jeudi 12 juillet 2012

Pháp muốn tránh xung đột với Trung Quốc

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
Bài đăng : Thứ năm 12 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 12 Tháng Bẩy 2012 
 
« Pháp muốn tránh xung đột với Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh, khi nhận xét về chuyến công du của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Hồ sơ Syria và việc mở cửa thị trường các hợp đồng nhà nước là những vấn đề được hai bên đề cập đến.

Chuyến đi thăm Trung Quốc lần đầu kể từ khi nhậm chức của ông Laurent Fabius nhằm kế tục quan hệ đối tác chiến lược Pháp – Trung, nhưng với tân Ngoại trưởng Pháp thì với một cung cách đối thoại mới : Thẳng thắn, tìm kiếm cảm thông và đồng thuận thay vì đối đầu khi có những bất đồng.

Bên cạnh đó, ông Laurent Fabius cũng muốn làm quên đi thời kỳ gai góc hồi tháng Hai, khi đó ông là đặc sứ của ứng cử viên tổng thống François Hollande, đã không được bất kỳ nhân vật nào trong 9 thành viên Bộ Chính trị tiếp và đành phải rút ngắn chuyến đi. Lần này ông đã tiếp xúc hai khuôn mặt quan trọng nhất trong Thường vụ Bộ Chính trị, đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người sẽ kế nhiệm ông này là Lý Khắc Cường, mỗi cuộc hội đàm đều dài hơn dự kiến. Ngoại trưởng Pháp cho rằng Thủ tướng tương lai của Trung Quốc rất « cởi mở » và « sáng suốt » khi được hỏi, ông hình dung ra Trung Quốc như thế nào trong thập kỷ tới.

Ông Laurent Fabius cũng gặp gỡ người đồng nhiệm Dương Khiết Trì và cố vấn Quốc vụ phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc. Là một nhà ngoại giao lão luyện, ông Đới Bỉnh Quốc cam đoan rằng nếu ông biết được, thì ông Fabius đã được tiếp đón tử tế hơn trong chuyến đi trước. Một cách để cho biết là thời kỳ đã qua là do một sự lạc điệu trong nội bộ chứ không phải Bắc Kinh muốn thế.

Cuộc hội đàm với ông Đới Bỉnh Quốc kéo dài hơn so với thời gian dự kiến là 45 phút. Nhiều đề tài nóng bỏng đã được đề cập đến, đặc biệt là hồ sơ Syria. Trong khi Bắc Kinh nêu ra nguyên tắc bất di bất dịch là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, thì Paris cố gắng cho thấy vấn đề Syria có ảnh hưởng quốc tế. Chẳng hạn như tác động thấy rõ tại Liban, vụ chiếc chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi, và như thế cần có sự can dự của các cường quốc, trong đó có Trung Quốc. Nhưng theo Le Monde, các lý giải này vẫn chưa thể làm lay chuyển được phía Trung Quốc.

Một đề tài chủ yếu nữa là thâm hụt thương mại : Pháp nhập siêu đến 27,2 tỉ euro từ Trung Quốc trong năm 2011, chiếm 40% tổng thâm hụt. Trong giai đoạn châu Âu đang bị khủng hoảng, ông Fabius chờ đợi phía Trung Quốc « mở cửa một số thị trường hợp đồng nhà nước » nhằm tái cân bằng các trao đổi.

Theo Tân Hoa Xã, thì ngược lại Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu Pháp bãi bỏ các hạn chế trong xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao. Bắc Kinh rất quan tâm đến ngành hàng không và nguyên tử, mà Paris luôn nhắc rằng Pháp nắm toàn bộ công nghệ từ đầu đến cuối. Trung Quốc cho biết rất sẵn sàng trong mọi hình thức hợp tác liên quan đến nhiên liệu nguyên tử.

Le Monde thắc mắc, vì sao trong những cuộc hội đàm kéo dài như vậy với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà số phận của Patrick Devillers lại không được đề cập đến ? Người kiến trúc sư Pháp có quen biết với vợ chồng ông Bạc Hy Lai đang bị chính quyền Cam Bốt giam cầm từ tháng Sáu cho đến nay theo yêu cầu của Bắc Kinh, trong khi không hề có cáo buộc chính thức nào được đưa ra. Theo phía Pháp thì do không có trong chương trình thảo luận. Có những chủ đề nhạy cảm vì đụng chạm đến bộ máy trung tâm quyền lực Bắc Kinh đang chuẩn bị chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới.

Dù vậy, Pháp cũng nói rõ là cần bảo đảm các quyền của công dân nước mình. Hôm thứ Ba, chính quyền Phnom Penh cho biết Bắc Kinh yêu cầu đưa ông Devillers sang Trung Quốc để « giúp đỡ cho cuộc điều tra », và bảo đảm rằng ông sẽ không bị truy tố. Giải pháp này mở ra một lối thoát tránh các rắc rối ngoại giao, và Cam Bốt cho rằng giờ đây tùy ông Patrick Devillers quyết định.

