lundi 13 janvier 2020

Mai Quốc Ấn -Mất mát Đồng Tâm


Điều mất mát lớn nhất lúc này sau sự kiện chết người ở Đồng Tâm chính là sự... đồng tâm. Trên mạng xã hội hay ngoài đời, mọi người đang bàn luận theo hướng ai cũng cho là mình đúng hoặc trái ý mình là sai.

Hãy lấy một dữ kiện: Bức ảnh chiến sĩ quân đội bị hy sinh vì tai nạn máy bay được mặc định là chiến sĩ công an hy sinh tại Đồng Tâm. Ai đã đưa bức ảnh fake ấy lên? Mục đích là gì? Đó là câu chuyện mà các lực lượng an ninh nên quan tâm hơn; bởi những bức ảnh được sử dụng như vậy luôn tạo sự phân hóa cho đám đông. Nó tương tự như cách thông tin dòng hải lưu đi từ Nam ra Bắc (trong khi ngược lại) để phủ định Formosa xả thải.

Đánh lừa nhân dân để làm gì?

Khoan vội mặc định rằng cách đê hèn ấy là từ một dự án an ninh hay của “thế lực thù địch”. Nếu nó là của Hoa Nam thì sao? Hay tệ hơn, là một âm mưu chính trị nội sinh nào đó?...

Các câu hỏi luôn có rất nhiều song trong góc độ cá nhân, tôi thấy chỉ có vài vấn đề mang tính nguyên bản cần giải quyết. Đó là Hiến pháp và Pháp luật. Nếu cả hai hình thức luật này (và cả Nghị quyết Quốc hội, cũng tính là luật) có kẽ hở thì đó mới là vấn đề chính của quốc gia. Hễ có kẽ hở càng lớn thì sự đồng thuận của nhân dân càng thấp và sự bất đồng tâm dĩ nhiên càng cao.

Cái gốc vấn đề không phải là bao nhiêu người chết mà nằm ở chỗ vì sao họ phải chết, khi nhắc về đất đai không chỉ Đồng Tâm! Một nơi thuộc thủ đô, gần “mặt trời chân lý” còn vậy, thì xa hơn sẽ ra sao?

Có bao nhiêu nhà báo ở Hà Nội, Tp.HCM (đông nghịt) đã thực sự đi hết đồng bằng miền Tây, Tây Nguyên, Tây Bắc... và cảm thụ những kẽ hở thể chế qua các vụ việc? Lãnh đạo cũng thế, có bao nhiêu chuyến ủy lạo không gần dân, có lẽ cũng cảm thụ được.

Hiện thực luôn là câu trả lời thẳng thắn nhất và cũng tàn khốc nhất!

Không chỉ nên nhìn hiện thực chết nhiều người ở Đồng Tâm bằng một lý do tạo ra sự kiện. Nên chăng nhìn vào nguyên nhân của vô số sự kiện đất đai (& môi trường) của quốc gia này; để thấy mầm mống phản kháng bạo lực vẫn là lõi của thể chế bất cập mà chưa có cá nhân quyền lực nào đủ sức vá víu.

Không chỉ Đồng Tâm gây bất đồng tâm trong những ngày này. Sẽ còn tiếp tục những sự kiện tương tự để người Việt khó nhìn chúng một hướng.

Đó là cách đơn giản nhất để một quốc gia đầy dã tâm thực hiện các bước xâm lược mềm, xâm lược quân sự như cha ông chúng nó đã làm cả ngàn năm qua.

Rất đơn giản! Nhưng lại không nhiều người nhận ra...

Sự mất mát đồng tâm của một dân tộc đừng chỉ trách kẻ thù. Hãy trách sự hạn hẹp trong cách nhìn của mỗi cá nhân của dân tộc ấy!

MAI QUỐC ẤN 12.01.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.