Đăng ngày:
Làn sóng phẫn nộ mới bất chấp đàn áp
Cái chết
của 176 hành khách đa số là người gốc Iran, rồi sự tiết lộ về vai trò
của Vệ binh Cách mạng Iran đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ mới, bất
chấp các cuộc biểu tình hồi tháng 11/2019 đã bị đàn áp đẫm máu làm
khoảng 500 người chết.
Đã ba ngày liên tiếp, các sinh viên biểu tình tại Teheran, hô vang : « Họ đã sát hại giới tinh hoa, hãy đưa các giáo sĩ trở về chỗ của mình ». Tối thứ Bảy 11/1, hàng ngàn người còn dám hô « Kẻ độc tài đáng chết ! » - ám chỉ giáo chủ Ali Khamenei.
Ngay cả Iran, một tờ báo thân chính phủ cũng chạy tựa « Không thể tha thứ ! », và đăng danh sách tất cả các nạn nhân thiệt mạng. Nhật báo tiến bộ Etemaad đòi hỏi « Hãy từ chức », còn tờ Javan thân Vệ binh Cách mạng tỏ ý tiếc về một « sai lầm đau đớn ». Điều hiếm hoi là truyền hình nhà nước cũng chiếu cảnh đám đông biểu tình.
Les Echos
ghi nhận các đơn vị cảnh sát cơ động trang bị vòi rồng được triển khai
hàng loạt tại một quảng trường lớn và ba trường đại học ở thủ đô
Teheran. Le Monde dẫn lời một người dân cho biết : « Vệ binh Cách mạng không cho phép tụ tập trên 20 người, có nhiều người biểu tình bị bắt ».
Những video quay tại Teheran và nhiều nơi khác cho thấy lựu đạn cay
được sử dụng rộng rãi, có những tiếng súng nổ rải rác, người biểu tình
bị đối xử thô bạo.
Xuống đường, tẩy chay, từ chức…Nội tình Iran rối loạn
Hôm Chủ nhật, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter bằng chữ in hoa, cảnh cáo « Không được giết hại người dân biểu tình ! ». Trước đó một hôm ông cũng đã nhắc nhở : « Hàng ngàn người đã bị quý vị sát hại hoặc cầm tù, thế giới đang nhìn vào quý vị và nhất là Hoa Kỳ ». Trước
sự phẫn nộ của dân chúng, rốt cuộc hôm qua 13/1 cảnh sát được lệnh «
kềm chế » - theo thông báo của chỉ huy trưởng lực lượng là tướng Hossein
Rahimi.
Gần đến liên hoan nghệ thuật lớn Fajr vẫn diễn ra mỗi mùa
đông trước ngày kỷ niệm cuộc cách mạng Hồi giáo 11/2, nhiều giám khảo
và nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh loan báo không tham dự, vừa để tang cho
các nạn nhân vừa phản đối chính quyền. Cú sốc còn ảnh hưởng cả đài
truyền hình công Iran : ít nhất hai nhà báo nữ dẫn chương trình từ chức
để phản đối việc đưa tin dối trá về vụ rơi máy bay. Nữ võ sĩ judo Kimia
Alizadeh, huy chương thế vận duy nhất của Iran tuyên bố rời khỏi đất
nước vì không còn chịu đựng được một chế độ chỉ gây « nhục nhã ».
Cũng
chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội 21/2, vụ bắn hạ chiếc
phi cơ Ukraina đã làm tan vỡ sự đoàn kết nội bộ sau vụ Soleimani bị ám
sát. Trước mắt đã có vài chục dân biểu đa số thuộc phe cải cách bị loại
ra khỏi danh sách ứng cử, và nếu tiếp tục, có nguy cơ chỉ còn lại những
ứng cử viên bảo thủ.
Thảm họa khiến Iran rơi vào thế yếu trước Mỹ
Trong bài « Thảm họa máy bay đã đặt Iran vào thế yếu so với Hoa Kỳ », Les Echos nhận định sau khi thú nhận « sai lầm không thể tha thứ »
qua việc bắn hạ chiếc phi cơ bằng hỏa tiễn, chế độ Iran bị chỉ trích cả
trong lẫn ngoài nước. Tai nạn này cũng đánh dấu một bước ngoặt trong
cuộc xung đột với Washington.
Teheran không còn cách nào khác
ngoài việc phải thú nhận sai lầm. Ngoài những tố cáo của nhiều quốc gia
châu Âu và của Mỹ, việc phân tích các video phổ biến trên internet đã
chứng minh rất rõ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đòi hỏi tổng
thống Iran, Hassan Rohani làm rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về thảm
kịch đã làm 57 người mang quốc tịch Canada thiệt mạng. « Tôi nói với
ông ấy, lời thú nhận của Iran là một bước quan trọng nhằm mang lại câu
trả lời cho thân nhân những người bị nạn, nhưng nhấn mạnh rằng còn phải
có những biện pháp khác ».
