jeudi 23 janvier 2020

Những trào lưu sắm Tết


(VnExpress 21/1/2020) Tôi cho ba cành đào be bé vừa chặt xuống từ vườn hoa đào làng Nhật Tân vào trong cái bao bố, buộc gọn cẩn thận sau xe máy chạy xuống nhà bố mẹ.

Bố mẹ tôi đều sinh ra trong khu phố cũ Hà Nội. Ông cụ thích đào, mà phải là bích đào Nhật Tân nên năm nào tôi cũng vào tận vườn, cắt vài cành con con tặng ông. Một cành ông để trang trọng trên ban thờ gia tiên, một cành trên phòng khách và một cành không thể thiếu trên bàn bếp, nơi mẹ tôi chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mồng 2 Tết, ngày nhà tôi làm cơm mời cả họ như thường lệ.

Năm nay được cái vui là anh em cơ quan cũ của bố tôi làm ăn khấm khá nên trước Tết tranh thủ đến thăm cụ. Tôi tháo cành đào xuống thì vừa hay các họ dỡ xuống từ taxi tải hai cây cảnh. Một cây đu đủ thấp nhưng dễ có đến cả hai chục quả xanh treo lúc lỉu, chậu cây kia có độc một cái hoa chuối màu vàng cao cỡ 3 tấc đang nở, trên còn được đính mấy viên cườm trắng.

Trước sự ngạc nhiên cao độ của hai bố con, các anh vội giảng giải, cây này tha hồ nhiều lộc, cháu biếu chú và em để năm sau nhà ta tài lộc đầy nhà ạ. Bố tôi cất tiếng cười sảng khoái, chú tuổi này rồi thì còn cần gì tài lộc nữa, cốt giữ lấy cái lề là đã thấy may, mời các anh vào chơi xơi nước.

Cơ quan tôi nằm ở một con phố nhỏ ven Hồ Tây, trước kia là nơi bà con các làng ven Hồ Tây tập trung bán quất và đào, nhưng nay đổi ra thành nơi bán buôn hoa lan các loại, đỗ quyên, thủy tiên. Ngay cạnh chúng tôi có một cửa hàng bán các loại hoa rất lạ mà chú bảo vệ công ty tôi gọi là các loại hoa "Hồng Lâu Mộng".

Các loại hoa đỏ, tím, hồng, nụ chúm chím, tuyệt không thấy một cái lá nào, có đủ loại thế long, thế phượng đi kèm với các phụ kiện vàng, bạc rất công phu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cô chủ cửa hàng bảo bây giờ người ta chán các loại cây cảnh bình thường rồi, những người có tiền người ta đi tìm của độc và lạ, hàng em bán chạy lắm. Quả thật, tuy giá bán không rẻ nhưng cửa hàng hoa lạ của cô ấy bán rất đắt khách, người ta còn mua buôn cả xe về các địa phương khác để bán.

Ngày xưa người ta có câu "Đói cho chết, ngày Tết cũng phải no" - nôm na là ngày thường dù đói đến cỡ nào thì ngày Tết cũng phải cố gắng làm lụng, kiếm bằng được một cái Tết no đủ. Cái tâm lý ấy phần nào đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người khi cuộc sống còn khó khăn. Nhưng giờ đây, khi xã hội phát triển, điều kiện kinh tế đầy đủ hơn thì người ta không chỉ là ăn Tết cho no nữa mà bắt đầu ăn cho sang và chuyển sang chơi Tết và cũng phải chơi cho sang. Vậy là nhà nhà, người người đua nhau tìm cái độc đáo nhất, to nhất, đắt nhất và biến ngày Tết thành một cuộc triển lãm khổng lồ về khả năng chi tiêu.

Bắt đầu từ những xoài thư pháp đến dừa mạ vàng 24k, bưởi hồ lô, tháp bánh bao đào tiên. Từ các loại cá hàng triệu đồng một cân, các loại saffron, đến những chậu hoa giá hàng trăm triệu, những cây đào hay cây quất giá cả tỉ bạc. Người bình thường thì cố gắng đổi cái xe gắn máy mới, người có tiền thì phải đổi con xe bốn bánh hạng sang nhất để chơi Tết. Nhưng có điều lạ là mỗi năm lại đẻ ra những xu hướng mới, những loại quả mới, cây mới, quà mới, nghe đều rất khủng từ xuất xứ đến thân thế, giá trị, và cứ thế người mua đu theo.