Con gái cố Tổng thống Park Chung Hee ra tranh cử : Thatcher tương lai của Hàn Quốc ?

Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde đề cập đến sự kiện bà Park Geun Hye, con gái của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (Phác Chính Hy) ra tranh cử tổng thống năm nay. Bà có được sự ủng hộ vững chắc so với các đối thủ, tuy đối với những người cấp tiến và giới trẻ thành thị, bà Park là hiện thân của phe bảo thủ kiên định nhất.

Thông tín viên Le Monde tại Tokyo cho biết, bà Park Geun Hye đã loan báo việc ra ứng cử, khẳng định tham vọng trở thành Tổng thống thay chân ông Lee Myung Bak không thể ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp. Ngày 10/7 tại Seoul, bà long trọng tuyên bố : « Tôi có mặt ở đây hôm nay với quyết tâm hy sinh mọi thứ để biến Hàn Quốc thành một đất nước hạnh phúc, nơi mà mỗi giấc mơ của từng người trở thành hiện thực ».
Nếu chiến thắng, bà Park Geun Hye sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Bà hứa hẹn « dân chủ hóa nền kinh tế », « tạo các việc làm chất lượng cao » « thiết lập một hệ thống tương trợ xã hội theo kiểu Hàn Quốc ». Bà chỉ trích chính sách của Tổng thống đương nhiệm đối với Bắc Triều Tiên, và bày tỏ mong muốn « chấm dứt thời kỳ ngờ vực, đối đầu và bất định » giữa Seoul và Bình Nhưỡng để « xây dựng một bán đảo Triều Tiên tin cậy và hòa bình ».

Năm nay 60 tuổi, độc thân, nổi tiếng là kín đáo, dân biểu đảng Đại Quốc (GPN) – sau này trở thànhh Saenuri – tại đơn vị Daegu từ năm 1998, bà đã từng ra ứng cử tổng thống năm 2007 và chỉ thua phiếu ông Lee Myung Bak một ít. Việc ra ứng cử năm 2012 sẽ trở thành chính thức ngày 20/8 sau hội nghị sơ bộ của đảng, mà bà đang kiểm soát tuy không phải là chủ tịch, và hiện không có đối thủ. Hiện nay bà Park Geun Hye được đến 40% dân chúng ủng hộ, bỏ xa đối thủ đáng ngại nhất là Ahn Cheol Soo chỉ được có 20%.

Sự mến mộ của dân chúng dành cho bà, đa số là nhờ bà khéo duy trì được những hình ảnh đẹp trong quá khứ. Điều này không đơn giản, vì vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh người cha quá cố của bà. Là cựu sĩ quan trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, ông Park Chung Hee đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1961 và duy trì quyền hành cho đến khi bị ám sát năm 1979. Tuy điều hành đất nước với bàn tay sắt, nhưng cũng nhờ ông mà Hàn Quốc đã cất cánh về kinh tế.

Những người chống đối bà Park Geun Hye mỉa mai : « Để thu hút được sự hỗ trợ của công chúng, bà đã lợi dùng hình ảnh một cô bé mà cha mẹ đều bị ám sát, đơn độc và bị bỏ rơi ». Đối với thế hệ những người trên 50 tuổi, bà được xem như « một cô công chúa đã vượt qua được bi kịch ». Nhưng với giới trẻ thành thị, thì bà Park Geun Hye vẫn là « con gái một nhà độc tài », tiêu biểu cho phe bảo thủ kiên định nhất, như một Thatcher của Hàn Quốc.

Raul Castro và vòng công du các nước đồng minh cũ

Về chuyến công du mới đây của Chủ tịch Cuba, thông tín viên của nhật báo Le Figaro ở La Habana nhận định : « Castro kiếm chác nơi các đồng minh cũ ». Từ Bắc Kinh đến Matxcơva và trước đó vòng qua Hà Nội, vòng công du này có vẻ nặng ảnh hưởng của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Tờ báo điểm qua : Trong bốn ngày lưu lại Bắc Kinh, Raul Castro đã gặp gỡ ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, đạt được 8 hợp đồng kinh tế được ký kết và các món vay không lãi trong lãnh vực kỹ thuật và y tế. Cả hai chính phủ đều giữ bí mật về con số.

Tiếp đến, ông Raul Castro đến Việt Nam vào đầu tuần. Là đồng minh lịch sử của Cuba, nước sản xuất gạo quan trọng này là đối tác thiết thân đối với một đảo quốc mà thực phẩm chính của người dân là gạo. Sau đó ông đến Matxcơva để hội đàm với Vladimir Putin. Hai người đã đề cập đến việc hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư ; cũng như các dự án chung về năng lượng, giao thông và viễn thông.