Về phía tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố : « Chúng tôi chờ đợi Iran đưa các thủ phạm ra trước công lý và phải bồi thường ».
Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tám quan chức cao
cấp của chế độ Teheran và các nhà sản xuất lớn về nhôm, thép, đồng, sắt
của Iran.
Chế độ Teheran tẽn tò, căng thẳng giảm xuống
Có
một nghịch lý là vụ Teheran bắn lầm máy bay dân sự đã mở ra khả năng
giảm thang xung đột. Trong một thông cáo chung hiếm hoi tối Chủ nhật
12/1, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh đòi hỏi Iran « hủy bỏ tất cả những biện pháp không phù hợp với hiệp ước nguyên tử », « tránh mọi hành động bạo lực mới hoặc leo thang ».
Thông
cáo cũng nhấn mạnh vai trò gây bất ổn trong khu vực của Vệ binh Cách
mạng và lực lượng Al-Qods, hàm ý việc Iran giựt dây các lực lượng dân
quân tại các nước láng giềng. Và hôm nay 14/1, ba nước châu Âu tham gia
hiệp ước nguyên tử nói trên đã kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng quy
định trong văn bản, để gây áp lực tối đa lên Iran.
Không chỉ tai
nạn này đã làm đảo ngược thế cờ, mà việc Mỹ trừ khử Soleimani trước đó
cũng khiến cho mọi tính toán chiến lược của Iran trở nên vô dụng. Nhà
báo Georges Malbrunot trên Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận
với chế độ Iran cho biết, Mỹ ra tay trả đũa quá sớm trong khi Teheran
dự định chờ đến mùa hè mới leo thang xung đột.
Kịch bản phá rối để Trump thất cử
Các
nhà lãnh đạo Iran tin rằng ông Donald Trump không muốn chiến tranh. Các
vụ tấn công vào tàu dầu ở vùng Vịnh, việc phá hủy một máy bay không
người lái của Mỹ và nhất là vụ oanh kích dữ dội các nhà máy lọc dầu của Ả
Rập Xê Út hôm 14/09/2019 được coi như những thắng lợi, vì Mỹ không có
phản ứng trả đũa.
Từ sáu tháng qua, Teheran nhận
định ông Trump có nhiều khả năng tái đắc cử. Nguồn tin trên nói rằng
chiến lược của Iran là phá hoại chiến dịch tranh cử của Donald Trump
bằng cách gây áp lực thật lớn vào khoảng ba, bốn tháng trước cuộc bầu cử
tổng thống.
Iran đưa dần tỉ lệ làm giàu uranium lên 20%, ngưỡng
có thể dùng cho mục đích quân sự. Mỹ và Israel sẽ phải tấn công vào các
cơ sở của Iran để ngăn chận việc chế tạo bom nguyên tử, và Teheran sẽ
dùng Hezbollah đánh vào Israel. Một sự hỗn loạn như thế trước cuộc bầu
cử ba tháng sẽ giúp đối thủ Dân Chủ chiến thắng Donald Trump.
Trump ra lệnh hạ sát Soleimani, chiến lược Iran phá sản
Iran
biết rõ về quân sự thì không thể đọ sức nổi với Mỹ, như vậy chỉ có thể
dùng mối đe dọa nguyên tử để gây rối loạn vùng Trung Đông. Tuy nhiên
tính cách không thể đoán định của ông Trump đã khiến Teheran bị bất ngờ,
lọt vào chiếc bẫy do chính mình giăng ra.
Chính Iran đã làm gia
tăng căng thẳng khi tấn công vào đồng minh Ả Rập Xê Út của Hoa Kỳ, cho
rằng Washington sẽ không trả đũa. Đúng vậy, nhưng tiếp đến họ đã đi quá
xa, khi cho dân quân bao vây tòa đại sứ Mỹ ở Irak.
Nhà ngoại giao Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington nhận định trên Le Point, Teheran đã sai lầm trong phân tích « lằn ranh đỏ »
của Mỹ, và nay đã phải trả giá, trước hết là sinh mạng của Soleimani.
Nay thì các giáo sĩ Hồi giáo đã hiểu rằng Donald Trump sẵn sàng bất ngờ
sử dụng vũ lực bất kỳ lúc nào.
« Người tính không bằng trời tính ».
Bốn mươi năm sau cuộc cách mạng Hồi giáo, cuộc khủng hoảng lòng tin ở
Iran chưa bao giờ sâu sắc như bây giờ : kinh tế suy sụp, chính sách gây
ảnh hưởng trong khu vực mà Soleimani là nhân tố quan trọng tạo ra nhiều
bất bình. Và diễn biến thời cuộc không ai có thể đoán trước được, với
một tổng thống Mỹ khó đoán mà Iran muốn triệt, nay uy tín lại lên như
diều.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.