Anh bạn tôi, họa sĩ và nhà nghiên cứu văn hóa, đánh giá chúng ta đang có những phí phạm lớn trên phạm vi xã hội vì tính "sính" và tính "sĩ". Chúng ta sính ngoại, sính to và sính đắt. Coi đồ ngoại mới là đẹp, là hay, coi đồ to mới là đẹp và hoành tráng và coi đồ đắt mới là đẹp và giá trị.

Rõ ràng rằng cái đẹp không nhất thiết đi kèm với các tiêu chí to, đắt hay nhập khẩu, đó là chưa nói đến tính đại diện của các loại hoa, cây hay sản vật đó có liên quan với sự báo hiệu mùa xuân tới hay không, vậy mà chả mấy ai nhận ra, cả xã hội cứ như lên đồng.

Tính sĩ diện khiến chúng ta vung tay mua nhiều thứ đắt tiền không cần thiết trong ngày Tết chỉ để được đẹp mặt, thuê xe đắt tiền, mua bán đủ loại quà đắt tiền khi về quê, trang hoàng nhà cửa, quà cáp biếu xén. Có người về quê còn mua cả pháo bông bắn chơi cho đẹp. Thực ra với người phía nam, một cành mai vàng, một chậu cúc đại đóa, đối với người phía bắc chỉ một cành đào thắm, một chậu quất cũng đã đủ làm nên một mùa xuân.

Bàn về việc sang thì nó lại gắn với phông văn hóa. Mỗi một vùng miền có một phong tục tập quán đón Tết riêng, hiểu về văn hóa của cộng đồng mình và mua bán phù hợp nhưng tinh tế mới là sang. Sự sang trọng đôi khi nằm ở những thứ rất nhỏ bé và đơn giản. Chạy theo trào lưu, mua đồ khủng, đồ độc để trưng, không có hiểu biết về văn hoá thì chỉ chứng minh được một điều duy nhất là mình có nhiều tiền, không gì hơn.

Trong một cuốn sách, nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh có kể về một người chơi đào nổi tiếng trước kia là cụ Chí Thành, cụ có con mắt tinh đời, mỗi khi ra chợ hoa Tết là lại chọn được một cành đào tuyệt đẹp ai cũng khâm phục. Nhiều người lẽo đẽo đi theo cụ ngoài chợ, định bụng thấy ông cụ mặc cả cành nào thì mua hớt. Thế rồi thoảng cái đã không thấy cụ đâu, lúc gặp lại đã thấy tay cụ cầm cành đào đẹp nhất chợ. Cái chơi của cụ Chí Thành là "Cảm thần chi tượng", gặp được cái thần của hoa, đấy mới là cách chơi tuyệt nghệ, chẳng cần ganh đua với ai.

Nghệ sĩ Đào Trọng Khánh còn lo, người ta chặt cả cây, cả cành đào rừng khuân về trưng chật phòng khách, những cành chậm ra hoa, trơ trụi như một cây khô, phơi ra đến hết Giêng, phải thuê người khuân, vứt ra đường, khổ cho người dọn rác. Cứ chơi như vậy, chẳng mấy chốc mùa xuân về, rừng sẽ hết sạch hoa đào.

Phần bố tôi sau khi nhận hai chậu cây cảnh do các anh nhân viên cũ biếu thì rất trân trọng bày ra mép vườn như một món quà tình cảm nhưng không quên nhắc các anh, đối với gia đình chú thì đào mới là xuân nên các anh chỉ cần mang cành đào bé đến là chú vui rồi, tránh lãng phí, vừa mất tiền mà không phải là xuân nhé.

Với xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế, mọi đường biên giới vật lý rồi dần sẽ bị xóa mờ, cái duy nhất để người ta nhận biết giữa một quốc gia hay cộng đồng này với một quốc gia hay cộng đồng khác chính là văn hóa.

Trong khi các quốc gia lân cận đang nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa của mình để hấp dẫn khách du lịch thì chúng ta bằng cái "sính" và "sĩ" của mình lại đang đồng hóa mình với các quốc gia khác một cách lai căng. Hãy thử tưởng tượng xem thay bằng những chậu cúc đại đoá hay mai vàng đầy chật trên thuyền chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ, bằng đầy một thuyền những cây đu đủ, bưởi cảnh, cây hồ lô, hoa chuối hay cây "Hồng Lâu Mộng" thì nó còn là cái chợ Tết nữa không và ai còn muốn đến xem nó.

Mỗi con người chúng ta đều đang nắm trong tay quyền lực của việc đem lại hay làm mất đi bản sắc văn hóa của cộng đồng mình.

PHẠM VŨ TÙNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.