn không thay đổi : lượng cá nước ngọt giảm mạnh, trong đó
loại cá lóc khổng lồ của Thái Lan hầu như biến mất. Tạp chí Global Change Biology trong một nghiên cứu công bố hồi tháng Tư khẳng định như trên.
Cây số 45 : Nơi loài cá sinh sản
Những
tảng đá nối nhau chồng chất, nơi đây dòng nước ngày càng cuộn chảy
nhanh hơn theo cùng với việc lòng sông thu hẹp lại. Cũng ở đây, các loài
cá và chim thường chọn làm nơi sinh sản.
« Hệ sinh thái này
là căn bản cho khu vực. Nhưng nay mực nước sông lệ thuộc vào việc mở cửa
đập thủy điện Cảnh Hồng, và sinh sản tự nhiên không còn như trước nữa »
- ông Niwat Roikaew than thở.
Về các loại tảo, thức ăn ưa
thích của cá lóc khổng lồ, ngày càng ít và mọc lên chậm hơn. Tình hình
này có thể gây hậu quả thảm hại cho hàng trăm kilomet hạ nguồn.
Biển
Hồ (Tonlé Sap) ở Cam Bốt nối kết với sông Mêkông, đã bị ảnh hưởng. Hồ
rộng mênh mông này là nguồn dự trữ protein chính của Cam Bốt, với nửa
triệu tấn cá đánh bắt hàng năm – theo Bryan Eyler, giám đốc chương trình
Đông Nam Á của Stimson Center, cơ quan tư vấn ở Washington và là tác
giả cuốn « Những ngày cuối cùng của dòng sông Mêkông dũng mãnh ».
Về
phía Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa nhiễm mặn. Lượng phù
sa bị giảm do các đập thủy điện trên thượng nguồn chận lại, nên nước mặn
có thể xâm nhập vào.
Cây số 97 : Kháng cự
Ở Huai Lek, một tảng đá cuối cùng chặn lại lòng tham của Bắc Kinh.
Thongsuk
Inthavong, cựu trưởng thôn, quan sát phía bờ sông đối diện thuộc Lào.
Những mảnh đất nhỏ lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, biến
thành những trang trại rộng lớn trồng chuối. Bắc Kinh cũng mưu toan thâu
tóm đất phía Thái Lan, nhưng vấp phải sự kháng cự. Thongsuk nói : «
Trung Quốc coi chúng tôi như những món đồ chơi. Điều này làm tôi phẫn
nộ, nhưng chúng tôi quyết bảo vệ dòng sông của mình cho đến cùng ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.