Bản chụp màu kèm lời giới thiệu và dịch chú trang bản đồ cổ ghi chép về
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tập “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ”.
|
(Zing.vn 18/01/2020) Đây là tập bản đồ kèm theo những lời chú giải, mô tả
đường đi từ Kinh Đô (Thăng Long) tới khu vực Chiêm Thành xưa.
Ngày
18/01/2020, bên bờ biển Đà Nẵng, chính quyền huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức
lễ phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa. Buổi lễ diễn ra đúng dịp
tưởng niệm 46 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhằm nhắc
nhở mỗi người hôm nay và cả mai sau: Hoàng Sa là một phần máu thịt của dân tộc
Việt Nam.
Tại
buổi lễ, Ban tổ chức đã tiếp nhận những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên
cứu của các tổ chức, cá nhân về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
cho UBND huyện Hoàng Sa. Đáng chú ý trong số đó là tờ bản đồ cổ ghi chép về
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tập “Hoàng
Lê Cảnh Hưng bản đồ” (tờ 31b) do cá nhân PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiến tặng.
Tập
bản đồ tập “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ”
được đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm (gồm PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường trưởng
đoàn, PGS.TS Nguyễn Thị Oanh, TS Trần Trọng Dương) tìm thấy đầu tháng 12/2016.
Nhận thấy giá trị và ý nghĩa của tập bản đồ này, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường đã
sao chụp bằng kinh phí cá nhân và mang về nước năm 2017. Đã có một đề tài cấp
bộ (2017), hai bài nghiên cứu (2018, 2019) và một luận văn thạc sĩ do PGS.TS.
Nguyễn Tuấn Cường cung cấp tư liệu và hướng dẫn tìm hiểu về bộ bản đồ này.
“Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” còn có tên khác là
“Quốc triều thiên hạ bản đồ” là một văn bản Hán Nôm Việt Nam gồm 40 tờ (80
trang) giấy dó, sách chép tay, khổ sách 30x17 cm, chưa rõ người biên soạn. Hiện
văn bản này có ký hiệu sách “G 236.1”
(G-Vietnam-236.1), hiện được lưu trữ tại Tư Đạo văn khố (Shido Bunko) thuộc Đại
học Keio (Keiō Gijuku Daigaku) ở Tokyo, Nhật Bản. Đây là một tập bản đồ kèm
theo những lời chú giải, mô tả đường đi từ Kinh Đô (Thăng Long) tới khu vực
Chiêm Thành xưa.
Phần
bản đồ được vẽ bằng hai màu mực xanh và đen, theo hệ quy chiếu không gian phía
trên là Tây, phía dưới là Đông, bên phải là Bắc, bên trái là Nam. Nghiên cứu
giám định văn bản bằng phương pháp địa danh học lịch sử cho thấy, đây là một
bản đồ được định bản vào thời Nguyễn, trên cơ sở tham khảo các bản đồ từ thời
Lê trở lại, với niên đại khởi soạn là năm 1522 và niên đại định bản là năm
1836.
Tờ
31b trong "Hoàng Lê Cảnh Hưng bản
đồ" mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển
từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh. Phần hình vẽ thể hiện rõ sự ngăn
cách giữa đất liền với biển, các vùng nước được thể hiện bằng hoa văn hình sóng
một cách sống động, ít thấy ở các bản đồ cổ khác của Việt Nam trước đó.
Thông
qua quan sát tổng hợp giữa hai phần chữ viết và hình vẽ trong đoạn ghi chép về
Hoàng Sa, đồng thời so sánh những điểm tương đồng và dị biệt với một số bản đồ
cổ khác của Việt Nam, có thể nhận thấy rằng "Hoàng
Lê Cảnh Hưng bản đồ" là sử liệu quan trọng góp phần khẳng định vị trí
ngoài khơi của quần đảo Hoàng Sa (chứ không phải dải cát ven bờ), phản ánh bước
phát triển trong tư duy nhận thức của người Việt Nam về tầm quan trọng của địa
danh Hoàng Sa trong lịch sử bản đồ Việt Nam.
Nội
dung về quần đảo Hoàng Sa trong tờ 31b, tập Hoàng Lê Cảnh Hưng do PGS.TS Nguyễn
Tuấn Cường dịch và chú giải: “Giữa biển
có một bãi cát dài, tên gọi là “Bãi Cát Vàng”, theo cửa biển Đại Chiêm đến cửa
Sa Vàng (Cửa Sa Vàng, tức cửa Sa Huỳnh (Sa Hoàng), còn có tên là cửa Sa Vinh
ước dài năm sáu trăm dặm, rộng bốn mươi dặm (Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư chép là
“ước dài 400 dặm, rộng 20 dặm) đứng sừng sững giữa biển. [Khi có] gió Tây Nam,
tàu thuyền các nước đi qua mé trong thì trôi vỡ ở đây; gió Đông Bắc, tàu thuyền
các nước đi qua mé ngoài, cũng trôi dạt vào đây; đều chết đói, tài vật đều bỏ
lại xứ Cát Vàng.
Mỗi năm vào cuối đông, tháng mười hai,
có lệ đem mười tám chiếc thuyền đi ra xứ ấy, nhặt lấy tài vật, đều được vàng
bạc, tiền tài, súng đạn, đồ đạc. Từ cửa Đại Chiêm vượt đến đó nửa ngày (Thiên
Nam tứ chí lộ đồ thư chép là “một ngày rưỡi”), cửa Sa Huỳnh (Thiên Nam tứ chí
lộ đồ thư chép là “cửa Sa Kỳ”) vượt đến đó nửa ngày. Xứ cát ấy cũng có sản vật
đồi mồi”.
Chính quyền huyện Hoàng Sa bắt đầu sưu tầm các hiện vật, tài liệu về
Hoàng Sa từ năm 2009. Trong quá trình này, nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả đã
gửi tặng sách viết về Hoàng Sa và biển đảo quê hương cho UBND huyện Hoàng Sa.
Mục đích của việc xây dựng Thư viện Hoàng Sa để phục vụ việc tham quan,
nghiên cứu và công tác đấu tranh khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng
biển đảo ngày càng có hiệu quả hơn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.