(Tiếng Dân 16/01/2020) Ngày càng có nhiều
thông tin đáng tin cậy về vụ đàn áp đẫm máu Đồng Tâm, ngày 9/1/2020. Những
thông tin này bao gồm phần lớn là tuyên bố của giới chức cầm quyền, mặc dù cố
tình che đậy bằng uyển ngữ, nhưng do tiền hậu bất nhất, dần dần người ta biết sự
thật là gì.
Từ các tuyên bố của quan chức người ta rõ
rằng cuộc tấn công vào Đồng Tâm đã được chuẩn bị trước, nhắm vào Tổ Đồng Thuận
chống tham nhũng do ông Lê Đình Kình đứng đầu.
Nhưng phải dựa vào các nguồn tin khác để
có thể đoán tại sao nhà cầm quyền cộng sản lại quyết định một cuộc giết chóc
như vậy, một cuộc giết chóc mà con trai một cựu viên chức ngoại giao Việt Nam
nói với tôi: Tàn ác như đám vua quan ở thế kỷ 19.
Chủ tịch Chung và viên công an Khương
Theo những nguồn tin đáng tin cậy, viên
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã không đồng ý đàn áp dân chúng, viên bí thư
thành ủy Hoàng Trung Hải thì biệt tăm biệt tích (Ông Hải đang bị kêu án kỷ luật
khiển trách của đảng và có nguy cơ bị nặng hơn khi vụ Gang thép Thái Nguyên được
đem vào “lò” trong năm nay).
Vì thế, quyết định đem cả ngàn quân vào một
làng quê là quyết định của viên chỉ huy công an Hà Nội, Đoàn Duy Khương, với sự
trợ giúp của Bộ Công An. Ông Khương này đã phớt lờ ý kiến phản đối của Nguyễn Đức
Chung, người mà về nguyên tắc cao cấp hơn ông Khương.
Ai có quan tâm đến cấu trúc quyền lực tại
Việt Nam đều biết rằng, các viên chỉ huy công an ở địa phương không sợ những cấp
trên chính trị ở địa phương mình, mà họ sợ các tay chỉ huy “ngành dọc”, tức là
cấp trên của họ trong Bộ Công an.
Nếu để ý kỹ, bạn đọc sẽ thấy ông Nguyễn
Phú Trọng, người có quyền lực nhất Việt Nam hiện nay đã ra một quyết định cực kỳ
nhanh chóng, là thưởng huy chương cho ba viên công an bị thiệt mạng, một quyết
định chóng vánh đến nỗi khó hiểu. Vì vậy không phải là không có lý khi một số
nguồn tin từ nhà nước rò rỉ ra nói rằng, ông Trọng không biết gì cả, ông ta cứ
nghĩ rằng Đồng Tâm đang có một vụ bạo loạn lớn.
Bộ máy mất kiểm soát
Lớn lên trong lòng xã hội cộng sản, tôi
hiểu rõ bộ máy kềm kẹp khổng lồ đầy uy lực của hệ thống cộng sản. Nó là một hệ
thống chân rết từ đỉnh cao quyền lực đến sát vách nhà bạn, đôi khi vào cả trong
nhà bạn. Trong hệ thống này quyền lực đảng và bộ máy công an trị gắn rất chặt với
nhau.
Tuy nhiên, khi bắt đầu làm ăn với “bọn tư
bản” phương Tây, hệ thống này bắt đầu có những rạn nứt, mà sự kiện Đồng Tâm 9/1
thể hiện rạn nứt đó.
Đám công an “ngành dọc”, vẫn được mệnh
danh là “thanh kiếm và lá chắn của chế độ”, đang bị những viên đạn bọc dollar
xanh bắn tơi tả, cảm thấy hậm hực là tại sao bên “chính quyền” của “Chung con
chủ tịch” lại có nhiều bổng lộc quá, dù Chung cũng vốn là một đồng chí công an
của họ.
Đó là một giả thuyết chúng ta có thể đặt
ra trong vụ Đồng Tâm.
Tôi vẫn không loại trừ nguyên nhân đàn áp
là thách thức quyền lực của trung ương cộng sản khi chính quyền cấp thấp rơi
vào tay “Cụ Kình” (cũng là một cựu công an). Việc này tương tự chuyện bên Ô Khảm,
Quảng Đông, Bắc Kinh bị thách thức khi chính quyền lọt vào tay ông Lâm Tổ Loan,
dù ông Lâm cũng là đảng viên cộng sản.
Nhưng nếu sự thách thức quyền lực này được
sự đồng thuận của tất cả các cấp cộng sản với nhau, thì mức độ thách thức ấy lại
được các phe phái diễn dịch khác nhau tùy theo quyền lợi của họ.
Phe đàn áp của viên công an Khương cho rằng,
nó rất nguy hại đến sự an toàn của chế độ, trong khi phe của Nguyễn Đức Chung
thì không diễn dịch như thế. Mà ta cũng nên ghi nhận rằng Nguyễn Đức Chung cũng
đã bị lên mặt báo chí chính thống trước đó vài tuần về một vụ bê bối tham
nhũng, có thể những quyền lợi tham nhũng như thế phe của “Khương công an” chưa
được hưởng.
Cũng có thể là vụ Đồng Tâm là một cú quậy
phá của phe nhóm nào đó không ưa Nguyễn Xuân Phúc, vì ông Phúc vừa thành công
hiệp định thương mại với châu Âu. Cả thế giới đều biết đến bốn người chết trong
một vụ đàn áp thì ông Phúc ăn nói làm sao với châu Âu?
Dĩ nhiên bên ngoài, ông Phúc vẫn “đồng
tâm nhất trí” với “các đồng chí công an”, nhưng có lẽ cũng chỉ còn ít người tin
cái “tình đồng chí” ấy giữa các đảng viên ngày nay với nhau.
Tôi không nghĩ là vụ Đồng Tâm đưa đến một
chuyển biến gì lớn về mặt xã hội tại Việt Nam. Hàng triệu người đang bị mất gốc
từ thôn quê, lê la thành thị kiếm miếng sống, sẽ chẳng có ai để ý đến vài ông
nông dân bị đàn áp. Điều an nguy cho Việt Nam hiện nay là sự mất kiểm soát vốn
có của hệ thống, nay không phải chỉ là “trên bảo dưới không nghe” nữa, mà là
“không ai nghe ai”.
Chế độ cộng sản Việt Nam có thể không sụp
đổ về hình thái, mà nó tan rã về bản chất, biến thành một chế độ thất bại, với
những viên “Đại tá” sứ quân giống như ở Nam Mỹ, của một quốc gia thất bại
(failed state), dân chúng mạnh ai nấy lo trong một không gian vô pháp, vô
thiên.
JACKHAMMER NGUYỄN
San Francisco
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.