Le Figaro nhận xét, chuyến đi của ông Raul Castro diễn ra vào thời điểm La Habana tìm kiếm một con đường đi, sau khi đã cho tự do hóa nền kinh tế vào tháng 9/2010. Nhiều nhà quan sát cho rằng lãnh tụ Cuba muốn đi theo mô hình của Trung Quốc hay Việt Nam. Ngược lại, Bắc Kinh lợi dụng quan hệ tốt đẹp của La Habana với các Nhà nước thiên tả tại Nam Mỹ để phục vụ cho quan hệ thương mại và nhu cầu năng lượng của mình.

Tờ báo nêu một vài ví dụ : ở Ecuador, Bắc Kinh tài trợ cho một nhà máy lọc dầu khổng lồ, còn tại Venezuela, xuất khẩu dầu sang Trung Quốc từ 39.000 thùng/ngày năm 2005 đã vọt lên 120.000 thùng/ngày trong năm 2008, và đến cuối năm nay có thể lên đến một triệu thùng ! Bắc Kinh đã cho Caracas vay 32 tỉ đô la trong năm 2010 và 2011, và Venezuela đã trở thành khách hàng mua vũ khí trung thành của Trung Quốc.

Đối với Nga, sau một thời kỳ lạnh giá, hai nước đồng minh cũ đã tiến gần lại từ chuyến viếng thăm La Habana của ông Dimitri Medvedev cuối năm 2008, và tiếp theo đó ông Raul Castro đã đến Matxcơva đáp lễ. Từ một năm qua, lượng du khách Nga đến Cuba tăng vọt, họ rất phô trương và ồn ào. Tuy nhiên người dân Cuba vẫn giữ lại ấn tượng tốt về người Nga và về thời kỳ Liên Xô cũ, đặc biệt là trong thập niên 80, khi họ vẫn còn được ăn uống đầy đủ và có thể đi nghỉ hè.

TRD Caribe, hệ thống siêu thị mini quốc doanh tràn ngập đầy hàng hóa Trung Quốc, từ các hộp thịt bò xay hiệu Jang Lui cho đến tivi hiệu Panda. Nhưng người Cuba lại tiếc nuối các sản phẩm « bôn-sê-vích » có chất lượng cao hơn. Một bác sĩ nhãn khoa ở La Habana cho biết : « Ông chú tôi vẫn sử dụng chiếc máy giặt Liên Xô cũ, và tôi có một quạt máy Liên Xô. Chúng rất bền, chứ không phải như hàng Trung Quốc. Tuần trước tôi mua một đôi giày hàng Tàu, ngay hôm sau gót đã bị gãy ngang, làm tôi thiệt mất 10 đồng peso chuyển đổi (8,30 euro), bằng phân nửa tháng lương của tôi ».

Tác giả mô tả, trong những chiếc guagua tức xe buýt, và taxi chở khách tập thể của thủ đô Cuba, những người ngoại quốc duy nhất là các cặp thanh niên Trung Quốc – có hơn một ngàn sinh viên Trung Quốc đến đây để học tiếng Tây Ban Nha.

« Đệ nhất tình nhân » Pháp đã kín tiếng hơn

Còn tại Pháp, nhật báo cánh tả Libération lại nói đến bà Valérie Trierweiler, người đang chung sống với Tổng thống Pháp François Hollande, hiện đang kín tiếng hơn. Trên tuần báo Le Point hôm qua, con trai của ông Hollande là Thomas Hollande đã khơi lại vụ xì-căng-đan mà bà đã gây ra.

Người luật sư 27 tuổi, con trai cả của ông François Hollande cho biết, Tổng thống Pháp đã sững sờ trước mẩu tin Twitter của bà Valérie Trierweiler ủng hộ đối thủ của bà Ségolène Royal trong kỳ bầu cử Quốc hội mới đây. Sự kiện này làm cho ông François Hollande rất đau buồn, đã phá hủy hình ảnh một con người bình dị mà ông đã dày công gầy dựng. Thomas Hollande tâm sự : « Tôi biết là thế nào cũng có ngày bà ấy gây ra một vụ gì đó, nhưng một cú kinh hồn như thế thì hoàn toàn không ngờ được. Thật là kinh dị ». Và anh nhận định về vai trò của bà Valérie Trierweiler, cho rằng bà cần phải chọn lựa : « Đó là một nhân tố bất ổn. Hoặc là bà ta làm công việc nhà báo, hoặc là đóng đô ở điện Elysée ». 

Libération nhận xét hiện nay bà Valérie Trierweiler đã vắng bóng trong các chuyến công du của Tổng thống Pháp, mà mới đây nhất là cuộc hội ngộ Nữ hoàng Anh hôm thứ Ba. Theo tờ báo thì ông François Hollande sẽ thổ lộ ít nhiều về xì-căng-đan vừa rồi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhân Quốc khánh Pháp 14/7 tới đây.

tags: Châu Á - Chính trị - Ngoại giao - Pháp - Trung Quốc - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120712-phap-muon-tranh-xung-dot-voi-trung-quoc
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.